Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN XUÔI TRÊN MẢNH ĐẤT ĐỜI NGƯỜI

Nhà văn Thùy Dương.
Thứ hai ngày 27 tháng 6 năm 2016 3:31 PM



Tham luận tại Hội nghị LLPB lần thứ 4, Tam Đảo


 Có một câu hỏi lớn của nhà văn Hoàng Quốc Hải trong Hội thảo của Hội đồng văn xuôi rằng: Nhà văn – có đi cùng với nhân dân? Câu hỏi ấy khiến tôi nhớ đến tham luận của mình “Giao kèo của nhà văn” tại Đại hội VIII. Trong đó, tôi trích hai câu thơ của Paplo Neruda:

Tôi đã ký một giao ước ân tình cùng cái đẹp

Tôi đã ký một giao kèo xương máu với nhân dân!

Và tôi chắc chắn một điều, với các nhà văn chân chính giao kèo xương máu ấy chưa bao giờ nguôi quên, bằng chứng là các tác phẩm của họ luôn luôn nghiêng về nỗi khổ đau, cay đắng của nhân sinh.

Ở đâu đó có nhiều ý kiến bi quan. Tôi cũng vậy, có thể bi quan về một số vấn đề của xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, … Nhưng không có sự bi quan về văn học. Chúng ta đã có đủ độ lùi cần thiết và có đủ sự bình tĩnh để gạt đi lớp rác rưởi trên bề mặt văn chương, đào qua lớp đất đá để tìm ra vỉa vàng lấp lánh dù còn mỏng manh.

Sẽ có nhiều nhà phê bình, rất nhiều nhà phê bình đã đang và sẽ viết về văn xuôi từ đổi mới đến nay – tôi hy vọng thế. Họ sẽ đưa ra một cái nhìn hệ thống, bao quát và sẽ đúc kết được những thành tựu đáng kể và chính xác về một thời kỳ mà văn chương thay xương đổi thịt, lớn vụt lên theo một chiều kích khác trong lịch sử văn học.

Vâng – gánh nặng đó đặt lên vai các nhà lý luận phê bình. Là người sáng tác, tham luận của tôi muốn đề cập và cung cấp một góc nhìn của người trong cuộc. Tôi vẫn luôn cho rằng – sự trăn trở và thay đổi của mỗi cá thể sẽ làm sáng rõ nhất cái chung thay đổi. Từ cái riêng tư nhất, người ta càng tiến tới cái chung nhất. Để hòa vào với cái chung của nhân loại, ta càng cần phải nhìn thấy rõ nhất cái riêng biệt của chính mình.

Những năm 70-75 của thế kỷ trước thế hệ chúng tôi say sưa và “phát cuồng” – nói theo ngôn ngữ bây giờ, trước những tác phẩm văn học với “Chủ nghĩa Anh hùng ca cách mạng”. Mong muốn được sống theo những người anh hùng trong trang sách không phải chỉ là khao khát của riêng tôi. Bởi nếu không có ngày 30/4 lịch sử ấy, tôi và một số bạn bè có lẽ sẽ đi theo tiếng gọi “Cuộc đời đẹp nhất là trên mặt trận chống quân thù.” Tôi đã có lần nói nửa đùa nửa thật với nhà văn Lê Lựu và Lê Minh Khuê rằng – hồi đó nếu đủ tuổi tôi đã xung phong đi Thanh niên xung phong sau khi đọc “Mở rừng” và “Những ngôi sao xa xôi.” của hai người...! Vâng – may mắn sao khi chúng ta có ngày 30-4

Quả thực một thời kỳ hùng tráng và lãng mạn. Chắc chắn lịch sử khó có thể lặp lại sự bi tráng ấy một lần nữa!

Nhưng từ 1975 – 1986 và những năm tháng sau này là cả một chặng đường vật vã. Vật vã để sống trong một hoàn cảnh mới, một thế giới mới với những thay đổi chóng mặt, những biến chuyển mà ngay cả sự tưởng tượng cũng chưa chắc đã phong phú bằng và vật vã để tìm ra câu trả lời cho những gì trước đây vẫn định danh một cách rõ ràng như chỉ có đúng hoặc sai, đen hoặc trắng chứ không thể vừa đúng vừa sai, vừa đen vừa trắng.

