Trang chủ » Tin văn và...

NHÀ THƠ VỚI 700 NGƯỜI TÌNH

Trần Hậu
Thứ bẩy ngày 3 tháng 4 năm 2010 1:40 PM
 
       Trong số các nhà văn, nhà thơ Nga mọi thời đại, tên tuổi A. S. Pushkin luôn luôn được dân tộc Nga gìn giữ và trân trọng như một báu vật quốc gia. Ba mươi bảy năm sống trên trái đất tội lỗi, con người đa tài, mãnh liệt và có cá tính bốc lửa này đã kịp viết và in hết hàng tấn giấy, yêu hàng trăm phụ nữ, trong đó có cả cô gái nông nô Maria Kalashnikova lẫn cháu ngoại của vị thống soái Nga lừng danh Kutuzov - Daria Fikelmon.
 
Goncharova
 
Người ta nói rằng trong đời mình A.S. Pushkin đã yêu khoảng 600 hay 700 người phụ nữ. Có nhà “nghiên cứu” lại khẳng định rằng con số khoảng dưới 400… Quả thật, chính nhà thơ cũng thừa nhận điều đó trong những bức thư gửi bạn bè. “Natalia Goncharova là người tình thứ 113 của tớ”, - một lần nhà thơ kiêu hãnh nói với ông bạn Pushchin của mình như vậy. Pushkin “thống kê” rất cẩn thận các mối quan hệ tình cảm (và nhục cảm) của mình: thậm chí một “Danh sách Don Juan” của nhà thơ đã được xuất bản. Pushkin không để sót bất cứ ai, thậm chí khi đã cưới cô vợ trẻ, xinh đẹp Natalia Goncharova  rồi, nhà thơ vẫn không thôi “đi mây về gió”, hơn nữa lại còn quyến rũ cô Alexandrine, em gái của Natalia. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới cuộc đấu súng giữa Pushkin và Dantes là sự kiện Dantes cùng với vợ là Ekaterina (em gái của Natalia Goncharova) sắp sửa rời nước Nga sau lễ cưới và Alexandrine cũng chuẩn bị đi cùng họ. Tất nhiên, vì câu chuyện tình giữa Pushkin và Alexandrine được giữ bí mật rất cẩn thận, nên mối quan hệ của Dantes với Natalia đã trở thành nguyên nhân chính thức của cuộc đấu súng.

Không một phụ nữ nào có thể cưỡng lại trước sức cám dỗ của thi sĩ, từ những cô gái trẻ đến những phụ nữ trưởng thành, đã có chồng hay goá bụa, tất cả họ đều lần lượt đổ rạp xuống dưới bước chân nhà thơ như sung đến mùa chín rụng!
 
Được biết, sinh thời Pushkin không phải là đẹp trai, ông có vóc người thấp (Pushkin cao khoảng 166,64 cm), da ngăm đen, cụ tổ về phía ngoại của Pushkin là một người da đen, con đỡ đầu của vua Pyotr Đại đế. Cho đến nay, nhìn những bức chân dung của Pushkin, ít người biết được rằng nhà thơ bị hói, ông thường xuyên đội tóc giả và bộ râu quai nón của ông cũng giả nốt. Natalia Goncharova kể lại rằng hồi mới cưới nhau, có lần ban đêm tỉnh dậy với tay lấy cốc nước, chợt tình cờ nhìn thấy bộ tóc giả của chồng để trên bàn, bà sợ quá kêu toáng lên. Nhà nghiên cứu tác phẩm của Pushkin V.N. Kuzhovkin khẳng định rằng  sau khi Pushkin qua đời, người ta đã bí mật mang bộ tóc giả của nhà thơ từ Nga sang Mỹ và trưng bày tại một bảo tàng tư nhân. Mặc dù vậy, phần lớn các cô, các bà đều chết lịm đi trong bộ râu quai nón bù xù của Pushkin. Và cứ thế, nhà thơ của chúng ta luôn luôn sống trong trạng thái yêu đương ngây ngất. Quả là ông không thể sống khác được.

