Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÀN BÀ ĐẮT LẮM

Lê Bá Thự
Thứ năm ngày 2 tháng 3 năm 2017 2:46 PM





 

Hiện nay, vào lúc 13h, 19 và 23h hàng ngày trong tháng 2 và tháng 3 năm 2017, Đài tiếng nói Việt Nam VOV2 và VOV3 đang diễn đọc tiểu thuyết lịch sử về Ai cập cổ đại “Pharaon” của nhà văn Ba Lan Boleslaw Prus, bản dịch bộ mới 2017 của Lê Bá Thự. Xin giới thiệu cùng các bạn bài “Đàn bà đắt lắm” của Lê Bá Thự, viết về ba cuộc tình của Đức Pharaon trẻ tuổi, Ramzes XIII trong tiểu thuyết này.

Pharaon là bộ tiểu thuyết lịch sử viết về cuộc đấu tranh giữa vương quyền và thần quyền tại Ai Cập cổ đại hồi thế kỉ XI trước công nguyên. Ramzes XIII – nhân vật chính của tiểu thuyết, là một ông vua nung nấu ý chí và tham vọng canh tân đất nước, nhưng “lực bất tòng tâm”, lại đam mê sắc dục và phạm lắm sai lầm, cho nên rốt cuộc đã chịu thất bại. Ba cuộc tình của Ramzes XIII chẳng những không mang lại hạnh phúc cho chàng, mà trái lại, đã trở thành những tấn bi kịch của vị vua trẻ tuổi này. Vậy động cơ và thực chất của ba cuộc tình này là gì?

Năm hai mươi tuổi, Cham-sem-merer-amen-Ramzes được vua cha chọn làm hoàng thái tử, tức người kế vị ngai vàng Ai Cập. Chàng trai khoẻ như bò thiến Apis, dũng mãnh như sư tử, thông thái như các tăng lữ và vốn đam mê binh mã từ thuở ấu thơ bèn tâu lên pharaon, tức đức vua cha, xin phong cho mình được làm chủ tướng đạo quân Menfis. Pharaon phán, ngài sẽ làm như vậy khi hoàng tử kế vị chứng tỏ được rằng, chàng đủ tài khiển binh ngoài trận mạc. Và để thử tài của hoàng thái tử, Hội đồng tối thượng đã quyết định tổ chức một cuộc trận giả dưới sự giám sát của thượng thư bộ binh Herhor, đại tư tế của ngôi đền lớn nhất nước, người có quyền hành như tể tướng. Cuộc hành binh đang điễn ra suôn sẻ thì có tin báo là có hai bọ hung đang lăn một viên đất tròn ngang qua quan lộ. Bởi ở Ai Cập bọ hung là biểu tượng của thần mặt trời, cho nên để tránh dẫm đạp lên bọ hung thiêng, Herhor ban lệnh không được hành quân trên quốc lộ nữa, mà phải đi vòng qua hẻm núi. Bất bình trước mệnh lệnh làm chậm trễ cuộc hành binh, hoàng thái tử Ramzes kéo theo Tutmozis, người bạn chí thiết của mình, leo lên đồi tiêu khiển. Tại vườn đồi Ramzes tình cờ gặp một tuyệt sắc giai nhân: “Quả đúng là một cô gái xinh đẹp, có gương mặt của thiếu nữ Hy Lạp, da trắng ngà. Bên dưới tấm mạng che mặt là mái tóc đen, dài, tết đuôi sam. Nàng vận trên người bộ y phục trắng, dài thướt tha, tay nâng một bên lên; dưới cái yếm trong suốt thấy nhô lên đôi vú trinh nữ, như hai quả táo”. Đó là cô gái Do Thái, nàng Sara, con gái của Gedeon, làm quản gia tại điền trang. Nàng Sara xinh đẹp ngay tức khắc hút hồn chàng hoàng thái tử, đến nỗi anh chàng cởi chuỗi báu khỏi cổ quăng vào người Sara, đoạn nói: “Nàng hãy đem về biếu cha nàng, hãy thưa với người rằng, ta đã mua nàng…”. “Chàng thái tử hôn lên môi nàng say đắm, còn nàng ôm lấy chân chàng. Thái tử bứt ra, chạy vài bước, rồi lại quay trở lại, lại âu yếm hôn lên đôi má xinh và mái tóc đen nhánh của nàng, tuồng như chẳng hề nghe thấy dư âm sốt ruột của quân lính mình”. Ngay sau cuộc tập tụân , Ramzes phái Tutmozis đi gặp thân phụ Sara để mua nàng. Và ông lão Gordon đã thuận ý bán con gái mình với giá: “một điền trang, hai talent tiền mặt mỗi năm, mười con bò sữa, một con me đực, một chuỗi vàng và một vòng vàng, trao một lần”.