· Văn xuôi và sự nhận thức lại

Tôi còn nhớ rõ những năm vừa chập chững bước vào văn chương thì gặp ngay một làn gió mới của văn xuôi. Những cái tên Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng...Những cây bút xuất sắc của một thời máu lửa, bỗng trở lại với những trăn trở, đầy tự vấn và phập phồng những dự cảm của thời đại. Cái không khí hào hùng, lãng mạn mang chất sử thi không còn nữa. Cõi nhân sinh và mỗi kiếp người được soi rọi bằng một thứ ánh sáng khác, buồn bã hơn nhưng chân thực gần gũi hơn và dặc biệt Người hơn. Người đọc dường như quay lại vồ vập với văn chương bởi chính họ cũng bắt đầu không còn quen với sự đơn giản, một chiều như trước nữa. Cuộc sống phức tạp đầy nghịch lý phơi bày tất cả các góc cạnh mà không dễ gì một sớm một chiều có thể sắp xếp lại. Con người với những ham muốn của nó bắt gặp một đời sống bộn bề ngổn ngang như vậy càng có cơ hội thể hiện dục tính của mình. Chính điều này là mảnh đất màu mỡ cho Văn Xuôi khai thác. Trong khi đó tự thân các nhà văn cũng thay đổi và có khao khát thay đổi - cách nghĩ, cách cảm, cách nhìn và cách viết. Bên cạnh đó là nhu cầu của độc giả - họ mong đợi được đọc, được gọi lên những gì mà cuộc sống mới mẻ, đầy mâu thuẫn này đang xô tấp vào, cuốn họ theo khiến họ nhiều khi chới với. Như một tất yếu phải đến – một loạt những tác phẩm và những cái tên mới mẻ - Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh... Họ đã mang đến sự nhận thức lại của văn chương, của những suy tư từ đời sống, của cái đẹp chắt lọc từ nỗi khổ đau và dung tục của kiếp người. Dường như những tác giả này đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Rồi ngay sau đó là một loạt những tên tuổi những cây bút lúc ấy còn khá trẻ nhưng trường sức. mỗi người một vẻ xộc thẳng vào đời sống đang bấn loạn, đang tan rã và đang tự hòa giải...để sinh ra những tác phẩm mang tính phản tỉnh và đòi hỏi cho quyền của con người. Tôi đánh giá cao sự trường sức bởi họ liên tục tiếp cho mình “nhiên liệu cuộc sống” để khám phá lại chính cuộc sống đó và sáng tạo không ngừng. Có thể kể ra một số tên tuổi như: Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Võ Thị Hảo, Nguyễn Việt Hà...Cùng một loạt các tác giả khác mà tôi không thể liệt kê ra hết. Đặc biệt những tác giả tưởng chừng như của thế hệ trước - Nguyễn Xuân Khánh, Lê Minh Khuê...đã trở lại đầy “nguy hiểm hơn xưa...”

*Ý thức cái tôi, ý thức về tự do.

Ra khỏi chiến tranh, không còn những quy định ngặt nghèo của thời chiến nhưng chưa có đủ một phương cách sống trong thời bình với sự đòi hỏi mãnh liệt của cái Tôi bị dồn nén lâu nay, con người nhiều khi mất phương hướng và trở nên bản năng nhất. Xã hội thì đang trong giai đoạn tìm kiếm một thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa vừa khách quan, khoa học mà vẫn có đủ sức mạnh để điều khiển chính xã hội mới mẻ này.

Nhưng lối sống thực dụng, bầy đàn đã hình thành và chiếm lĩnh xã hội. Ngay cả giới trí thức – tinh hoa nhất thì cũng dễ bị trà trộn, bị tráo đổi và cũng dễ dàng chạy theo thời thượng... và trong lúc con người dường như tự cởi trói mình khỏi cả chuẩn mực xã hội đề cao những dục vọng cá nhân, tôn sùng cái Tôi của mình thì văn xuôi - trong lúc đào sâu đến cùng cái Tôi của nhân vật và của chính tác giả, thì vẫn khao khát đi tìm những cái mới, cái khác lạ trong cái Tôi tràn ngập và nhan nhản như thế.

Một sự kiếm tìm nhọc nhằn và chẳng bao giờ có hồi kết.

Trong khi đi tìm cái Tôi, nhà văn luôn động chạm và ngày càng ý thức với sự tự do của nhân vật cũng như của chính người viết.

