KIM BA
Họ và tên khai sinh: Hồ Văn Cam. Sinh ngày 12 tháng 3 năm 1960. Quê quán: xã Sơn Đông, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre. Hiện thường trú tại: Khu phố 7, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2001.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Trăng hoàng hôn (thơ, 1995); Ai đi xe mo cau (thơ, 1998); Đôi mắt con tàu xanh (tập truyện, 2001); Mùa nồng nàn (thơ, 2007).
Giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi thơ hay năm 1993 do báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
@
PHAM VĂN BA
Bút danh khác: Vĩnh An Họ và tên khai sinh: Phạm Văn Ba. Sinh ngày 25 tháng 3 năm 1959. Quê quán: Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Thượng tá, Bộ Công An. Hiện thường trú tại: 3/7 Trần Phú, Văn Mỗ, Hà Đông, Hà Tây. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2005.
Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Năm 1975, tốt nghiệp phổ thông tại trường cấp III Nghi Lộc I, Nghệ An. Cựu sinh viên khoa tiếng Pháp trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1993-1994 nghiên cứu ngôn ngữ và văn học tại Viện nghiên cứu Pháp ngữ Đại học Savoie Cộng hoà Pháp. Từ năm 1983, công tác tại Tổng cục An ninh Bộ Công An.
Tác phẩm chính đã xuất bản: gồm các dịch phẩm: Một trăm năm khoa học hình sự thế giới (3 tập, 1985); Truyện cổ tích vùng Provence (1990); Chiến trận, tiểu thuyết của Jean Rouaud, giải Goncourt 1990 Pháp (1992); Bà tiên súng cạc bin, tiểu thuyết của Daniel Pennac -Pháp (1997); Đôi mắt nhìn xuống, tiểu thuyết của Tahar Benn Jelloun- Pháp (1997); Đứa trẻ cát, tiểu thuyết của Tahar Benn Jelloun, giải Goncourt 1987 Pháp (2000); Mafia Cicile (2001); Tôi đi đây, tiểu thuyết của Jean Echenoz, giải Goncourt 1999 Pháp (2002). Những câu chuyện tình trong lịch sử nước Pháp của Guy Breton (2003); Mất nơi ở (2006), tiểu thuyết của Phạm Văn Ký, giải thưởng lớn về tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp năm 1961; Sách biên khảo: Khi tan nắng và Gửi vầng trăng lưu lạc - tuyển tập truyện ngắn và thơ của người Việt hải ngoại . Giải thưởng văn học: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn hai lần trao giải sách hay cho hai cuốn tiểu thuyết dịch Đôi mắt nhìn xuống và Đứa trẻ cát của Tahar Benn Jelloun.
Suy nghĩ về nghề văn: Tín, đạt, nhã là ba tiêu chí mà xưa nay giới dịch giả và lý luận- phê bình văn học đã tốn nhiều giấy mực. Nhưng tôi dứt khoát rằng chẳng có dịch giả nào làm thoả mãn được cả ba tiêu chí khi chuyển dịch một tác phẩm. Tôi tự xác định mình chỉ nên là, và chỉ có thể là một dịch giả nghiệp dư, tài tử- một phương pháp giải trí tích cực - khi những công việc khác làm cho mình căng thẳng, mệt mỏi, nhàm chán…
@
SA PHONG BA
Bút danh khác: sa đa ban, sa ban, nhị trang
Họ và tên khai sinh: Sa Viết Sọi. Sinh ngày 6 tháng 7 năm 1948. Quê quán: Bản Nong Đa, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Dân tộc: Thái trắng. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: phường Quyết Thắng, thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La. Vào Hội năm 1997.
Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: 1964-1966: học viên trường bổ túc công nông Khu tự trị Thái Mèo. 1966-1969: sinh viên Đại học Nông nghiệp I. Biên tập viên Đài phát thanh khu tự trị Tây Bắc. 1969-1973: sinh viên Đại học Tuyên giáo khoa Báo chí. 1973-1977: biên tập viên Đài phát thanh khu tự trị Tây Bắc. 1977-1985: biên tập viên, phó phòng biên tập Đài phát thanh tỉnh Sơn La. 1986-1989: phóng viên báo Sơn La, uỷ viên thường vụ Hội VHNT tỉnh Sơn La. Từ 1990 đến nay là uỷ viên Ban kiểm tra Hội VHNT Sơn La.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Những bông ban tím (tập truyện ngắn, 1983); Vùng đồi gió quẩn (tập truyện ngắn, 1995); Chuyện ở chân núi Hồng Ngài (tập truyện ngắn, 2003 ). Trên 50 truyện ngắn in trên báo và tạp chí Trung ương và địa phương. Có nhiều kịch bản sân khấu, kịch bản phim...
Giải thưởng văn học: 6 giải thưởng truyện ngắn do Hội Văn nghệ tỉnh Sơn La trao tặng. 2 giải thưởng chính thức kèm bằng khen của Bộ Lâm nghiệp (1982-1984). Giải thưởng của Uỷ ban dân tộc Chính phủ tặng các nhà văn dân tộc thiểu số năm 1985. Giải khuyến khích của Hội VHNT các DTTS Việt Nam năm 2003 cho tập truyện ngắn Chuyện ở chân núi Hồng Ngài.
Suy nghĩ về nghề văn: Gian khó truân chuyên là lò tôi luyện của tâm hồn nhà văn. Vinh quang của nhà văn phần nhiều hình thành từ gian khổ. Người đọc được tác phẩm hay thì hả hê sảng khoái, nhưng có biết đâu tác phẩm ấy được đẻ ra từ sự đau đớn, dẫy giụa của người viết? Nghiệp văn không ai tự chọn sẵn cho mình khi vào đời mà thành. Sự hy sinh, trăn trở của người viết văn đã mấy ai cảm nhận được để mà nâng niu, trân trọng nó? Vì vậy, viết văn là việc rất vô tình tự nguyện, không ai ép bắt ta mà ta vẫn cứ lao vào.
