Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MA VĂN KHÁNG TẤM CHÂN TÌNH GỬI MÃI NHÂN GIAN

Dương Thanh Hương
Thứ năm ngày 21 tháng 1 năm 2016 4:19 PM



VNTN - Những buổi chiều muộn, ở ngõ 31/1 Ngọc Khánh, Hà Nội, người ta thường thấy một ông già khoảng gần 80 tuổi, đeo một chiếc ba lô học trò nhỏ, tay dắt một chú nhóc đi bộ lững thững, ít ai biết đó là người đã khuấy động văn đàn những năm 80, 90 thế kỷ trước bởi “Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú... và những Trăng soi sân nhỏ, Bài ca trăng sáng, Một chiều giông gió, Anh thợ chữa khóa, Tóc Huyền màu bạc trắng...”. Cũng chẳng ai biết dù tuổi đời đã bước sang 80 nhưng đôi mắt tinh anh của ông vẫn quan sát tất cả và đêm đến cặm cụi bên chiếc máy tính cũ, viết những câu chuyện giản dị mà rung động lòng người. Cần mẫn như một con ong, như người thợ đào giếng, Ma Văn Kháng đã lao động hơn nửa thế kỷ như thế, dâng cho đời 18 tiểu thuyết, hơn 400 truyện ngắn, hai tập bút ký phê bình và rất nhiều những bài báo, trả lời phỏng vấn, phát biểu hội thảo…
Đối với tôi, Ma Văn Kháng luôn là một con người tinh tế, mẫn cảm, phong phú, nhiệt huyết và không ngừng sáng tạo. Từ lúc còn là sinh viên khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc, tôi đã ngưỡng mộ ông bởi một cách nhìn người, nhìn đời độc đáo qua những tiểu thuyết chứa đựng một tinh thần cởi mở, dấn thân, đấu tranh không khoan nhượng chống lại cái ác và hoàn thiện nhân cách con người. Sau này, một duyên may, khi nghiên cứu về ông, tôi được PGS.TS Vũ Nho giới thiệu và từ đó, tôi may mắn được ông coi như một người bạn vong niên chia sẻ niềm hạnh phúc mỗi khi tác phẩm mới của ông bước ra cuộc đời.
Thuộc thế hệ thứ ba của nhà văn hiện đại Việt Nam, Ma Văn Kháng luôn bày tỏ niềm biết ơn vô hạn với cách mạng và kháng chiến, ngọn nguồn nuôi dưỡng và phát huy tài năng sáng tạo của ông. Hơn 20 năm sống ở Lào Cai, nơi ông gọi miền đất vàng, nơi đã cho ông những chất liệu quý giá và nguồn cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ để ấp ủ và cho ra đời những tiểu thuyết kỳ vĩ về vùng biên ải. Cũng chính Lào Cai đã cho ông một tâm hồn Mông trong lòng một người Hà Nội. Bước ngoặt trong đời viết văn của Ma Văn Kháng chính là thời điểm chuyển công tác về Hà Nội, ngôi nhà trong ngõ nhỏ 221, phố Sinh Từ là nơi ông đã sống và viết “như chưa bao giờ được viết. Viết như kẻ đói cơm khát nước nay được uống được ăn. Viết trong nỗi mê sảng mà sáng láng, không chấp việc nhỏ để dành sức làm việc lớn... bởi cao hơn cả là tình yêu mãnh liệt với Tổ quốc và dân tộc mình. Một tình yêu thực sự chứ không phải thứ mơn trớn vuốt ve mộng mị hoặc thói tiểu xảo và tức khí vặt. Một tình yêu cao cả, bao hàm trách nhiệm lớn lao... một tình yêu dùng đến cả thách đố để làm bằng...” (Cao hơn cả là tình yêu).
