Tạp cảm
Sau khi chạm ly rượu cuối, một đôi câu chúc tụng. Tôi đứng lên về trước hai ông bạn làng văn-báo.Chả là, hôm nay mồng bốn tháng hai (Tây) đã cận kề Tết Bính Thân. Mấy anh em hẹn nhau làm bữa Tất niên. Rượu-cháo lòng ở một quán quen gần chợ Cửa Nam.
Tôi dắt xe trong trạng thái có chút tây tây.Phố đông quá.Có một đoạn đường mà mãi mới rẽ được sang phố Sinh Từ.Tôi cũng từ từ cưỡi trên xe máy mà tự nhủ:mình cũng từ từ mà đi, “an toàn là bạn” mà...
Đang đi, chợt có tiếng phía sau, vọng lên như hét: “Chân chống! Bác ơi!”Tự nhiên, tôi cũng phản ứng nhanh nhảu và làm động tác giơ tay: “Cảm ơn” . Cũng đồng thời gạt cái chân chống phụ lên.Đi vượt lên trước tôi và ngoái lại-Một gương mặt trẻ chỉ chừng đôi mươi: “Tết nhất đến nơi rồi. Cẩn thận.Bác ơi!”.Tôi cũng chợt nghĩ, té ra xe mình đâu có chạy “từ từ”. Tôi cũng kịp giơ tay vẫy anh bạn trẻ vừa lướt qua.
Chao ôi,tuổi trẻ! Đúng là “ hậu sinh khả úy”. Mà, thực ra đến thời này, nói đến thế hệ hậu sinh đang hiện hành, phải thêm nhiều từ ngữ khác nhau cả về ngữ nghĩa và sắc thái mới mong cắt nghĩa được về họ.Tất nhiên cả sự tốt đẹp trong phẩm chất lẫn chất tiêu cực của những người tuổi trẻ hôm nay,thời nay.
***
Từ thời con trẻ, tôi vốn yêu thích văn chương-Nghệ thuật.Thích vẽ vời.Thích nhạc Tiền chiến.Thích “Tự lực văn đoàn”. Và, tất nhiên thích thơ lãng mạn! Những điều thích thú ấy, tôi mang vào cả bài giảng văn của mình.Tôi vốn dĩ là giáo viên Ngữ văn THPT mà.Có lần, khi giảng văn chương lãng mạn giai đoạn 1930-1945 cho học sinh, tôi ngẫu hứng(ngoài giáo án)mà đặt ra câu hỏi cho lũ trò Chuyên văn: Các em có biết tại sao giai đoạn văn học hiện đại này của nước nhà, lại xuất hiện nhiều tài năng văn chương tuổi đời còn rất trẻ không? Rồi, khi trò còn đang chăm chú và ngơ ngác, tôi giảng giải luôn: Đấy là thời mở ra “Một thời đại thi ca” (chữ của Hoài Thanh); Một thời hiện hữu và vang danh của “Tự lực văn đoàn”, của “Tiểu thuyết thứ bảy”, “Tiểu thuyết thứ năm”...cùng sự xuất hiện hàng loạt những tên tuổi đang độ tuổi trẻ, xoan sức: Nhất Linh, Khái Hưng,Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên...Tất thảy, họ vào làng văn, viết văn, viết báo với tất cả đam mê với thứ “bùa mê” đầy cám giỗ-Văn chương nghệ thuật.
Thành công gặt hái của các bậc Tiên Sinh-Lão thực trong văn chương ấy, ngoài tuổi trẻ, ngoài chất tinh hoa, tinh túy Giời cho ấy...Thì, không thể không nói tới tác động khách quan của thời thế. Bởi, ngay trong những ngày dân tộc, nhân dân bị đắm chìm trong cuộc sống tối tăm của thân phận nô lệ, thì xã hội Việt Nam vẫn đón nhận những “luồng gió” mới từ văn hóa Phương Tây.Để rồi, các Trí thức-Nghệ sĩ của chúng ta đã tiếp nhận và sáng tạo ra tác phẩm văn chương.Những tác phẩm hiện đại thời ấy chính là sự hội tụ, gặp gỡ và giao duyên của hai luồng văn hóa Đông-Tây.
***
Tôi lại tiếp nối luồng tạp cảm về tuổi trẻ cùng Hà Nội.Và, tôi chạnh nhớ đến một nhạc sĩ tài hoa-Nhạc sĩ Anh Bằng mà ông có một nhạc phẩm nổi tiếng viết về Hà Nội ( cả Sài Gòn nữa chứ!).Đấy là bài hát “Nỗi lòng người đi” được Anh Bằng viết năm 1954.Khi ấy, ông phải rời xa Hà Nội cũng đồng thời phải chia tay với cô bạn tình mới tuổi mười sáu.Trong cảm quan còn lơ mơ về âm nhạc của tôi, nhạc khúc-Tình khúc “Nỗi lòng người đi” của nhạc sĩ Anh Bằng xứng đáng là nhạc phẩm vào loại hay nhất viết về Thăng Long-Hà Nội!
Gần đây,trên những phương tiện thông tin đại chúng, tôi được xem và nghe các bài hát mà một thời được gọi là nhạc trữ tình cách mạng.Điều thú vị là những nhạc phẩm cách mạng ấy lại được các ca sĩ trẻ thể hiện. Cũng từ đấy, tôi mới “ngộ ra” rằng: mới hay cái mới vốn luôn đi liền với tuổi trẻ.Dẫu cho, những nhạc phẩm “Đỏ” ấy, khi ra đời còn cách xa nhiều nhiều năm tháng khi cánh ca sĩ trẻ được sinh ra.Rồi, khoảng mươi mười lăm năm gần đây, bọn trẻ trên dưới hai mươi cũng yêu thích nhạc Tiền chiến-Gắn liền với những tên tuổi Đặng Thế Phong,Văn Cao,Nguyễn Văn Tý, Trần Hoàn,Đoàn Chuẩn...Hóa ra, nghệ thuật đích thực-Nghệ thuật ám ảnh lòng người, tình người..sẽ không bao giờ có tuổi! Chẳng bao giờ già! Chẳng bao giờ bị quên lãng.
Mới đây, tôi lại nghe: ba lĩnh vực nghệ thuật của nước mình, âm nhạc,múa rối và xiếc đã được các bạn trên thế giới yêu thích và khen ngợi.Phải chăng, sự thành công mới mẻ ấy là sự gắn liền giữa các tố chất Truyền thống và hiện đại; Dân tộc và cách tân...và, tất nhiên không tách rời với sự sáng tạo của tuổi trẻ.
Xuân Bính Thân đã sát sạt rồi!Tự nhiên, trong tôi chợt vang lên Những-Tiếng-Thầm : Đông Đô-Thăng Long-Hà Nội ơi! “Mùa xuân đến rồi đó”! Hãy ngước lên cao mà nhìn.Mà thú vị “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau”...Tại sao phải đánh mất niềm tin ở cuộc đời. Ở con người. Ở chính mình nữa...Vì, mùa xuân đã đến bên thềm nhà rồi đó.
Trong tôi, lại chợt vang lên tiếng anh bạn trẻ khi cao giọng nhắc tôi, trên đường phố Sinh Từ : Chân chống, bác ơi! Tết nhất đến nơi rồi, cẩn thận bác ơi!
Hà Nội,ngày 4/2/2016.
(26 tháng chạp-sắp Tết Bính Thân).