Trang chủ » Tư liệu nhà văn

NHÀ VĂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI (vần N1)

Theo KYHNVVN
Thứ năm ngày 3 tháng 12 năm 2009 9:35 AM

ĐOÀN HỮU NAM

 

Bút danh khác: NGỌC CƯỜNG

Họ và tên khai sinh: Đoàn Hữu Nam. Sinh ngày 20 tháng 7 năm 1957. Quê quán: Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam . Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Trưởng ban biên tập tạp chí Văn nghệ Lào Cai. Hiện thường trú tại: 457 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2005.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Từ 1975-1984 là công nhân Công ty Cầu đường Hoàng Liên Sơn. 1984-1992 cán bộ Phòng văn hoá thông tin huyện Bắc Hà, Lào Cai. 1992 đến nay công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Lào Cai

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Kiếm tìm (thơ, 1992); Ý nguyện (tập truyện ngắn, 1995); Đêm không em (thơ, 1995); Đi tìm bố (truyện thiếu nhi, 1999); Tình rừng (tiểu thuyết, 2000); Hằng Nga đưa Cuội về trời (tập truyện thiếu nhi, 2001); Dốc người (tiểu thuyết, 2002); Trên đỉnh đèo giông gió (tiểu thuyết, 2004); Dấu nối thênh thang (thơ, 2006).

 * GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải khuyến khích Phanxiphăng của UBND tỉnh Lào Cai. Giải B giải thưởng của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2000 với tác phẩm Tình rừng. Giải C giải thưởng của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2002 với  tiểu thuyết Dốc người. Giải nhất cuộc thi bút kí truyện ngắn, tạp chí Văn hoá các dân tộc 2003-2004 với bút ký Simacai lặng lẽ chuyển mình. Cùng 5 giải A - Giải VHNT hàng năm của UBND tỉnh Lào Cai vào các năm 1999, 2001, 2002, 2004, 2005.

 

 

GIANG NAM

 

Bút danh khác: CHÂU GIANG,HÀ TRUNG, LÊ MINH

Họ và tên khai sinh: Nguyễn Sung. Sinh ngày 02 tháng 02 năm 1929. Quê quán: xã Ninh Bình, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 46 đường Yersin thành phố Nha Trang. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1975.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia Cách mạng từ tháng 8 năm 1945, làm Phó Trưởng ty Thông tin tỉnh Khánh Hoà. Sau hiệp định Giơnevơ ở lại miền Nam làm Phó ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, uỷ viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn-Gia Định. Sau 4/1975 là Uỷ viên thường vụ, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 2 và 3. Tổng biên tập báo Văn nghệ, Trưởng ban đối ngoại Hội Nhà văn. Đại biểu Quốc hội khoá VI. Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh và Khánh Hoà (1984-1989), Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà (1989-1993).

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Thơ: Tháng Tám ngày mai (thơ, 1962); Quê hương (thơ, 1965); Người anh hùng Đồng Tháp (trường ca, 1969); Vầng sáng phía chân trời (thơ, 1975); Hạnh phúc từ nay (thơ, 1978); Thành phố chưa dừng chân (thơ, 1985); Ánh chớp đêm giao thừa (trường ca, 1998); Sông Dinh mùa trăng khuyết (trường ca, 2002); Vở kịch cô giáo (truyện, 1962); Người Giồng Tre (truyện, 1969); Trên tuyến lửa (truyện ký, 1984); Rút từ sổ tay chiến tranh (truyện ký, 1987); Sống và viết ở chiến trường (hồi ký văn học, 2004)…

* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải nhì tạp chí Văn nghệ (1961), với bài thơ Quê hương. Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965) với tập thơ Quê hương. Giải thưởng VHNT Khánh Hoà 1975-2000 về thơ; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đợt 1 (2001) về 3 tập thơ Quê hương, Hạnh phúc từ nay, Thành phố chưa dừng chân; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Khánh Hoà (2002) cho trường ca Sông Dinh mùa trăng khuyết. Tặng thưởng của Uỷ ban Toàn quốc  Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2002 cho trường ca Sông Dinh mùa trăng khuyết. Giải thưởng văn học nghệ thuật Khánh Hoà 2001-2005 cho hồi ký Sống và viết ở chiến trường. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001.

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tôi thấm thía một điều: cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc thống nhất Tổ quốc là ngọn nguồn cảm xúc, là niềm vui và nỗi đau trong thơ tôi. Hoan nghênh những tìm tòi về hình thức. Mọi thứ "làm dáng" tôn vinh chữ nghĩa đều có mặt trái của nó là ngăn cản thơ đi vào lòng người. Tôi nghĩ rằng thơ Việt Nam phải mang đặc điểm Việt Nam, càng phát triển, đổi mới càng phải biết bảo tồn cái gì là Việt Nam, là dân tộc trong thơ.

