Học giả Nguyễn Văn Vĩnh
Cuối thế kỉ XX, người ta mới bắt đầu nói đến “ Nền kinh tế tri thức”, nhưng trên thực tế, cách đây hàng thế kỉ nước ta đã có một nhân vật danh tiếng cả trong đời sống kinh tế và văn hóa, ông xứng đáng được gọi là người tiên phong đi vào “nền kinh tế tri thức”, đó là Nguyễn Văn Vĩnh.
Đương nhiên khái niệm “kinh tế tri thức” của một nhân vật mà nếu còn sống thì năm nay đã tròn 125 tuổi (sinh năm 1882) và khuất núi cách đây đã 71 năm (l936) chỉ để nói đến việc Nguyễn Văn Vĩnh coi văn hóa, trí tuệ là một lĩnh vực có thể kinh doanh vừa để làm giàu về kinh tế vừa để làm giàu cho văn hoá của dân tộc cũng như cho chính mình.
Nguyễn Văn Vĩnh sinh ra khi thực dân Pháp đang hoàn tất những công việc cuối cùng để bình định toàn cõi Việt Nam biến nước ta thành một thuộc địa. Và tiếp sau cuộc chinh phục bằng vũ khí là cuộc khai thác thuộc địa bằng những hoạt động kinh tế cũng như cuộc chinh phục người bản địa bằng văn hóa.
Trong khi một bộ phận sĩ phu yêu nước vẫn nỗ lực tiến hành những phản kháng bằng bạo lực một cách vô vọng thì Nguyễn Văn Vĩnh và một bộ phận sĩ phu khác lại thể hiện lòng yêu nước của mình bằng việc hăng hái bắt đầu hướng tới một mặt trận khác. Đó là việc tiếp nhận ngọn gió Duy Tân đang diễn ra trên nhiều quốc gia mà con đường đột phá chính là lĩnh vực giáo dục, văn hóa và tư tưởng. Đó cũng chính là nền tảng của xu thế dân chủ. Chính vì thế, Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những người chủ xướng cho sự khai sinh của Đông Kinh nghĩa thục (l907). Năm đó ông 25 tuổi.
Xuất thân trong một gia đình nghèo tại làng Phượng Dực, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông, gia cảnh nghèo từng khiến cậu bé Vĩnh phải kéo quạt thuê cho một trường học. Nhưng chính tư chất thông minh và tính hiếu học đã làm ông thầy người Pháp chú ý và nâng đỡ để cậu bé bản xứ được theo học đàng hoàng và tốt nghiệp trường Thông Ngôn khi mới 14 tuổi. Đủ tuổi đi làm, Nguyễn Văn Vĩnh tòng sự tại nhiều công sở của người Pháp và cuối cùng là Tòa Đốc Lý Hà Nội.
Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) nổi bật với quan điểm duy tân cấp tiến. Thuộc nhóm người tân học, làm việc với người Pháp, và được sang Pháp công tác, sớm nhận thấy sự văn minh tiến bộ tây phương, ông hiểu rằng muốn canh tân đất nước, việc giáo dục quần chúng là điều kiện quan trọng trước nhất. Để giáo dục quần chúng, sự cần thiết là phải nhờ vào chữ quốc ngữ, báo chí, và ấn phẩm. Những yếu tố này ở nước ta lúc bấy giờ chưa có... >>Trang tác giả: Nguyễn Văn Vĩnh |
Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh được cử đi phục vụ cho Hội chợ Quốc tế tổ chức tại kinh đô nước Pháp. Chính tại Paris, tận mắt nhìn thấy sự phát triển kinh tế và văn hóa của nước Pháp cũng như các các nước khác trên toàn cầu, Nguyễn Văn Vĩnh đã xác định được con đường của mình là tiên phong dấn thân vào những hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nhưng lại với hoài bão của một doanh nhân. Điều đó cũng có nghĩa là phải có tư duy kinhh tế khi hoạt động văn hóa và ngược lại nhìn thấy văn hóa cũng là một nguồn lực để làm giàu.
Chính tại cuộc đấu xảo này, Nguyễn Văn Vĩnh quan sát sự vận hành của một tờ báo đang nổi tiếng khi đó (tờ“Petit Marseillais”) để khi về nước, ông quyết tâm dấn thân vào hoạt động báo như một doanh nghiệp. Khởi đầu là việc ra phần quốc ngữ bên cạnh tờ báo bằng chữ Hán (tờ đại “Đại Nam Đồng văn Nhật báo”) nay đổi tên là “Đăng Cổ Tùng Báo” làm cơ quan ngôn luận cho Đông Kinh nghĩa thục.
