Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THỊ KÍNH NĂM 2000

Mai Vũ
Chủ nhật ngày 24 tháng 1 năm 2016 1:00 PM


Nhà văn Mai Vũ


“Những ngôi nhà như những gương mặt người tràn đầy kỷ niệm. Có những kỷ niệm cất lên lời nói nhưng có những kỷ niệm lặng câm, không bao giờ cất lên lời nhưng vẫn sống âm ỉ, được ấp iu, lưu dấu vào những lớp vôi hồ loang lổ quanh những bức tường kia, lặng im như chết mãi với thời gian và rồi một ngày kia bỗng rung lên như những quả chuông nhỏ, nấc nghẹn những tiếng than. Những ngôi nhà - những gương mặt người…”

Tôi mở đầu bài viết này bằng một đoạn văn của Ô-xê-na-xêch, nhà văn Tiệp Khắc trong tác phẩm “Rô-mê-ô và Giu-li-et trong bóng tối” mà tôi đã đọc từ thuở còn sinh viên. Đó chính là ngôi nhà 153 phố Triệu Việt Vương - Hà Nội, một địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam, một cơ sở của Công an Hà Nội và Tổng cục II Bộ Quốc phòng. Là ngôi nhà có hai anh hùng lực lượng vũ trang, đó là đồng chí Nguyễn Tài - Thứ trưởng Bộ Công an và Đại tá Đinh Thị Vân - Anh hùng quân đội. Vậy mà 45 năm về trước nó được chụp cho một cái tên rùng rợn: ổ gián điệp.

Chuyện thật như bịa này ở trời Tây nào vậy? Xin thưa, nó ở ngay trong lòng Thủ đô Hà Nội. Tôi không dám bịa và xót xa thay, nó liên can đến thân phận thày giáo dạy tôi - thày Đặng Công Toại, một thành viên đại gia đình “Hang ổ gián điệp” 153 Triệu Việt Vương.


Nỗi oan Thị Kính

Nỗi oan Thị Kính ngày xưa đã làm rơi nước mắt bao người, nhưng thày Đặng Công Toại và ông bà Đinh Kim Chi, Nguyễn Thị Thu - chủ nhân ngôi nhà 153 Triệu Việt Vương còn oan hơn cả Thị Kính.

Bi kịch của Thị Kính cùng lắm kéo dài vài tháng, bởi vì khi các bậc trưởng lão râu dài khám thân thể “Anh Sư” mới té ngửa ra là con gái thì Thị Mầu vẫn còn chửa! Nhưng án oan của ông bà Kim Chi và nhà giáo Đặng Công Toại thì kéo dài mãi tới năm 1976, nghĩa là vừa đúng một con giáp.

Còn nhớ năm 2001, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của thày Đặng Công Toại, tôi và hai người bạn cũng ở ngày công an đến thăm thày. Trông thấy chúng tôi, những người học trò cũ, thày đứng bật dậy. Không thể nghĩ được đây là ông già đã ở tuổi 70 và ở tù đã 6 năm theo đúng nghĩa đen là tù có số, còn tù không số thì gần như hết cuộc đời.

Thày bắt tay chúng tôi dè dặt, bởi những ám ảnh hình ảnh người công an trong thày chưa phai, nhưng đôi mắt thày vui. Tôi nghĩ, đây là giây phút hạnh phúc hiếm hoi của đời thày.

Buổi sinh nhật đạm bạc, vui nhưng tôi vẫn thấy có chút ngậm ngùi, se sắt nào đó. Khi chúng tôi ra về, đôi mắt thày cụp xuống sầm tối, những ngày sau đây chắc thày vẫn buồn lắm.

Từ bấy đến nay dễ đã mười mấy năm. Lòng tôi vẫn khắc khoải một điều, nếu không viết được về thày, không mang nỗi oan khuất của thày ra ánh sáng, ra trước bàn dân thiên hạ thì thiên chức nhà văn, nhà báo công an của tôi còn nhức nhối và nghĩa trả ơn thày của người học trò cũ vẫn chưa trọn vẹn.

Thày Toại chỉ dạy chúng tôi môn Sinh vật những năm cấp hai vào những năm 57 - 58, sau đó thày về dạy Nguyễn Trãi - nay là Phổ thông trung học Phan Đình Phùng.

Ấn tượng về thày của chúng tôi không nhiều lắm, nhưng bi kịch của đời thày đã làm chúng tôi khắc khoải, day dứt nhiều năm.