 

 

HUỲNH QUANG NAM

 

Bút danh khác: HOÀNG ĐÌNH HUY QUANG, PHÚ YÊN

Họ và tên khai sinh: Huỳnh Vi Lâm. Sinh ngày 5 tháng 6 năm 1946. Quê quán: Phú Yên. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Nhà 12 đường Lương Văn Chánh, Tp Tuy Hòa, Phú Yên. Vào Hội năm 1994.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật thị xã Tuy Hòa, Đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã Tuy Hòa, Uỷ viên thường trực phụ trách công tác báo chí và xuất bản Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên (1989-2001).

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Các tập thơ: Tóc có xanh mãi đâu (1989); Người hái quả (1991); Nhã Hoàng Lan (1993); Đi tìm Hoàng Cúc (1994); Sông và Mắt (1996); Thơ viết dọc đường (1999); Túi chứa đầy tiếng chim (2000); Thơ Huỳnh Quang Nam (tuyển chọn, 2000); Sông ơi, cứ chảy (2005).

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Nghề văn cũng như các nghề khác trong xã hội, không dễ mà cũng không khó. Chỉ cần anh có năng khiếu và một niềm say mê cháy bỏng thì sẽ theo đuổi được nghề văn trọn đời. Bên cạnh đó nhà văn phải tích lũy vốn sống, phải có cảm xúc chân thật và nhất là phải có cái tâm. Cái tâm trong sáng luôn hướng đến những điều thiện, điều tốt đẹp.

Tôi nghĩ tác phẩm văn học cũng chính là một con người cụ thể. Nó phải hòa nhập với cộng đồng, phải biết hãnh diện với thời kỳ lịch sử mình đang sống, và cơ thể nó phải cùng rung động với xã hội đương đại trong những vấn đề bức xúc nhất.

 

 

LÊ HOÀI NAM

 

Bút danh khác:  TÂM VI THƯỢNG

Họ và tên khai sinh: Lê Hoài Nam. Sinh ngày 29 tháng 3 năm 1953. Quê quán: xã Nghĩa Hiệp (nay là thị trấn Liễu Đề), huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: cán bộ Hội chữ thập đỏ tỉnh Nam Định. Hiện thường trú tại: 169 Trần Hưng Đạo- Nam Định. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1990.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia quân đội 16 năm. Học trường Viết văn Nguyễn Du (khoá II) khi còn trong quân đội, sau đó chuyển ngành về Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh với quân hàm thượng uý. Từ 8/1989 đến 3/2006 liên tục giữ chức Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, Nam Hà, Nam Định, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh, Văn Nhân (Nam Hà), Văn Nhân (Nam Định).

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Những đêm huyền ảo (tiểu thuyết 1988); Người đẹp về đâu (tập truyện ngắn, 1990); Đôi tình nhân ham sống (tiểu thuyết, 1990); Lần yêu đầu tiên (tập truyện ngắn, 1995); Hoang mạc tâm hồn (tiểu thuyết, 1998); Mùa hè Singapore (tập ký sự, 2000); Bên kia sông có người bạn gái (tập truyện ngắn, 2002); Một ngày và một đời (tập kịch bản phim, 2002); Lan hoàng vũ (tập truyện ngắn, 2006); Danh tiếng và bóng tối (tiểu thuyết,2007).

* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng truyện ngắn Những phút đầu của mùa xuân - tạp chí Văn nghệ quân đội, 1981. Giải thưởng bút ký Đất ven biển Nghĩa Hưng, báo Văn nghệ, 1987. Giải thưởng bút ký Trước lễ phục sinh, báo Văn nghệ, 1989. Giải thưởng Nguyễn Khuyến lần thứ II, 1990 tập truyện ngắn Người đẹp về đâu. Tặng thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp  các Hội VHNT Việt Nam, năm 1995- tập truyện ngắn Lần yêu đầu tiên năm 2002; kịch bản phim Một ngày và một đời.

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Văn chương ngày nay đứng trước những thử thách nghiệt ngã của nền văn hoá tiêu dùng. Tuy thế, cuộc sống mà ta đang chứng kiến nó rất truyện ngắn, rất tiểu thuyết. Đây là thời kỳ có thể xuất hiện nhiều tiểu thuyết hay. Nhưng vì sao cho đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện tác phẩm nào thực sự xuất sắc thì đó lại là điều không chỉ trách nhiệm của những nhà văn mà mọi công dân Việt Nam đều phải suy ngẫm và cắt nghĩa một cách nghiêm túc để tìm ra lối thoát. Theo thiển ý của tôi: Cuộc sống hiện tại thì rất nhiều chất liệu cho tiểu thuyết. Nhưng thiếu một bầu không khí để tiểu thuyết được sinh thành. Bầu không khí đó như thế nào, chúng ta cùng lý giải.