Đó là cái giá bằng tiền mà Ramzes phải trả cho cuộc tình đầu tiên của mình. Cái giá tiếp theo mà Ramzes phải trả đã gây nên nỗi thất vọng to lớn cho chàng và khai mào cho mối hận thù của chàng với quan thượng thư Herhor và giới tăng lữ nói chung. Bởi lẽ ngài thượng thư Herhor viện cớ, Ramzes bỏ mặc binh sĩ đang hành quân, leo lên đồi tán gái, để tâu lên pharaon, xin đức vua chưa vội trao chức chủ tướng đạo quân Menfis cho Ramzes. đến nỗi khi vào hầu vua cha sau cuộc trận giả Ramzes đã uất ức nói: “Con đã nhận ra, họ chưa thoả mãn với niềm kiêu hãnh và quyền bính của mình. Và nhất định con sẽ chặn bàn tay họ lại… bởi vậy ngay từ bây giờ họ đã là kẻ thù của con… Herhor không ưa trao cho con dù chỉ một đạo binh, bởi vì ông ta mưu toan thâu tóm trong tay mình toàn bộ quân đội…”. Ngay từ những trang đầu của tiểu thuyết, Boleslaw Prus đã hé lộ cho thấy tín hiệu của cuộc đấu tranh quyết liệt giữa vương quyền và thần quyền. đồng thời tác giả cũng phần nào cho thấy tính cách của hoàng thái tử Ramzes và vị thế của ngài đại tư tế quyền cao chỉ sau pharaon - thượng thư Herhor.