@
PHI TUYẾT BA
Bút danh khác: Phí Thị Tuyết Ba, Nhật Lệ
Họ và tên khai sinh: Phí Thị Tuyết Ba. Sinh ngày 02 tháng 5 năm 1946. Quê quán: Kim Chung, Hoài Đức, Hà Tây. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Tin lành. Hiện thường trú tại: Số 2, ngách 64/5 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2000.
Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1969. Là giảng viên môn Toán ở các trường Đại học Công nghiệp nhẹ, Đại học Ngoại ngữ. Từ 1991: dạy tin học cơ sở. Làm thơ từ nhỏ. Bắt đầu gửi thơ đăng báo từ 1985.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Các tập thơ: Lời tình yêu (1991); Lỗi tại trái tim (1992); Mi-mô-za (1996); Sóng thời gian (2000); Quà tặng (2004); Kỳ vọng (in chung, 1998).
Giải thưởng văn học: Giải B cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nxb Kim Đồng năm 1987 và Giải khuyến khích năm 2001. Giải khuyến khích của báo Phụ Nữ Việt Nam năm 1994. Giải khuyến khích báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Giải C của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp Hội các Hội VHNT Việt Nam năm 2001.
Suy nghĩ về nghề văn: Dường như không phải người chọn văn mà là văn chọn người viết. Quá trình sáng tạo văn thơ cũng là quá trình phát hiện, làm phong phú tâm hồn và hoàn thiện nhân cách. Mục đích của văn thơ là hướng con người đến Chân- Thiện- Mỹ. Văn thơ vẫn song hành cùng nhân loại chừng nào con người chưa hoàn toàn trở nên giống như sản phẩm công nghệ. Vấn đề là phải viết được hay. Đây là một thách thức lớn lao mang ý nghĩa thời đại đối với từng nhà văn.
@
XUÂN BA
Họ và tên khai sinh: Trịnh Xuân Ba. Sinh ngày 1 tháng 9 năm 1954. Quê quán: Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Dân tộc: Kinh Tôn giáo: Lương. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Trưởng ban phóng sự báo Tiền phong. Hiện thường trú tại: 128 Hàng Trống, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1999.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Mọi linh hồn đều được đưa tiễn (1993); Vẫn phải tin vào những giọt nước mắt (1995); Khang khác mây thường (2004); Chuyện buồn kể muộn (2004); Thời chưa xa, người chưa cũ (2004).
Giải thưởng văn học: Giải A phóng sự của Hội Nhà báo Việt Nam. Giải B phóng sự của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Giải B phóng sự của Bộ Nội vụ.
@
NGUYỄN BÁ
Bút danh khác: Thạch Sơn Suốt, Nguyễn Trung Ngữ
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Bá Sánh. Sinh ngày 16 tháng 12 năm 1938. Quê quán: Phong Mỹ, Giồng Trôm, Bến Tre. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Uỷ viên tiểu ban nghiên cứu lịch sử tỉnh Cà Mau. Hiện thường trú tại: 90 Mậu Thân, TP Cần Thơ. Vào Hội năm 1977.
Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Làm liên lạc trong đoàn thể Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ từ năm 1953, công tác thanh niên tỉnh Cà Mau từ 1956-1965. Tham gia công tác văn nghệ vùng giải phóng Tây Nam Bộ từ 1965-1975. Sau giải phóng vừa sáng tác vừa làm công tác Đoàn thanh niên, từng là uỷ viên Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam (1978-1983)
Tác phẩm chính đã xuất bản: Đất Viên An (thơ, 1977); Trường ca Hòn Khoai (1978); Hòn Khoai (tiểu thuyết, 1991); Nguyễn Trung Trực (trường ca, 1999).
Suy nghĩ về nghề văn: Văn học là phương tiện biểu hiện sức sống bên trong của con người. Nhà nghệ sĩ vận dụng văn học làm vũ khí sắc bén để tham dự cuộc vệ quốc và góp phần xây dựng cuộc sống vui cho đồng loại - mà đức hy sinh và nghiệp vụ sẽ được đền đáp bằng những tác phẩm có ích - Đó chính là phần thưởng cao quý cho nhà văn.
@
TÙNG BÁCH
Bút danh khác: Tùng Chi, Hữu Bằng Sơn
Họ và tên khai sinh: Lê Tùng Bách. Sinh ngày 15 tháng 3 năm 1949. Quê quán: xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Thư ký toà soạn tạp chí Người làm báo - Hội Nhà báo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện thường trú tại: 74/B2 Trương Công Định, phường 3, TP Vũng Tàu. Vào Hội năm 2004.
Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Sáng tác thơ từ năm 1967, chủ yếu là thơ, đăng tải trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Mình với bóng (thơ, 1990); Vịt đực và Mào gà trống (thơ, 1995); Bầu trời của ếch (thơ, 2000); Người gieo hạt (thơ, 2002); Đi và nhặt (thơ, 2005).
Giải thưởng văn học: Giải thưởng loại B tập thơ Người gieo hạt của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ( 2004). Giải thưởng cuộc thi sáng tác thơ, truyện cho lứa tuổi mầm non, do Nxb Giáo dục và Vụ Giáo dục mầm non- Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 2005.
Suy nghĩ về nghề văn: Viết văn, làm thơ là sở thích, niềm đam mê khiến người cầm bút trăn trở đến trọn đời.
@
NGỌC BÁI
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Ngọc Bái. Sinh năm 1943. Quê quán: xã Âu Lâu, Trấn Yên, Yên Bái. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Nhà số 5 đường Nguyễn Du, phường Hồng Hà, TP Yên Bái. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1991.
Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: 24 năm trong quân đội, trải qua chiến đấu ở mặt trận B5 Quảng Trị, trợ lý tuyên huấn E246 quân khu Việt Bắc, tốt nghiệp đại học Văn hoá, đại học viết văn Nguyễn Du, trợ lý tuyên huấn quân khu II, chủ nhiệm văn hoá văn nghệ Cục Chính trị quân khu II. Năm 1988 chuyển ngành, làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch Hội VHNT Yên Bái, Giám đốc sở VHTT tỉnh Yên Bái. Tỉnh uỷ viên 2 khoá. Uỷ viên Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 3 khoá. Thành viên Hội đồng nhân dân tỉnh 2 khoá. Có thơ in Văn nghệ quân đội từ năm 1970. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Màu xanh con suối (thơ, in chung, 1976); Chum quả mùa đầu (thơ, in chung, 1981); Trầm tĩnh cánh rừng (thơ, 1990); Thấp thoáng bóng mình (thơ, 1991); Thời áo lính (thơ, 1993); Thạch thảo miền rừng (thơ, 1994); Những con đường đất đã qua (thơ, 1996); Đá mồ côi (tập truyện, 1992); Đồng vọng ngõ phố xưa (thơ, 1998); Gió ngoài cửa sổ (thơ, 1999); Lời cất lên từ đất (trường ca, 2000); Trong trẻo trước mùa thu (thơ, 2004); Khoảng lặng (thơ, 2006).
Giải thưởng văn học: Giải thơ Văn nghệ Việt Bắc, 1974. Giải ba truyện ngắn Đá mồ côi, tạp chí Văn nghệ quân đội, 1987. Giải B, tập thơ Đồng vọng ngõ phố xưa, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 1988.
Suy nghĩ về nghề văn: Thơ đích thực rất thiêng liêng. Người viết tự lập nên ngôi đền thơ của mình. Lao động thơ đặc biệt nghiêm túc và khổ công. Tôi yêu gốc gác quê mùa khoai lúa bùn đất của tôi. Tôi trân trọng những gì đã sống đã yêu đã trải đã tôn thờ. Chiêm nghiệm , suy ngẫm và viết. Trí tuệ và tình yêu là phẩm chất của thi ca. Tôi nghĩ thế và làm như thế.
@
ĐỨC BAN
Họ và tên khai sinh: Phạm Đức Ban. Sinh ngày 10 tháng 01 năm 1949. Quê quán: Xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Giám đốc Sở Văn hoá -Thông tin Hà Tĩnh. Hiện thường trú tại: Thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1990.
Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Học xong phổ thông trung học, ở nhà làm xã viên HTX nông nghiệp, rồi đi Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, sau về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, học khoá 2 Trường Viết văn Nguyễn Du. Từ đấy đến nay làm công tác văn hoá và viết văn. Từng là Chủ tịch Hội VHNT Hà Tĩnh, Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Mưa rừng (tập truyện ngắn, 1976); Nơi có chuyện cổ tích (truyện, 1984); Hoa cúc vàng (truyện ngắn, 1984); Những tiếng chim (truyện ngắn, 1985); Những lỗi lầm đã qua (tiểu thuyết, 1988); Trăng vỡ (tiểu thuyết, 1993); Đêm thức (truyện ngắn, 1995); Cây cải lên trời (truyện ngắn); Sương mù chưa tan (truyện vừa); Khúc hát ngày xưa (truyện ngắn); Chuyện vẫn còn... (truyện ngắn); Mạng nhện bạc (truyện vừa); La Sơn Nguyễn Biểu (kịch dài). .. Giải thưởng văn học: Giải A (2 lần), Giải B giải VHNT Nguyễn Du. Giải A, giải C Giải thưởng UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải B truyện ngắn báo Văn nghệ.
@
Y BAN
Họ và tên khai sinh: Phạm Thị Xuân Ban. Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1961. Quê quán: Ninh Bình. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Trưởng Ban biên tập báo Giáo dục và thời đại. Hiện thường trú tại: D11, cửa 14 sân vận động Hà Nội. Vào Hội năm 1996.
Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Tốt nghiệp Khoa Sinh Đại học Tổng hợp năm 1982. Từ 1982 đến năm 1989 cán bộ giảng dạy trường Cao đẳng Y tế Nam Định, trường Đại học Y Thái Bình. Từ 1989-1992: học trường viết văn Nguyễn Du. Từ năm 1994 đến nay là phóng viên, biên tập viên báo Giáo dục và thời đại.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Các tập truyện ngắn: Người đàn bà có ma lực (1993); Đàn bà sinh ra từ bóng đêm (1995); Vùng sáng ký ức (1996); Truyện ngắn Y Ban (1998); Miếu hoang (2000); Cẩm cù (2001); Chợ nằm dưới gốc dâu cổ thụ (2003); Cưới chợ (2004); Cuộc phiêu lưu trên dòng nước lũ (truyện vừa viết cho thiếu nhi, 2000); Đàn bà xấu thì không có quà (tiểu thuyết, 2004); Thần cây đa và tôi (tập truyện vừa); I am đàn bà (tập truyện ngắn).
Giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi Truyện và Thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1989-1990 (hai tác phẩm Bức thư gửi mẹ Âu Cơ và Chuyện một người đàn bà). Giải C giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2000 (tập truyện Miếu hoang). Giải B cuộc thi viết về Hà Nội do Nxb Hà Nội tổ chức năm 1993 cho tập truyện ngắn Người đàn bà có ma lực. Giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn giáo dục đạo đức cho thiếu niên-nhi đồng do Nxb Giáo dục tổ chức năm 2001.
Suy nghĩ về nghề văn: Bước vào đời, tôi đã có một nghề nghiệp tốt nhưng văn chương đã chọn tôi để thể nghiệm. Mặc dù vậy chưa khi nào tôi có ý định từ bỏ văn chương. Tôi sẽ viết đến khi nào văn chương chối bỏ tôi.