 

 

LIÊN NAM

 

Bút danh khác: CHIM LẠC, VĂN LANG, ÂU CƠ

Họ và tên khai sinh: Đặng Nam Phong. Sinh ngày 8 tháng 6 năm 1934. Quê quán: Hoà Trị, Phú Hoà, Phú Yên. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Số 4 Phan Bội Châu, Nha Trang. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1974.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia quân đội chống Pháp từ 1-2-1950. Chống Mỹ vào Nam, 1960, ở khu V. Đã công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Chuyển ngành về Phú Khánh, tách tỉnh về Phú Yên. Làm chủ tịch Hội VHNT Phú Yên, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Phú Yên. Hiện đã nghỉ hưu.

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Khẩu súng hành quân (thơ, 1970); Núi rừng mở cánh (thơ và trường ca, 1972); Trên cát trắng (trường ca, 1973); Gió đỏ (thơ, 1975); Tiếng hát mùa màng (trường ca, 1980); Con suối chiến khu (thơ, 1985); Tự do thiên nhiên (thơ, 1991); Những ngày xa em (thơ, 1994); Ngàn xanh (thơ, 1996); Truyền thuyết biển đổi màu (trường ca, 2000); Cuộc đời hai nửa (thơ, 2000).

* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội, Giải thưởng tạp chí Văn nghệ quân đội ,Giải thưởng văn học Hội Văn nghệ Phú Yên.

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Nguồn gốc của thơ tôi xuất phát từ người lính… từ những nơi khốc liệt nhất, lấy mảnh xà nu đốt soi lên để làm thơ, để dò dẫm những câu thơ của mình. Cho nên thơ xuất phát từ đời sống thực tế, cái thần của thơ ca là phản ánh trung thực cuộc sống của thời đại mình. Khổ sở lắm mới có những câu thơ, bài thơ hay bởi vì nó thấm đẫm mồ hôi và máu của quê hương để siêu thoát cái hình ảnh tuyệt đẹp và câu thơ sâu xa không ngờ tới được, thơ là công việc làm hết sức cần mẫn và nặng nhọc, nó sẽ còn lại mãi không phải trong sự ồn ào mà trong sự chiêm nghiệm của cái bề sâu muôn thuở.

 

 

 

NGUYÊN NAM

 

Bút danh khác: TIẾN HẢI, HẢI BÌNH

Họ và tên khai sinh: Nguyễn Tiến Hải. Sinh ngày 04 tháng 9 năm 1932. Quê quán: Xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Thôn Minh Hoà, xã Hàm Ninh, huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1977.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Xuất thân trong một gia đình nghèo. Năm 16 tuổi, trốn gia đình đi theo bộ đội chiến đấu ở chiến trường Liên khu V. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Ở đây, được đi học văn hoá, học đại học. Và, được đi tu nghiệp báo chí do Ban Tuyên huấn Trung ương tổ chức. Năm 1962 đi B làm Tổng biên tập báo Quyết thắng của Quân khu VI. Sau giải phóng, được điều về tham gia trại viết văn Quân khu V. Năm 1980, chuyển ngành về làm Tổng biên tập báo Thuận Hải và là Hội viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật Thuận Hải.

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Một ngày báo động (truyện ngắn, 1964); Nơi tình yêu đi qua (tập truyện ngắn, 1977); Tầm cao người mẹ (tập truyện và ký, in chung, 1989).

* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải nhì (không có giải nhất) về truyện ngắn của Văn nghệ quân giải phóng năm 1964 và năm 1973. Giải ba về truyện ngắn của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thuận Hải năm 1990. Giải khuyến khích về ký của UBND tỉnh Bình Thuận năm 1995.

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Nghề văn là một trong những nghề gian khổ nhất, nghiêm túc nhất. Và nó cũng là một trong những nghề cao quý nhất. Bởi, văn chương làm cho con người luôn hướng tới cái đẹp, cái cao cả, cái lương thiện, tránh xa cái thấp hèn, cái xấu, cái ác. Vậy, trước hết nhà văn phải luôn học tập, luôn tự hoàn thiện mình. Phải có cái tâm, cái chí, cái trung thực và lòng dũng cảm để vượt qua những gập ghềnh, trắc trở vươn tới đích mình đã chọn.

