Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XẠ THỤY THÁI DOÃN HIỂU VÀ TÔI

Phạm Thường Khanh
Thứ sáu ngày 15 tháng 4 năm 2016 6:15 AM




Nhân 100 ngày Thái Doãn Hiểu về cõi Trường Sinh

(5/1/2016 - 15/4/2016)

 



Khuất rồi chẳng bận một lời tiễn đưa

( Nhà thơ Đỗ Hoàng)

Ông từng là thanh niên xung phong, từng là giảng viên văn học cổ đại, khoa văn Đại học khoa học Sài Gòn rồi làm Giám đốc doanh nghiệp Công ty TNHH phần mềm 3TG. Là công nhân lao động nghệ thuật tự do, ông từng công bố hàng vạn trang sách có giá trị và còn hàng vạn trang bản thảo chưa in trong đó có cuốn Thi nhân Việt Nam hiện đại – Một công trình nghiên cứu văn chương đồ sộ ngót nghét 4.000 trang: 152 nhà thơ Việt Nam hiện đại được dựng chân dung văn học; kết quả của 17 năm ròng lao động cật lực, chương dầu động bút khởi thảo ở Chợ Lớn năm 1989, chương kết viết ở Sydney năm 2006; và bản thảo cuốn sách Minh triết Thật Giả trên 600 trang, viết rải rác trong ba năm (2010 - 2013) – thời gian ông không được khỏe lắm. Một số nhà thơ thân thiết vinh danh ông nhiều danh xưng khác nhau: Nhà nghiên cứu phê bình văn học, Hoài Thanh thời @; Lê Quý Đôn tái thế, Học giả, Cây yêu minh triết của mọi thời đại; Người lưu danh cho thơ ca…. Riêng tôi gọi ông là Xạ Thụy Thái Doãn Hiểu – một bút hiệu mà ông từng sử dụng hình như chỉ có đúng một lần, cách nay hơn hai chục năm về trước khi ông hiệu đính, nhuận sắc và đề tựa cho cuốn sách Góp nhặt sỏi đá ( Đỗ Đình Đồng dịch – NXB Đồng Nai ấn hành, tái bản đến 7 lần). Đó là khi tôi viết bài Độc đáo và kỳ thú một cuốn sách minh triết bình luận cuốn Minh triết Thật Giả của ông. Tôi thích cái danh xưng Xạ Thụy Thái Doãn Hiểu vì hai chữ Xạ Thụy có nghĩa là chiếu sáng sự tốt lành. (Hán ngữ: Xạ - Chiếu sáng/ Tỏa sáng; Thụy – Sự tốt lành/ Ngọc để làm tin). Ông bảo: “Anh rất vui khi Khanh gọi anh như vậy”

Lần đầu tiên tôi được biết tên tuổi ông năm 2008 nhờ đọc bài Trò chuyện với Thái Doãn Hiểu – Tác giả Thi nhân Việt Nam hiện đại của nhà thơ Nhụy Nguyên (Tạp chí Sông Hương số 233 tháng 7/2008 ). Thông tin ban đầu về công trình đồ sộ ấy cứ ám ảnh tôi. Cho đến năm 2010, đọc bài Tâm sự Nguyễn Du của ông trên Sông Hương số 260. Xúc động mạnh trước phát kiến độc đáo của ông về Nguyễn Du và Truyện Kiều, tôi gọi nhà thơ Nhụy Nguyên xin số điện thoại và gọi điện làm quen. Vậy mà chỉ sau một cuộc đàm thoại, ông đã coi tôi như một người em đã thân thiết.

Xuân 2011, trong lần dự một cuộc hội thảo ở Sài Gòn, tôi quyết định đến thăm ông và chỉ ít phút sau chúng tôi đã như hai người thân thiết. Dẫn tôi lên thư viện gia đình, ông giới thiệu về những kỷ vật của cha ông - cụ Thái Doãn Tiên và các tác phẩm đã in của ông. Chỉ tay vào một hộp cactông to tướng, ông bảo: “Bản thảo Thi nhân Việt Nam hiện đại của anh đấy. Anh giao cho cháu nội 50 năm sau sẽ xuất bản”, rồi ông lấy từ giá sách 2 cuốn: 100 năm thơ tứ tuyệt và Giai thoại nhà văn Việt Nam, đem xuống phòng khách viết lời đề tặng tôi. Hôm ấy chúng tôi đã nói chuyện với nhau hơn một tiếng đồng hồ. Có thể sự chân thành của tôi được đáp lại bằng sự độ lượng, nhân từ của ông.