Về ở điền trang của hoàng thái tử Ramzes, thoạt đầu Sara vừa sợ vừa xấu hổ. Sara nghĩ: “Chẳng có tiền của nào, chẳng có cái giá nào của cuộc đời có thể khiến nàng rời bỏ Ramzes, song chẳng thể nói nàng yêu chàng trai này trên cõi trần. Tình yêu cần tự do và thời gian để tặng cho nhau những đoa hoa tuyệt mĩ, vậy mà nàng chẳng có được thời gian, cũng không được tự do. Hôm nay vừa gặp thái tử thì ngày kia người ta đã bắt nàng ra đi mà hầu như không hỏi ý kiến nàng, rồi đưa nàng về một biệt thự ở ngoại ô Memfis. Và chỉ mấy ngày sau đó nàng trở thành một tì thiếp, nàng lấy làm lạ, nàng sợ sệt, không hiểu chuyện gì đang xẩy ra với mình…” . Thực ra Ramzes vẫn nói, nàng là nguời đàn bà quý giá nhất đối với chàng. Có điều lời nói đó vẫn chưa làm cho Sara yên tâm; nó chỉ mang lại độc nhất một hậu quả là Sara quyết định không nghĩ gì khác ngoài chuyện tình của mình. Còn ngày mai cái gì sẽ đến, điều đó không quan trọng. Khi ngồi bên chân thái tử nàng hát bài ca về những nỗi buồn đeo bám con người từ lúc nằm nôi cho tới lúc xuống mồ là nàng đã nói lên nỗi long mình và niềm hy vọng cuối cùng của mình – vào Chúa. Giờ đây Ramzes thường lui tới với nàng, vậy là nàng có đủ; nàng có hết thảy mọi sung sướng mà cuộc đời khả dĩ đem lại cho nàng. Song chính điều cay đắng nhất đối với nàng lại bắt đầu từ đây. Thái tử chung sống cùng nàng dưới một mái nhà, cùng nàng dạo quanh vườn, thi thoảng chàng lấy thuyền thoi chở nàng đi ngoạn cảnh trên song Nin. Song đối với nàng, dù chỉ một sợi tóc thôi cũng không được đụng tới, khi thái tử đã hiện diện bên kia sông, trong khuôn viên hoàng cung. Thái tử đi bên nàng song lại nghĩ về chuyện khác, còn Sara không tài nào hiểu nổi – đó là chuyện gì. Chàng ôm nàng, vuốt ve mái tóc nàng, song mắt lại nhìn về phía Memfis, nơi có ngọn tháp cao lừng lững của cung điện pharaon. Thỉnh thoảng, ngay đến câu hỏi của nàng thái tử cũng không đáp lại, hoặc thình lình trố mắt nhìn nàng như người vừa tỉnh dậy, cứ như là bị sửng sốt khi thấy có nàng đi bên mình. Sara cảm nhận, giữa nàng và hoàng thái tử có một cái hố vô hình ngăn cách, nàng đâu có biết chàng hoàng tử đi bên nàng đang nung nấu chí lớn trong đầu.

Bà hoàng hậu Nikotris chẳng vui vẻ gì khi hay tin Ramzes đưa Sara về điền trang của mình, bởi đó là một cô gái Do Thái. Theo hoàng hậu, người Do Thái đã từng mang ra khỏi Ai cập chẳng những những lượng của cải cực lớn mà cả lòng tin vào Thượng đế và các quyền thiêng liêng của người Ai Cập mà giờ đây họ công bố là quyền của họ. Hoàng hậu còn nói: “Con gái dân da vàng thà chết còn hơn chung chăn gối với người ngoại bang. Còn một khi họ hiến thân, ngay cả cho thủ lĩnh đối phương, thì chẳng qua chỉ là nhằm thu phục họ vì mưu kế của mình, hoặc để giết bỏ…”. Nói vậy, nhưng người mẹ cũng không ngăn cản nổi con mình, bởi Ramzes hám sắc đâu phải là anh chàng dễ dàng vâng lời phụ mẫu trong chuyện tình của mình. Và rồi Sara có thai, nàng không nói gì với thái tử. Theo lời hoàng hậu thì có thể do Sara xấu hổ, mà cũng có khi chính cô nàng không biết. Thái tử Ramzes lấy làm tự hào và sung sướng khi biết mình sắp được làm cha. Làm cha! Danh hiệu này sẽ khiến cho chàng có thêm uy thế, hỗ trợ cho công việc triều chính của chàng trên cương vị chủ tướng và quan nhiếp chính. Cha - tức không còn là một thằng bé phải lễ phép với người lớn tuổi hơn mình. Nỗi mừng của Ramzes càng được nhân lên gấp bội khi Sara sinh con trai. Thái tử cho đưa vợ con về Pi-Bast, dành cho Sara một biệt thự trong khu đẹp nhất cung viên và hầu như suốt ngày ngồi bên nôi con trai mình. Mọi ưu tư, phiền muộn trốn đi đâu hết. Ramzes nói với Tutmozis: “đệ nhớ lấy đôi tay bé bỏng này nhé, để đến một ngày nào đó đệ kể lại khi ta ban cho con ta một lữ quân và lệnh cho nó đeo vào người rìu chiến của ta… Và đây là con trai ta, con trai ta, con trai đẻ!”. Chỉ điều đó, dẫu là con trưởng của pharaon tương lai, song đứa trẻ này không có một chút quyền kế vị nào.