 

 

NGUYỄN ĐỨC NAM

(1928-1988)

 

Bút danh khác: VŨ ĐỨC NAM

Họ và tên khai sinh: Nguyễn Đức Nam. Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1928. Quê quán: xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đảng viên Đảng CSVN. Giáo sư, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ ngành Ngữ văn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1978). Mất ngày 27 tháng 6 năm 1988.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Trong kháng chiến chống Pháp, là giáo viên Anh văn tại trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An. Từ năm 1955: phụ trách chỉ đạo việc dạy văn tại Nha Giáo dục Phổ thông thuộc Bộ Giáo dục. Từ 1963: sau khi nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Liên Xô, về nước và là giáo sư tại trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong những năm 1979-1981: phụ trách Ban Cải cách sư phạm của Bộ Giáo dục. Từ 1982 đến khi mất: là Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục.

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: gồm nhiều bài nghiên cứu, tiểu luận, phê bình có giá trị đăng trên các báo, tạp chí: Văn học, Văn nghệ, Nhân Dân, Giáo dục và thời đại… Đã viết chung với Phùng Văn Tửu tập truyện danh nhân Sếchxpia (1976). Tham gia biên soạn bộ Giáo trình văn học phương Tây. Ngoài ra còn tham gia và chủ biên các tuyển tập: Thơ Việt Nam 1945-1985; Truyện ngắn Việt Nam 1945-1985; Tình bạn- tình yêu (thơ). Các công trình tiểu luận trên đã được Nguyên An tuyển chọn vào sách Nhà văn-nhà giáo Nguyễn Đức Nam (1998).

*  "Nguyễn Đức Nam là nhà giáo dục có nhiều đóng góp quý giá với công cuộc giáo dục của Việt Nam, một nhà văn giàu tâm huyết với sự trường tồn và phát triển của văn hiến dân tộc. Đoạn hồi ức sau đây của nhà văn – giáo sư Trần Thanh Đạm giúp chúng ta hiểu hơn về ông:

“Mùa thu 1984… Trong mọi cuộc tiếp xúc, làm việc với các bạn trí thức, các nhà khoa học và giáo dục Quốc tế tại Ấn Độ, Thái Lan, Philippin, ở cơ quan UNESCO… tôi đều thấy rõ sức hấp dẫn của Anh Nam đối với mọi người, sức hấp dẫn của một trí tuệ uyên bác, một tâm hồn nhạy cảm, một phong độ vừa nghiêm trang vừa tao nhã của một trí thức cách mạng Việt Nam, gây ấn tượng mạnh ở các bạn bè quốc tế…”

(Trần Thanh Đạm - Rút từ sách Nhà văn- Nhà giáo Nguyễn Đức Nam)

 

 

 

NGUYỄN XUÂN NAM

 

Bút danh khác: NGUYÊN XUÂN

Họ và tên khai sinh: Nguyễn Xuân Nam. Sinh ngày 10 tháng 3 năm 1929. Quê quán: Phú Lễ, Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: C8, tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội, ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Phó giáo sư, Nhà giáo ưu tú. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1987.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Cán bộ quân giới trong kháng chiến chống Pháp. 1953-1958: Dạy học ở Thái Nguyên. 1961: Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Bắc Kinh. 1961-2003: Dạy ở các trường Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Sư phạm Hà Nội (bộ môn lý luận văn học).

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Viết chung: Lý luận văn học (giáo trình Đại học, tập II và III, 1987-1988); Từ điển văn học (tập I và II, 1983); Nhà thơ Việt Nam hiện đại (1984); Thơ Việt Nam 1930-1945 (giới thiệu, bình chú, 1992); Tuyển tập thơ Huy Cận (tập I, tuyển chọn, 1986); Tổng tập văn học Việt Nam tập 27 (1989, in lại 1995). Viết riêng: Thơ - tìm hiểu và thưởng thức (1985); Tuyển tập Chế Lan Viên (tập I, giới thiệu, 1985); Tuyển tập Chế Lan Viên (tập II, giới thiệu, tuyển chọn, 1990); Thơ Chế Lan Viên (giới thiệu, bình chú, 1993); Làm quen với thơ Đường (1992); Chế Lan Viên – trí tuệ và tài hoa (2003).

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Thuở nhỏ tôi say mê cuốn Đọc lại những áng danh văn xưa. Những trang viết thấm đậm chủ nghĩa nhân văn, đi sâu vào tình cảm, phát hiện những sáng tạo mới lạ về ngôn ngữ, đã đem đến cho tôi nhiều điều bổ ích. Tôi nghĩ rằng thơ văn Việt Nam cổ điển, thơ văn Việt Nam thời chống Pháp, chống Mỹ… cần được nghiên cứu tỷ mỷ hơn, thấu đáo hơn, và giới thiệu hấp dẫn hơn. Phải viết sao cho tuổi trẻ Việt Nam hiện nay, khi say sưa ngoại ngữ, khi cố gắng chiếm lĩnh khoa học kỹ thuật của thế giới, vẫn không quên được những trang văn thơ Việt Nam thấm thía tình người, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhà phê bình có nhiều việc phải làm, phải xây, phải chống v.v… Nhưng không vì thế mà quên việc giới thiệu cho bạn đọc vẻ đẹp tinh thần, niềm vui thưởng thức văn bản, niềm vui thanh nhã khi gặp gỡ tác phẩm thực sự văn chương.

