Trang chủ » Tin văn và...

"KIÊU NGẠO CỘNG SẢN" LÀ NGUY CƠ LỚN NHẤT CỦA ĐẢNG

Ngọc Quang (Thực hiện
Thứ năm ngày 18 tháng 2 năm 2016 6:01 AM


(GDVN) - Ông Vũ Mão nhận định: "Điều nguy hiểm là ngay trong nội bộ Đảng xuất hiện dấu hiệu rạn nứt, bằng mặt nhưng không bằng lòng"

LTS: Nhân dịp đón xuân Bính Thân, chia sẻ với độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, muốn giữ được niềm tin của nhân dân, cách duy nhất là Đảng phải đoàn kết, khiêm tốn, đổi mới thực chất vai trò lãnh đạo và chống tham nhũng triệt để.

Cho đến hôm nay, ông hy vọng điều gì ở Ban chấp hành Trung ương khóa mới?

Ông Vũ Mão: Tôi thấy qua Đại hội Đảng XII vừa rồi, tinh thần đoàn kết đã được thể hiện rất rõ, đấy là yếu tố hết sức quan trọng. Có đoàn kết thì mới thống nhất được, mới đồng tâm nhất trí được, mới tạo được sức mạnh để vượt qua những khó khăn nội tại và cả những vấn đề phức tạp từ bên ngoài.

Chúng ta đã thấy trong mấy năm vừa rồi, phải nói một cách thẳng thắn là trong nội bộ Đảng xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt, bằng mặt nhưng không bằng lòng.

Từ bên trong nội bộ tung ra nhiều tin đồn, nó không chỉ ảnh hưởng tới uy tín chung của Đảng, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của từng đồng chí lãnh đạo.

Từ những sự việc đáng tiếc như vậy, nhân dân nghi ngờ, không còn nguyên vẹn niềm tin vào Đảng.

Vấn đề thứ hai chúng ta đã thấy là Đảng thể hiện được sự khiêm tốn, vấn đề này cần phải được phát huy mạnh mẽ.

Chúng ta biết rằng căn bệnh nguy hiểm nhất đó là “kiêu ngạo cộng sản”.

Vì vậy, tôi hy vọng rằng Ban chấp hành Trung ương XII tiếp tục phát huy được tinh thần khiêm tốn học hỏi, không chủ quan ngạo mạn.

Ông Vũ Mão nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương 12 phải coi nhiệm vụ chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng nhất. ảnh: Ngọc Quang.

Dẹp đi bệnh "kiêu ngạo cộng sản”, 200 ủy viên Trung ương còn phải đối diện với quốc nạn tham nhũng, đây có lẽ là đòi hỏi lớn nhất hiện nay của nhân dân đối với Đảng?

Ông Vũ Mão: Nói về tham nhũng thì cả xã hội đều rất bức xúc, nhưng chung quy phải xử lý thế nào, chứ chỉ nói suông rồi để đấy thì uy tín của Đảng ngày càng suy giảm, nhân dân không còn tin tưởng nữa thì làm sao tạo ra sức mạnh đoàn kết được.

Suy cho cùng nói tới tham nhũng là nói tới tài sản cá nhân. Trong số 4,5 triệu Đảng viên thì chỉ có một số giữ chức vụ thôi, và người dân cũng chủ yếu quan tâm tới số cán bộ ấy, xem họ có lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà Đảng giao hay không, có lợi dụng sự tín nhiệm của nhân dân để vun vén cho cá nhân mình không?

Nếu chúng ta chỉ kê khai tài sản cá nhân qua loa đại khái như vừa rồi thì tốt nhất là không làm nữa, vì chẳng giải quyết được gì cả.

Ai cũng thấy đó chỉ là chuyện hình thức, còn thực tế nhiều cán bộ còn rất nhiều chuyện chưa ổn.

Không ít vị để cho vợ con, họ hàng lợi dụng chức quyền của vị lãnh đạo ấy để kiếm lợi.

Tôi phải nói thẳng rằng, với cơ chế hiện nay của chúng ta thì chống tham nhũng vô cùng nan giải. Chúng ta đã nói về vấn đề này rất nhiều, mà điển hình là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 lần khóa VIII; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI… mỗi lần Trung ương thảo luận và ra nghị quyết thì các Đảng viên đều hy vọng, nhân dân đều hy vọng, nhưng thực tế thì kết quả chống tham nhũng chẳng đạt được bao nhiêu.