Một số phụ nữ nhờ có Pushkin mà đi vào sử sách, chẳng hạn Anna Kern. Ở Nga, từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông ai mà chẳng phải học thuộc lòng bài thơ “Gửi…” của Pushkin viết tặng  Anna Kern: Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu/ Trước mặt anh em bỗng hiện lên/ Như hư ảnh mong manh vụt biến/Như thiên thần sắc đẹp trắng trong. Nhưng có lẽ, ít người biết được rằng Pushkin đã chinh phục người đẹp quý tộc, “thiên thần sắc đẹp trắng trong” Anna Kern không mấy khó khăn. Thậm chí sau đó Pushkin còn tâm sự với một người bạn rằng Anna Kern rất mê ông, bám ông dai như đỉa, đã thế lại còn định dịch văn học: “muốn trở thành Avrore Lucile Dupin (tên thật của George Sand). Ngu thật, phải chăng đó là công việc phù hợp với trí tuệ cô ta?”.

Pushkin không khách khí với những người tình của mình, một khi ông đã chán rồi thì xin chào tạm biệt bà (hay cô) và không gì có thể cứu vãn được: kể cả nước mắt, kể cả những lời thề thốt chung thuỷ đến tận mồ, kể cả những cơn thịnh nộ của người tình hay vũ khí của các đức lang quân. Dường như đơn giản là nhà thơ của chúng ta cởi bỏ trạng thái yêu đương này để rồi vài giờ sau lại lao vào vòng xoáy ái tình khác. Có thể, buổi sáng đó là phu nhân của một vị đại thần. Buổi chiều Pushkin đã có thể ân ái với một cô gái Peterburg rẻ tiền nhất. Bạn bè khuyên can, cảnh báo về hậu quả của những cuộc tình chóng vánh trong những căn phòng bẩn thỉu, sơ sài. Pushkin chăm chú lắng nghe, nhưng  bỏ ngoài tai, rồi lại phi nhanh tới ngày hội ái tình của mình. Sau đó ông chữa bệnh một thời gian dài. Trong giới quý tộc người ta thì thầm với nhau: “Thần Vệ nữ lại xích chân Pushkin vào giường rồi…”. Nhưng cái trạng thái bệnh tật đó lại có những mặt tích cực. Ông uống thuốc mixtura (hợp dịch) và sáng tác, sáng tác, sáng tác… Cuộc sống  trác táng, phóng đãng đã làm xuất hiện những câu thơ và những tác phẩm xuất thần.

Trong các câu chuyện tình, Pushkin là người cuồng nhiệt, không kiềm chế và cả ghen đến mức quẫn trí. Trong đời mình, ông đã nếm trải một mối tình như vậy với cô Amalia Riznich, con gái của một nhà băng người Áo và vợ của một trùm tư bản công nghiệp cỡ bự. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức và vượt qua hàng tá người hâm mộ nhà thơ mới chinh phục được nàng. Giành được sự ưu ái của người đẹp rồi, chính Pushkin cũng ngạc nhiên là ông không quay lưng lại với đối tượng của mình như những lần trước, mà thậm chí còn trở nên mê mẩn hơn. Ông ghen tuông một cách điên dại với chồng của Amalia, với những tình nhân khác và cả với cả đám người hâm mộ. Ông theo dõi nàng, rình đón những chuyến xe đưa nàng trở về nhà, thậm chí một lần nhà thơ đã đuổi theo xe ngựa của người tình gần bốn dặm đường trong cái nóng như thiêu như đốt. Pushkin muốn biết người đẹp đi đâu trong cỗ xe của mình. Và lần này thì kẻ bị bỏ rơi không phải ai khác mà chính là ông. Pushkin dằn vặt rất lâu vì sự phản bội này, ông gửi tới Amalia những lời nguyền rủa, và hình như chúng trở nên linh nghiệm. Chẳng bao lâu Amalia Riznich qua đời vì bệnh lao phổi ở Italia, nơi đất khách quê người, trong sự lãng quên của chồng, người tình lẫn đám đông hâm mộ. Cái chết của cô khiến ông lại đau khổ. Có nghĩa là dù sao ông vẫn có thể yêu một cách sâu sắc và chung thuỷ?  Sau này Pushkin viết: “Vâng, vâng, những cơn ghen là một thứ bệnh, giống như dịch hạch, như cơn sốt, như trí tuệ bị tổn thương…”. Những lời này được ông đặt vào miệng nhân vật Lensky trong trường ca “Evgeny Onegin”.

