Qui định người đi bộ đi trên vỉa hè đã được ghi rất rõ tại điểm 1 Điều 32 Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể: “Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường”.
Qui định cụ thể như vậy là để đảm bảo an toàn cho người tham gia loại hình giao thông cổ xưa nhất thế gian này: Đi bộ.
Thế nhưng qui định này khi thực hiện, lại vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân. Vì sao vậy?
Trước hết, xin chia sẻ đôi chút suy nghĩ về đường và những gì xung quanh nó.
“Đường”, theo từ điển là “không gian tổ chức giao thông” còn theo ông Nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc) thì “trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.
Tất nhiên, cái lối nói của nhà văn nó đa nghĩa, song nó cũng chỉ ra một cách hình thành con đường của thời xa xưa. Bây giờ, với sự phát triển của phương tiện giao thông thời hiện đại, người ta làm đường trước khi đi chứ không chờ “đi mãi để thành đường”.
Song, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì cũng là sự phát triển “chèn ép” của phương tiện giao thông này với phương tiện giao thông khác. Khi có xe đạp, xe máy xuất hiện, người đi bộ bị đẩy vào lề đường. Khi ô tô xuất hiện thì xe đạp, xe máy bị dồn vào lề đường, người đi bộ bị đầy lên vỉa hè…
Thế nên mới có cái qui định trong Luật người đi bộ phải đi trên vỉa hè.
Thế nhưng khi áp dụng ở Việt Nam, điều này lại bị phản ứng. Lý do là bởi “đường của xe, hè của em”. Vỉa hè “bán” rồi. Mà em kinh doanh, em bỏ tiền ra thì em phải có quyền. Đến cả lề đường cũng “bán” để đỗ xe. Cứ xịch xe một cái đã thấy lù lù ai đó gõ gõ vào cửa kính, hỏi “gửi xe hả?”. Rồi ghi gi, chép chép. Thấp nhất thì 30 ngàn đồng, cao thì hơn.
Vỉa hè đã “bán” (thu lệ phí) thì người “mua” họ có quyền, dân chúng đi đứng lộ cộ, lỡ va vào sạp hàng có mà đền bại. Mà mới chỉ nghiêng ngó thôi cũng đã bị rầy la, đi đứng thế à?
Thế là đành phải vi phạm luật, đi xuống lòng đường thôi, vi phạm thôi bởi không thế thì… “đi bằng mắt” chắc?
Song, lực lượng công an xử phạt cũng có cái lý của họ. Luật qui định thế, cứ theo luật mà thi hành. Ai “bán” vỉa hè chứ họ không “bán” và cũng không có quyền “bán”.
Vậy ai “bán”? Phường “bán”? Giao thông công chính “bán”?... Người dân thì chẳng thể biết.
Ở Việt Nam ta là vậy. Ai cũng quản, ai cũng có cái lý để quản lý. Thế là chồng chéo, là đẻ ra cái bất hợp lý.
Ví dụ, có lẽ việc cắm biển báo giao thông phải là lực lượng cảnh sát giao thông vì họ trực tiếp ngày ngày bám sát mặt đường, lại thuộc giao thông công chính. Rồi đáng lý khi đã nhận làm việc này thì giao thông công chính phải hàng ngày, hàng giờ bám sát mặt đường để kịp thời thay đổi cho phù hợp thì họ lại thuộc tầng lớp “công chức máy lạnh”.
Một ví dụ nhỏ, con đường từ phố Định Công vào Khu đô thị Định Công có cái biển báo cấm ô tô, tức là ô tô phải đi con đường ven sông bên cạnh. Thế nhưng con đường đó đang nâng cấp, sửa chữa nên chỉ một chiếc xe ô tô đi đã khó.
Đáng lý trong thời gian thi công, phải bỏ ngay cái biển cấm kia đi để thông đường cho người dân thì họ cứ để đó nhiều tháng trời.
Thế là dân buộc phải đi vào đường cấm để chịu phạt, bởi không đi đường cấm đó thì chỉ còn nước… nhảy xuống sông. May mà lực lượng cảnh sát giao thông thông cảm, nên hình ít người bị phạt.
Nói về sự vô lý của những cái biển báo, chỉ Hà Nội thôi đã cả tháng, cả năm không hết chuyện. Tóm lại, quản lý thì lôm côm, chồng chéo là năm cha, ba mẹ. Thực hiện thì phập phù, nơi làm nơi không, lúc làm lúc không… Thế là người dân như lạc vào ma trận.
Người bản địa còn đỡ, người các địa phương khác đến thì nơm nớp hơn “rắn mồng năm”. Nhiều người khi lên Hà Nội tìm chỗ gửi xe rồi chạy tắc xi, xe ôm cho chắc.
Trở lại với việc phạt người đi bộ không đi trên vỉa hè, cũng nhắc lại, đây là chủ trương đúng pháp luật. Tuy nhiên, đúng luật cũng chưa đủ khi mà cái luật chính, luật cơ bản là sự quản lý còn lôm côm, bất nhất. Khi đó, người dân mong muốn thực hiện luật cũng khó (hoặc không thể).
Cụ thể ở đây, trước khi phạt người đi bộ, hãy tạo điều kiện để người dân có điều kiện và được quyền thực hiện luật của mình bằng cách thay đổi cách quản lý và cụ thể là hãy trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Còn nếu như vỉa hè bị “bán” thì người dân chỉ còn nước… đi bằng mắt!
Bùi Hoàng Tám