Vốn là một sỹ quan quân đội, khi "bước chân" vào Quốc hội, ông đã đem theo cả sự cương trực, tính cách không khoan nhượng của một người lính vào trong cuộc chiến mới chống tham nhũng cùng nhiều vấn nạn khác đang tồn tại trong xã hội. Ngay giữa nghị trường. Bằng lời nói và trái tim nhiệt huyết của mình.
Sau 2 nhiệm kỳ gắn bó với Quốc hội, đã đến lúc ông nghỉ ngơi. Nhưng như ông tâm sự “ngày nào còn tham nhũng, ngày đó tôi vẫn sẽ lên tiếng” - nghĩa là ông vẫn “chiến đấu”, chưa hề ngưng nghỉ.
Cùng Dân Việt điểm lại những phát ngôn mạnh mẽ đến mức ám ảnh của vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nổi tiếng cương trực, luôn tâm huyết và hết lòng trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí.
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 1.4.2016, Đại biểu (ĐB) Lê Như Tiến cho rằng, mặc dù chủ trương của Nhà nước là tạo điều kiện để kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện tại nhiều địa phương vẫn còn khoảng cách xa so với thực tế. Dẫn chứng, ĐB Tiến chỉ rõ nhiều nơi làm khó cho các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào, chắn cổng… Một số người thi hành công vụ thậm chí còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn khiến doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.
“Thế là mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải thảm dưới rải đinh, các nhà đầu tư đi trên thảm nhung nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”, ĐB Tiến ví von.
Cũng trong phiên thảo luận này, bàn về môi trường sống, đặc biệt là tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, vị ĐB của Quảng Trị đã thảng thốt: “Mỗi người hàng ngày thay vì hấp thụ dinh dưỡng thì lại bổ sung độc tố cho chính cơ thể mình”.
ĐBQH đến từ Quảng Trị phản ánh, nhiều người thi hành công vụ chưa coi mình là công bộc của dân, không nghĩ rằng mình sinh ra phục vụ dân. Một khi cơ chế “xin - cho” vẫn còn đất sống thì người dân, doanh nghiệp vẫn còn bị nhũng nhiễu vì đã xin thì phải có cái gì đó mới cho được.
Ông đặt vấn đề: Tham nhũng lớn, tham nhũng vặt đến mức người đứng đầu của Đảng phải đặt câu hỏi rằng cái gì cũng chạy, chạy chức chạy quyền, chạy cả luân chuyển. Vậy chạy ai, ai chạy? “Cử tri mong rằng chỉ đi là đến, không cần phải chạy đến như hiện nay”, ông chốt lại ý của mình.
Trước tình trạng môi trường sống và đầu tư đang ngày càng bị đe dọa, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng bày tỏ nỗi lo âu: “Quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách” và cho rằng đây là những câu hỏi còn treo lơ lửng, đang chờ câu trả lời của các cơ quan bảo vệ pháp luật để cho môi trường xã hội được trong sạch hơn.
Đăng đàn trong phiên chất vấn sáng 17.11.2015, ĐB Lê Như Tiến nhắc lại, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nhiều ĐB đã cảnh báo về tình trạng một số quan chức Nhà nước thường tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm "hoàng hôn nhiệm kỳ".
Cũng ngày 17.11.2015, khi chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, ĐB Lê Như Tiến đã đặt câu hỏi: "Giải pháp nào đủ mạnh mẽ và quyết liệt của Tổng thanh tra để chặn đứng việc quan chức Nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những “chuyến tàu vét cuối cùng” trước khi hạ cánh với các hành vi vi phạm như: Hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản nhà mình, biến bất động sản công thành tư; đề bạt, bổ nhiệm không bình thường vào lúc xế chiều hàng loạt cán bộ công chức thân hữu vì mục đích vụ lợi?".
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 21.11.2015, ĐB Lê Như Tiến đã chia sẻ về thực trạng tham nhũng: Không có lý gì con nhiều vị quan chức mới vào tuổi thành niên mà đã có tài sản khổng lồ như đất, biệt thự, xe sang... Nếu người con không chứng minh được đó là tài sản của anh ta thì chắc chắn là bất minh.
Ông cũng đánh giá: “Đường đi của tài sản bất minh hiện nay rất lắt léo,cơ quan chức năng phải vào cuộc. Tôi tin rằng cơ quan chức năng sẽ tìm ra được ngóc ngách con đường đi của tài sản bất minh”.
Trò chuyện với báo Tiền Phong ngày 20.11.2015, nói về thực trạng tham nhũng, ông Tiến đã thẳng thắn chỉ ra: “Thực tế vừa qua đã công khai ở một vài nơi, Chủ tịch tỉnh trước khi về hưu đã ký những hợp đồng trị giá hàng trăm tỷ đồng với số tiền hoa hồng, lại quả khá lớn. Toàn bộ ê-kip sau đó lĩnh đủ, vì những dự án đó rất bất lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Suy cho cùng, đó cũng chính là tiền thuế của người dân”.
Ngày 31.10.2014, trong phiên thảo luận về KTXH, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp. Đề cập tới thực trạng nhiều lãnh đạo cấp cao gương mẫu trả nhà công vụ sau khi thôi quản lý nhưng vẫn nhiều người "quên" trả nhà công vụ, cho con cháu mượn theo cơ chế ở nhà giữ hộ, ông Tiến thẳng thắn nói: "Đã đến lúc nhận dạng tội danh tham nhũng mới - tham nhũng nhà công vụ”.
Sau phát ngôn này của ông, báo chí và các ĐBQH liên tục lên tiếng những vụ quan chức về hưu vẫn cố giữ nhà công vụ trái nguyên tắc, trong đó có nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
Sáng 7.11.2013, phát biểu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Lê Như Tiến tỏ ý lo ngại trước tình trạng lãnh đạo các địa phương “vận động” ĐBQH tỉnh mình trước mỗi kỳ họp. “Khi có tham nhũng xảy ra, chính người đứng đầu lại chỉ đạo, biến báo, nhào nặn số liệu, làm phép thuật để tham nhũng chỉ còn là khuyết điểm hoặc sơ suất, chỉ xử lý nội bộ ở mức phê bình, nhắc nhở, hoặc chuyển công tác lên cấp cao hơn. Có vị ĐB tâm sự, mỗi lần ra họp Quốc hội, lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng, muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng. Vì nếu phát biểu, khi còn cơ chế xin - cho, mình xin ai cho? Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội”, ĐB Tiến chia sẻ.
(Trong bài có sử dụng tư liệu ảnh của các đồng nghiệp báo bạn)