Nhưng cuộc tình đã kết thúc. Người đẹp đã không còn. Vậy Pushkin làm gì? “Ông lại chạy lông nhông khắp các đường phố và tìm kiếm những người đàn bà nhẹ dạ”, - bạn bè của ông kháo với nhau.Trong câu chuyện tình với cô gái nông nô Maria Kalashnikova nhà thơ của chúng ta đã đi xa đến mức… một cậu bé đã ra đời, được đặt tên là Pavel. Biết tin, Pushkin đùng đùng nổi giận. Nhưng đứa bé yếu ớt đến nỗi chỉ sống được hơn ba tháng. Cuối cùng nhà thơ quyết định trả lại tự do cho Maria Kalashnikova.

Pushkin có thể cùng một lúc yêu hai, ba phụ nữ, thậm chí nhiều hơn. Ông có thể dằn vặt, đau khổ, xúc động vì cả ba người đẹp. Và câu chuyện tình sau đây của nhà thơ với nữ bá tước Elizaveta Vorontsova, phu nhân của một vị tướng- tỉnh trưởng, đã để lại cho Pushkin quá nhiều phiền muộn. Tiện thể xin nói, ở nước Nga thời bấy giờ những nhân vật như Elizaveta Vorontsova  và Amaia Riznich luôn luôn được dư luận quan tâm. Và ông bị giày vò bởi cả hai người. Không rõ nữ bá tước  Elizaveta  Vorontsova có thực lòng yêu Pushkin không? Nhưng việc nhà thơ có “để mắt” tới vợ mình thì bá tước- tỉnh trưởng Vorontsov nhận ra rất nhanh. Và ông cũng khẩn trương tổ chức một chuyến đi cho nhà thơ, đồng thời đến gặp Sa hoàng phàn nàn về hành vi “nhẹ dạ” của nhà thơ. Kết quả là Pushkin bị đày tới làng Mikhailovskoye. Nhà thơ giấu kín trong lòng nỗi oán hận bá tước Vorontsov. Và bắt đầu lôi ông ta ra đập  trong các tác phẩm của mình. Bạn còn nhớ những câu:  Một nửa bá tước/ Một nửa con buôn/ Một nửa người khôn/ Một nửa vô học...  Đó chính là Pushkin viết về kẻ tình địch của mình, bá tước Vorontsov. Tuy vậy, bá tước- tỉnh trưởng không gọi Pushkin ra đấu súng như nhà thơ sau này đã làm với Dantes, ông tiếp tục sống cuộc đời yên ả và hạnh phúc bên cạnh người vợ kiều diễm và thông minh của mình. Sau này trong những bài thơ của mình  Pushkin gọi nữ bá tước Vorontsova là “mụ phù thuỷ” đã tặng ông một lá bùa nào đó. May mà ông không gọi bà là “con ngu” như Anna Kern.

Câu chuyện trên xảy ra trước cuộc gặp gỡ với Natalia Goncharova một vài năm. Bà trở thành vợ và là người tình thứ 113 của Pushkin.
Nguon theo nuocnga.net
Copy từ tongocthach.vn