 

 

SƠN NAM

 

Họ và tên khai sinh: Phạm Minh Tài. Sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926. Quê quán: làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: thành phố Hồ Chí Minh. Vào Hội năm 1977.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia Cách mạng tháng 8-1945 tại Rạch Giá, từng là Tỉnh uỷ viên tỉnh Rạch Giá, công tác tại Xứ uỷ Nam bộ trong thời kì kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Từ 1955 đến 1975, viết báo, viết văn ở miền Nam. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, tiếp tục sáng  tác, biên khảo.

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Chuyện xưa tình cũ (1958); Tìm hiểu đất Hậu Giang (nghiên cứu, 1959); Hương rừng Cà Mau (1962); Chim quyên xuống đất (1963); Hình bóng cũ (1964); Vạch một chân trời (1968); Hai cõi U Minh, Vọc nước Giỡn trăng, Bà Chúa Hòn, Đồng bằng sông Cửu Long hay là văn minh miệt vườn; Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Bến Nghé xưa (1981).

 

 

VŨ TÚ NAM

 

Bút danh khác: NAM

Họ và tên khai sinh: Vũ Tiến Nam. Sinh ngày 5 tháng 10 năm 1929. Quê quán: Thôn Lương Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 103-N2, tập thể Văn phòng Chính phủ, Vạn Bảo, Hà Nội. Đảng viên ĐCSVN. Vào Hội năm 1957

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1947-1958, công tác báo chí văn nghệ trong quân đội. Từ 1959-1995, lần lượt làm Thư ký toà soạn báo Văn học, Phó tổng biên tập báo Văn nghệ, Giám đốc Nxb Tác phẩm mới, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (khoá IV). Đại biểu Quốc hội khoá IX; Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam các khoá I, II, III, IV. Đã học các lớp chính trị trung cao cấp trong quân đội và tại chức. Uỷ viên BCH Hội nhà văn Việt Nam các khoá I, II, III, IV. NXB Tác phẩm mới. n là chính._______________

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Bên đường 12 (1950); Quê hương (1960); Sống với thời gian hai chiều (1983); Mùa xuân, tiếng chim (1985); Tuyển tập Vũ Tú Nam I và II (1997); Hồi ức tình yêu (viết cùng Thanh Hương, 2001). 4 tập thơ. 28 tập truyện nhỏ cho thiếu nhi, trong đó có 3 tập Con sáo gỗ, Tiếng ve ran Trăng tiêu lá, là tuyển chọn. Cùng 16 tập truyện tranh cho nhi đồng, 8 cuốn sách dịch.

 * GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải nhất văn xuôi Trại Văn nghệ Lam Sơn (Liên khu IV) cho tập truyện Bên đường 12 (1950)

Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I, năm  2001.

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tôi thường chú ý và tin vào những điều tốt đẹp, điều thiện ở con người. Tôi quý sự trung thực và lòng nhân hậu

 

 

CAO NĂM

 

Bút danh khác: DIỆU THU

Họ và tên khai sinh: Cao Văn Năm. Sinh ngày 12 tháng 12 năm 1940. Quê quán: Phương Lai, Cấp Tiến, Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Lương. Hiện thường trú tại: Tổ 44, xóm Mới, ngõ 258 Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1999.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Đã từng học trường nghiệp vụ khí tượng Trung ương. Ra trường làm quan trắc viên Đài Vật lý địa cầu Phù Liễn rồi đài khí tượng tỉnh Cao Bằng. Tháng 5/1969: chuyển sang làm báo Việt Nam độc lập Việt Bắc, rồi báo Bắc Thái. Từ 2/1978: chuyển về công tác tại báo Hải Phòng cho tới khi nghỉ hưu. Có truyện ngắn in ở Hải Phòng từ 1964. Tháng 11/1966 có truyện ngắn đăng báo Văn nghệ. Từ đó thường xuyên có sáng tác in trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương.

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Các tập truyện: Người ngoài họ (1997); Áo xanh ướt đẫm (in chung, 1997); Tiếng vọng (1998); Con trai thứ (1999); Đứa bé trong hang núi (2000); Hạ mã (2005); Lời Bác sáng lòng ta (tiểu luận, 2005)…

* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Tặng thưởng truyện ngắn báo Văn nghệ, năm 1995. Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hải Phòng năm 1995. Hai lần nhận giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 1968 và 2001).