Cái tin “Thày Toại làm gián điệp” đã làm cho đám học sinh choai choai chúng tôi ngày ấy hãi hùng. Gián điệp đồng nghĩa với một kẻ bán nước, bí hiểm và đáng sợ. Nên nhớ là vào những năm sau hòa bình 1954, người dân Việt Nam và Hà Nội đã từng yêu đến cả gót chân anh bộ đội cụ Hồ và cách mạng còn là ngày hội của nhân dân (lời Lê-nin), mà thày giáo mình lại là gián điệp thì sự kinh hãi chấn động tinh thần đến mức nào?!

Xin mấy dòng trích ngang lý lịch thày:

Ở cái làng Xuân Thượng thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định, có một gia đình họ Đặng “nối dòng Nho gia”. Thân sinh thày - cụ Đặng Sỹ Sinh cũng cửa Khổng sân Trình mưu cầu công danh. Nhưng nhà Nguyễn đã chấm hết khoa thi Nho học vào năm 1919 và thế là thân sinh thày bèn chuyển từ bút lông sang bút sắt, lên Hà Nội nhờ ông anh rể cho đi học trường Tây. Cụ học trường Bưởi và cũng có được cái bằng thành chung, đủ để làm công chức nuôi vợ, nuôi con. Cụ đã đi dạy học ở miền núi, rồi được bổ nhiệm làm công chức Hải quan ở Hải Phòng.

Để đền đáp công ơn dưỡng dục của gia đình và họ hàng, cụ đã nhận về nuôi tất cả các con của anh chị em ruột, nên cụ trở thành người rất đông con, ngôi nhà lúc nào cũng rộn rã tiếng cười và sự nô đùa của con trẻ. Nhiều người sau này trở thành cán bộ cấp cao của Nhà nước như Trung tướng Đặng Quốc Tuyển, và có cả con liệt sĩ như Đặng Kỳ Phùng. Vợ liệt sĩ này, tức chị dâu của thày Toại, về sau tái giá lấy nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Trước khi về ở chung nhà với ông bà Đinh Kim Chi và Nguyễn Thị Thu, gia đình thày đã lưu lạc qua rất nhiều nơi. Đầu tiên ở Hải Dương, tao loạn gia đình chạy về quê Xuân Thượng, Xuân Trường, Nam Định. Địch đổ bộ qua cửa sông Ba Lạt tiến vào Nam Định, sân nhà bị 2 quả Mooc-chi-ê rơi trúng. Quân địch đánh nống ra vây ráp, gia đình đành phải bỏ quê, lên Hà Nội tá túc ở gia đình ông bà Đinh Kim Chi tại 153 Triệu Việt Vương. Chính đây là cơ sở điệp báo nội thành của Công an Hà Nội và Cục nghiên cứu Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, sau này có cái tên dễ nhớ là Tổng cục II.

Cơ may này đã cho thày được tiếp xúc với nữ tình báo quân đội Đinh Thị Vân.

Năm 1953, khi đã tốt nghiệp tú tài, thày có giấy gọi nhập ngũ của chính quyền Pháp. Thày đã trao đổi với chị Đinh Thị Vân và muốn trốn ra vùng tự do, nhưng chị Vân đã không đồng ý, lấy lý do: Nếu chú đi, địch sẽ truy lùng, có thể vì việc này mà cơ sở điệp báo nội thành mà đồng chí Nguyễn Tài dày công gây dựng sẽ bị lộ. Chi bằng, chú cứ vào lính, đó sẽ là vỏ bọc tốt để chú hoạt động cho cách mạng, bộ áo không làm nên thầy tu, miễn lòng mình vẫn hướng về kháng chiến, mình vẫn là người của cách mạng. Thế là thày Toại vào trường Sỹ quan Thủ Đức.

Sau 6 tháng học ở trường võ bị Thủ Đức, thày ra trường với cái lon Trung úy, về công tác tại Tổng kho Kiến An, Hải Phòng, thường xuyên thày đi lại, liên hệ với cơ sở 153 Triệu Việt Vương. Có lần thày đưa người của mình vào quan sát, vẽ sơ đồ để chuẩn bị đánh tổng kho. Thày phải canh gác, dò la cẩn mật, cùng tham gia công việc này còn có một số binh lính những người được thày giác ngộ đã ngả theo kháng chiến.

Thủ đô giải phóng, Cục nghiên cứu Bộ tổng tham mưu điều động chị Vân vào Nam hoạt động. Thày rất phân vân vì từ ngày đeo lon Trung úy ngụy, thày lúc nào cũng day dứt vì mình là người yêu nước, gia đình đóng góp nhiều cho cách mạng mà lại khoác áo phía kẻ thù. Thày đặt vấn đề xin đi theo chị Đinh Thị Vân vào Nam nhưng chị Vân không đồng ý. Có lẽ vì cấp trên muốn giữ sự an toàn tuyệt đối cho người nữ tình báo này chăng?

