Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIẾNG SÁO DIỀU VỌNG VANG… NHỚ VỀ LÀNG CŨ

Trần Nhuận Minh
Thứ ba ngày 5 tháng 1 năm 2016 1:38 PM
Đấy là ý thơ của Nguyễn Chính Viễn, toàn văn câu đó như sau:
Tiếng sao diều vang vọng thinh không
Dâng trào nỗi nhớ về làng cũ…
Hai câu thơ này trong bài Tiếng sáo diều có trong tập thơ mà các quí vị và các bạn đang cầm trong tay, gợi lại tuổi thơ trong trẻo của mỗi chúng ta, gắn liền với làng quê, với những kỉ niệm vui buồn của tuổi học trò. Ở đây tiếng sáo diều chỉ là cái cớ, cũng có thể gọi là cái “duyên”, nhờ có nó mà mối liên tưởng được hình thành. Thơ là như vậy. Hiện thực chỉ vừa đủ để gợi ra một vùng sâu, một vùng xa thăm thẳm trong kí ức của con người.
Về cơ bản, toàn bộ tập thơ VÙNG ĐẤT TÔI YÊU của Nguyễn Chính Viễn không đi theo hướng ấy. Và tôi cũng không coi đó là một nhược điểm. Tôi đọc thơ ông thường xuyên trong dăm bảy năm nay, có thể ông còn viết trước đó nhiều năm nữa, kể cả văn xuôi, bao gồm cả các loại kí, truyện ngắn và tiểu thuyết, nhưng trong phạm vi của tập sách này, tôi chỉ nói về mối quan tâm của ông với thơ. Mỗi người viết văn, làm thơ đều có cái tạng của mình. Và ông sẽ thành công nếu đi đến tận cùng và đẩy cái tạng ấy về phía nghệ thuật. Nguyễn Chính Viễn có làm được điều ấy không?
Bạn đọc sẽ nhận ra ngay một ngòi bút chân thực, chất phác và có phần hơi thô ráp. Nghĩa là hiện thực tràn đầy vào thơ ông. Nó hiện lên trong mọi góc cạnh, kể cả trong mọi tâm tư. Mặt mạnh của ông nằm ở chỗ này và đó là một ưu điểm lớn. Ông tôn trọng sự thật và để sự thật tự cất lên tiếng nói. Lối viết này của ông, đưa ông đến gần với văn xuôi hơn, nhưng nhờ thế mà tập sách có sức nặng của đời sống. Vì nặng nên nó khó bay cao, cũng như cánh diều thơ phải mong manh thanh thoát thế nào, mới có thể cất mình lên lưng trời xanh, chỉ để lại cái tiếng sáo, tức là cái tiếng vọng vang của tâm hồn mình và phó mặc nó cho trời mây sông nước…
Ông đặt tên tập là VÙNG ĐẤT TÔI YÊU. Toàn bộ tập thơ toát lên rất rõ điều đó. Nghĩa hẹp thì đây là vùng than điện Uông Bí, thành phố Uông Bí, nhưng nghĩa rộng thì bao hàm tất cả những nơi ông đã đến, đã đi qua, Chỗ nào cũng là “vùng” tâm niệm của ông về quê hương đất nước, về hình ảnh đẹp của con người, nhất là con người lao động. Hình ảnh người công nhân, đặc biệt ở đây là công nhân mỏ, hiện lên rất khỏe mạnh trong sáng, tận tâm với sự ngiệp làm than và với Tổ Quốc. Cùng với Vũ Thế Hùng và Hoàng Tháp, ngòi bút của Nguyễn Chính Viễn tạo thêm một điểm nhấn về phần cốt lõi của nền văn học chúng ta, nền văn học viết về giai cấp công nhân, viết về người lao động.
Nếu có một điều mong mỏi ở tác giả là làm sao “ cất mình qua ngọn tường hoa” ( Nguyễn Du) của đời sống, để câu thơ cũng như tiếng sáo diều vang vọng hơn nữa vào tâm hồn người và chính nó là tâm hồn người, hiện hữu vững bền trong đời sống văn hóa và tinh thần chúng ta hôm nay và may ra, còn hi vọng đến được với con cháu mai sau.
