Trang chủ » Tin văn và...

SỰ NGỤY BIỆN CỦA ÔNG TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC CUỘC THI THƠ ĐBSCL LẦN THỨ 4 – 2009 SAU KHI HỦY GIẢI NHẤT

Lê Xuân
Thứ hai ngày 19 tháng 4 năm 2010 6:32 AM
 TNc: Tôi đang lang thang trên Tuyên, nhận được bài viết của anh Lê Xuân, thư ký cuộc thi thơ ĐBSCL Để thông tin đa chiều TNc đưa bài lên để chúng ta nhìn vụ Trăng nghẹn toàn diện hơn
 
       Cuộc thi Thơ ĐBSCL lần thứ 4- 2009 đã khép lại với chuyện đáng buồn là ông Phan Huy- Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, hủy giải Nhất bài thơ “Trăng nghẹn” của tác giả Hoài Tường Phong. Dư luận đã ầm ĩ gần 2 tháng qua. Hàng trăm bài viết trên các báo, trang web và blog của tập thể và cá nhân, khen có, chê có, dung hòa có… Nhưng xét đến cùng, việc làm tốn giấy mực và thời gian, làm đau đầu một số nhà tổ chức, lãnh đạo ban ngành chức năng cũng chỉ tại cái sự thiếu bản lĩnh và tư duy văn nghệ quá xơ cứng của ông.
       Phan Huy vốn là nhà báo của báo Nhân dân đã nghỉ hưu, nên tư duy của ông là tư duy báo chí, luôn mang tính thời sự, thời vụ. Nay sang chỉ đạo Văn Nghệ ông vẫn áp dụng tư duy ấy để xem xét, đánh giá văn chương thì nhiều điều bất cập là khó tránh khỏi. Nhưng nếu ông chịu khó nghe ý kiến “quần chúng am hiểu văn chương” thì sự việc không đến nỗi… Song, ông lại tin theo những ý kiến “ngoại đạo” văn chương, phi văn chương, nên cố ngụy biện loanh quanh những việc ông làm để đánh lừa thiên hạ, nhưng sự thật đã bị phơi bày.
       Thứ nhất là ông bảo bài thơ “Trăng nghẹn” đăng báo thì được còn dự thi thì sai với tiêu chí nên không thể trao giải Nhất. Ông cho rằng tiêu chí cuộc thi là “Viết về đề tài đổi mới, phát triển và hội nhập của ĐBSCL”, và cho rằng “đó là cái nhìn 50 năm ĐBSCL không thay đổi, không phát triển”. Xin mời bạn đọc xem tiêu chí cuộc thi do ông đã ký, đăng trên Tạp chí văn nghệ Cần Thơ số Tháng 1+2- 2009 và đưa lên website vannghesongcuulong.org.vn ngày 24- 1- 2009, nêu rõ: “Viết về vùng đất và con người ĐBSCL, Cần Thơ hình thành và phát triển qua các thời kỳ mở đất phương Nam, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, phát triển và hội nhập.”
     Ở đây ông không phân biệt được hai phạm trù khác nhau: “… cho đến công cuộc đổi mới…” là chỉ về thời gian không gian mà đề tài hướng tới. Còn như ông nói “viết về đề tài đổi mới” là thuộc phạm trù nội dung rồi. Điều này trong tiêu chí cuộc thi đâu có băt buộc mà ông cứ gán ghép cho “Trăng nghẹn” phải như vậy? Sau nữa là những khái niệm sơ đẳng của Lý luận văn học về “đề tài”, “nội dung”, “tư tưởng” tác phẩm ông cũng chưa thông. “Đề tài” là phạm vi cuộc sống mà nhà văn miêu tả, phản ánh. “Nội dung” là những gì chứa đựng trong cách phản ánh ấy. Còn “Tư tưởng” thì toát ra từ giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm mà mỗi người đọc có cách cảm nhận được riêng cho mình…
        Vậy thì bài thơ “Trăng nghẹn” viết đúng đề tài trên, nội dung miêu tả, phản ánh đúng hiện thực xã hội và tâm trạng nhà thơ. Còn cái gọi là “tính tư tưởng” mà nhiều người quen gán ghép cho bài thơ theo kiểu “dung tục hóa xã hội” thì nay đã rất lỗi thời. Tính nhân văn nổi lên khá rõ. Đó là nỗi đau về nhân tình thế thái của tác giả về số phận trớ trêu của minh trước cuộc đời.