Khoảng 10 giờ, tôi xin cáo biệt. Ông cầm ô che nắng cho tôi ra đến bến xe bus trên đường Lê văn Thịnh cách nhà ông chừng 500 mét. Giây phút chờ xe đang đến gần, tôi bảo bác về đi, ông bảo em cứ lên xe đi. Tôi bịn rịn bắt tay ông. Xe lăn bánh chừng mươi phút thì đến đoạn khuất, lúc đó mới thấy ông quay về, lòng tôi trào dâng tình cảm đặc biệt như vừa được anh trai mình đưa tiễn.

Năm 2013, tôi tới thăm và tặng ông một bức thư pháp, tôi viết câu nói nổi tiếng của cụ Hải Thượng Lãn Ông “ Nhân Nghĩa trân tàng bất hoán phương” ( Điều Nhân, đạo Nghĩa là báu vật ở đời cần trân quý gìn giữ và coi là lẽ sống) - câu văn mà thân phụ ông, cụ Thái Doãn Tiên - lúc sinh thời rất thích, từng làm hoành phi treo nơi trang trọng trong nhà. Nhưng sau mấy chục năm chiến tranh liên miên và do phải thuyên chuyển công tác qua nhiều nơi, ông đã không còn lưu giữ được. Ông và bà Hoàng Liên rất vui. Bà Liên bảo: “Tôi có biết chữ Hán Nôm mà. Chúng tôi rất vui về món quà đầy ý nghĩa này”. Vài tháng sau, một hôm, ông gọi điện bảo: “Anh treo bức thư pháp trong phòng khách và lâu nay chuyện về bức thư pháp ấy như một giai thoại ở nhà anh”. Sau này, năm 2014 vào thăm ông, nhìn bức thư pháp ấy được treo ngay trên bức tường ranh giới giữa phòng khách và chân cầu thang, phía dưới đặt nhiều cuốn sách, tôi không ngờ ông trân trọng nó đến như vậy.

Từ dạo ấy, thi thoảng tôi vẫn tâm sự với ông về một vài dự định học tập và nghiên cứu. Biết tôi đang nghiên cứu gia phả, ông thường động viên khích lệ. Ông bảo đó là công việc vô cùng khó khăn nhưng cũng rất hấp dẫn, nó đòi hỏi đam mê và sự kiên nhẫn không buông bỏ. Nhưng cứ làm đi,“cái này gọi cái kia” rồi tới lúc em sẽ có được những kết quả không ngờ. Ông còn gửi qua bưu điện tặng tôi 2 tập sách Hành trình dòng họ Mạc Nghệ Tĩnh ( mỗi tập trên 200 trang ), do Gia tộc họ Mạc & NXB Văn hóa Sài Gòn xuất bản. Đây là một kiểu làm gia phả khá độc đáo, một công trình nghiên cứu hết sức công phu đáng nể trọng. Ông và nhóm biên soạn đã thổi hồn vào gia phả họ Mạc, đặc biệt là phần phả ký, mỗi nhân vật tiêu biểu được viết chân dung như một tiểu luận. Tôi rất vui vì có thêm 2 tập sách quý bổ sung vào bộ sách công cụ nghiên cứu và thực hành gia phả của mình.

Một lần, ông hỏi tôi địa chỉ hộp thư điện tử để thi thoảng ông gửi bài cho đọc, tôi bảo em rất kém cái khoản máy tính nên không có, ông cười thật hiền: “Trời ơi! Sao lại chưa? Cả thế giới trong tay mà, em!”. Mặt tôi nóng ran nhưng tôi không hề ngượng vì lời trách của ông quá đỗi thân thương.