Và thế là cái đại gia đình 153 phố Triệu Việt Vương bắt đầu một cuộc chia ly. Những người theo chị Vân vào Nam là Đinh Thế Phiệt gọi thày Toại bằng cậu và gọi ông bà Đinh Kim Chi bằng chú, cùng em gái Phiệt là Đinh Thị Khôi khi ấy đang có con nhỏ 1 tuổi. Chị Đinh Thị Vân đóng vai vú em cho gia đình và đi chuyến tàu há mồm cuối cùng rời Hải Phòng năm 1954.

Đinh Thế Phiệt vào Nam có cái tên Nam bộ là Sáu Đốc, đã cùng Đinh Thị Vân hoạt động hiệu quả, lấy được nhiều tài liệu quân sự quan trọng của địch, trong đó nổi bật là bí mật cuộc hành quân Gian-xon-xi-ty.

Sau chiến công này, Đinh Thế Phiệt được tặng thưởng Huân chương chiến công, Đinh Thị Vân bị bắt, nhưng không nắm được tang chứng, địch buộc phải thả ra.

Những người đi Nam dấn thân vào con đường gian nguy nhưng hiển hách thì những người ở lại như thày Đặng Công Toại, Đinh Kim Chi bắt đầu cuộc hành trình đau khổ và tù đày triền miên suốt 12 năm mới hết đoạn đường hầm để đón ánh sáng của công lý.

Riêng thày Đặng Công Toại còn cộng thêm tội “xỏ nhầm giày, giúp Tây đánh ta”. Thày bị bắt khi đang dạy bồi dưỡng hè cho giáo viên. Ở phòng xét hỏi, cán bộ hỏi cung hỏi đi hỏi lại thày một câu mà bao giờ thày cũng trả lời được:

- Anh là gián điệp cho ai? Ai là chỉ huy của anh?

Thày lắc đầu. Vì mình có là gián điệp đâu mà trả lời cơ chứ. Ai chỉ huy thì lại càng khó. Không thể bịa đặt, vu vạ cho ai được. Một lời nói, một đọi máu!

Tên gián điệp này ngoan cố không nhận tội và thế là a lê hấp: cùm chân, tống giam xà lim. Đầu tiên là có thời hạn. Lôi ra, thày vẫn không nhận. Thế là lệnh cùm chân xà lim vô thời hạn.

Từ Bất Bạt, thày kéo lê xích sắt lên Yên Bình, Yên Bái. Tiếp tục nằm xà lim biệt giam chờ ngày hoàn tất hồ sơ để ra tòa.

Bạn sẽ hỏi tôi, vậy thì tại sao thày không nói ra mình là một mắt xích của đường dây tình báo Đinh Thị Vân? Và những người anh của thày, những Trung tướng, Đại tá lúc ấy ở đâu mà không ra tay cứu giúp đứa em oan khuất tội nghiệp.

Xin thưa, lúc ấy ai cũng chỉ mong yên thân, nhận mình là thân nhân của tên gián điệp thì tương lai về mo ngay lập tứ. Một cái xe tăng mù sẽ sẵn sàng cán chết cả ta lẫn địch. Nó chỉ cần một mục tiêu là tiến lên vì thành tích. Nhưng cái phiên tòa mà người ta dự định đã không xảy ra. Bởi vì từ phía bên kia, nữ tình báo Đinh Thị Vân đã trở về…

Sau khi được tổ chức đưa ra Bắc, tới Hà Nội - việc đầu tiên là quay lại tìm ngôi nhà xưa 153 Triệu Việt Vương. Bà gặp một người đàn bà da xanh như tàu lá, gầy tong teo, ôm bó quần áo từ đâu đi về. Nghe tiếng bà gọi, người đàn bà ấy bỏ rơi bó quần áo, ôm lấy bà khóc nức nở:

- Chị Vân ơi! Bị bắt hết cả rồi. Họ vu cho nhà mình là ổ gián điệp. Cả nhà tôi và cậu Toại.

Người nữ tình báo kiên trung không khóc trước kẻ thù mà khóc trước người thân ngay giữa lòng Hà Nội.

Thế rồi từ đây là hành trình gian nan của bà minh oan cho các đồng chí của mình.


Để cụ thể hơn những năm tháng trong tù của thày như thế nào, tới đây xin trích những dòng nhật ký của chính thày viết ra.

