Trang chủ » Tản văn

Khen chê

Nghiêm Lương Thành
Chủ nhật ngày 11 tháng 1 năm 2009 10:06 PM
 
Khen và chê là hai vị, tuy là trái ngược nhau, nhưng tuyệt đối không thể thiếu được trong bữa tiệc cuộc đời. Với trẻ nhỏ: Khen là vị ngọt luôn mới mẻ của kẹo, còn chê là cảm giác chán ngắt khi ngày ngày đến trường cứ bị hàng chữ màu vàng khổ lớn trên nền đỏ Thi đua lập thành tích chào mừng ngày …… cứ nhơn nhơn dội thẳng vào cặp mắt đen láy vốn đang thèm ngủ vì luôn phải thức khuya để làm cho hết bài. Do lời khen, có những đứa đang học giỏi có thể trở thành bình thường, có những đứa đang học bình thường lại trở nên suất xắc. Đối với những đứa trẻ có cá tính, lời chê nhiều khi có tác dụng như một liều thuốc bổ; số còn lại, cũng tựa như bánh đa gặp nước, nếu không có ai đó kịp thời đem phơi thì cũng chỉ còn cách cho vào nồi nấu lên mà ăn cho khỏi hoài của. Người lớn cũng chả khác gì.
Khen tức là hài lòng. Chê thì ngược lại. Nhưng cái nguồn cơn làm cho ta hài lòng hoặc không vừa ý lại là chuyện khác; Đây là chuyện tâm tính, chuyện tư chất và thậm chí là quan niệm về đạo đức của từng cá nhân, hoàn toàn thuộc về cõi tâm tư sâu kín và không nên can thiệp. Bởi vậy, đối với cùng một sự việc, đôi khi, cái sự khen chê cũng khó thống nhất lắm và nảy lửa là điều khó có thể tránh khỏi nếu cả hai phía đều tỏ ra kiên định. Mà lửa thì biết rồi đấy, là thứ mà - Ngay từ thời trước công nguyên và khắp thế giới - các nhà sử thi đã luôn lấy nó ra để diễn tả các cảnh chiến tranh hùng tráng và tàn khốc, đó đây ngổn ngang thây xác của những kẻ vốn chỉ thích sống phong lưu vui vẻ và chưa bao giờ sáng kiến ra chiến tranh.
Bọn thò lò mũi xanh, quần đùi trễ rốn, thấy thích thì khen liền, thấy không khoái thì chê bai ngay tắp lự, không thương tiếc; Và lát sau, đã thấy chúng đang chụm đầu vào mà bắn bi mà cười như nắc nẻ với nhau. Chúng ta, những người lớn, đâu có nhẹ dạ, khinh suất như chúng, cái loại vắt mũi chưa sạch, nghĩ và nói cùng một đằng.
Khen ư ? Để xem đã: Nếu hắn là thuộc cấp và thường làm ta hài lòng, làm ta đẹp mặt, làm ta vẻ vang thì khen quá đi chớ ! Nhưng phải luôn nhớ một nguyên tắc: Không được để thiên hạ hiểu là hắn có năng lực hơn ta và nhất là không được lơi là cảnh giác, bởi cái hạng này vốn ranh, hoạt, nhão nhoét và hăng hái như thứ dây bìm bìm. Còn những đứa bình thường khác, thậm chí cứ sống, cứ hành xử theo cái lối lưng thẳng đuồn đuỗn thì còn phải xem; nếu có khen thì chỉ nên khen khi hắn làm được việc (để hắn tiếp tục được việc cho ta), mà cũng chỉ khen tay đôi, khen khe khẽ trong phòng kín thôi. Nhưng nếu đó là cấp trên thì ... vô tư đi, lời nói đâu có phải bỏ đồng tiền liền khúc ruột ra mua, có điều câu chữ phải thể hiện được sự kính cẩn, trung thành và hình thức thể hiện phải hợp với khẩu vị của đối tượng. Trong bàn tiệc cuộc đời, khen tặng là món ăn được cả đại chúng lẫn tiểu chúng ưa thích nhất. Nhưng phải đặc biệt thận trọng với những bố cấp trên sáng dạ; Hạng này quyết không thể khen ẩu; khen ẩu là tự sát; bao công lao phấn đấu, tiến bộ có thể phút chốc tan phèo ra mây khói. Cũng may là hạng này không nhiều. Với loại thực khách chẳng mấy dư dật và rất sành ăn này, gần thì chẳng có lợi lộc gì mà không chừng còn mang họa vào thân; Tốt nhất là lấy câu Kính chi viễn nhi làm kim chỉ nam, là tránh, tránh càng xa càng an toàn, càng tốt đẹp.