Quãng giữa năm 2014, ông báo tin vừa xong bản thảo cuốn sách Minh triết Thật Giả, đang chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc in. Tôi nóng lòng chờ đợi vì đã từng đọc một số chương trên Blog của ông. Tháng 12 năm ấy, tôi vào Sài Gòn thăm ông. Trò chuyện được chừng 30 phút, ông bảo lần này anh có quà cho em đấy, rồi chậm rãi đi lên tầng, lát sau đem xuống một cuốn sách: “ Đây là phiên bản gốc thứ hai cuốn sách tâm đắc nhất của anh về đề tài Thật – Giả, không chỉ trong văn chương nghệ thuật mà cả trong cuộc đời, viết đăng rải rác trong ba năm, cả những tháng ngày trên giường bệnh, anh dành tặng em trai nha”, rồi ông viết: “ Phiên bản gốc thứ 2 dành tặng em trai Phạm Thường Khanh. Sài Gòn, 12.2014. Thái Doãn Hiểu”. Tôi nhận sách từ tay ông mà lòng rưng rưng không nói nên lời.

Tôi đọc Minh triết Thật Giả suốt hai tuần liền trong tâm trạng thú vị kỳ lạ. Tôi nhận ra Minh triết Thật Giả không chỉ thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, trí tuệ và nghị lực phi thường của ông trên từng trang viết mà còn thấm đẫm máu và nước mắt người viết hòa trộn máu và nước mắt người đời và từ Minh triết Thật Giả tỏa ra một loại ánh sáng tốt lành, như ngọc sáng để làm tin. Tôi liên tưởng đến Thất trảm sớ của cụ Chu An, Thập bát trảm sớ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm và các Bản điều trần 7 điểm của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, Kiến nghị chấn hưng, cải cách và hiện đại hóa giáo dục của Giáo sư Hoàng Tụy cùng 23 nhà khoa học trong và ngoài nước và nhận ra thêm một điều: Minh triết Thật Giả cũng là một loại sớ mà ông gửi tâm trí và máu huyết vào đó để dâng tặng cuộc đời này. Và tôi đã viết bài bình luận Độc đáo và kỳ thú một cuốn sách minh triết (*) chia sẻ cùng ông. Một hôm tôi gọi điện cho ông: “Về sách, em đã có ý kiến bằng bài viết rồi. Nhưng về tiểu sử văn hóa của bác, em thích những câu này: Không hội hè. Không đảng phái. Không tôn giáo. Là công nhân lao động nghệ thuật tự do. Em nghĩ làm nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn mà bác lại là đảng viên, lại trong cấp ủy này nọ nữa thì chẳng thể có khối lượng công trình đồ sộ như thế”. Ông cười thật hiền, bảo: em sắc sảo chứ không phải là một chuyết phu đâu! ( Chả là ở bức thư pháp viết tặng ông, tôi có ghi ở phần lạc khoản mấy chữ “Chuyết phu Phạm Thường Khanh viết tặng” – “Chuyết phu” chữ Hán nghĩa là người đàn ông vụng về). Ông khen bài viết tốt rồi bảo anh có thêm một ngày thật vui và khỏe hơn nhiều. Và ngày 5/2/2015, tôi nhận được thư điện tử của ông:

“ Khanh thân mến.

Anh có chỉnh sửa lại chút xíu. Bài súc tích, khái quát và ấn tượng. Vị trí của nó được đặt trang trọng ở trang đầu sách. Cảm ơn em thật nhiều.

“ Chưa có ai tận tâm với chúng ta như vậy”. Chị Hoàng Liên đã phát biểu thế đấy.

THÁI DOÃN HIỂU”.

Thư thì đã viết vậy nhưng sau đó, thi thoảng ông gọi tôi tiếp tục chia sẻ cảm xúc của ông. Khi thì ông bảo anh thích cái nhận định Minh triết Thật Giả cũng là một loại sớ; khi thì bảo anh cũng thích cái kết cảnh báo và thức tỉnh. Và rằng đã có nhiều người thân đánh giá sách của anh nhưng anh thấy em hiểu anh hơn cả và em đã là người đồng hành của anh… Ông đã dành cho tôi tình cảm thân thương như vậy.