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tôi quan niệm trong một sáng tác văn học (dù ngắn hay dài) đều phải nhằm cái đích là mang đến cho người đọc một cái gì đó như sự đánh thức cõi lòng người ta, về nhân tình thế thái, đạo đức nhân phẩm, truyền thống và ước mơ… Đã là truyện (dù ngắn hay dài) đều phải có chuyện. Câu chuyện càng hay thì càng hấp dẫn. Rất cần lối viết nhuyễn, có duyên, có dáng nét riêng của người viết. Tôi thích những truyện mang nét truyền thống truyện Việt Nam nhưng vẫn đậm hơi thở và nhịp sống của con người trong thời đại mới. Tôi thường viết những gì mình vấn vương trong đầu, mình suy nghĩ đã lung lắm rồi, chứ không viết được cái gì vừa vụt đến.

                                       

 

TUYẾT NGA

 

Bút danh khác: TUYẾT NGA, NGA LINH NGA, ĐẶNG THỤC LAM

Họ và tên khai sinh: Nguyễn Thị Tuyết Nga. Sinh ngày 1 tháng 1 năm 1959. Quê quán: Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Tạp chí Giáo dục lý luận - Phân viện Nguyễn Ái Quốc, Hà Nội. Hiện thường trú tại: Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2003.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1981: tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. 1982-1994: Cán bộ biên tập tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ Tĩnh. Từ 1999 đến nay: Cán bộ biên tập tạp chí Giáo dục lý luận Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2002: Tiến sĩ Ngữ văn.

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Hương thơm cỏ vắng (thơ, in chung); Viết trước tuổi mình (thơ, 1993); Ảo giác (thơ, 2003); Phong cách văn xuôi Nguyễn Khải (chuyên luận, 2004).

* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng Hồ Xuân Hương (giải B) của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An. Giải tác phẩm xuất sắc (giải B) của Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (giải B) năm 2003. Giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1995 (giải tư).

 

 

LÊ THANH NGA

 

Bút danh khác: HÀ TRÚC DƯƠNG

Họ và tên khai sinh: Lê Thanh Nga. Sinh ngày 26 tháng 11 năm 1954. Quê quán: xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Biên tập viên nhà xuất bản Kim Đồng. Hiện thường trú tại: Số 4/206 Tổ 22, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Trình độ chuyên môn: Biên tập viên. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2002.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Năm 1976: tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ 5/1977: phóng viên chương trình Truyền hình Thanh niên thuộc Ban phát thanh Thanh thiếu nhi của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Từ 1978: là biên tập viên của Nxb Kim Đồng.

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Hơi ấm mùa đông (tập truyện, 1997); Những người sống cùng tôi (tập truyện, 1999, tái bản có bổ sung 2006); Tầm xuân (tập truyện, 2000); Miền quê xa ngái (tập truyện, 2003).

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Viết về thiếu nhi luôn là một đề tài cần thiết đối với các nhà văn. Với riêng tôi, luôn luôn là một sự yêu thích. Nhưng viết để cho các em yêu thích, lại là điều tôi hằng mong ước…

 

 

NGA HƠ VÊ

 

Họ và tên khai sinh: Nga Rivê. Sinh ngày 1 tháng 1 năm 1947. Quê quán: Sơn Lãng, Sơn Hà, Quảng Ngãi. Dân tộc: Hrê. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Tập thể Gò Lăng, phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi tỉnh Quảng Ngãi. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2002.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1954 từ miền Nam tập kết ra Bắc học Trường Dân tộc Trung ương. 1965-1968 học khoa văn trường ĐHSP Hà Nội. 1968-1976 dạy học tại trường cấp III Lạc Thuỷ, Hoà Bình. 1976-1986: dạy trường cấp III Nghĩa Hành, Nghĩa Bình. 1987-1990: Hiệu phó Trường Sư phạm miền núi Nghĩa Bình, trung học Sư phạm Quảng Ngãi. 1990-2003 Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú Quảng Ngãi.

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Đoá hoa rừng (thơ, 1992); Tất cả cho anh (thơ, 1994); Plây em mùa xuân (thơ, 1997); Khát vọng (thơ, 2001); Chim Talố (thơ, 2003); Truyện cổ Cà Dong (2005).

* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải B Hội Nhà văn với tác phẩm Đoá hoa rừng (1992)

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Dù không phải là nghề chính nhưng tôi ham mê, muốn truyền tải được điều cốt lõi của con người và cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là văn hoá dân gian, bản sắc tinh hoa quý báu đang lu mờ. Và tôi đã lao vào học hỏi, tìm kiếm, sưu tầm. Tôi tin mình đã đi đúng trong con đường trong đại ngàn rừng già sương mờ dần tan…

 

 

PHẠM NGÀ

 

Bút danh khác: TƯỜNG LÊ

Họ và tên khai sinh: Phạm Văn Ngà. Sinh ngày 22 tháng 1 năm 1944. Quê quán: Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Số nhà 44, ngõ 275 phố Lê Lợi, Hải Phòng. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1994.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Từ 1962-1965: học Đại học Sư phạm Hà Nội. Tháng 9/1965: về dạy văn ở trường cấp 3 Tiên Lữ (Hưng Yên), Hồng Quang (Hải Dương). Năm 1973, dạy văn ở trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng. Tháng 8/1984: về công tác tại Nxb Hải Phòng, làm cán bộ biên tập, Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập. Từ 8/1997 cho  đến khi nghỉ hưu: làm Giám đốc - Tổng biên tập. Uỷ viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng 3 khóa, từ 1987-2003, là Phó Chủ tịch Hội.

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Hoa nắng (thơ, 1981); Đi dọc thời mình (trường ca, 1986); Lời ru con của người yêu cũ (thơ, 1991); Trầm tư (thơ, 1995); Mảnh vỡ (thơ, 2001).

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Chỉ đặt bút viết khi không thể nào khác được. Thơ là sự cật vấn lương tâm, những ám ảnh day dứt trước số phận bản thân với cuộc đời. Đấy cũng chính là mệnh giá của thơ. Phải đọc, học, đi và chiêm nghiệm, song khi làm thơ dường như quên đi tất cả, như chưa hề viết, như bắt đầu viết. Phải thành thật và giản dị. Càng khám phá tìm tòi, lại càng như không còn thấy xảo thuật chữ nghĩa, như vươn tới cái đạo của thơ. Cần có tấm lòng lương thiện, niềm đam mê thôi thúc, sự siêng năng mách bảo, vốn văn hóa và cũng cần một chút thiên bẩm nữa.

 

 

 

NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT

 

Họ và tên khai sinh: Nguyễn Thị Hồng Ngát. Sinh ngày 30 tháng 10 năm 1950. Quê quán: xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam. Hiện thường trú tại: Xóm 2, làng Tân, phường Nghĩa Đô, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1990.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Vốn là diễn viên sân khấu, từng biểu diễn phục vụ chiến trường Trường Sơn những năm chống Mỹ. Năm 1981 được đi học Đại học Điện ảnh ở Liên Xô (cũ). Sau đó về làm việc ở Hãng phim truyện và Cục Điện ảnh. Nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa -Thông tin.

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Nhớ và khát (thơ, 1988); Ngôi nhà sau cơn bão (thơ, 1990); Bài ca số phận (thơ, 1993); Biển đêm (thơ, 1996); Bâng khuâng chiều (thơ, 2000); Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát (thơ, 2003); Hai lần sống một mình (tiểu thuyết, 1990); Người muôn năm cũ (tập truyện, 1994); Truyện của cu Minh (1996); Điện ảnh- nghĩ về nghề (phê bình, tiểu luận, 2005); Gió thổi tràn qua mặt (thơ, 2006).

* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải khuyến khích cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1973-1974. Giải nhì cuộc thi viết cho các em do nhà xuất bản Trẻ và Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 1996.

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Đó là một nghề như nhiều nghề khác. Cũng khó nhọc, cũng vất vả, cũng gian truân nhưng nhìn bề ngoài thì tưởng như là nhàn nhã, dễ chịu. Có khác chăng là cần một chút năng khiếu trời cho và cần một tâm hồn phong phú, nhạy cảm. Cần cái nhìn tinh tế và sắc sảo. Cần sự lao động miệt mài. Và trên hết là cần một trái tim nhân hậu.

 

 

LÊ VĂN NGĂN

 

Bút danh khác: HẠ LAN

Họ và tên khai sinh: Lê Văn Ngăn. Sinh ngày 15 tháng 1 năm 1944. Quê quán: xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 138 Hai Bà Trưng, Quy Nhơn, Bình Định. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1993.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước Huế( 1965- 1975), phóng viên Đài phát thanh Huế (1975- 1978). Từng là Phó Tổng biên tập tạp chí Phương Mai Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Định. Đã tốt nghiệp Đại học Báo chí.

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Vào một thời im bóng (thơ, 1974); Đây là tập thơ in bí mật dưới chế độ Mỹ- Ngụy ở Sài gòn, được tuổi trẻ học đường rất thích. Và nhiều thơ đăng trên báo chí Trung ương và địa phương.

* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải nhì cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức năm 1991.