Dùng lời khen cũng có thể sơ trắc được tư chất, tâm tính của người ta. Khi nhận được lời khen: Kẻ ngu đần chỉ cười nhạt, nhưng cứ khen mãi thì lâu dần hắn cũng thấy đúng và sau đó còn thành thật tin là như thế. Người khiêm nhường thoạt nghe thì lấy làm xấu hổ, bèn xua tay cuống quít, bảo đừng nói nữa. Kẻ thông minh thì lập tức kín đáo thu nhỏ tròng mắt, thận trọng dương vây cảnh giác, xem có chuyện gì đây. Gã hợm hĩnh thì cười hô hố, lấy làm tâm đắc và trong bụng thầm khen kẻ tri âm bất đắc dĩ: Chỉ được cái nói đúng !
Lời khen có lẽ là thứ xa xỉ nhất trần đời. Trong lĩnh vực hỷ xả, chúng ta vốn là những kẻ luôn túng bấn; mà đã túng bấn thì thường rất kiệm và rất không ưa sự xa xỉ. ấy thế mà không hiểu tại sao, đối với những kẻ ta không hề quen biết, thậm chí còn chưa biết cả mặt ngang mũi dọc thế nào, chỉ do thấy thiên hạ nói đến nhiều quá, khen nhiều quá, ta bỗng quên phắt mất cái đức thường kiệm của mình, hào phóng vung vãi không tiếc những lời khen tặng, tán tụng, và trong những thời khắc thăng hoa, sự ngợi ca đã vút lên đến đỉnh cao sùng bái. Sùng bái đến thành thực. Phép tự kỷ ám thị của trường phái Yôga ấn độ cũng chỉ mầu nhiệm đến thế là cùng; Bằng chứng là ở trên đỉnh cao ấy, ta đâm ra lãng mạn: Người thường thì sao xuyến bồi hồi, kẻ nghệ sỹ thì bèn lấy vần điệu hoặc nốt nhạc lắp ráp vào, chắp cánh cho những lời ngợi ca để chúng có thêm công năng bay bổng. Cho đến một ngày nào đấy, một sự kiện xảy ra và cho thấy rằng không phải như thế thì thiên hạ bỗng ngẩn mặt và im bặt, các thợ thơ và các thợ nhạc kia thì bỗng tẽn tò, nghiêng mặt, vặn vẹo đôi bàn tay, làm các khớp xương của chúng kêu răng rắc và lảng đi, không bao giờ muốn ai nhắc lại những thành tựu xuất thần của những cảm xúc nhẹ dạ nhất thời ấy nữa. Không biết ai đã nghĩ ra chữ a dua, nghe âm điệu thì có vẻ như không phải tiếng Việt, nhưng quả là nghiệt ngã, chua chát quá thể !
