Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẦN CỐI- TƯỚNG QUỐC NƯỚC TỐNG - KẺ BÁN NƯỚC CẦU VINH

Nguyễn Chính Viễn (st)
Thứ tư ngày 20 tháng 1 năm 2016 10:06 PM




Tần Cối tên hiệu là Hội Chi (1090 - 1155), là một thừa tướngcủa nhà TốngTrung Quốc, người được dân Trung Quốc xem như một Hán gian do đã góp phần hành hình Nhạc Phi, cũng như triệt hạ các tướng lĩnh Nam Tống muốn bắc phạt chiếm lại Trung Nguyên từ tay nhà Kim.

Tần Cối sinh năm 1090 tại Kim Lăng (nay là Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc). Năm 25 tuổi đỗ tiến sĩ, tương truyền còn là Trạng nguyên, tức Tiến sĩ đệ nhất đẳng. Tần Cối xuất thân nhà quan lại, cha từng làm tới chức thất phẩm huyện lệnh. Năm Tĩnh Khang thứ nhất, tức tháng 11 nhuận năm 1126, quân Kim tấn công tới kinh đô của Bắc Tống là Biện Kinh, Tống Huy Tông Triệu Cát, Tống Khâm Tông Triệu Hoàn và các vương, phi tần, phò mã, công chúa, phụ nữ trong tông thất đều bị bắt làm tù binh, về sau quân Kim áp giải tới phía bắc.

Tần Cối được Hoàng đế Kim tặng cho em mình là Hoàn Nhan Thát Lại Tần Cối cố gắng lấy lòng Thát Lại, không lâu sau trở thành thân tín tâm phúc của Thát Lại. Tần Cối khi ở Kim thay cho Huy Tông viết thư cầu hòa với Niêm Hãn, lời lẽ khúm núm. Niêm Hãn cực vui, thưởng cho vạn quan tiền, vạn tấm lụa. Trung Hiến vương Niêm Hãn nói"việc này trong lòng ta đã chuẩn bị ba năm rồi, chỉ có một mình Tần Cối là có thể dùng được. Ta thích người đó. Tần Cối từ trước tới nay đều lấy chủ trương "Người nam về nam, người bắc về bắc" nay có thể thả về Nam Tống tất nhiên sẽ được dùng".

Năm 1130, Tần Cối nhận lệnh của Thát Lại, giả xưng làm kẻ đào thoát mà trở về phía Nam, lừa sự tín nhậm của Nam Tống, thực tế là gian tế của nước Kim. Khi đó Tể tướng là Phạm Tông Doãn, cùng với Khu mật viện Lý Hồi và một số người đều có giao tình khá tốt đối với Tần Cối, bèn nói với Tống Cao Tông, đảm bảo lòng trung trinh của Tần Cối, thêm vào đó sự kiện Tần Cối bị bắt cũng đã biểu hiện phần nào khí tiết.

Khi đó Tần Cối còn nói rằng có kế sách có thể làm chấn động thiên hạ, khiến Cao Tông rất hứng thú. Đó là kiến nghị Nam Tống cùng với nước Kim vạch sông làm ranh giới mà cai trị, cắt hẳn nửa giang sơn phía Bắc để đổi lấy hòa bình. Điều đó hoàn toàn hợp với ý của Cao Tông Triệu Cấu, vì thế Tần Cối liền lập tức được phong chức Lễ bộ thượng thư. Ít lâu sau, Tần Cối dồn ép người từng tiến cử mình là Tể tướng Phạm Tông Doãn để thay chức.

Sau khi Tần Cối nắm được quyền bính, lấy cầu hòa làm sách lược, bài xích và tiêu diệt phái chủ chiến. Về sau một mình Tần Cối giữ chức Tể tướng, nghị hòa với triều Kim. Trăm họ trong thành Lâm An đã viết một câu rằng "Tần tướng công là gian tế". Việc cầu hòa với người Kim, cắt một nửa giang sơn, bị phản đối rất lớn. Từ năm Thiệu Hưng thứ 8 đến năm thứ 11 việc nghị hòa thành công, bao nhiêu lần lặp đi lặp lại, Tần Cối đã phí nhiều tâm cơ, không ngừng dùng hết tất cả các thủ đoạn để loại trừ những trở ngại đó. Tần Cối đã tìm cách để thao túng quyền bính, gạt bỏ hết những kẻ thuộc phái chủ chiến. Hồ Thuyên dâng tấu xử trảm Tần Cối, Vương Luân, Tôn Cận để tạ tội với thiên hạ đã làm chấn động cả trong triều. Tần Cối bèn lấy cách từ chức để uy hiếp, không những đẩy Hồ Thuyên đi biệt xứ mà còn bức Cao Tông xuống chiếu thư, nghiêm cấm trong ngoài không được phép học theo. Tần Cối vẫn tích cực phá hoại hoạt động chiến đấu của quân đội Nam Tống. Năm Thiệu Hưng thứ 10, người Kim bội ước, tiếp tục tiến công Hà Nam, Thiểm Tây. Quân dân Nam Tống tích cực phản kháng và giành được thắng lợi lớn, Tần Cối tấu thỉnh hạ chiếu lệnh cho Lưu Kỳ trở về kinh sư.