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Con đường nào cũng vậy, cũng có hai chiều. Nhưng dòng thời gian, chỉ một chiều đi tới và không ngừng chuyển tải mọi việc về một quá khứ lãng quên. Làm sao có thể vạch được chiều âm trên dòng thời gian để ngược đường tìm lại những ký ức và làm phong phú hiện tại của cuộc đời bằng những ký ức ấy? Giải đáp của câu hỏi này hình như chỉ có thể được thực hiện bởi những người làm văn học nghệ thuật. Một mối tình đã mất, một thời tuổi trẻ đã qua rồi, những biến động lịch sử... tưởng đã khuất bóng dưới bàn tay xoá hết dấu vết của thời gian, nay lại tái sinh trong tác phẩm văn học nghệ thuật.

Có phải văn nghệ sĩ là người đối nghịch với sự tàn phá của thời gian? Là người lưu trữ những di sản của con người? Là người cung cấp những thông tin nhân văn mà không một chiếc máy vi tính nào có thể cung cấp nổi.

 

 

DẠ NGÂN

 

Bút danh khác: LÊ LONG MỸ

Họ và tên khai sinh: Lê Hồng Nga. Sinh ngày 6 tháng 2 năm 1952. Quê quán: Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu Giang. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phó ban Văn xuôi, tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện thường trú tại: C16, khu Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1987.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Năm 1966 (14 tuổi) vào Cứ, bắt đầu viết tin, làm báo. Từ 1966 đến 4/1975: Tham gia kháng chiến chống Mỹ. Khi vào Cứ mới học xong cấp hai, sau hòa bình (4/1975) tiếp tục học bổ túc văn hóa, tự học, tự đọc. Mãi năm 1993 (41 tuổi) mới đi học Đại học (trường Viết văn Nguyễn Du). Làm việc ở báo Văn nghệ từ 1995 đến nay.

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Quãng đời ấm áp (tập truyện, 1986); Ngày của một đời (tiểu thuyết, 1989); Con chó và vụ ly hôn (tập truyện, 1990); Cõi nhà (tập truyện, 1993); Mẹ mèo (truyện dài thiếu nhi, 1992); Dạ Ngân – truyện ngắn chọn lọc (tập truyện, 1995); Mùa đốt đồng (tập tản văn, 2000); Lục bình mải miết (tập ký, 2002); Nhìn từ phía khác (tập truyện, 2002); Miệt vườn xa lắm (truyện dài thiếu nhi, 2003); Gia đình bé mọn (tiểu thuyết, 2005).

* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1987. Giải nhì truyện ngắn báo Tuổi trẻ năm 1989. Giải ba truyện ngắn báo Sài Gòn giải phóng năm 1990. Giải khuyến khích Nxb Kim Đồng năm 2002. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2004, 2006).

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Rất nhiều lần tôi tự hỏi: Nếu không có chiến trận, nếu không chịu cảnh mồ côi cha từ sớm, nếu không có cuộc hôn nhân do chiến tranh thu xếp thì tôi có trở thành nhà văn không? Cái gì đã đưa đẩy tôi và điều gì đã hun đúc tôi? Số phận của một dân tộc cũng như số phận của một con người là thứ có thật. Tôi tin những trang viết của tôi được sinh ra từ những điều làm nên chính mình và tôi cảm ơn sự run rủi của văn chương, nếu không thì cuộc đời có thể nhàn nhưng thật là ít ý nghĩa. Tôi tôn thờ sự lựa chọn của mình và tôi luôn cố gắng để được xứng đáng với điều đó.

 

 

 

TRỊNH BÍCH NGÂN

 

Bút danh khác: BÍCH NGÂN

Họ và tên khai sinh: Trịnh Bích Ngân. Sinh ngày 11 tháng ngày 8 năm 1960. Quê quán: Cà Mau. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phó Giám đốc kiêm Phó Tổng biên tập Nxb Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh. Hiện thường trú tại: Thành phố Hồ Chí Minh.
Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2006.

* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Là phóng viên, biên tập viên và chuyên viên báo chí, xuất bản. Hiện công tác tại Nhà xuất bản Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh

* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Các tập truyện ngắn: Đâu phải là tình yêu (1988); Những chiếc lá thu (1993); Bão, sợi dây và giọt đắng (2002); Truyện ngắn Bích Ngân (2003, 2005); Người đàn bà bơi trên sóng (2005).

* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng cuộc thi kịch bản văn học năm 1993 của Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh. Giải thưởng cuộc thi bút ký của tuần báo Văn nghệ.

* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Trong thế giới còn lâu mới… phẳng, luôn có những "barie" và chính những thanh chắn vô hình ấy đã cản trở nỗi khao khát được chia sẻ, được giao hoà… Đó còn là nỗi cô đơn và bất lực của những tâm hồn lạc nhau và không tìm thấy nhau. Tôi mày mò tìm kiếm thứ ánh sáng được loé lên, được phát lộ từ góc khuất của tâm hồn.