Ở Ngọc Khánh, tôi thường được ông tiếp vào những buổi chiều, suốt mấy năm có rất nhiều buổi chiều như vậy, trong phòng khách tầng 2, ông ngồi cạnh cây đàn piano, trên chiếc ghế chạm trổ cũ kỹ, chuyện trò về các tác phẩm của mình, đôi lúc ông làm tôi sửng sốt, không thể tin con người đang ngồi kia, hăng say với dòng thác lũ ngôn từ, bày tỏ niềm khao khát được sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo... là người có trong lồng ngực 3 chiếc sten, trái tim bất kỳ lúc nào cũng có thể dừng lại, như chiếc đồng hồ đã hết cót. Ông nói về Bóng đêm và Bến bờ, những tiểu thuyết gần nhất mà ông dành tặng cho các chiến sỹ an ninh, hai tác phẩm được ấp ủ từ rất lâu qua hàng ngàn trang tư liệu ông sưu tầm, ghi chép, lưu giữ, cuối cùng đã ra đời... đánh dấu một sự trở lại ngoạn mục với thể loại tiểu thuyết hình sự tâm lý mà ít nhà văn ở độ tuổi như ông dám thử bút. Rồi tiểu thuyết Chuyện của Lý, hai tập tiểu luận Phút giây huyền diệu; Nhà văn, Anh là ai mà ông vô cùng tâm đắc về nghệ thuật viết văn đúc kết qua một đời cầm bút.
Đôi lúc xen vào giữa những câu chuyện là kỷ niệm của ông về thời tuổi trẻ ở Lào Cai, cách ông chia sẻ giống như tôi là người cùng thời, điều đó khiến cho tôi đôi lúc lúng túng mặc dù Lào Cai với tôi là mảnh đất vô cùng thân thuộc. Và câu chuyện lan man không đầu không cuối về hoa râm bụt tím bên hàng rào đá của người Mông, những rặng đào Sapa, Suối Mường Hum... lâu đài Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà, trận sốt rét và bệnh viêm khớp ở Sâu Chua và Cao Sơn, người anh em đã cho ông họ Ma để thành một bút danh độc đáo, hay tổ mối trong thân đê ở Mưa mùa hạ, khu vườn đêm trong Mùa lá rụng trong vườn...Tôi nói rằng đọc và thấy rằng những câu chuyện bên trong truyện ấy phảng phất bóng dáng của văn phong Victor Hugo, để cho câu chuyện tưởng như đi xa bên ngoài chủ đề của tác phẩm nhưng có một mối liên kết vô hình với nội dung hay chính nó là một phần của nội dung, một lối viết mà bây giờ chẳng có nhà văn nào có thể bắt chước. Rất cổ điển mà hiện đại.
Ông già luôn mỉm cười và rất thích thú nghe tôi bình luận các nhân vật của ông. Có lẽ ông cần một đối thoại trực tiếp về tác phẩm của mình chăng? Dẫu đó là những lời bình đôi lúc rất trái ý ông. Giống như khi tôi chê anh chàng Trọng kỹ sư, giỏi đến mấy mà không đọc được tâm hồn người mình yêu thì coi như chưa được. Hay anh Tự, cứng cỏi mà yếm thế, đầy bi kịch đáng thương nhiều hơn đáng trọng...?
Như các bạn viết cùng thời, Ma Văn Kháng luôn tự sám hối về những trang viết của mình. Điều này khiến cho tôi liên tưởng tới nhân vật văn sĩ Hộ trong Đời thừa của Nam Cao. Ông luôn sám hối và băn khoăn về các trang viết của một thời đã qua, có những tác phẩm mà ông ngại ngùng khi nhắc tới vì bị một bạn văn già chê bai. Đó là tiểu thuyết Trăng non, ông tin vào sự thẩm định của bạn văn đến độ gần như chối bỏ nó. Tranh luận với ông, tôi nói rằng: thầy hãy đọc lại những trang viết ấy, bỏ qua cái đề tài hợp tác xã và vấn đề ai thắng ai, thầy sẽ thấy giá trị còn lại của Trăng non. Một vẻ đẹp thuần khiết như tâm hồn người Mông mộc mạc mà ít người viết có được. Những trang viết về ngôi nhà Mông, đám cúng ma, gió trên đỉnh Xả Hồ, con cáo Thổ phỉ, chàng trai Mông cày ruộng, cô gái Mông tước lanh... thật sự là cả một bài ca trong sáng về vùng biên ải của một thời đã qua không bao giờ trở lại. Ông già cảm động và nói rằng: ít có người nhìn thấy ở nó những điều đó và chính thầy cũng thế. Cảm ơn em đã giúp thầy nhìn lại những hạn chế của một thời bằng một góc nhìn khác.