Còn chê ư ? Vẫn biết là không nên chê người, nhưng quái lạ: những điều như thế không hiểu sao lúc nào cũng có sẵn và luôn đầy ắp trong đầu ta. Lắm lúc, có chủ định trước gì đâu, thế mà cái lời chê không hiểu sao cứ trôi tuồn tuột ra khỏi miệng. Mà những lúc chúng trôi ra ấy, ta cũng thấy khoái đáo để. Đã có một số ý kiến cho rằng nên bổ sung hành vi này vào bộ Tứ khoái của dân gian. Việc nâng cấp từ Tứ khoái lên Ngũ khoái cho đến giờ vẫn còn nhùng nhằng, chưa ngã ngũ vì vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược, chưa thể dung hoà được. Nhưng chê cũng phải có định hướng và chọn lọc, quyết không thể lúc nào cũng hồn nhiên được. Cũng may, sự định hướng chọn lọc này lại luôn có sẵn trong ta như một thứ bản năng. Thì đây: Riêng đối với những kẻ có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đến độ căng túi tiền và sự tiến bộ của ta thì ta luôn có một phản xạ điều tiết nhậy cảm và chính xác đến thần tình. Các Bố già Ma-phi-a là những người hiểu rất sâu sắc và vận dụng rất thành công đặc điểm này trong việc tổ chức và đều hành hệ thống của mình.
Khi được cất nhắc lên một “cái ghế” gì đó thì đấy là do năng lực, tài cán của ta; còn người khác, dù có ngồi vào ghế vụ trưởng, thứ trưởng thì cũng thường thôi, có gì đáng nói, chẳng qua hắn chỉ ăn may thôi: Được thời, đồ điếu thành công lạ ! Khi ta có sẵn tiền trong túi thì điều đó cũng có nghĩa là do tài ba năng động, còn đối với kẻ khác thì ... có nhiều vấn đề lắm ! Nhưng nếu ta chung thân là thường dân hay từ ghế giám đốc rớt bệt xuống hàng thường dân hoặc phó thường dân, thậm chí phó thường dân dự khuyết, thậm thậm chí không còn quyền thường dân; Hoặc giả, đang xông-xênh-xang bỗng trở nên túng bấn so dụi thì điều đó có nghĩa là do diễn biến của số phận: Vận khứ, anh hùng ẩm hận đa mà ! Phàm những gì thuộc về ta thì đều là tốt đẹp, là kỳ tích, thuộc về người thì ... có đáng gì !
Cái sự khen chê cũng có lắm màu, nhiều vẻ. Kẻ sảo quyệt thì dùng nó như một thứ công cụ tiến thủ: Khen để dọn dư luận, dễ bề gây dựng vây cánh; cũng có khi khen là để tạo nền đẹp, chuẩn bị đập chết ăn thịt kẻ làm gai mắt mình mà không bị người đời xăm soi nghị luận. Loại này lại ít khi dùng lời chê, nhưng đã dùng thì thường để chốt hạ loại bỏ đối thủ, để lấy đi sự kính trọng tin cậy của bà con cộng đồng với một người bình dị, trong sáng và tri thức đầy mình. Người phúc đức thì dùng lời khen để khích lệ, ngợi ca người tốt, việc tốt; dùng sự chê cười để hạn chế việc xấu, người chưa tốt; thậm chí còn làm cho lòng tự ái bị trọng thương để rồi giúp nhau nên người. Đấy là trường hợp kinh điển của cặp Dương Lễ - Lưu Bình.