Cuộc tình của Ramzes với Sara là một cuộc tình hoàn toàn tình cờ và tự nhiên. Và thực ra chỉ có Sara là người duy nhất tỏ ra thuỷ chung với thái tử, thậm chí hi sinh vì thái tử, khi tự nhận mình giết con để tránh tai hoạ cho chàng. Một người mẹ hết lòng thương con, nhưng lại hành động như thế đủ biết Sara yêu thương và kính trọng thái tử như thế nào, mặc dầu có lần tuân lệnh thái tử, sang sáng Sara đã phải rửa chân cho Kama, phải dội nước cho Kama và nâng gương cho Kama soi. Sara quả là một con người biết nhẫn nhục. Cái chết bất đắc kì tử của Sara cho người đọc thấy, nàng cao thượng biết nhường nào, nàng đáng thương và đáng quý biết nhường nào: “Tiếng cười của nàng lịm dần. Thình lình, như kẻ bị phạt cụt hai chân, nàng đổ sụp xuống nền, tay giãy đành đạch, nàng tắt thở giữa lúc cười sằng sặc. Song trên gương mặt nàng vẫn còn đọng lại nét khổ đau ê chề mà ngay thần chết cũng không xoá nổi”.

Khi nói về người Fenixia đức vua cha đã dạy hoàng thái tử: “đó là dân sáng dạ, cần mẫn và quả cảm, song là đám con buôn: với họ cả cuộc đời gói gọn trong chuyện kiếm lời, lời sao cho thật nhiều, thật lớn!... Người Fenixia chẳng khác gì nước sông: mang tới nhiều mà lấy đi cũng lắm và chỗ nào cũng chui vào được. Cần cho họ thật nhiều, song trước hết phải cảnh giác để đừng cho họ lén lút vào Ai Cập qua các kẽ hở. Con mà trả cho họ hậu hĩ, lại còn cho họ hi vọng sẽ còn lời lãi hơn thế, thì họ sẽ là những điệp viên lợi hại cho ta. Những gì chúng ta biết được lúc này về rục rịch cơ mật của Axyria chính là qua họ”. Trên thực tế người Fenixia ở Ai Cập là đám thương gia, là các nhà tài chủ chuyên cho vay nặng lãi mà đại diện là Dagon, Hiram và Rabsun. Khi biết người Axyria tìm cách kí với Ai cập một hiệp ước có hại cho Fenixia, họ bàn mưu tính kế dùng tiền của và đàn bà phá hoại việc kí kết hiệp ước này. Họ chĩa mũi nhọn vào hoàng thái tử Ramzes, người sẽ kế vị ngai vàng Ai Cập, người đang cần tiền và ham sắc dục. Mưu kế tiền – tình được thực thi ngay tức khắc, nhằm xúi dục Ai cập mở cuộc chiến với Axyria với sự trợ giúp của người Fenixia. Chả thế mà Hiram đã trịnh trọng tuyên bố trước hoàng thái tử Ramzes: “Tôi xin thề với hoàng tử kế vị ngai vàng Ai Cập và pharaon tương lai rằng, khi nào ngài mở chiến cuộc với kẻ thù chung của chúng ta, thì toàn nước Fenixia muôn người như một sẽ trợ giúp ngài…”. Họ sử dụng Kama, nữ tư tế trông coi ngọn lửa thần tại đền thờ Astoreth, như một con bài trong việc thực hiện âm mưu