@
LÊ BẦU
Bút danh khác: Phan Hà
Họ và tên khai sinh: Lê Văn Bầu. Sinh ngày 23 tháng 6 năm 1930. Quê quán: Quan Xuyên, Khoái Châu, Hưng Yên. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 257 Thanh Nhàn, nhà A6 , phòng 206 quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Vào Hội năm 1988.
Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Tốt nghiệp ĐH Trung văn tại Trung Quốc, làm phiên dịch ở Việt Nam và Trung Quốc, dạy học. Từ 1961 biên tập viên văn học ở Sở Văn hoá Hà Nội, Hội Văn nghệ Hà Nội và Nxb Hà Nội, về hưu năm 1993.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Truyện ngắn, ký: Thông reo (1962); Đi thực tập (1961); Những năm tháng trôi qua (1984); Hoàng hậu vàng anh (1983); Hai người buồng bên kia (1993); Dòng sữa trắng (1976); 60 ngày đêm giữ chợ Đồng Xuân (1988); Ngã ba cô đơn (tiểu thuyết, 1993); Độc hành (2004); Dịch văn học: Quỷ Thành, Hoài niệm sói, Thị trấn Phù Dung, Tể tướng Lưu Gù, Oshin, Trở về, Hoạn quan Trung Hoa, Nỗi hoài hương dằng dặc, Đội vi trùng 731, Hồn hoa đào, Truyện Mạc Ngôn, Truyện ngắn của ba nhà văn nổi tiếng, Phố cửa Giấy …
Giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tập truyện ngắn Hai người buồng bên kia. Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tiểu thuyết dịch Trở về. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tập truyện dịch Quỷ thành.
Suy nghĩ về nghề văn: Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với nhà văn là lòng yêu nghề, yêu từ ruột yêu ra, nếu không sẽ không duy trì được nghề nghiệp, dù dùng nghề nghiệp của mình vào việc làm báo kiếm sống. Lòng yêu nghề có thể chưa là yếu tố để có văn hay, nhưng trước nhất, cần nhất vẫn là lòng yêu nghề.
@
TRẦN BẢNG
Họ và tên khai sinh: Trần Bảng. Sinh ngày 1 tháng 10 năm 1926. Quê quán: xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Khu tập thể Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. Vào Hội năm 1957.
Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Giáo sư (ngành sân khấu). Từng là Giám đốc Nhà hát Chèo trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hoá-Thông tin, Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Con trâu hai nhà (kịch bản chèo, 1956); Đường đi đôi ngả (kịch bản chèo, 1959); Cô gái và anh đô vật (kịch bản chèo, 1996); Tình rừng (kịch bản chèo, 1996); Câu chyện tình 80 (kịch bản chèo, 1996); Máu chúng ta đã chảy (kịch bản chèo, 1996); Chèo, một hiện tượng sân khấu dân tộc (2000).
Giải thưởng văn học: Giải thưởng văn học đề tài công nhân của Tổng Công đoàn Việt Nam 1974 (kịch bản chèo, Tình rừng). Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt II năm 2001
Suy nghĩ về nghề văn: Những tác phẩm của tôi đều ghi dấu những kỷ niệm, những sự kiện có thật trong đời mình trải qua gần 50 năm đi theo Cách mạng; (từ Cách mạng tháng Tám: Cô gái và anh đô vật; đến kháng chiến chống Pháp: Máu chúng ta đã chảy, và xây dựng CNXH: Đường đi đôi ngả, Tình rừng). Những tác phẩm này đồng thời cũng là những thực nghiệm về văn học kịch bản hát dân tộc về đề tài hiện đại. Do đó, tôi vừa là tác giả, vừa là đạo diễn sân khấu của những vở của mình.
@
NGUYỄN BAO
Bút danh khác: mạc tú, thùy anh Vũ Tuyên Minh
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Bao. Sinh ngày 18 tháng 11 năm 1932. Quê quán: làng Sét, xã Định Hải, huyện Yên Định, Thanh Hoá. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: P301, nhà 27B3, ngõ 27, Cát Linh, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1977.
Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Sáng tác và có thơ đăng báo khi còn là sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội, 1954. Tham dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam 1957. Đã qua 20 năm làm báo, và 20 năm biên tập sách văn học, 15 năm làm Phó giám đốc Nxb Văn học.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Đôi cánh (thơ, 1962); Vua Rồng xứ Lạc (truyện thơ, 1968); Hoa đỏ Trường Sơn (truyện thơ, 1974); Suối bên đường (thơ, 1977); Gió thơm (thơ, 1980); Sang thu (thơ 1995); Thơ với tuổi thơ (2004).
Giải thưởng văn học: Giải thưởng Thơ Trung ương Đoàn Thanh niên, 1955. Giải thưởng Thơ viết cho thiếu nhi - Uỷ ban thiếu niên nhi đồng toàn quốc, 1970.
Suy nghĩ về nghề văn: Có vô số nẻo đường dẫn đến Thơ - với tôi, tôi nghiệm ra rằng khi được tắm mình trong cội nguồn mỹ cảm đầy sức lan toả, sáng tạo trong một trạng thái tâm hồn vừa trong sáng vừa say mê và trung thực đến hồn nhiên, ghi lại những rung động sâu sắc và tinh tế nhất của mình... mới hy vọng tạo nên một sản phẩm có sức cuốn hút và thanh lọc tâm hồn, một sản phẩm tinh thần ít nhiều có ích cho đời.
@
ĐỖ VĨNH BẢO
Bút danh khác: đỗ vĩnh, hoàng ngọc châu
Họ và tên khai sinh: Đỗ Vĩnh Bảo. Sinh ngày 20 tháng 3 năm 1943. Quê quán: Vũ Đoài, Vũ Thư, Thái Bình. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phó Tổng biên tập tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ. Hiện thường trú tại: 99 ngách 343/18 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1990.
Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: 1965-1968: biên tập viên Đài phát thanh khu tự trị Tây Bắc; Tổ trưởng phóng viên thường trú tại các tỉnh Lai Châu, Nghĩa Lộ. Từ 1969-1977: Thư ký tòa soạn, ủy viên thường trực Ban biên tập báo Thái Bình. 1978-1994: Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Thái Bình, Phó Chủ tịch thường trực, Bí thư Đảng đoàn Hội Văn nghệ Thái Bình. Từ năm 1995 đến nay là biên tập viên, Phó tổng biên tập tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Gió miền châu thổ (truyện, 1979); Bông hoa lửa trắng (truyện, 1981, 1982); Con dao nắm bạc (truyện, 1987); Quyền được yêu (tiểu thuyết, 1988); Chiều muộn (tập truyện ngắn, 1990); Đêm Hồng Kông (ký sự, 1999); Ngỡ ngàng Bang Kok (ký sự, 2002); Ngu thần (tiểu thuyết, 2004).
Giải thưởng văn học: Giải khuyến khích báo Văn nghệ năm 1975 (truyện ngắn Chuyện ông Thẩm). Giải khuyến khích Bộ Lâm nghiệp năm 1982 (truyện ngắn Mùa gió). Giải B Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1984 (bút ký ý nghĩ về đàn trâu đỏ). Giải A Lê Quý Đôn Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình (tiểu thuyết Quyền được yêu).
Suy nghĩ về nghề văn: Viết văn là một nghề cực nhọc, đơn độc và hiện rất thiệt thòi về cuộc sống vật chất. Tôi thường tự động viên rằng: viết một cuốn tiểu thuyết trung bình cũng đòi hỏi một tài năng thực sự. Chỉ những người có thực tài hoặc thực tâm về ý thức trách nhiệm trước nhân quần xã hội, mới đủ can đảm cầm bút viết văn dài dài. Đã là ký, truyện, tiểu thuyết, theo tôi trước hết phải hấp dẫn, để đáp ứng nhu cầu giải trí của người đọc. Có như thế, văn chương mới mong thực hiện được mục tiêu sau cùng là thức tỉnh lương tri con người, hướng tới cái Đẹp!
@
NGUYỄN BẢO
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Ngọc Bảo. Sinh ngày 02 tháng 4 năm 1948. Quê quán: Xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Đại tá. Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội. Hiện thường trú tại: Ba Đình, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1977. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Thời thơ ấu sống, học tập ở quê. Học xong Đại học Tổng hợp, khoa Ngữ văn lên đường nhập ngũ, làm phóng viên chiến trường tại Mặt trận Trung Trung bộ (4/1971). Sau giải phóng được điều về tạp chí Văn nghệ quân đội làm biên tập viên, Trưởng ban văn xuôi, Phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập. Tác phẩm chính đã xuất bản: Biển đêm (tập truyện ngắn, 1981); Người ở thượng nguồn (tiểu thuyết, 1983); Giám định của đất (tiểu thuyết, 1987); Những cuộc tình đã đi qua (tiểu thuyết, 1998); Khoảng sáng không mất (tiểu thuyết, 1992); Quà tặng (tập truyện ngắn, 1999); ảo ảnh (tập truyện ngắn, 2004); Điều bất ngờ (ký, 1999); Nơi tổng thống Hoa Kỳ đi qua (ký, 2004): Thượng Đức (tiểu thuyết, 2005). Giải thưởng văn học: Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng (1994-1999) cho tập truyện ngắn Quà tặng. Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng (1999-2004) tập truyện ngắn ảo ảnh. Bằng khen của Bộ Quốc phòng và Tặng thưởng văn học 2006 của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Thượng Đức.
Suy nghĩ về nghề văn: Trừ những người có năng khiếu đặc biệt, nghề văn đòi hỏi sự kiên trì, khổ hạnh. Sáng tác để được đăng đã khó, được khen càng khó biết bao! Để không bị đứt gánh giữa đường, tôi tự nhủ: Phải luôn luôn bám lấy đời sống. Đời sống sẽ cho người viết những trang sách chân thực, những trang sách hay, sẽ là nguồn cảm hứng, nuôi dưỡng niềm say mê của người viết. Để có một lời khen: “Sáng tác ấy là chân thật"- người viết ra nó nhất định đã trải qua những trạng huống, những hoàn cảnh, những miền đất… được miêu tả trong tác phẩm. Chỉ vậy thôi cũng đủ để sung sướng, để an ủi cả một đời cầm bút của mình.
@
THÀNH ĐỨC TRINH BẢO
Bút danh khác: Trinh Bảo, Tuấn Linh, Bảo Trinh
Họ và tên khai sinh: Thành Đức Trinh Bảo. Sinh ngày 30 tháng 1 năm 1959. Quê quán: Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ, uỷ viên Ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện thường trú tại: 25 Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1999. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Tốt nghiệp Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học KHXH và nhân văn). Học hết 5 năm Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, khoa Trung Văn. Dịch nhiều sách về văn học Trung quốc, viết báo, làm thơ. Tác phẩm chính đã xuất bản: gồm các dịch phẩm: Tuyển tập truyện ngắn hay Trung Quốc (1994); Cá voi trong vũng nước (1995); Tuyển truyện xuất sắc Trung Quốc (1996); Mùa hoa mùa hoa (1999); Đài Loan một con rồng châu á (1995); Tiền khoa (tiểu thuyết Trung Quốc, 1999); Truyện ngắn Cao Hành Kiện (2002); 100 truyện ngắn hay đương đại Trung Quốc (2002), Tuyển tập truyện ngắn hiện đại Trung Quốc (1996)... và nhiều tác phẩm in chung khác. Giải thưởng văn học: Giải ba cuộc thi dịch văn học do Hội đồng dịch Hội Nhà văn, nhà xuất bản Hội Nhà văn và báo Văn nghệ đồng tổ chức năm 1994-1995. Giải thưởng tác phẩm dịch hay nhất năm 1995 của tạp chí Văn nghệ quân đội.