Nhạc Phi thắng lớn ở Yển Thành, xin được dẫn binh đánh tiếp vào đất địch, áp sát cố đô Khai Phong. Tống Cao Tông cũng nhận được cổ vũ, lệnh cho Nhạc Phi, Dương Kỳ Trung, Lưu Kỳ cùng hẹn ngày mà tới. Tần Cối bèn dùng kế "Rút củi đáy nồi", hạ lệnh cho Hàn Thế Trung, Dương Kỳ Trung, Lưu Kỳ từ Lưỡng Hoài lui quân, để quân Nhạc Phi đơn độc không thể nào vào sâu được. Tần Cối đã thuyết phục Tống Cao Tông triệu hồi Nhạc Phi về kinh đô cùng với thập nhị kim bài (tức 12 miếng vàng đại diện cho sự ủy quyền của vua) chỉ ngay sau khi Nhạc Phiđịnh đem quân tấn công kinh đô nhà Kim gần như đã có thể chiến thắng. Năm 1141, trong quá trình nghị hòa, Ngột Truật thông qua sứ thần nói với Tần Cối "Ngươi ngày đêm lấy việc hòa mà Nhạc Phi đánh lên Hà Bắc, giết hại con rể ta, không thể không báo, tất phải giết chết Nhạc Phi, việc hòa mới thành được". Vương Thứ Ông từng thấu lộ rằng, giữa tháng hai, tháng ba năm đó Cao Tông "có ý giết Phi". Tháng tư thì bãi quan Nhạc Phi, Hàn Thế Trung, Trương Tuấn - ba vị đại tướng quân, dọn đường cho việc đầu hàng và nghị hòa. Theo âm mưu của Tần Cối trước lợi dụng Nhạc Phi, Trương Tuấn hại Hàn Thế Trung sau dó dùng Trương Tuấn hại Nhạc Phi. Nhạc Phi phản đối mà tuyệt không tham dự vào âm mưu hại Hàn Thế Trung. Khi biết được chuyện vu cáo hại Hàn Thế Trung, Nhạc Phi lập tức sai người cấp báo cho Trung biết. Âm mưu của Tần Cối không được thực hiện. Hận cũ thù mới làm cho Tần Cối quyết định trước hết xuống tay với Nhạc Phi. Tần Cối vì muốn nhận được sự tin dùng của Ngột Truật đã tìm cách đốc thúc Tống Cao Tông sát hại Nhạc Phi, còn nói nếu không giết Nhạc Phi thì người Kim nhất định sẽ qua sông Hoài làm cho Cao Tông lo sợ. Giai thoại kể rằng, Nguyên soái Hàn Thế Trung đã chất vấn Tần Cối: xử tội Nhạc Phi, thế bằng chứng đâu? Tần Cối trả lời: Không có, nhưng cũng không cần có. 3 chữ "không cần có" từ đó gắn liền với tên Nhạc Phi và đi vào tiếng Trung để chỉ những lời buộc tội ngụy tạo.

Tần Cối đang do dự vì ép cung không được, mà lập tức giết chết Nhạc Phi cũng không xong, thì vợ ông nói rằng: "Phải biết bắt hổ dễ, mà thả hồ thì khó". Tần Cối nghe vậy liền viết lên một mảnh giấy, rồi sai người bí mật đưa cho ngục tốt. Vào một đêm tháng 1 năm 1142, Nhạc Phi và con trai của mình, Nhạc Vân, bị xử tội chết và bị hành quyết tại đình Phong Ba.

Người Hán sau đó xem Tần Cối là kẻ phản bội, phục vụ cho Kim. Cho đến tận ngày nay, món bánh giò cháo quẩy của người Hoa được làm bằng bột chiên trong dầu, luôn luôn làm từng cặp dính nhau, đó là tượng trưng cho vợ chồng Tần Cối bị trói với nhau và ném vào vạc dầu hành tội.

Sau khi Tống Cao Tông mất, Nhạc Phi mới được giải oan, người ta đem hài cốt Nhạc Phi chôn cất trên đồi bên bờ Tây Hồ phong cảnh tươi đẹp, về sau lại dựng Nhạc Miếu ở phía đông ngôi mộ, tượng Nhạc Phi trong bộ nhung giáp ngồi ở chính giữa điện, phía trên tượng có một bức hoành phi bốn chữ "Hoàn ngã sơn hà" bút tích của Nhạc Phi. Tượng Tần Cối được đúc bằng gang, cùng vợ là Vương Thị bị còng tay quỳ trước mộ để người đi qua nhổ nước bọt vào. Trước mộ Nhạc Phi có vế đối:
Thanh sơn hữu hạnh mai trung cốt
Bạch thiết vô cô chú nịnh thần
(Núi xanh may mắn được làm nơi chôn cất người trung lương/ Sắt trắng uổng thay đúc tượng tên nịnh thần) Một người họ Tần sau triều Tống đến trước tượng Nhạc Phi có câu thơ:
"Nhân tòng Tống hậu hãn danh Cối,
Ngã đáo phần tiền hối tính Tần."
(Từ sau đời Tống ít ai tên là Cối,
Ta đến trước mộ mà thẹn mình mang họ Tần)

Nguyễn Chính Viễn (St)