Ngày 22/5/2015, ông gửi cuốn Minh triết Thật Giả (bản gốc đã cập nhật đến ngày 5/5) qua người bạn vong niên của tôi đem từ Sài Gòn ra trong đó có bài Độc đáo và kỳ thú một cuốn sách minh triết mà ông đã xếp ở trang đầu cuốn sách làm bài Tựa 1. Cầm trên tay cuốn sách mà tôi ngỡ như nó là con đẻ của chính mình.

Ảnh: Bìa và Tựa 1 sách Minh triết Thật Giả

( Bản gốc, cập nhật đến ngày 25/5/2015 – Sách chưa xuất bản)

Cái ngày nhà thơ Đỗ Hoàng in bài Những phù thủy văn nô trên vannghecuocsong (Ngày 4/5/2015), Thái Doãn Hiểu bị cư dân mạng ném đá quyết liệt do họ không hiểu về chuyện bếp núc của quá trình làm và in cuốn sách đó. Thực ra ngay từ năm 2005, khi NXB Hội nhà văn Việt Nam in cuốn sách ấy đã có một số tác giả chỉ ra sự sai trái của nó. Ở bài viết 1 trang của mình, Thái Doãn Hiểu chỉ triết lý về sự kiện đó, ông gọi những người làm cuốn sách như phù thủy biến một cuốn nhật ký bình thường thành một tác phẩm văn học và ông cho rằng văn chương hiện đại nước ta mà như thế thì cũng đã đến thời mạt vận. Lo ngại sức khỏe ông, tôi mượn câu văn “Trì oa bất khả dĩ ngữ hải” (Đối với con ếch ở đáy giếng thì không thể bàn với nó chuyện trời xanh) để khuyên ông, ông cười đồng cảm: em luôn tìm được những lý lẽ có sức thuyết phục. Động viên là thế nhưng tôi làm sao hiểu nổi nỗi buồn của ông khi bị cư dân mạng ném đá. Rồi tôi thấy ông công bố bài viết khá dài trả lời các cư dân mạng, vạch trần đến từng chi tiết thật giả trong cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Tôi bèn nghiên cứu toàn bộ vụ việc và viết bài Cần xử lý hành vi giả mạo nhật ký Đặng Thùy Trâm in trên Tễublog và vannghecuocsong (Ở vannghecuocsong, nhà thơ Đỗ Hoàng rút tít khác: “Với nhật ký Đặng Thùy Trâm, NXB Hội nhà văn Việt Nam đã vi phạm pháp luật hình sự”). Sau đó thì cư dân mạng im bặt. Tôi chưa kịp báo tin thì ông gọi tôi bảo “Cảm ơn em nhiều. Dường như bài của em đã chốt lại toàn bộ vấn đề rồi đấy!”. Được ông khen, tôi rất vui lắm vì thêm một lần nữa đã kịp thời đồng hành cùng ông trong việc vạch trần hành vi giả mạo của những người làm cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

Khoảng giữa tháng 10/2015, ông nói với tôi về ý định in cuốn Minh triết Thật Giả ở NXB Tri Thức và sau đó dường như vài ngày ông lại bàn bạc với tôi. Cũng có lúc ông băn khoăn nên in Thi nhân Việt Nam hiện đại trước hay in Minh triết Thật Giả trước. Khi tôi mạnh dạn khuyên ông nên sớm cho in một trong 2 cuốn thì lần này ông bảo để anh tính lại xem sao và nếu tiếp tục làm với NXB Tri thức thì anh sẽ ủy thác cho em giúp anh trong mọi quan hệ với họ cho đến khi ra sách. Tôi mừng thầm vì được ông tin tưởng, phó thác.

Dạo cuối tháng 10/2015, một hôm, ông gọi, thăm sức khỏe gia đình tôi rồi bảo “ Sài Gòn hôm nay đẹp lắm em à! Trời trong veo, mát rượi như trời thu Hà Nội. Anh vừa đọc bài của em trên trang Tễublog về vụ Lê Văn Mạnh, bài viết thật thú vị, bút lực thật dồi dào. Em đã kịp thời tham gia cứu một con người !”.

Ngaỳ 6/12/2015, đúng 10 giờ sáng, ông gọi tôi bảo anh vừa viết bài kệ Trên cỏ và dưới cỏ, anh đọc em nghe nhé:

Xanh rờn cỏ

Tôi chơi trên cỏ

Hít thở trên cỏ

Tôi ngã trên cỏ

Tôi ăn trên cỏ

Cỏ nuôi trọn đời.

