(Tin tức thời sự) - Dù đã nhiều lần xin lùi việc trình Quốc hội xem xét dự án Luật biểu tình, Chính phủ lại một lần nữa xin lùi thời hạn trình dự án.
Trình bày tờ trình của Chính phủ ở phiên họp, ngày 17/2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Luật Biểu tình đã được giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiến hành nhiều bước, như nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khảo sát tại môt số địa phương và lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Tại phiên họp tháng 1/2016 Chính phủ đã cho ý kiến về dự án luật này và quan điểm về một số nội dung lớn còn rất khác nhau, có nội dung ý kiến là 50/50.
Những nội dung cần tiếp tục chỉnh lý để tạo sự đồng thuận cao hơn được Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề cập như thẩm quyền cho đăng ký biểu tình, có cho người nước ngoài tham gia biểu tình hay không, các biện pháp đảm bảo như thế nào…
"Để có thêm thời nghiên cứu theo đúng mục tiêu, đảm bảo tính khả thi, Chính phủ xin lùi thời gian trình dự án luật từ kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá 13 (tháng 3/2016) đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá 14 (cuối năm 2016), ông Cường cho biết.
Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật, ông nói.
|
Ông Hà Hùng Cường thay mặt Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình |
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, dự án Luật Biểu tình lẽ ra phải được trình Quốc hội từ kỳ họp thứ 9 nhưng cứ xin lùi mãi. Đây là dự án luật rất quan trọng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo để thực hiện chương trình của Quốc hội để đảm bảo tiến độ chung, cụ thể hoá quy định của Hiến pháp.
Chủ tọa phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu dự Luật biểu tình đã lùi từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, bây giờ lùi vào thời điểm khác, nhưng không ấn định là khi nào.
"Tại sao cứ xin lùi? Chính phủ ý kiến thế nào, không làm được hay không chịu làm? Quốc hội đã quyết định đưa vào chương trình rồi sao Chính phủ cứ lùi mãi", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đáp, đúng là có việc lùi đi lùi lại nhưng lần này xem xét vẫn có sự phân tán rất lớn trong thành viên Chính phủ về một số vấn đề rất lớn, một số vấn đề khác cũng chưa chín mùi để trình dự án luật.
“Vì thế Thủ tướng kết luận xin lùi. Cá nhân tôi thì đề nghị cứ trình nhưng chỉ là ý kiến thiểu số”, ông Cường cho biết.
Cho rằng quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng sự xin lùi vô thời hạn của Chính phủ hoàn toàn không có lợi về mặt chính trị.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng đề cập Luật Biểu tình là luật cuối cùng luật hoá quyền của công dân theo Hiến pháp. Bộ Công an phải khẩn cấp làm ngay luật này để đảm bảo quyền con người quyền công dân trong Hiến pháp, đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường trật tự xã hội.
Chốt nội dung làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự án Luật biểu tình là nội dung quan trọng của Hiến pháp, được Quốc hội đưa vào chương trình nhiều lần.
Chính vì vậy tháng 6/2015, Quốc hội có nghị quyết số 89 quyết định cho ý kiến vào dự luật tại kỳ họp thứ 11 diễn ra vào tháng 3/2016, vì vậy Bộ Tư pháp cần báo cáo Chính phủ để trình ra vào kỳ họp thứ 11.
Trước đó, cũng đã rất nhiều lần Luật Biểu tình được xin lùi thời hạn trình đề án, tại phiên họp tháng 11/2015 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết dự thảo luật đã xong và được gửi xin ý kiến các bộ, ngành nhưng vẫn còn một số nơi chưa hồi âm. Vì thế nếu trình đúng tiến độ thì rất khó khăn, phải xin hoãn.
Ngày 16/3/2015, trước Uỷ ban Thường vụ QH, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường xin lùi thời hạn trình luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII (giữa năm 2015) sang kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (cuối năm 2016).
Một lần xin rút nữa, đó là tại Phiên họp Thường kỳ Chính phủ ngày 30/12/2014, Thảo luận về Chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh năm 2015, một số ý kiến đề nghị rút dự án Luật Biểu tình ra khỏi chương trình xây dựng luật và pháp lệnh khóa 13, vì chưa thể hoàn thiện.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình, Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật này cần tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng chương trình.
Sơn Ca (Tổng hợp)
* Minh họa của TN