Trang chủ » Viết về Trần Nhương

Trần Nhương tôi là nhà thơ già, họa sỹ trẻ

Ngọc Hà
Thứ hai ngày 1 tháng 1 năm 1900 12:00 AM

 

 

Với niềm say mê hội hoạ từ rất lâu, nhà thơ, hoạ sỹ Trần Nhương, đem những nỗi niềm của mình không gửi được trong thơ gửi vào tranh. Từng bức tranh của anh, người xem thấy ngoài ý tưởng về bố cục, sự mạnh bạo trong cảm xúc, sự tinh tế trong từng đường nét, còn có cả những đam mê của một người ngoại đạo. Trước khi đến với cuộc triển lãm "Nhà văn vẽ" lần này, nhà thơ Trần Nhương đã có lưng vốn, đó chính là hai cuộc triển lãm riêng và hai cuộc triển lãm chung. Năm 1998, sau bao nhiêu đắn đo, anh trình với mọi người bằng cuộc triển lãm "Nhà thơ vẽ". Cuộc triển lãm này, trước tiên nhận được sự tò mò của mọi người, sau đó cũng có nhiều người khen chê. Anh tâm sự: "Người khen nhiều hơn, không biết có phải họ ưu ái vì mình là người ngoài nghề không?". Nhưng đến năm 2003, khi triển lãm "Thi hứng" diễn ra thì mọi người đã nhìn anh với một con mắt khác, không chỉ là sự ưu ái dành cho một nhà thơ vẽ nữa, còn là sự ngạc nhiên về một bút pháp hội hoạ rất rõ trong tranh của Trần Nhương. Đến với cuộc triển lãm lần này, ban đầu đơn thuần chỉ là nhân dịp Đại hội Hội Nhà văn muốn tổ chức một cuộc triển lãm để anh em văn nghệ sỹ khắp mọi miền về được gặp gỡ nhau, nhưng sau lại ngại vì sợ những điều mẫn cảm nên cuộc triển lãm bị lùi thời gian. Tuy người khởi xướng đầu tiên không phải là Trần Nhương mà là nhà văn Hoàng Minh Tường nhưng anh đã hào hứng và thúc đẩy công việc bằng cách làm công văn mời các nhà văn vẽ. Tất nhiên là có nhiều người từ chối, vì lý do nọ, vì lý do kia. Song cuối cùng vẫn còn có năm nhà văn nhà thơ đồng ý cùng tổ chức một cuộc triển lãm với tên gọi "Nhà văn vẽ".

"Năm nhà văn chúng tôi thường nói chuyện với nhau: Trong văn bọn mình còn dữ dằn hơn trong hội hoạ. Trong hội họa chúng mình là những người hiền lành. Có thể nói đó là mảnh đất mới, và những người mới đến thường rất rụt rè, đấy là tâm trạng chung thôi. Thêm vào đó, nhà văn cũng là những người hiền lành. Chỉ có điều do yêu cầu của cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề khiến nhà văn với trách nhiệm công dân của mình phải lên tiếng. Nhà văn ngày càng phải đối mặt hơn với cuộc sống thường nhật của chính mình và của xã hội". Với anh, vẽ tranh không vì cái gì câu thúc, không vì bán tranh

để tăng thu nhập. Trong khi đó phải bỏ ra khá nhiều tiền để nuôi cái ý thích của mình. Nào là tiền màu, tiền toan, tiền khung tranh... mà lương công chức, lương nhà thơ thì đâu có dư dả gì. Trên tất cả những điều đó anh cũng thường nhủ lòng mình: đã có duyên thì cứ theo, và cố mà theo thôi. Vả lại anh cũng cho rằng: Các ngành nghệ thuật đều có thể giao lưu lẫn nhau, một anh làm thơ vẫn có thể làm mỹ thuật, người hoạ sỹ vẫn có thể làm văn chương. Điều đó chỉ có làm cho đời sống phong phú hơn mà thôi. Chả thế mà anh dành khá nhiều thời gian cho việc "tập" làm hoạ sỹ. Khi còn bé, anh đã theo học thầy Phạm Thế Song, chỉ là học vào những buổi tối, nhưng cũng ít nhiều biết được những điều cơ bản, những đặc trưng riêng của ngành. Rồi đến khi vào bộ đội cứ thích vẽ ký hoạ. Để tặng bạn bè, để ghi lại những ngày ở rừng, gắn bó với rừng. Về sau là một giai đoạn dài vẽ xong để đó. Cứ lúc nào rảnh rỗi anh đều cầm cọ tuỳ hứng vẽ, vẽ rồi xoá, vẽ rồi xoá nhưng ngày nào không ngồi trước giá vẽ thì thấy khó chịu lắm. Anh nói: Là người làm văn học nên đến với mỹ thuật cũng khá gần gũi, mình láng sang vẽ là để có những phút giải lao, phút thư giãn, được tự do tung tẩy, được tự do vẽ. Làm như chơi nên rất thoải mái. Có lẽ chính vì thế mà trong những bức tranh của anh người xem chủ yếu thấy một màu sắc dịu mát, rất ít những màu mạnh, màu nguyên chất. Pha trộn nhiều màu, tạo nên sự hoà hợp ở nhiều mảng màu, mọi người đùa với nhau rằng màu sắc phù hợp với tính cách nhỏ nhẹ của Trần Nhương. Anh chẳng tự ái chút nào, mà coi đó là một nhận xét rất chính xác. "Thì đúng là xem những bức tranh cũng một phần thấy được cái văn của mình, tính của mình. ít hình khối, đường nét gồ ghề; sự nhẹ nhàng uyển chuyển có phần thơ mộng, tôi muốn người xem tranh cảm nhận và cùng tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng, dịu dàng trong từng nét vẽ của tôi. Cái tươi mềm, chính là điều mà một nhà thơ như tôi muốn dành tặng cho mình, cho mọi người và cho cuộc đời.

