Trang chủ » Tin văn và...

NHIỆT LIỆT CHÚC MỪNG BÁC TÔ HOÀI THƯỢNG THỌ

Yên Khương - Trần Nhương
Thứ hai ngày 29 tháng 3 năm 2010 7:52 PM



Dung dăng dung dẻ
Dắt Dế đi chơi
90 tuổi Trời
Vẫn đương chạy tốt

 
Hôm qua, Hội Nhà văn Hà Nội đã đến thăm và chúc thọ tác giả Dế mèn phiêu lưu ký – nhà văn Tô Hoài. Sinh năm 1920, năm nay nhà văn đã 90 tuổi (thượng thọ) nhưng còn khá mẫn tiệp và vẫn trẻ trung như cách của các nghệ sĩ. TT&VH đã có cuộc trò truyện với nhà văn Tô Hoài nhân “phút thứ 90” của ông!
 
Nhớ Tây Bắc, khao khát về Mường Dơn
 
* Trước tiên xin được chúc thọ cụ, sau là muốn cụ nói cho nghe về Tây Bắc, miền đất mà như có người đã nói là đã làm nên một Tô Hoài vạm vỡ trong nghề viết. Cụ nhớ nhất điều gì ở Tây Bắc?
- Tây Bắc ư? Tây Bắc thiết tha với tôi và tôi cũng rất thiết tha với Tây Bắc! Đó là dải đất luôn sống trong tôi. 10 năm tôi ở chủ yếu là Bắc Cạn và Cao Bằng, làm Chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc, giống như anh Nam Cao được gọi với bí danh Ma Văn Hữu, tôi đâu có phải là Tô Hoài mà là Nông Văn Tư. Tôi nhớ những lần đi cơ sở cùng đồng nghiệp, được sống với dân bản, được làm việc với họ như là người bản địa hơn là một “chàng trai” từ Hà Nội lên công tác...
Nói chung Tây Bắc mỗi khi nhớ đến làm tôi rất xúc động. Tôi thầm cảm ơn dải đất ấy đã không chỉ cho tôi một tình yêu văn chương mà từ tình yêu ấy tôi đã có được “những đứa con tình thần” tuy “chưa ưng cái bụng mình lắm” nhưng đã được nhiều người yêu thích.
* Cụ có hay quay lại với Tây Bắc - tình yêu thiết tha của cụ không?
- Tôi từng quay lại vùng Tà Xùa, Hồng Ngài, Nghĩa Lộ cùng đoàn làm phim Vợ chồng A Phủ. Cảnh vật đã có thay đổi so với thời tôi cùng anh Mai Lộc ở đó viết Vợ chồng A Phủ. Năm 1950 tôi về Mường Dơn, nằm ở đó 1 tháng và có viết một tác phẩm về vùng quê của người Thái trắng này. Giờ 90 tuổi rồi, rất muốn nhưng không thể về lại Mường Dơn được nữa.
* Cụ còn “vướng víu” gì với Mường Dơn chăng?
- Tôi rất thích Mường Dơn. Đó là vùng đất rất đặc trưng bởi gần như còn nguyên sơ với những phong tục, tập quán của người Thái trắng rất hay và lạ. Mong muốn của tôi không chỉ dừng lại ở chuyện viết sách về vùng đất ấy mà tôi còn muốn cùng các nhà làm phim làm một bộ phim về Mường Dơn. Thực ra thì tôi cũng đã từng đề cập đến chuyện này với anh Nông Quốc Bình (con nhà văn Nông Quốc Chấn) là nên làm một bộ phim về Mường Dơn và tôi sẽ cố vấn cho, nhưng đến nay tôi chưa nhận được hồi âm của anh Bình và hình như cũng chưa thấy ai làm phim về nơi đó...
* Điều gì ở Tây Bắc, Mường Dơn làm cụ nhớ và trăn trở đến vậy?
- Những cô gái Thái (cười). Họ rất đẹp và thông minh. Thích lắm, nhớ lắm. Thế nên, nói không ngoa, lính Pháp ngày xưa nó... mê mẩn là phải (khẽ lắc đầu). Còn tôi, tôi cũng có rất nhiều con, nhất là ở Hà Giang, nhưng mà là con nuôi thôi...