này. Biết Ramzes là chàng hoàng tử tò mò và thích lạ, Hiram bố trí cho Ramzes đến đền thờ Astoreth để được chứng kiến “các vị thần linh trò chuyện với ta, đụng vào người ta ở các đền thờ là các vị nào”. Và hoàng thái tử đã đến. Nhìn hai ngọn lửa thần đang rực cháy trước tượng nữ thần Astoreth đầy huyền bí - một người đàn bà khổng lồ có hai cánh lông đà điểu, vận choàng bào dài, nhiều nếp gấp, đầu đội mũ nhọn, tay phải nâng đôi chim bồ câu, gương mặt đẹp và đôi mắt nhìn xuống mang nét dịu dàng và ngây thơ, thái tử hết đỗi ngạc nhiên, bởi đây là nữ thần bảo hộ trả thù và dâm ô truỵ lạc. Thái tử nghĩ: “Một bộ tộc lạ lùng! Những vị thần ăn thịt người của họ không ăn thịt người, còn nữ tư tế trinh nguyên và các nữ thần gương mặt ngây thơ như trẻ nhỏ lại trông nom cuộc sống truỵ lạc của họ…”. Thình lình một người giống hệt thái tử xuất hiện, người này biến đi thì trong chùm ánh trăng lọt vào nhà thờ xuất hiện một cô gái khoả thân tuyệt mĩ, thắt đai vàng quanh hông. Đó chính là nữ tư tế Kama, người có nhiệm vụ ngày ngày trông nom những ngọn lửa thần trong đền thờ, người sẽ bị tội chết nếu để mất trinh, người đã khiến thái tử thốt lên: “Ramzes mà có Kama bất kì lúc nào chàng gọi thì chắc là chàng chóng chán, có khi không thèm đeo đuổi cô nàng nữa cũng nên. Song cái chết đang chực chờ trên ngưỡng cửa loan phòng của nàng, gã ca công phải lòng nàng và sau chót việc một quan đại thần bị hạ thấp địa vị trước một nữ tư tế, tất thảy những thứ đó đã tạo nên một tình cảnh chưa hề có lâu nay đối với Ramzes, đó là sự quyến rũ”. Và chính vì lẽ đó, mười ngày sau đó, tối nào cũng vậy Ramzes che mặt giấu người đi đường, lui tới ngôi vườn của nữ thần Astoreth. Vốn cho mình là người có quyền chiếm đoạt bất kì sự ngưỡng mộ nào của đàn bà, Ramzzes bực tức và ghen tuông với bất kì kẻ nào được Kama để mắt. Chính máu hiếu thắng và ghen tuông đã khiến Ramzes lao ra khấu trường, tuốt gươm, ganh đua cùng Sargon đấu bò tót, một việc không nên làm đối với một hoàng tử kế vị ngai vàng. Khi về nhà trong đầu óc của thái tử vẫn còn ám ảnh hai tình tiết của đêm diễn: “Gã đàn ông Axyria đã cướp mất trận thắng bò tót, và hắn tán tỉnh Kama, kẻ tỏ ra vui mừng đón nhận những điệu bộ làm dáng của gã!”.

Khi cá đã cắn câu, người Fenixia đi tiếp một nước cờ nữa - hiến dâng nàng tư tế cho thái tử và đương nhiên chàng thái tử muốn có ngay cô nàng trong tư dinh của mình, “chẳng phải vì thiếu nàng chàng không sống nổi, mà vì lẽ, nàng là của lạ”.