Trang 77 - Tập “Tổ khúc một dòng chảy”:

Tính từ ngày bị bắt khi đang dạy lớp nâng cao của giáo viên hè đến khi ra tù là gần 6 năm. Ra tù, không có một lời giải thích kết luận đúng sai, trắng đen, can tội gì và tội đến đâu? Bình thản như thả một con lợn, con chó ra khỏi chuồng. Thời gian qua chỉ là những ngày cách ly con vật truyền nhiễm để bầy đàn không bị lây, thế thôi!

Tiếp theo là cái án chung thân: “Gián điệp xỏ nhầm giầy”. Không có phiên tòa, không tuyên án mà đeo bám cho hết cuộc đời: Thày là một người tù không trại, không số giữa quê hương.

Cuộc tìm kế sinh nhai sau này đối với thày quá gian nan. Xin việc ở đâu, người ta cũng lắc đầu e ngại, có người trả lời khéo léo, nhã nhặn, có người trắng trợn. Chẳng ai muốn đưa một người như thày vào cơ quan. Giữa lòng tổ quốc mà thày cô đơn như một mình giữa sa mạc. Phúc thay, có một người con gái làng Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, rủ lòng thương và con thuyền lênh đênh của thày neo về bến Định Công để tránh bão. Cũng may đây là chốn bình yên cuối cùng thày có được.

Trong những năm ở tù, thày bị kiết lỵ nặng và tự chữa bằng vỏ quýt rang muối, ai ngờ khỏi hẳn. Thày mầy mò nghiên cứu, sưu tầm, nâng cao và trở thành thầy lang nuôi sống gia đình.

Nhờ có vốn tiếng Pháp và Anh tốt, thày được Giáo sư Hoàng Tuệ vời về nương náu trong Viện ngôn ngữ. Là một người trọng tài, Giáo sư Hoàng Tuệ đã nhìn thấy đây là một tài năng nhưng bất hạnh, đã cho thày về làm hợp đồng. Quả là một tấm lòng vàng. Giáo sư Hoàng Tuệ vừa là ân nhân, vừa là người bạn quý của thày.

Có người giới thiệu thày đến dạy tiếng Pháp ở Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ở đây, thày đã được làm quen, tiếp xúc và cùng làm việc với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thiếu tướng tình báo Nguyễn Đình Ngọc. Hai người yêu quý nhau, phục nhau về tâm, về tài. Có người tìm cách hất thày ra để cho người khác có chức quyền cao hơn thế chân. Thiếu tướng Ngọc đã cực kì phản đối, giữ thày ở lại.

Dù cuộc đời chẳng ưu ái gì mình, một cuộc đời đầy oan khuất nhưng không vì thế mà sức sáng tạo của thày mất hết.

Với một nền tảng văn hóa được đào tạo vững chắc và tinh thông ngoại ngữ Anh, Pháp, cơ sở đó đã giúp thày viết ra những công trình ngôn ngữ, văn hóa giá trị, để rồi trở thành một học giả. Tạm kể ra đây:

Tham gia soạn thảo: - Từ điển viết tắt 4 ngôn ngữ Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin - Thành phố Hồ Chí Minh.

- Từ điển Anh Việt bằng tranh (theo chủ đề).

- Thư mục ngôn ngữ học Việt Nam.

- Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học.

Và hiện nay thày đã dịch xong cuốn “Vụ án Phan Bội Châu” từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.

Giờ đây, ở tuổi 83 thày như một cây sồi già đứng lên sau bão, như một thủy thủ vừa đưa con tàu đời mình về bến bình yên.

Đời là một canh bạc đỏ đen, có kẻ được, có kẻ cháy túi. Đời là một cuộc chơi, có kẻ thắng, có kẻ thua, nhưng luật đời bù trừ, công bằng, thắng ở chỗ này sẽ thua ở chỗ khác. Cái thắng nhất của thày là được chiêm nghiệm, ngạo xem những tấn trò đời, những tà ma bóng quỷ, những mảnh áo giấy phù thủy khoác lên mặt kẻ mạo danh đạo đức bị cuốn bay trước cuồng phong của lịch sử.

Đời là hành trình qua những mê lộ, nhân loại sẽ nhận ra họ là ai ở cuối đoạn đường, có kẻ là ma, là quỷ, nhưng thày vẫn là người theo ý nghĩa chân chính của từ này.

Một ngôi nhà bình yên, dù chủ nhân của nó không bình yên, bên hồ Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, một bầy con cháu hiếu đễ, thành đạt và thêm nữa những lớp lớp học sinh cũ của thày vẫn chia sẻ, cảm thông và kính trọng thày mãi mãi.

Thày đã mất năm 2013 ở tuổi 83.

Bài viết này là nén tâm nhang của một học trò tưởng niệm thày.