Nhưng thích được khen, ghét bị chê đâu phải là lỗi; nếu buộc phải nói là lỗi thì đấy là lỗi của ông Xanh, tác giả thiết kế ra chúng ta ! Vẫn biết có câu Hữu xạ tự nhiên hương nhưng cái chặng từ vô xạ đến hữu xạ nó dài lắm, công phu lắm, lao lực lắm. Tránh cái nhọc, tìm cái nhàn vốn là lương năng của chúng ta. Vậy, không ai khen ta thì ta tự khen lấy; Đấy là cách được ta ưa dùng nhất, vì chỉ mất công nói chứ không khó nhọc. Người đời hay nói: Tính tôi bộc trực, tôi là người thẳng thắn, chân thật ... chứ có thấy ai khoe rằng tôi là người uốn éo, trí trá bao giờ ? Với bản thân thì ta muông chiều, vuốt ve, dù lúc vô tình hay khi hữu ý, cũng đều phát ngôn hoặc hành động ra những điều tự tác đề cao. Với người thì giữ rịt lời khen trong bụng mình như sợ mất tiền, mặc dù khi mở ví trao tiền bo cho đào chơi, chưa thấy ai chê ai là kẹt xỉn bao giờ, cũng hào phóng như khi mở miệng nói lời chê vậy. Thế mới biết cái tôi và cái đức tự sủng ái lớn lao và đại chúng biết chừng nào ! Nhưng, thiết tưởng, cũng cần phân biệt chữ tôi ở đây với chữ Tôi của một phẩm chất độc lập, ngay ngắn, tự tin, sáng tạo và vị nhân. Theo nghĩa của chữ Tôi thứ hai này, khi làm cải cách về tiền tệ, thuế khoá và giáo dục, Hồ Quý Ly đã có cái Tôi như thế. Lương Thế Vinh cũng đã viết Đại Thành Toán Pháp và Hý Phường Phả Lục một cách rất Tôi, trong khi vua Lê Thánh Tôn chí kính chỉ coi trọng văn thơ bác học chứ không đánh giá cao toán pháp - dù là cũng bác học - và dòng âm nhạc dân gian.
Các nhà nước cũng dùng khen chê để bổ sung vào hệ thống công cụ trị dân của họ. Lịch sử còn ghi lại: Thời vua sáng, dương thịnh âm suy, kẻ sỹ ngay thẳng đua nhau thi thố tài kinh bang ích nước lợi dân, kẻ ác hiểm thân mềm chui lủi như rắn mồng năm, thiên hạ thái bình thịnh trị: khen nhiều mà chê ít. Thời vua tối, âm cường dương nhược, kẻ sáng láng chuyển sang cày ruộng, làm thơ, kẻ thiểu trí thân mềm đua nhau tìm kẽ chui vào chốn quan trường, bóp nặn dân lành, vơ vét công khố, nhiễu nhương thiên hạ: chê nhiều mà khen ít. Sự khen chê của nhà nước thể hiện ra ở chỗ tưởng thưởng và nhà tù. Sự tưởng thưởng đem lại cho các đối tượng làm hài lòng nhà nước các loại tước lộc vinh gia và nhà tù đem lại cho những kẻ có hành vi nghịch thần (khiến nhà cầm quyền thấp thỏm lo âu) những chuỗi tháng năm ngồi đếm lịch dài vời vợi bằng cả nhiều ngàn thu. Xử án mà thiếu luật, cứ theo tư ý mà tuỳ hứng thì tệ nạn, cái ác như muôn loài nấm độc đua chen bùng phát. Hình phạt khắt khe thì sinh lòng oán hận, không khuyến khích được kẻ có lòng từ ác cầu thiện. Hình phạt sơ sài thì không ngừa được tội ác nảy nở. Tưởng thưởng dễ dãi thì vinh dự như làn khói mỏng tang nhạt thếch, sinh bụng khinh nhờn, không khuyến khích được kẻ muốn lao động lập công vì cộng đồng. Ban danh cẩu thả thì thứ bậc nhập nhèm, muôn người như một, không người cầm chịch, thì cuối cùng chỉ thành điều hài hước, bông phèng thường nhật cho mấy gã Ba Giai, Tú Xuất thông minh, bạt tuỵ quấy quá giải khuây.
Sách cổ nói: Sự vật ở thế ổn định, hài hoà, tươi thắm khi âm dương cân bằng. Khen và chê là hai thể đối nghịch, có thể coi là dương và âm. Trong chê vốn có khen, trong khen vốn có chê. Vậy mà cuộc đời sao thường thấy chê nhiều hơn khen ? Có lẽ vì vậy chúng ta mới có khát vọng hướng tới cái đức độ lượng, hỷ xả ? Và, Phật với Chúa Trời, phải chăng là sự thoát thai của cái khát vọng tràn đầy ánh sáng ấy ?
NLT