Sắp rồi bạn ơi

Cỏ ăn trên tôi”.

Giọng ông rõ ràng, trầm ấm chứ không có những cơn ho chen vào như mấy lần trước. Tôi rùng mình xin ông đọc lại, rồi bình: “Đừng như vậy anh! Em gai hết cả ngừời lên rồi đây, anh trai ạ! Sức khỏe là tối thượng, nghe anh!”. “ Em yên tâm. Anh thanh thản mà!” – ông nói và cười thật hiền.

Linh cảm thấy điều chẳng lành, những ngày sau đó tôi không dám chủ động gọi mà chỉ chờ ông gọi tới nhưng chẳng thấy tin ông. Nóng lòng, tôi đành chủ động gọi nhưng ông không bắt máy, rồi sau đó cũng không thấy gọi lại (Thường là những lần không thưa máy, ít lâu sau ông đều gọi lại).

Rồi bặt tin ông.

Bỗng trưa ngày 5/1/2015, một người bạn vong niên của tôi gọi từ Sài Gòn báo tin dữ ông vừa ra đi, khiến tôi rùng mình, nguội người trong giây lát. Hôm ấy là ngày thứ 29 kể từ ngày ông đọc cho tôi nghe bài kệ, và tôi chỉ biết báo tin cho nhà thơ Đỗ Hoàng. Hai anh em chẳng ai bảo ai, cùng đốt ngày làm nén hương cùng tưởng nhớ và âm thầm tiễn biệt ông.

Giờ đây, những hình ảnh thân thương của ông cứ hiện lên rõ mồn một trong tâm trí tôi. Đó là hôm ông dắt tôi lên thư viện của ông, giới thiệu những di vật của thân phụ ông và các tác phẩm ông đã và đang chuẩn bị xuất bản rồi buổi trưa hôm ấy ông cầm ô che nắng tiễn tôi ra bến xe bus trên đường Lê Văn Thịnh, đứng nhìn theo cho đến khi xe khuất hẳn. Rồi hình ảnh ông chậm rãi bước lên cầu thang, lát sau đem xuống cuốn Minh triết Thật Giả, đặt ngay ngắn trên bàn, bảo “Anh viết đề tặng em trai đây nhá”. Những nụ cười thật hiền, những cái bắt tay thật nồng ấm… Rồi biết bao lời khuyên, lời động viên khích lệ, khen tặng và giọng ông đọc bài kệ trầm ấm, trong suốt vẫn vang vọng bên tôi…

------

(*) ĐỘC ĐÁO VÀ KỲ THÚ

MỘT CUỐN SÁCH MINH TRIẾT

PHẠM THƯỜNG KHANH

Như một thiện duyên, cả tháng nay tôi chìm đắm trong tâm trạng say sưa đọc một loạt cuốn sách kỳ thú: Hiểu về trái tim của Thiền sư Minh Niệm; Thần, Người và Đất Việt của Tạ Chí Đại Trường; Đối thoại với đời và thơ của Lê Đạt; Thuật tư tưởng của Thu Giang Nguyễn Duy Cần; Tiến trình lịch sử văn hóa Việt của Hà văn Thùy; Tư duy lo gic của DQ Mclnerny; Ý nghĩa mọi thứ trên đời của Richard Feynman, và giờ đây đọc cuốn sách độc đáo và kỳ thú: Minh triết Thật - Giả của Xạ Thụy Thái Doãn Hiểu.

Độc đáo vì đây là một công trình triết học bàn về một cặp phạm trù rất lớn và rất khó - phạm trù Thật Giả - nhưng lại được văn học hóa cao độ, toàn diện, thay lối tư duy logic tư biện bằng lối tư duy hình tượng nên dễ đọc, dễ thấm.