Tôi nói điều ấy với Nguyễn Chính Viễn cũng là nói với chính mình, vì chặng đường vượt lên trong nghệ thuật, thì ai cũng như ai, đều gian khổ và chênh vênh lắm…
Chúc mừng Nguyễn Chính Viễn với tập thơ thứ hai này, bởi vốn sống trong ông còn phong phú lắm, sức viết của ông còn dư dật lắm, nội lực và tâm huyết của ông còn dồi dào lắm…
B - NHỮNG BÀI THƠ RÚT TRONG TẬP SÁCH
1 - TIẾNG SÁO DIỀU
Tiếng sáo diều vang vọng thinh không
Dâng trào nỗi nhớ về làng cũ
Trong nắng hè chang chang
Tay mẹ nhanh nhanh đưa liềm cắt lúa
Chiền chiện lảnh lót vào mùa
Những cô gái đẩy xe nặng trĩu bông vàng
Mồ hôi ướt đầm vai áo
Tiếng cười loang cả cánh đồng
Tiếng sáo đưa về nỗi nhớ
Nhẩy chân sáo cùng bạn đến trường
Nắng, gió cùng òa vào lớp
Tích cóp lời thầy…
Thành người lớn hôm nay
Tiếng sáo cao vút tầng mây
Cùng trời cao, sông dài, biển rộng
Hòa trộn cùng nỗi nhớ
Tiếng sáo đưa ta vào cõi nhớ nôn nao…
2 - KHI CON CHIM HÓT
Không gian bừng thức
Đón chào khí trời tinh khiết
Lắng nghe
Âm điệu chim hót trong vườn
“Chiếp chiếp” là con chim chích
“ Choẹp choẹp” đùng đục là tiếng sẻ đồng
“Quých cờ rờ” tiếng chào mào trên cây ổi
“ Bắt cô trói cột” diết dóng xa xôi
“Đã trót thì bóp” nghe não lòng người
Tiếng cù gù bên cửa sổ nhà ai…?
Xốn xang thân mật
Góp đẹp cho đời
Giúp lòng người vợi đi nỗi nhớ chơi vơi
Cho giầu thêm cảm xúc
Nuôi thêm chú sáo mỏ ngà
Suốt ngày gọi…
Nam ơi, Quỳnh ơi, Đạt ơi*!
Hứng chí chim cao giọng hót
Tức khí, sáo văng ra tiếng chửi “bố mày”.
Thời đại kỹ thuật số
Nhà có thêm tiếng hót
Của Vẹt, của Họa my nhựa
Nhấn phím là nhả ra tiếng hót
Nhìn nhau cười trong nỗi suy tư
“Hót” bằng dây cót
Người nghe tâm trạng chơi vơi
Lại nghĩ về tiếng chim hót …ban mai
*Tên những đứa trẻ
3 - CÓ VỀ UÔNG BÍ CÙNG TÔI
Uông Bí của tôi
Miền Duyên Hải xa xôi
Vùng than vòng cung Đông Bắc
Vời vợi non xanh trùng điệp
Tầng tầng lớp lớp ngàn năm sinh xôi …
Vườn đồi cây ngút mắt
Những vải, nhãn, thanh long…
Căng mọng ngọt thơm
Hẹn mùa bội thu đầy ắp chợ phiên
Sóng Bạch Đằng chảy ngang thành phố
Hoa Sữa, Lộc Vừng ngan ngát hương thơm
Tóc xõa vai thề . Trưa hè em đạp xe đi về phía biển...
Công viên nước lặng tờ
Chứng nhân cho những cuộc tình êm ả
Đèn cao áp ban đêm lập lòa
Em ngồi, mái tóc em bay, tỏa hương thơm
Đoàn tàu than chạy qua phố cổ
Chở đến muôn nơi
Tăng sức, làm giầu Tổ Quốc Uông Bí mình, em ơi !
Những cao ốc vàng rực nắng trời…
Nhà máy điện
Khói quyện trời xanh , bồng bềnh mây trắng
Bờ sông Sinh xốp tơi màu đất
Giai điệu vút cao vẳng ra từ ô cửa sổ …
Trần Nhân Tông - Phật Hoàng
Về Yên Tử , lập thiền
Nguyện cầu cho Dân an Quốc thái
Đất nước bình yên…
Thời đại Hồ Chí Minh,
Anh xếp bút nghiên
vượt Trường Sơn đánh Giặc
Hòa bình về in thiệp hồng… Cưới em !
Uông Bí ơi ! Uông Bí ơi !
Có về Uông Bí cùng tôi…