Trang web trannhuong.com được chính thức trình làng, hoà mạng internet từ ngày 12-12-2006. Theo nhà thơ Trần Nhương nhớ lại thì hồi đó làng văn nước ta còn rất hiếm người có web riêng. Ông kể: Thấy nhà văn Vũ Hồng trong Bến Tre, nhà văn Thái Bá Tân có con web vừa đưa thơ văn vừa hướng dẫn học tiếng Anh, tôi ngỏ ý hỏi thăm đường đi nước bước. Tôi được Thái Bá Tân giới thiệu một chú sinh viên công nghệ thông tin. Thế là tôi vào cuộc...
Trần Nhương đã tâm sự về chuyện buồn vui nuôi con web của mình: Những ngày đầu hệt như anh mới mua điện thoại di động chỉ mong có chuông reo để được alô. Sáng dậy rõ sớm mở trang web của mình xem có ai ngó ngàng gì không. Lác đác có người ghé thăm. Đồng hồ tự động báo số lượt truy cập trên web rụt rè từ ba bốn người rồi lên số chục số trăm. Cũng không biết bằng cách nào mà bạn bè bà con người Việt mình ở các quốc gia biết đến trannhuong.com mà vào đọc. Sau hai năm thì đã có gần 1 triệu lượt người truy cập, hầu hết các quốc gia trên thế giới đề ghé thăm. Số nước ngoài truy cập nhiều là Đông Âu, Mỹ và Canada, Pháp. Thú vị quá cái đường truyền vĩ đại đã liên thông toàn cầu không phải hải quan, hộ chiếu gì, cứ bấm một cái là vào thăm nhau thoải mái. Khi có con web tôi mới thấy sức mạnh của internet, nó kéo trái đất gần nhau như cô nàng bên hàng xóm. Bây giờ thì hàng ngày trung bình chừng 4000 lượt ghé thăm trannhuong.com. Vì kinh tế có hạn nên tôi chỉ giám thuê gói hosting chừng 1000mb mỗi tháng mất độ 200 ngàn đồng kể cả mua tên miền. Nhưng cứ đến cuối tháng là hết chỗ nên con web không vào được. Lại phải gọi điện cho kỹ thuật xin tăng thêm băng thông. Chả biết còn cách nào thì nhịn vài món tiêu, từ năm 2009 tôi thuê gói hosting lên 3000MB cho hoành tráng. Bạn bè yêu mến nên không nhẽ không rộng cửa đón chào. Thế là chàng thi sĩ nghèo bây giờ như anh trưởng thôn “vác tù và hàng tổng”, phục vụ bà con miễn phí.
Dưng mà nhà cháu sướng, nhiều bạn đọc hơn, giao lưu tít tận bên trời Tây. Mỗi lần web trục trặc là bao nhiêu điện thoại, tin nhắn của bạn bè hỏi lý do vì sao không vào được trannhuong.com. Nhiều bạn còn lo cho chủ web hay bị “oánh”. Tôi lại phải trả lời mình làm gì mà người ta đánh, toàn chuyện văn chương và tếu vui, đôi khi có phản biện nhưng với tinh thần xây dựng. Mà nói thật ai thèm chấp cái anh văn nhân hạng bét như mình.
... Nhiều chuyện vui buồn chủ web, nhưng tựu chung thế giới mạng đã cho chúng ta rất nhiều tiện ích, cho nhà văn chúng ta thân gần với bạn đọc, nắm bắt được thị hiếu và nhu cầu của họ. Hiện nay nhiều nhà văn có website, có blog đã tạo thành một phương tiện xuất bản có tính cập nhật đời sống rất hữu ích…Trang web thật sự là một diện mạo của chủ nhân, không phải thế giới ảo mà anh có thể viết gì cũng được. Giữ được bản ngã của mình, giữ được chân người đọc không phải dễ. Hồi năm ngoái tôi và 4 nhà văn đi Mông Cổ, đi đến đâu tôi cũng có bài viết, chụp ảnh và kịp thời cho lên web nên gia đình tôi và gia đình các thành viên hàng ngày vào web của tôi là biết được mọi chuyện của người đi xa.
Ngày xưa các cụ bỏ bút lông sang bút sắt là một cuộc cách mạng. Ngày nay các nhà văn bỏ cây bút bi, bút máy để gõ trên bàn phím là một cuộc đại cách mạng chưa từng có. Rất ngạc nhiên là nhiều văn nhân còn ngoảnh mặt đi với công nghệ thông tin, đó là một thiệt thòi và tụt hậu không sao bào chữa được…
Lucbat.com