      Nếu bài thơ này xuất hiện thời “nhân văn giai phẩm” hay thời chống Pháp, cống Mỹ thì có thể tác giả bị “án văn chương”. Nhưng nay xã hội đã đổi mới trong cơ chế hội nhập, Đảng và Nhà nước rất tôn trọng tự do sáng tác cá nhân. Hệ thống lý luận văn học cũng như những vấn đề về “thi pháp” đã có nhiều đổi mới cho phù hợp với thời đại và dân tộc… thì cách nghĩ, cách cảm, cách đọc và thẩm định tác phẩm của ông đã rất lỗi thời. Đặc biệt từ khi có Nghị quyết 23 của Bộ chính trị “Về sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật phát triển trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ” đã mở ra một lối đi cho văn nghệ sĩ sáng tạo. Nói như thế không có nghĩa là nhà thơ muốn viết gì thì viết, mà như cố nhà thơ Chế Lan Viên là cần “bay theo đường dân tộc đang bay”, tác phẩm phải vừa mang tính hiện đại vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, không phản cảm…
     Bài thơ “Trăng nghẹn” của Hoài Tường Phong toát lên nỗi đau, nỗi buồn, là tâm sự tác giả trong quá khứ và hiện tại. Từ đó, bạn đọc cùng ngậm ngùi chia sẻ và mong rằng có một tương lai tốt hơn, trăng không còn phải nghẹn nữa. Bài thơ  chỉ là một “lát cắt” về hiện thực ĐBSCL và tâm trạng của tác giả, cần gì cứ bắt phải kết thúc có hậu như một số người bắt “trăng phải sáng” ở cuối bài? Thơ chứ đâu phải là bản báo cáo về thành tích và những mặt còn hạn chế của khu vực ĐBSCL sau 50 năm? Nhà thơ có quyền nói cái xấu, cái ác để lên án nó, hướng người đọc tới Chân, Thiện, Mỹ. Từ đó cái thiện, cái đẹp, cái tốt sẽ chiến thắng cái xấu, cái ác. Thơ văn đâu phải là khẩu hiệu hô hào, mà nó thông qua hình tượng nghệ thuật, thông qua tâm trạng của nhân vật trữ tình để miêu tả cái “đã có”, “đang có” và cái “sẽ có”. Đó là chức năng “dự báo” của văn học. Hiện thực trong “Trăng nghẹn” không có tô hồng, cũng không có bôi đen, sao ông Phan Huy cứ bắt nó phải thế này, thế kia theo gu thẩm mỹ của ông, để rồi nhân danh Trưởng ban tổ chức cuộc thi “hủy” giải Nhất? Trong khi đó ông cho mình cái toàn quyền như vậy, không thèm đếm xỉa đến các Hội VHNT trong khu vực. Đã nhiều cuộc thi thơ, truyện ngắn, bút ký luân phiên giữa các tỉnh ĐBSCL, nhưng có tỉnh nào đã hành xử một cách độc đoán như ông Phan Huy chưa? Tôi chỉ lấy ví dụ ở hai cuộc thi thơ trước đó để minh chứng.
      Cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ nhất năm 2002 do Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre đăng cai tổ chức, nhà thơ Lê Chí làm trưởng ban Chung khảo. Sau khi xem xét thấy có hai bài cùng số điểm cao, chất lượng ngang nhau đều xứng đáng đoạt giải Nhất, thì ông Trưởng ban tổ chức hội VHNT tỉnh Bến Tre đã hỏi ý kiến của Chủ tịch 12 tỉnh ĐBSCL, và tất cả đều nhất trí với Ban giám khảo là cuộc thi có 2 giải Nhất. Đến cuộc thi Thơ lần thứ 3 do Hội VHNT tỉnh Long An đăng cai tổ chức năm 2006. “Trước khi trao giải ông Trưởng ban tổ chức (nhạc sĩ Nguyễn Lành- Chủ tịch Hội VHNT Long An) cũng thông báo kết quả đến các Hội VHNT khu vực ĐBSCL để lắng nghe ý kiến, và khi tất cả đều thống nhất mới trao giải” (Bao Lao động số 85 ngày 16- 4- 2010). Hay cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL năm 2008 do Hội VHNT tỉnh Đồng Tháp đăng cai, mặc dù quy định chỉ lấy 5 giải Khuyến khích, nhưng khi có 7 tác phẩm cùng vào thang điểm ấy thi nhạc sĩ  Phạm Khiêm- Chủ tịch Hội VHNT, làm Trưởng ban tổ chức cũng đã hỏi ý kiến các Chủ tịch hội VHNT 12 tỉnh ĐBSCL rồi mới quyết định lấy cả 7 giải Khuyến khích. 