Độc đáo vì cuốn sách đề cập đến một đề tài muôn thưở nhưng luôn luôn nóng bỏng ở nước ta hiện nay, được diễn đạt bởi một lối rất riêng, không hề phỏng theo những gì đã có xưa nay và không giống bất kỳ một tác giả nào khác. Hơn sáu trăm trang, sách chia 4 phần không đều nhau: phần I, phần II và phần IV mỗi phần chỉ có 5 trang; phần III thì dài đến 557 trang và Phụ lục 42 trang. Sách có đến… 91 chương, có chương chỉ 1 trang là cái truyện cực ngắn (truyện mini) còn chương dài nhất đến 23 trang là một tiểu luận văn chương hoặc là một tiểu luận lịch sử, nhưng cấu trúc lại hết sức chặt chẽ, logic. Lĩnh vực mà tác giả bàn đến khá rộng, vừa là văn chương, vừa là thế sự, vừa là lịch sử, vừa là triết học nhưng nó thấm đẫm máu và nước mắt người viết, thấm đẫm máu và nước mắt của người đời.

Kỳ thú vì lần đầu tiên, hàng trăm vụ nghi án văn chương và cuộc đời trong mấy chục năm qua ở nước ta, thậm chí có vụ nghi án ở xứ người từng tồn nghi mấy trăm năm trước cũng được Xạ Thụy Thái Doãn Hiểu hệ thống lại và dùng ánh sáng minh triết chiếu rọi, triết luận và hóa giải. Qua hàng trăm nghi án đó, nhiều gương mặt xấu xa, giả trá trong giới chính khách hư hỏng xưa nay bị điểm danh, điểm diện và lật tẩy đồng thời chân dung những kẻ điếm bút, văn nô, bút nô cũng được khắc họa lại bởi bàn tay nhà văn như một họa sĩ vẽ chân dung thật tài hoa chỉ bằng vài ba nét chấm phá. Tôi không thể tưởng tượng rằng trong giới cầm bút - thường được người đời tôn vinh là trí thức trong lĩnh vực nhân văn mà lại có thể khom lưng, cúi đầu trước cường quyền và bạo lực để có thể táng tận lương tâm vu khống đồng nghiệp, đẩy đồng nghiệp vào vòng lao lý hoặc “nối giáo cho giặc” o ép và ngược đãi đồng nghiệp, như bức tử. Thật kinh hoàng và ghê tởm vì tôi như thấy chân dung một vài bút nô dám muối mặt vu khống, mạt sát thầy dạy mình, a dua và a tòng với kẻ ác đẩy thầy xuống tận đáy xã hội, nhưng không hề sám hối công khai, ngược lại, mấy mươi năm sau vẫn lớn tiếng ca ngợi thầy và tự nhận là học trò được thầy từng quý mến (!?). Thật vô liêm sỉ!

Từ Minh triết Thật - Giả, tôi được hiểu rõ hơn nhiều sự kiện, nhiều vấn đề lịch sử của đất nước, của con người mà thế hệ tôi chỉ được học, được nghe bởi lối tuyên truyền một chiều, dối trá (“Làng Vạc - phế đô nước Âu Lạc!?”; “Những cái chết tức tưởi của nhà văn, chuyện bât giờ mới kể”; “Thân phụ tôi”; “Tám mươi năm chị tôi chân trần lội qua cõi thế mù lòa”….). Là người chiếu ánh sáng minh triết, Xạ Thụy Thái Doãn Hiểu không chủ chương mổ xẻ cuộc cải cách ruộng đất hay mổ xẻ hai cuộc chiến tranh đã qua vì ông biết rất rõ rằng đánh giá nó là một việc không đơn giản, nhưng qua một đôi chương của cuốn sách, những sự thật đau lòng trong cải cách ruộng đất, trong chiến tranh từng bị bưng bít, che dấu bấy lâu nay, lại hiển hiện lên khá sinh động. Những thầy đội ngu dốt và ngang ngược như những Hồng vệ binh của bên Tàu, những đồng chí vu khống nhau, con vu khống cha, trò vu khống thầy… và có kẻ tử hình cả bố! Bất giác tôi nhớ đến Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường và Nước mắt một thời của Nguyễn Khoa Đăng mà tôi từng đọc. Và tôi thấy rõ lời cảnh báo của ông: đã làm chính khách có quyền lực phải biết tu thân, biết mưu cầu và chăm lo cho hạnh phúc cho con người chứ đừng trở thành “những kẻ ăn cắp chức vụ” – như cách nói của Khổng Tử - và đã mang cái nghiệp nhà văn, cái nghiệp sử gia thì phải tôn trọng Sự thật, tôn trọng Lẽ phải, tránh xa cường quyền và giả dối, chớ hạ thấp hoặc làm méo mó nhân cách mình.