@ NGUYỄN ĐĂNG BẢY
Bút danh khác: Nguyên Đăng
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Đăng Bẩy. Sinh ngày 12 tháng 11 năm 1948. Quê quán: Thổ Khối, Long Biên, Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Trưởng ban biên tập Văn nghệ dân tộc báo Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện thường trú tại: Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đảng viên ĐCSVN. Vào Hội năm 2006. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (N97-P30), làm công nhân cơ giới trồng rừng, du học tại Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp LTA (Liên Xô), kỹ sư thiết kế máy công cụ (Viện IMI), làm báo Văn nghệ- Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm chính đã xuất bản: Tác phẩm dịch: Ra đi không trở lại (truyện vừa của V. Bykov, Liên Xô và Nxb Raduga); Mùa thu trong rừng sồi (Tuyển truyện ngắn Liên Xô); Kẻ đánh cắp thần linh (truyện ngắn hiện đại châu á).
Suy nghĩ về nghề văn: Văn chương quả là duyên nợ trong trường hợp tôi. Tuy kinh qua nhiều nghề, nhưng vì có một bài thơ được in trên Văn nghệ (1968), tôi chuyển sang dịch thuật và làm báo văn chuyên nghiệp, đến nay…
@
VŨ BÃO
Các bút danh khác: Vũ Văn Bảo, Tạ Văn Dung, Hồ Huỳnh (1931-2006)
Họ và tên khai sinh: Phạm Thế Hệ. Sinh ngày 4 tháng 9 năm 1931. Quê quán: thôn An Tiêm, xã Thuỵ Dân, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Đảng viên ĐCSVN. Vào Hội năm 1957. Mất năm 2006. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Sớm giác ngộ cách mạng, vào bộ đội làm quân báo từ năm 1947. Đến năm 1950 làm cán bộ Khu đoàn thanh niên Liên khu III. Năm 1960 làm phóng viên báo Hà Nam, rồi báo Nam Hà. Năm 1968 vào mặt trận Khe Sanh. 1969, về hoạt động ở Hội Văn nghệ Hà Nội. Năm 1971 vào Mặt trận Đường 9 Nam Lào. Đến năm 1977, chuyển sang Tổng cục Thể dục thể thao làm chuyên viên. Năm 1983 làm báo Điện ảnh Việt Nam, từng giữa chức Phó tổng biên tập. Nghỉ hưu 1992. Từ năm 1988 đến 2000 là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Tác phẩm chính đã xuất bản: Làm giời (tập truyện ngắn, 1956); Sắp cưới (tiểu thuyết, 1957); Phá đám (tập truyện, 1958); Mãi cũng đến bờ (truyện, 1963); Dòng tin (tập truyện Kim Đồng, 1970): Khe Tre (truyện và ký, 1971); Anh cả và em út (truyện Kim Đồng, 1975); Nơi đến (truyện, 1975); Qua Hương Hoá (truyện và ký, 1976); Những ngôi sao nhỏ (kịch bản phim, 1980); Cô búp bê tóc mây (kịch bản phim hoạt hình, 1981); Phút 89 (kịch bản phim truyện, 1982); Xe tăng ta (truyện và ký, 1982); Vũ đài Olimpic (truyện Kim Đồng, 1983); Thời gian không đợi (tiểu thuyết, 1988); Đừng gọi tôi là em (kịch bản truyền hình, 1992; Bố con là đàn bà (tập truyện, 1993); Đầu quay về hướng Đông (kịch bản truyền hình, 1995; Ông khóc tôi cũng khóc (tập truyện, 1995); Gọi ai lần cuối (1996); Đỏ con mắt trái (tập ký,1997); Truyện chọn lọc (1998); Tuyển tập văn xuôi (2000); Em đường em, anh đường anh (tập truyện ngắn, 2001); Tiếng vọng tuổi thơ (truyện, 2002); Ai đưa tôi đến chốn này (truyện, 2004); Người vãi linh hồn (tập truyện ngắn, 2004); Hiệp sĩ (tập truyện ngắn, 2004); 29 tháng Hai (kịch bản điện ảnh, 2005). Giải thưởng văn học: Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Em đường em, anh đường anh. Giải thưởng sáng tác 5 năm 1980-1985 của Hội Nhà văn Hà Nội Thời gian không đợi (tiểu thuyết). Giải thưởng tuần báo Văn nghệ (Người vãi linh hồn). Giải thưởng tạp chí Văn nghệ quân đội: Lý sự người đời, Người không có tên trong từ điển. Suy nghĩ về nghề văn: Thở bằng lá phổi của mình, nhìn đời bằng đôi mắt của mình, suy nghĩ về lẽ đời bằng cái đầu của mình, đi bằng đôi chân của mình và không bao giờ viết bằng ngòi bút đã bị bẻ cong.
@ HẢI BẰNG (1930-1998)
Họ và tên khai sinh: Vĩnh Tôn. Sinh ngày 3 tháng 2 năm 1930. Quê quán: Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985. Mất ngày 7 tháng 7 năm 1998. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Là chiến sĩ giải phóng quân thuộc trung đoàn 101, Thừa Thiên Huế, từ năm 1945. Sau kháng chiến chống Pháp, chuyển ngành, công tác ở Vụ Văn hoá Đại chúng thuộc Bộ Văn hoá. Đến năm 1959 chuyển về Ty Văn hoá Quảng Bình làm công tác phát hành sách. Sau khi thống nhất đất nước, về lại cố đô, làm việc ở Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Bình Trị Thiên về sau là tỉnh Thừa Thiên-Huế, nghỉ hưu năm 1994. Tác phẩm chính đã xuất bản: Hát về ngọn lửa (thơ, 1980);, Trăng đợi trước thềm (thơ, 1988); Thơ tình Hải Bằng (thơ, 1989); Mưa Huế (thơ, 1992); Mưa lạivề (thơ tứ tuyệt, 1993); Sóng đôi bờ (thơ, 1994); Đề lên năm tháng (thơ, 1995); Tuổi Huế trong ta (thơ, 1996).