Màn kịch Kama mất tích được tạo dựng. Cả thành Pi-Bast náo động bởi một tin đồn hết đỗi lạ kì. Kama, nữ tư tế của nữ thần Astoreth đã bị bắt cóc đưa đi và - bỗng dưng cô nàng biến mất, tựa hạt cát trên sa mạc vậy!... Người ta kể cho nhau nghe rằng: đại tư tế thủ đền phái Kama tới thành Xabne-khetam trên bờ hồ Menzaleh, mang theo lễ vật tiến dâng miếu thờ Asroreth tại đó. Nữ tư tế dùng thuyền thoi đi vào ban đêm đặng tránh nắng hè oi ả, tránh sự tò mò và vái lễ của dân chúng. Lúc mờ sáng, bốn người chèo thuyền thấm mệt chợt thiếp đi, thình lình từ vạt cỏ ven bờ, hai chiếc xuồng do những người Hy Lạp và người Chetia điều khiển lao tới, chúng vây thuyền rồi bắt cóc nàng Kama. Trận cướp nhanh đén nỗi mấy người Fenixia chèo thuyền không thể chống cự gì; chắc lẽ chúng bịt mồm nữ tư tế, bởi nàng chẳng kịp kêu cứu. Xong hành vi phạm thánh, bọn người Chetia và Hy Lạp biến vào mấy vạt cỏ rậm rồi tẩu ra biển. Để tránh bị truy lùng bọn hải tặc lật chìm chiếc thuyến thoi của đền thờ Astoreth.

Khắp thành phố dân chúng bàn tán độc mỗi chuyện này. Họ đoán non đoán già các thủ phạm. Một số người bảo đích thị Sargon, người Axyria, kẻ từng hứa ban cho Kama tước mệnh phụ, cốt sao cô nàng chịu bỏ đền thờ và cùng y chuồn về Niniwa. Một số khác lại ngờ Lykon, người Hy Lạp, từng là ca công đền Astoreth, vốn từ lâu đã mê Kama đắm đuối. Hắn cũng đủ giầu để có thể bỏ tiền ra thuê bọn cường đạo Hy lạp, hắn lại vô thần tới độ chẳng cần do dự chút nào trong việc bắt cóc nữ tư tế.

Không ngờ việc Kama ở tại tư dinh của hoàng thái tử lại là nguyên do của những chuyện rắc rối, dẫn tới quyết định vô lí và tàn nhẫn của Ramzes đối với mẹ con Sara và một kết cục bi thảm. Nữ tư tế nổi máu ghen Sara, tố giác con trai của thái tử do Sara đẻ ra mang tên Do Thái, có nghĩa là người Do Thái và đòi đuổi hai mẹ con Sara ra khỏi cung điện để cho mình được thế chỗ. Hơn thế nữa, máu ghen đã biến thành tội ác. Kama xúi Lykon, kẻ giống hoàng thái tử Ramzes như hai giọt nước, kẻ căm tức và ghen ghét thái tử đã chiếm đoạt Kama, người mà hắn cũng say mê đắm đuối, giết hại con trai của Sara và thái tử Ramzes.

Cuộc tình của Ramzes với nàng Hebron là một cuộc tình không tiền khoáng hậu. Nó được khai mào ngay trong lễ dạm hỏi của Tutmozis (người bạn chí thiết, cận thần của Ramzes) với nàng Hebron, con gái quan tổng trấn Antef, đệ nhất tiểu thư thành Teby. “Đặng tỏ lòng quý mến Antef và người bạn chí thân của mình, nhà vua bước lại chỗ Hebron mời nàng lại ngồi cùng bàn. Hebron quả là mĩ lệ, nàng làm cho con người vốn nhiều kinh nghiệm xao xuyến trong lòng…”. “Ramzes nhanh chóng nhận ra rằng, nàng chẳng hề để ý tới vị hôn phu của mình, thay vào đó cô nàng liếc mắt đưa tình về phía pharaon”. Chẳng cần úp mở, Hebron nói thẳng khi trả lời câu hỏi của Ramzes “Thế thì tại sao nàng lại đi lấy chồng?”: “Thiếp làm vậy là để chiều ý phụ thân, cụ nhất quyết đòi phải có người kế thừa danh thơm của mình… Song, muôn tâu bệ hạ, cái chính là vì bệ hạ muốn vậy…”. “Tiện thiếp ưng thuận kết hôn cùng Tutmozis… Bởi làm vậy tiện thiếp sẽ được gần thánh thượng, cho dù vài hôm mới được giáp mặt một lần, tâu thánh thượng…

Và thế là vị vua ham sắc dục đêm đêm tìm cách đến với người tình ở ngay trong cung viên hoàng gia:

“- Hebron đấy phải không?...