Kỳ thú vì tôi được thưởng lãm vẻ đẹp của văn chương. Ở đây, nhiều tác phẩm văn chương được tác giả đánh giá công bằng hơn, chính xác hơn, thậm chí có chương như phát kiến đặc biệt. “Truyện Kiều là tự truyện tâm linh của Nguyễn Du” là một chương như vậy. Hai trăm năm nghiên cứu Nguyễn Du và bình luận Truyện Kiều, nhiều nhà nghiên cứu văn chương đã tìm hiểu nhiều phương diện khác nhau về tư tưởng, tình cảm và nội dung kiệt tác này nhưng không một ai phát hiện được một cách sáng suốt đầy minh triết như Xạ Thụy Thái Doãn Hiểu. Bản thân tôi từng tâm đắc với câu rất hay của Nguyễn Du “Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân”(Trên đường, sao gió lạnh cứ thổi dồn vào một mình ta?) nhưng nay, đọc chương này, tôi như được bừng sáng hơn và tôi ngưỡng mộ chiêm bái một phát kiến đặc biệt. Tiểu luận “Làng Vạc - Phế đô nước Âu Lạc!?”; “Xưa nay ai khóc Nguyễn Du thấm thía nhất?”; “Hoàng Cầm - người kỳ công đi tìm hạnh phúc cho loài người”; “Đoàn thị Lam Luyến - Người đơn phương phát động cuộc chiến tranh tình ái” cũng đều là những chương như vậy.

Kỳ thú vì ở Minh triết Thật - Giả, nhiều chục trang văn tràn đầy tri ân tiền nhân và dạt dào tình cha con, tình chị em, tình đồng nghiệp. Đó là các chương “Vũ Trọng Phụng bị bức tử và phong thần”; “Thần thi Vương Bột vang vọng của phương Đông”; “Trước tác khoa học để một đời hiểu thấu muôn đời”; “Của César xin trả lại cho César »; “Thân phụ tôi”; “Tám mươi năm, chị tôi chân trần lội bộ qua cõi thế mù lòa”; “Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng như tôi biết”; “Chân dung thật của Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán”; “Tạ lỗi cố nhân”.

Kỳ thú vì cuốn sách minh triết này gợi mở cho tôi nhiều suy tư, truyền đến cho tôi nhiều cảm hứng về Lẽ đời và Triết lý nhân sinh. Bất giác tôi liên tưởng đến Thất trảm sớ của cụ Chu An, Thập bát trảm sớ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tôi mạn phép gọi sớ của cụ Trạng Trình như vậy) và mường tượng ra rằng cùng với Bản tham luận đòi cởi trói cho văn nghệ, Bản điều trần 7 điểm và Thư gửi Trung ương đảng trong những năm đất nước ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng (Của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện); Kiến nghị chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa giáo dục (Của nhà toán học Hoàng Tụy và 23 trí thức trong và ngoài nước), Minh triết Thật - Giả của Xạ Thụy Thái Doãn Hiểu cũng là một loại Sớ, dù ông không đòi chém kẻ gian thần nào nhưng đã điểm mặt chỉ tên một số chính khách hư hỏng, những văn nô, sử nô làm điếm nhục lịch sử, điếm nhục văn chương, và ông dâng tặng cuốn minh triết cho cuộc đời này. Và tôi cứ suy nghĩ miên man rằng chẳng lẽ nào đất nước mình thời nay lại giống như thời Trần mạt, thời Mạc mạt từng để vuột mất Thất trảm sớ và Thập bát trảm sớ của hai vị trung thần đại trí thức?

Nhưng tôi tin chừng nào ở xứ ta vẫn còn những thủ đoạn đốn mạt của thói quyền lực vô độ cộng với sự ngu dốt hoành hành, tác oai, tác quái đồng hành với những văn nô, bút nô thì Minh triết Thật - Giả của Xạ Thụy Thái Doãn Hiểu luôn có giá trị cảnh báo và thức tỉnh./.

26/2/2015.