Suy nghĩ về nghề văn: Trên bước đường đi vào làng văn học, tôi không được may mắn như những nhà thơ đồng lứa. Có người đã được xuất bản bao cấp từ 3 đến 6 tập sách. Cũng có người 10 tập hoặc hơn thế nữa. Năm tháng trôi qua - đã quá nửa đời rồi, tôi đã ra mắt với bạn đọc 10 tập thơ hoàn toàn tự túc về kinh phí. Vào đầu tháng 12-1992 tôi in tập thơ tứ tuyệt Mưa lại về gồm 102 bài toàn nói về mưa. Tôi xin trích 2 câu đã làm tiêu đề cho tập: Đừng như tia chớp vô tình ấy Loé giữa lòng nhau lại xoá nhoà. Sống chết với thơ nên chẳng mấy khi tôi được yên ổn. Nhờ không được yên ổn tôi mới có thơ. Tôi xem thơ như một vật gì đó rất quý đã bị mất đi. Phải trải qua bao khổ hạnh trăm bề mới tìm lại được, khi tìm lại được rồi đừng hòng mà mất! Nghĩ đến thơ tôi không đầu hàng về tuổi già của mình. Tôi thường kết nghĩa với bạn bè trẻ. ở họ tôi còn được hưởng thụ nhiều cái mới, cái phóng khoáng trong sáng tạo. Tôi rất ngại sự lẩm cẩm ở một số bạn thơ già…
@
HOA BẰNG Bút danh khác: Sơn Tùng, Song Cối (1902-1977)
Họ và tên khai sinh: Hoàng Thúc Trâm. Sinh ngày 30 tháng 8 năm 1902. Quê quán: Thôn Yên Quyết, xã Yên Hoà, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1957. Mất ngày 6 tháng 3 năm 1977 tại Hà Nội. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Hoạt động báo chí từ năm 1925, cộng tác viên của nhiều tờ báo và tạp chí như Thực nghiệp dân báo, Trung Bắc Tân văn, Nước Nam, Tri Tân, Thanh Nghị... Từ sau 1954 làm việc ở Viện Sử học, sau đó là Ban Hán Nôm thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), đóng góp chủ yếu trên các lĩnh vực dịch thuật, nghiên cứu văn học, sử học và chú giải hiệu đính các công trình Hán - Nôm. Tác phẩm chính đã xuất bản: Quang Trung anh hùng dân tộc (nghiên cứu, 1944);, Dương Hậu (Tiểu thuyết lịch sử, 1949); Hồ Xuân Hương (nghiên cứu, 1950) ; Hán Việt tân tự điển (biên soạn); Tư tưởng đại đồng trong cổ học Trung hoa (nghiên cứu); Trần Hưng Đạo (nghiên cứu); Văn chương Quốc văn đời Tây Sơn (nghiên cứu, 1952); Lịch sử xã hội Việt Nam (nghiên cứu); Lý Văn Phúc (nghiên cứu, 1953). Giải thưởng văn học: Giải thưởng Nhà nước về khoa học xã hội và nhân văn, đợt I năm 2000 cho công trình nghiên cứu Quang Trung anh hùng dân tộc.
@
NGUYỄN DUY BẮC
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Duy Bắc. Sinh ngày3 tháng 8 năm 1965. Quê quán: Làng Lim, Tiên Du, Bắc Ninh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Giảng viên chính, Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện thường trú tại: Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2006. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Từ 1982-1986: là sinh viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Từ năm 1988 đến 1994 là nghiên cứu sinh ngành lý luận văn học khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm I. Từ 1986-1998 là giảng viên, Chủ nhiệm Khoa Xã hội Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Từ 1998 đến nay là giảng viên chính, Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngữ văn. Tác phẩm chính đã xuất bản: Bản sắc dân tộc trong thơ ca Việt Nam hiện đại (1945-1975) (1998); Về lãnh đạo, quản lý, quản lý văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới (tuyển chọn, 2001); Cảm nhận về văn hoá và văn học trong thời kỳ đổi mới (2005). Giải thưởng văn học: Giải A giải thưởng văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn lần thứ 2 (1995-2000). Giải Ba giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1997, 1999.
Suy nghĩ về nghề văn: Trong các loại hoạt động tinh thần của con người thì sáng tác văn chương là hoạt động mang nhiều giá trị của chủ thể sáng tạo. Nhưng văn chương lại là hoạt động xã hội được cộng đồng nhiệt tình đón nhận thưởng thức, bình giá. Vì vậy mà văn học trở thành một hoạt động sáng tạo cần thường xuyên được thúc đẩy nhằm phân tích, đánh giá cái hay, cái đẹp của văn chương và tài năng của nhà văn. Trong khoa văn học, lý luận phê bình phải thực sự thể hiện rõ vai trò hướng dẫn dư luận xã hội, hướng dẫn sự tiếp nhận và thưởng thức của công chúng cũng như sự sáng tạo của nhà văn trên cơ sở sự thẩm bình, đánh giá khách quan, chính xác, công bằng về các tác phẩm văn chương, nhà văn- tư tưởng và phong cách.