Có một lần duy nhất tôi được ông đưa lên trên tầng 3, nơi ông làm việc và nghỉ ngơi. Phòng phía trước là phòng ngủ, cũ kỹ và chất chồng cơ man là thuốc, các loại lọ chai, trên chiếc tủ áo chắc có từ rất lâu ông dán một dòng chữ “từ từ ngồi xuống, từ từ đứng lên” - đó là lời nhắc của bác sỹ khi ông mổ tim. Ông đùa: giờ có muốn nhanh cũng chả còn sức nữa. Trên tấm nệm đặt giữa phòng là một chiếc máy tính xách tay, ngày ngày ông vẫn ngồi trên nệm, viết những gì mà ông hằng nung nấu.
Có lẽ e ngại nên ông bảo: bừa bộn quá, nhưng chả muốn thu xếp nữa giống như cuộc đời, đã 80 cần gì thu xếp, nó thế nào thì cứ y nguyên như vậy là hay nhất. Phòng bên trong ông gọi đùa là “Tùng Thiện thư viện”, cả một thư viện sách, cơ man sách, chất chồng, có cuốn hình như đang xem dở, có cuốn bỏ ngay dưới sàn. Ông chả tìm sách mà lấy chiếc cân để trên giá, đứng lên cân: 58 em ạ! Không hao lạng nào, ổn. Rồi vui vẻ chỉ cho tôi xem ba bức tranh trên giá phủ đầy bụi. Một của họa sỹ Lê Tuyết tặng ông vì cô ấy bảo là hồi cấp 1 được ông dạy tập vẽ, giờ thành họa sỹ vẽ tặng Thầy bức chân dung - ông hóm hỉnh - người thầy đầu tiên đấy em ạ, nhưng có điều chẳng phải cây phong non trùm khăn đỏ thôi. Một của Hoàng Minh Tường vẽ chắc lúc ông ngoài 50, vô cùng phong độ. Ông cười bảo: thời xa vắng đấy! Thoáng qua mà mấy chục năm. Bức cuối cùng của Trần Nhương, ông bảo trông giống y Huy Cận chả giống ông Kháng gì cả. Tôi nhìn căn gác bề bộn sách, chiếc máy tính bàn kê gọn trong góc, mấy bộ quần áo cũ sờn treo trên tường, tự hỏi, con người khiêm nhường và có đời sống tối giản này tại sao lại có sức lao động kiên cường đến như vậy. Đọc và viết! Không phút nào ngơi nghỉ.
Suốt cả cuộc đời Ma Văn Kháng luôn đau đáu câu hỏi: Tôi là ai và tôi đang ở đâu? Câu hỏi thiết tha với cuộc đời ấy đã được ông bày tỏ trong khán phòng buổi bảo vệ luận án của tôi, trước những nhà khoa học, những nhà văn, người yêu mến, ông tự nhận mình không phải là “kẻ bạo dạn”, “hơi nhút nhát và ngại đám đông”, vậy mà chính con người ấy lại luôn có một khát vọng lớn lao “phải có danh gì với núi sông” và bằng sự cần mẫn trong lao động sáng tạo nghệ thuật đi trả lời câu hỏi ấy - Ma Văn Kháng - nhà văn của cuộc đời này với tấm chân tình gửi mãi cho nhân gian.
Tháng 10 năm nay, Ma Văn Kháng vừa bước sang tuổi tám mươi, một kỳ tích đối với nhà văn và người thân, kỳ tích ấy còn được thể hiện qua việc trong những ngày ốm đau bệnh tật vì tuổi tác, ông vẫn không phút giây ngơi nghỉ Một vùng đất hoang và những cuộc gặp gỡ, tuyển tập truyện ngắn mini Bông hồng vàng vừa ra mắt bạn đọc chứng tỏ một nội lực vô cùng sung mãn của con người ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Tháng 12 vừa qua, Anh thợ mộc và tấm ván thiên, cuốn tiểu thuyết mà ông tuyên bố là cuối cùng sẽ ra mắt bạn đọc, nhưng có lẽ chưa biết bao giờ là cuối bởi với ông - còn sống còn sáng tạo. Lại một năm mới đến, mừng thọ Thầy, xin viết đôi dòng ngắn ngủi để tỏ bày lòng yêu kính ngưỡng mộ.
Dương Thanh Hương