Nhiều người hỏi anh: Vẽ bây giờ như là mốt của các nhà văn, không chỉ chiếm lĩnh địa hạt này mà muốn tiến thẳng đến địa hạt khác? Không ngập ngừng anh trả lời: Mốt, quan niệm như thế thì mốt đấy chỉ tồn tại trong một tháng, một năm, chứ không có cái mốt nào có thể đeo đẳng hàng chục năm được. Chỉ có sự đam mê, chỉ có một tình yêu thực sự với nó thì người ta mới bỏ ra nhiều khoảng thời gian quý giá của mình mà thôi. Và không riêng gì tôi, cả những người bạn văn bạn vẽ của tôi như anh Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Minh Tường hay chị Đoàn Lê đều muốn khẳng định mình ở lĩnh vực mới mẻ: hội hoạ. Đó chẳng phải là điều quá to tát, chỉ là những sinh hoạt bình thường của một người làm công tác nghệ thuật. Nghệ thuật không phải của riêng ai, và lại chẳng hề cấm đoán ai cả. "Nếu tranh của Hoàng Minh Tường hồn nhiên, trong trẻo dùng nhiều màu nguyên chất, hơi ngô nghê, có nhiều nét

đáng yêu (Như bộ tranh Thị Nở, Chí Phèo); Đoàn Lê hơi bài bản, có đôi nét ảnh hưởng, lệ thuộc vào sách vở, có thể một phần do điều kiện sống ở Đồ Sơn không bắt nhịp hết với sự sôi động, đổi thay của ngày hôm nay, nhưng là một phụ nữ chị lại có những nét kỹ lưỡng, tinh tế riêng, có sự cảm nhận riêng rất phụ nữ nhất là thích vẽ về người phụ nữ; Đỗ Minh Tuấn với những tranh xé giấy tỏ ra có nghề, thâm trầm, và đúng là một anh làm điện ảnh, nên bố cục lớp lang, có sắp đặt cẩn thận; Nguyễn Quang Thiều, ấn tượng nhất ở màu sắc mạnh, bố cục lạ, những bài thơ của anh được màu sắc thể hiện, có nhiều lúc bùng nổ; và Trần Nhương trong 32 bức tranh cho người xem thấy sự mơ mộng, dịu dàng và tươi rói như những tứ thơ". 89 bức tranh trong cuộc triển lãm lần này, càng khẳng định thêm mỗi người không ai giống ai, cả trong văn lẫn hội hoạ, xem tranh ai biết người đó ngay.

Nói như thế không có nghĩa là trong cuộc chơi, cuộc đam mê của mình, anh và những người bạn không gặp những khó khăn. Cũng là khó khăn chung, bước sang một lĩnh vực khác, với anh, vẽ trước tiên là cảm hứng, là giải toả chính bản thân mình chứ không hiểu nhiều về bút pháp, về nghệ thuật. Song chính bởi điều đó mà mọi người gọi năm nhà văn này là "những nhà văn gần già, những hoạ sỹ trẻ". Cuộc hành trình đi cùng hội hoạ của anh còn dài, anh còn dự định cứ năm năm lại tổ chức cho riêng mình một cuộc triển lãm. Giữ được nét hồn nhiên của mình, và tự làm mới mình dần dần qua thời gian và kinh nghiệm là điều mà nhà thơ, hoạ sỹ Trần Nhương suy tư nhiều nhất.q

Trần Nhương:Tôi là nhà thơ già,là họa sĩ trẻ