Nhưng tự do còn có nghĩa là - tôn trọng tự do của mình nhưng không được xâm phạm đến tự do của kẻ khác! Ranh giới rất rõ ràng nhưng cũng đầy mỏng manh và trong cuộc sống việc nhân danh thứ tự do này để chà đạp lên tự do kia là điều không hiếm gặp và trong nhiều tác phẩm của các nhà văn thời đổi mới, dù ở dạng này hay dạng khác ta đều bắt gặp. Còn tôi – trong cả trải nghiệm lẫn những trang viết của mình đều tâm đắc câu nói của Kant: “ Tôi càng suy ngẫm nhiều thì có hai điều càng làm cho tâm hồn tôi kinh ngạc và tôn kính hơn là: Bầu trời ở trên đầu tôi và quy tắc đạo đức ở trong tôi”.

*Thân phận con người và nỗi bơ vơ về tinh thần.

Năm tôi 14 tuổi, gia đình tôi có người chú tự tử khi còn rất trẻ, bỏ lại người vợ và hai con thơ dại. Khi người ta khênh chú ấy lên để đặt vào quan tài, tôi vẫn nhìn thấy qua khe mắt he hé, đôi con ngươi của chú đưa qua đưa lại đầy ngạc nhiên. Nghĩa địa trồng toàn một loại phi lao, gió thổi vi vút, tạo nên những thanh âm xa xôi mà huyền hoặc. Tôi ngửa cổ nhìn lên bầu trời mênh mông màu ghi sữa, tìm sự cắt nghĩa cho cả sự sống và sự chết. Vậy mà không một dấu hiệu nào, một sự hiển linh nào! Chỉ có tôi tưởng tượng – sau bức mành xám nhạt ấy có một đôi mắt khổng lồ - uy nghi và huyền bí, bình thân và vĩnh hằng! Không hiểu sao tôi cứ nhớ mãi, ghi dấu vào trong óc mình cảm xúc và sự tưởng tượng ấy. Tôi vẫn nghĩ có thể chính điều ấy và nhiều điều khác nữa đã dẫn tôi đến với văn chương và đi tìm đức tin cho mình!

Nhưng giờ đây, chưa bao giờ người ta thờ ơ với những vấn đề đích thực của cuộc sống đến thế. Sự thế tục hóa triệt để, giải thiêng triệt để đã dẫn đến sự lạc lõng và bơ vơ trong tinh thần. Sự bơ vơ này thể hiện rõ nhất ở chỗ cội rễ về tôn giáo từng bị cắt đứt từ nhiều năm trước, trong những sai lầm của một thời. Người ta đập bỏ đền, chùa, buông sông tượng Phật, Chúa Jesu … và “khẳng khái” viết chữ “Không” to tướng trong mục tôn giáo của lý lịch mình. Con người đã chối bỏ Thượng đế, tự cho phép mình như một Thượng đế mới, ngạo nghễ thách thức cả thiên nhiên, không biết sợ và cho phép mình làm những điều ác một cách thản nhiên. Sự rối loạn, bất an trong xã hội là những chỉ dấu rõ nhất về những tật bệnh tinh thần! Không có đức tin thật sự nên con người chỉ biết đổ xô theo nhau, cuống quýt một cách mù quáng với ồn ào cầu xin, lễ lạt và lễ vật nhiêu khê... Trong khi để đến với đức Phật hay đức Chúa chỉ cần một tấm lòng thanh sạch, hướng thiện, tránh xa điều ác và những lời cầu nguyện kín đáo, âm thầm. Trong cuốn tiểu thuyết đang viết của mình, tôi đã chọn đề từ trích lời của Chúa Kito: “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, chỉ có kẻ ốm cần thôi. Ta muốn sự thương xót chứ không muốn lễ vật – vì Ta đến không phải để gọi kẻ lành, mà là để gọi kẻ có tội”.

(Phúc âm theo Thánh Mathew)

Tôi cho rằng điều lớn nhất mà văn xuôi thời kỳ đổi mới đã làm được là thông qua việc đào sâu vào thân phận con người, đi tìm những cái tôi khác biệt bằng chính những nỗi mất mát, lo âu hay giận dữ, bằng cả niềm tin vào con người để lý giải sự tồn sinh đầy ý nghĩa của nó; Để vươn tới sự thương xót, chở che và nhân ái – như trái đất này khi được sinh ra cần phải thế./.

Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của quý vị!