* Dạ, như cụ nói là chỉ có “con nuôi” thôi ạ?
- Một người tên là Nguyễn Văn Long có làm một đề tài khoa học về tôi. Khi anh ấy nghe tin đồn Tô Hoài có rất nhiều con ở Tây Bắc, anh ấy đã thân chinh tìm đến những nơi tôi đã ở để tìm hiểu thì không phát hiện được gì. Thậm chí tôi rất xúc động khi được anh Long kể lại rằng mọi người trên ấy bảo: Ông Tô Hoài sống rất thân tình với bà con. Có điều, ông ấy chả chịu lấy ai làm vợ...
* Cụ có thể cho biết vì sao được không?
- Trong tư tưởng của tôi không có cái ý chí ấy nên không làm được. Tôi thích những cô gái Thái. Tôi yêu nếp sống của những tộc người. Đơn giản chỉ vậy.
Từ nay chỉ viết về chính thời thơ ấu của tôi
* Tây Bắc thiết tha là vậy, còn Hà Nội, cụ có yêu Hà Nội không?
- Hà Nội là quê hương tôi. Từ bé tôi đã viết về Hà Nội. (bấm đốt ngón tay) - Này nhá, Chuyện cũ Hà Nội này, những tâp truyện ngắn Nhà nghèo, Giăng thề, Người ven thành... rồi các tiểu thuyết về vùng ven thành quê ngoại Quê người (1942), Mười năm (1958), Quê nhà (1980). Có người đã nói rất đúng là nếu xếp theo thời gian lịch sử được miêu tả, thì trình tự sẽ là Quê nhà - Quê người - Mười năm. Nếu không có tình yêu với quê hương tôi viết về quê hương làm gì!
* Kỷ niệm giữa cụ với Hà Nội mà cụ nhớ nhất là gì?
- Hà Nội xưa và nay hết sức khác nhau. Tây Bắc còn nhiều cái giống nhau chứ Hà Nội cái khác lạ là nhiều, nhất là về phong tục. Kỷ niệm giữa tôi với Hà Nội chắc tôi không thể quên ấy là thời tôi làm tổ trưởng khu phố từ năm 1965 đến 1972. Tôi hay phải ký tem phiếu, ký nhiều lắm, ký mệt nghỉ. Có lẽ vì thế nên bây giờ tôi ký vững lắm...
* Còn văn hóa của người Tràng An, cụ có thấy thay đổi nhiều không?
- Hôm qua tôi đọc báo thấy người ta phê bình chuyện văn hóa làng và làng văn hóa ở Hà Nội. Theo tôi, không có làng văn hóa như thế. Vì làng văn hóa là làng phải có nề nếp một cách hoàn chỉnh, hẳn hoi. Anh có thể tặng huy hiệu nhưng không nên đề tên giữa thôn, giữa xóm là làng văn hóa được.
* Cụ năm nay đã 90 tuổi, sức đã yếu và cũng đã khá thành công với văn chương. Vậy cụ còn mong muốn hay có kế hoạch gì cho mình trong thời gian sắp tới không?
- Tôi chỉ mong mình có sức khỏe, đầu óc minh mẫn để tiếp tục viết. Và từ giờ trở đi, hàng ngày tôi sẽ thức dậy, ngồi vào cái ghế kia, bên cái bàn kia (chỉ về phía bộ bàn ghế nơi góc nhà) tôi sẽ viết về thiếu nhi, cho thiếu nhi về chính thời thơ ấu của tôi. Đó chính là ước nguyện của tôi.
* Vậy để viết được, viết hay, kinh nghiệm của cụ là gì, thưa cụ?
- Kinh nghiệm duy nhất là ngôn ngữ phải giỏi. Giàu ăn nói sẽ giàu văn. Càng chú ý ngôn ngữ, càng am hiểu phong tục và các vấn đề này khác... thì sẽ viết nên những tác phẩm hay.
http://www.thethaovanhoa.vn/133N20100328105148851T0/nha-van-to-hoai-hoi-xuan-tu-tuoi-90.htm
Yên Khương