Thậm chí là kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng còn có phần khác biệt với sự đánh giá của Đảng.

Có thể thấy ngay một thí dụ là trong văn kiện Đại hội Đảng đã chỉ ra rằng, tham nhũng có nhiều diễn biến phức tạp, kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.

Thế nhưng kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng mà Thanh tra Chính phủ trình ra kỳ họp Quốc hội thứ 10 vừa qua thì lại cho thấy, qua thanh tra, kiểm tra phát hiện số vụ tham nhũng rất ít.

"Đổi mới nhưng dứt khoát không được đổi màu"

Ngay cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng thông tin với công luận là không phát hiện có tham nhũng.

Ở nhiều bộ, ngành, hình như cán bộ đều rất trong sạch… đấy là những kết quả trái ngược hoàn toàn với đời sống thực tế, và tất nhiên từ đấy người dân thấy rằng báo cáo của cơ quan quản lý là không đúng với thực tế.

Người xưa đã dạy “một lần bất tín, vạn lần bất tin”, liệu rằng nhân dân còn tin được vào cơ quan công quyền với những kết quả kiểu ấy?

Tại Đại hội Đảng XII vừa qua, đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ được giới thiệu tái cử nhưng không trúng.

Điều đó cho thấy, những người dự Đại hội XII, phần náo đó thể hiện sự quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn tới.

Trách nhiệm của các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương XII là rất nặng nề, nhưng tôi nghĩ rằng dù thế nào thì các đồng chí cũng phải coi chống tham nhũng (trong đó có việc tự chống tham nhũng) là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ đầu tiên phải làm cho bằng được, nếu không thì nhân dân sẽ tiếp tục mất niềm tin vào Đảng. Mất niềm tin nghĩa là mất tất cả.

Liệu rằng công tác cán bộ tại Đại hội Đảng XII vừa qua có hội tụ đủ các điều kiện để đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và chống tham nhũng thành công, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Tại đại hội vừa rồi, Đảng ta đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác cán bộ, tất nhiên còn rất nhiều việc phải làm thì mới đưa được đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nói về sự đổi mới trong lãnh đạo, tôi nghĩ rằng thời gian tới đây Đảng ta cần dành thời gian nghiên cứu, sửa đổiĐiều lệ Đảng. Vừa rồi, chúng ta mới chỉ nói tới văn kiện Đại hộivà công tác nhân sự, còn Điều lệ Đảng thì chưa dành thời gian tổng kết, đánh giá xem mặt nào được mặt nào chưa được để điều chỉnh. Đây là vấn đề nhận thức chưa đủ tầm.

Từ khi nước ta thành lập đến nay đã nhiều lần sửa đổi Hiến pháp, đó là vì thực tế cuộc sống yêu cầu nên chúng ta phải sửa đổi.

Đảng lãnh đạo đất nước thì Đảng cũng phải tích cực đổi mới, mà cái thể hiện rõ nhất chính là Điều lệ Đảng, đó là đạo luật cơ bản của Đảng, xác định xứ mệnh lịch sử của Đảng trước nhân dân, đất nước.

Vấn đề này đặc biệt quan trọng, bởi vì Điều lệ Đảng cần xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan và cá nhân trong công tác quản lý của Đảng.

Trên thực tế hiện nay đã có chuyện vượt quyền, lấn quyền, những chuyện ấy không thể để tiếp diễn được, vì chỉ có minh bạch, công khai thì nhân dân mới tin, mới ủng hộ.

Chúng ta mới đưa ra chủ trương dân chủ, chủ trương phản biện... Như vậy là mới hô to mà chưa (hoặc quá chậm) đi vào thực chất, chưa đề ra các giải pháp, các quy định pháp luật và chưa có chương trình hành động để thực hiện.

Trong Hiến pháp, không nước nào quy định vai trò lãnh đạo của Đảng, chỉ ở nước ta mới có quy định này, tức là có tính đặc thù rất rõ. Điều đó cũng đòi hỏi trách nhiệm của Đảng rất cao, phải làm sao thực hiện được đúng như như Hiến pháp quy định.

Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, nhưng quan trọng là Đảng phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân. Vậy cơ chế nào, luật pháp nào để làm được điều đó?

Vấn đề này tôi đã nêu ra từ khóa VII, nhưng từ đó đến giờ việc sửa đổi Điều lệ Đảng cho phù hợp với tình hình mới của đất nước vẫn chưa thực sự được quan tâm.

Trân trọng cảm ơn ông!