Cùng với tờ báo và nghĩa thục, Nguyễn Văn Vĩnh với nhiều bút danh khác nhau đã làm việc cho nhiều tờ báo tiếng Việt và tiếng Pháp khác. Ông còn là người chủ trương xây dựng bộ tùng thư (tủ sách) “Đông-tây Tư tưởng” nhằm dịch những tác phẩm văn chương hay triết học kinh điển của Pháp ra quốc ngữ. Sự tiên phong của Nguyễn Văn Vĩnh trên lĩnh vực này là một đóng góp lớn cho sự hoàn thiện của tiếng Việt, truyền một cách có hệ thống văn hóa Pháp và phương Tây vào Việt Nam… Đồng thời cũng là người tiên phong trên lĩnh vực báo chí xuất bản như một hoạt động kinh doanh. Sản nghiệp của ông cũng một thời bề thế nhờ vào sự điều hành của các hoạt động văn hóa này.
Không chỉ tiên phong hoạt động trên lĩnh vực báo chí xuất bản, với ông những gì có thể quảng bá được hình ảnh đất nước và có cơ tranh cạnh với người ngoài để làm giàu là ông sẵn sàng trở thành người cổ vũ nhiệt thành. Ví như trên lĩnh vực nghệ thuật, chính ông là người không chỉ dịch tác phẩm của văn hào Molière mà còn tập hợp người đồng chí hướng và tự mình sắm vai để đưa vở kịch “Người bệnh tưởng”, “Trưởng giả học làm sang” lên sân khấu.
Năm l924, sau khi dịch “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ra tiếng Pháp, ông đã cổ vũ các nhà điện ảnh Pháp đưa tác phẩm này lên màn ảnh (lúc mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam).
Với ông, việc làm phim “Kiều” không chỉ nhằm truyền bá một kiệt tác văn hóa Việt Nam mà còn là cơ hội để giới thiệu một công nghệ kinh doanh cho người Việt Nam học hỏi và đầu tư.
Nguyễn Văn Vĩnh đã viết hàng loạt những bài giới thiệu công nghệ điện ảnh của nước Pháp và thế giới để kêu gọi người Việt Nam không chỉ xem phim mà phải học làm phim, vì nó đang là một lĩnh vực làm giàu đang phát triển ở trên khắp toàn cầu…
Sự nỗ lực phi thường của ông trên lĩnh vực xuất bản và báo chí đã để lại cho đời sau một kho tàng văn hóa vô giá nhưng cũng từng mang lại cho Nguyễn Văn Vĩnh một sản nghiệp không nhỏ. Tuy nhiên, giống như những doanh nhân bản xứ thời thuộc địa, Nguyễn Văn Vĩnh cũng phải đương đầu với chính chế độ thực dân của nước Pháp văn minh mà ông vô cùng ngưỡng mộ.
Là người ngay thẳng, ông chống những tàn dư của chế độ quân chủ một cách rất quyết liệt. Ông tham gia “ Hội Tam điểm” một trào lưu chính trị có từ thời nước Pháp làm Cách mạng tư sản (1789), dám từ chối vái lạy vua Khải Định khi “ngự giá Bắc Hà”, đồng thời lại từ chối tấm huân chương “Bắc đẩu bội tinh” của chính quyền thuộc địa, hăng hái truyền bá những tư tưởng của các nhà khai sáng như J.J Rousseau, Montesqieur…
Sự chống đối của ông đi ngược lại chính sách của nhà cầm quyền thực dân đương thời, vì vậy chính quyền thực dân buộc ông phải lựa chọn giữa sự thỏa hiệp về chính trị, chấm dứt sự chống đối và chấp nhận sự cộng tác với triều đình hoặc chấp nhận sự phá sản về kinh tế. Cuối cùng, Nguyễn Văn Vĩnh đã chấp nhận đương đầu với sự phá sản để bảo vệ chính kiến của mình. Sản nghiệp của ông dần bị tước đoạt và ông cưỡng lại bằng một cuộc dấn thân mới: đi tìm vàng để nuôi chí lớn.
Cái chí tiên phong từng làm nên một nhà văn hóa cũng là người cổ xúy cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển một thời đã không giúp Nguyễn Văn Vĩnh vượt qua được thời đại của ông. Ông đột ngột qua đời trên một con thuyền cắm bên dòng SêPôn ở Lào trong những ngày lặn lội đi tìm vàng trên các cánh rừng già miền Tây. Cái chết bí hiểm như là điều đã được báo trước khi ông dấn thân vào một cuộc phiêu lưu cuối cùng của một con người nuôi chí tiên phong làm người dẫn đường và chấp nhận làm kẻ lót đường cho những đồng bào cùng chí hướng.
Giờ đây nói đến Nguyễn Văn Vĩnh, người ta thường nhắc đến ông như một nhà hoạt động văn hóa. Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh cũng xứng đáng được coi là một phong cách doanh nhân hàng đầu có chí tiên phong trong công cuộc làm giàu cho cả kinh tế và văn hóa dân tộc. Hiện thực hôm nay đã chứng minh cho những tư tưởng của ông.