Một bóng người, cũng vận choàng thâm, vụt chạy lại. Người này sa vào lòng nhà vua đu hai tay vào cổ ngài thủ thỉ:

- Bệ hạ, bệ hạ đấy ư?... bệ hạ đấy ư?... tiện thiếp chờ lâu ơi là lâu…”.

Việc Ramzes để rớt chiếc áo choàng ngoài vườn là nguyên do của những chuyện rắc rối. Màn kịch vu khống Ramzes bị điên được dàn dựng cực kì hoàn hảo. Đến hoàng thái hậu cũng bị mắc lừa, tưởng đêm qua con mình trèo trên cành cây, bên ngoài cửa sổ: “Đó đích thị là hắn… con ta… thằng Ramzes”. “ - Phải!... ánh đèn chiếu rõ mặt hắn và người hắn… Hắn vận áo xiêm đai trắng và xanh… mắt trông khờ dại… hắn cười man rợ tựa thằng anh vô phúc của hắn…”. Nhưng Tutmozis vốn cảnh giác thì quả quyết:

“ – Đó không phải là Ramzes!... Đó là một người giống hệt thánh thượng, tên Hy Lạp khốn nạn, thằng Lykon… Đó là trò đểu của mấy kẻ đê tiện, Herhor và Mefres…”.

Trong giờ phút nước sôi lửa bỏng đối với vận mệnh vương triều mà Ramzes vẫn lẻn đến với người tình, vẫn nói những lời trăng hoa: “Ta ước được hoá thành cây lựu bên nàng… Cây có bao nhiêu cành thì ta thèm có được ngần ấy cánh tay, để ta ghì chặt lấy nàng… Có bao nhiêu phiến lá là bấy nhiêu bàn tay, có bao nhiêu bông hoa là bấy nhiêu đôi môi để cùng một lức ta có thể hôn mắt nàng, môi nàng, ngực nàng… Trên giường ta chẳng bận tâm tới ngai vàng. Chừng nào ta còn gươm thì ta còn quyền bính”. Pharaon đâu có biết việc tên tư tế trẻ thình lình xuất hiện, việc Hebron vờ ốm, việc tên Lykon chặn đường ngay sau lúc Ramzes rời biết thự của Hebron đều nằm trong mưu kế đã được các tư tế trù liệu từ lâu.

Cuộc tình của Ramzes với Hebron , thoạt tiên có vẻ do sự tình cờ, nhưng càng về sau ta càng nhận ra Hebron chẳng qua chỉ là một mắt lưới trong tấm lưới vô hình cực kì nguy hiểm của giới tăng lữ được giăng sẵn trên đầu Ramzes. Và như ta đã biết, tấm lưới này đã tạo nên tấn bi kịch chấm dứt cuộc trị vì ngắn ngủi và cuộc đời của Ramzes XIII, một ông vua nhiều tham vọng song lực bất tòng tâm và cuối cùng thần quyền đã thắng vương quyền.

Ba người tình của Ramzes XIII mà Boleslaw Prus xây dựng trong tiểu thuyết Pharaon là ba người tình tuy động cơ khác nhau, tính cách khác nhau, song tất cả đều là nguyên do dẫn tới tấn bi kịch của chàng, làm bộc lộ những sai lầm chết người của vị vua trẻ tuổi, ít từng trải, nhiều khuyết tật và lắm khi thiếu bản lĩnh này.

Đúng như đức vua cha Ramzes XII đã từng dạy con mình, một bài học lớn ở đời là: “đàn bà đắt lắm!”. cái giá Ramzes XIII phải trả cho cả ba cuộc tình của mình mới đắt làm sao! Âu đó cũng là bài học chung cho người đời.

LBT.


 ảnh: Hoàng tử kế vị Ramzes trong phim "Pharaon".