      Nhưng đằng này ông Phan Huy đã phớt lờ tất cả, làm theo ý mình, lại còn nói là “Quy chế không buộc chúng tôi tham khảo ý kiến các Hội văn nghệ khác, cũng như các cuộc thi văn chương ĐBSCL trước đây, các hội khác quyết định không tham khảo ý kiến của chúng tôi…” (Báo Tiền phong số ra ngày 17- 4- 2010). Qủa là “ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung”. Ông mới về làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Cần Thơ được 2 năm nay, nếu không biết gì thì phải hỏi người khác, sao lại nói sai như vậy? Ngay ở cuộc họp giao ban các Chủ tịch hội VHNT hôm trao giải cuộc thi truyện ngắn do tỉnh Đồng Tháp đăng cai tổ chức đã thống nhất cách làm, ông quên rồi sao?
       Ngay việc thành lập Ban tổ chức cuộc thi, lẽ ra nên có đại diện của Ban tuyên giáo Thành ủy và Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch cho khách quan hơn, nhưng ông cũng không đếm xỉa tới. Ban tổ chức chỉ có 4 người của Hội VHNT, ai góp ý gì ông cũng không nghe. Tôi (thư ký) và nhà văn Nguyễn Khai Phong (Phó ban tổ chức), ở nhiều cuộc họp muốn phát biểu ông cũng không cho nói, từ trước tới sau ông chỉ nói một câu cửa miệng “tôn trọng quyết định của Ban giám khảo”. Nhưng sự thật đâu có thế. Trong khi toàn ban giám khảo cương quyết bảo vệ quan điểm không thay đổi về giải thì ông vẫn hủy giải Nhất. Như vậy là ông nói một đàng làm một nẻo.
        Thứ hai là ông không có bản lĩnh của người làm lãnh đạo, dám làm dám chịu trách nhiệm trước dư luận xã hội, mà luôn đổ lỗi sang cho người khác gánh chịu. Cụ thể là ông đã ký vào văn bản cuộc họp chấm Chung khảo chiều 20- 3- 2010, xác định các giải thưởng (có 5 chữ ký các thành viên - có nhà văn Lê Văn Thảo – Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chứng kiến). Nhưng khi có ý kiến trái chiều, ông lại nói chưa ký. Ông rất mừng khi Cần Thơ đăng cai đạt 2 giải cao: Nhất và Ba, giục tôi đưa thông tin lên mạng để mọi người cùng chia vui, và chỉ còn 6 ngày nữa sẽ trao giải thơ vào đêm Nguyên tiêu. Chương trình, báo cáo tổng kết ông giục tôi viết, kể cả việc in giấy chứng nhận các tác giả đoạt giải, làm gấp tập sách gồm 60 bài thơ vào vòng Chung khảo, mời nghệ sĩ Lệ Nhương ngâm bài “Trăng nghẹn” trong buổi trao giải. Nhưng đùng một cái, kịch bản ấy bị xóa sạch, vì ông sợ những ý kiến ngoại đạo “văn chương”. Ông quay sang đổ lỗi cho tôi- Thư ký tự ý đưa thông tin lên mạng. Thật hết sức trơ trẽn và tráo trở.
        Trong cuộc phỏng vấn của phóng viên trang website Hội nhà văn Việt Nam, ông nói: “Tôi không đối lập lại với nhân dân”. Xin hỏi ông “nhân dân” ở đây là ai? Là người nông dân, anh công nhân hay một thầy cô giá, học sinh…? Khái niệm “nhân dân” chắc ông đã rõ. Có ai bảo ông chống lại nhân dân đâu mà ông phải thanh minh như vậy? Ông không trao giải Nhất là đứng về phía nhân dân à? Thật nực cười. Chân lý cũng có khi thuộc về số đông nhưng cũng có khi thuộc về số ít mà một thời gian sau mới có thể kiểm chứng. Thẩm định tác phẩm văn học có phải ai cũng làm được đâu. Các-mác, vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản, đã từng nói: “Bản nhạc dù hay đến đâu cũng không có giá trị gì với lỗ tai không biết thẩm âm”. Nói một cách biện chứng là muốn đánh giá bài thơ hay dở thế nào hãy cứ để công chúng yêu thơ và thời gian làm trọng tài là công bằng nhất. Yêu thơ là một lẽ, còn thẩm định thơ lại là lẽ khác. Bài thơ trước hết đã được Ban giám khảo nhất trí công nhận giải Nhất, mồm ông nói tôn trọng quyết định của Ban giám khảo nhưng hành động thì làm ngược lại. Thật đáng buồn hết chỗ nói. Thế là đã rõ sự ngụy biện loanh quanh của ông. Tôi xin mượn lời nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, thành viên ban chung khảo để kết thúc bài viết nhỏ này: “Cứ như kiểu làm của ông Phan Huy hiện nay thì sẽ có nhiều nhà thơ, nhà văn không dám nhận lời làm giám khảo các cuộc thi VHNT ở ĐBSCL trong thời gian tới”./.

  LÊ XUÂN  
(Thư ký cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ 4 – 2009)