@
NGUYỄN VIỆT BẮC
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Việt Bắc. Sinh ngày 4 tháng 12 năm 1950. Quê quán: Nguyệt Đức, Thuận Thành, Bắc Ninh. Dân tộc: Kinh. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Kiến trúc sư. Hiện thường trú tại: Nhà 54, ngõ 20, phố Trương Định, thành phố Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2006. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Chủ trì thiết kế các công trình dân dụng; kiểm định chất lượng xây dựng… Từng là phó giám đốc Trung tâm Kiểm định Bộ Xây dựng. Tác phẩm chính đã xuất bản: Bờ xa (thơ, 1993); Gặt chữ (thơ, 2001); Dội hoa lên trăng (thơ, 2004). Giải thưởng văn học: Cuộc thi thơ lục bát 2002-2003 báo Văn nghệ.
Suy nghĩ về nghề văn: Trong cái gia tài bé nhỏ của mình, tôi có thể bán đi tất cả trừ lời ru đã nhen tình yêu trong tôi từ tấm bé. Tôi thích lời của Lorca : "Thơ gần với máu hơn là mực". Gió thổi cát vào trong ngọn lửa Sáng mai Ta thành thuỷ tinh (Đề từ tập Dội hoa lên trăng) Thơ và người tôi đấy.
@
THÚY BẮC Bút danh khác: Thuỷ Dương, Hồng Chung (1937-1996)
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Thị Thuý Bắc. Sinh ngày 2 tháng 12 năm 1937. Quê quán: xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 1979. Mất ngày 12-9 -1996. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Từ 1956-1958 học trường Mỹ thuật công nghiệp Việt Nam. 1958-1981: Biên kịch. 1982-1995: Giảng viên trường viết văn Nguyễn Du. Từng là Chủ nhiệm chương trình Hỗ trợ tài năng văn học nghệ thuật thuộc Trung tâm nghiên cứu văn hoá quốc tế RICC. Tác phẩm chính đã xuất bản: Tiếng trầm (thơ, 1967); Người ươm hạt (truyện thơ, 1975); Hoa trắng (thơ, 1977); Nỗi đau không lành (thơ, 1990); Đau cùng ngọn lửa (thơ, 1992); Một niềm yêu (thơ, 1990); Những chiếc áo (truyện thiếu nhi, 1978); Bản thông cáo trên cây (truyện thiếu nhi, 1988); Chuyện riêng chú chim Yến (truyện thiếu nhi, 1989); Nơi có giàn hoa tím (truyện, 1990); Trước ngôi nhà Hổ mệnh (tiểu thuyết, 1992); Gió phía rặng Bồ Đề (tiểu thuyết, 1993); Hôn lễ trắng (tiểu thuyết, 1995). Giải thưởng văn học: Giải khuyến khích thơ, báo Văn nghệ 1965 (bài Mỗi bận ra đi), Giải thưởng thơ cuộc vận động sáng tác văn học 27-7 do Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá, Tổng Cục Chính trị và Hội Nhà văn tổ chức năm 1974.
Suy nghĩ về nghề văn: Tôi luôn quan niệm đã là người cầm bút phải sống nhiệt tâm và trong sáng, phải có tầm suy nghĩ cao hơn hiện tại mình đang sống, ít ra đóng góp được phần nhỏ vào danh hiệu "nhà văn là kỹ sư của tâm hồn". Nhưng khi thể hiện vào tác phẩm thì đừng quá mông lung cao xa để người đọc không gặp được, hoặc không thấy một chút gì là bóng dáng của họ trong cuộc sống tác phẩm. Nhà văn luôn phải nhớ trách nhiệm của mình là phải có tầm nhìn cao hơn cuộc sống thực tại và hướng nó đến những điều tốt đẹp.
@
LÊ ĐÌNH BÍCH
Họ và tên khai sinh: Lê Đình Bích. Sinh ngày 10 tháng 10 năm 1960. Quê quán: Hoà Hưng, Hoà Vang, Quảng Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Thành phố Cần Thơ. Vào Hội năm 1993. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Xuất thân trong một gia đình nông dân, đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, đi dạy học từ 1992. Hiện là giáo viên trường Đại học Cần Thơ. Tác phẩm chính đã xuất bản: Huyền thoại Ipsinkharôn (tập truyện, 1991); Hoà âm nghịch (thơ, 1991); Mùa hoang lạc (tập truyện, 1993). Giải thưởng văn học: Giải C cuộc truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1984 Suy nghĩ về nghề văn: "... Chúng ta có thói quen nói hùa theo thế tục. Đó là một trong những điều tệ hại nhất mà con người có được. Chẳng hạn như đã có ai dám chê chuyện tình Romeo và Juliette của Shakespeare? Thực ra đó chỉ là một câu chuyện gay cấn lâm ly ít nhiều mang tính chất cải lương và được bi kịch hoá theo kiểu đặc biệt cố hữu của kịch tác gia người Anh này. Chuyện tình của chàng nghệ sĩ điêu khắc Upanisac và hoàng hậu Saliem trong truyện Huyền thoại Ipsinkharon độc đáo, lãng mạn và vĩ đại hơn Romeo và Juliette nhiều. Trong nền văn minh kỳ bí và lung linh của ấn-Độ và của dân tộc Chăm, những chuyện tình thường mang đầy vẻ thiêng liêng, lãng mạn tuyệt vời như thế. Nó thần thánh đến độ đầu óc của các nhà sáng tạo phương Tây khó tưởng tượng nổi. Cám ơn tác giả đã kể lại chuyện này với những hư cấu cần thiết cho một truyện ngắn. Đoạn tả về vẻ đẹp của pho tượng rất hay, những đoạn khác, tôi nghĩ nếu tác giả cố gắng về bút pháp hơn, tỉ mỉ hơn, khổ hạnh hơn trong lao động sáng tạo thì truyện sẽ toàn bích" Đó là một nét chấm phá về một đặc điểm trong sáng tác của Lê Đình Bích, theo nhận xét của nhà văn Đào Hiếu.
@
NGUYỄN ANH BIÊN
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Anh Biên. Sinh ngày 18 tháng 12 năm 1939. Quê quán: làng Tín Bản, xã Trường Trung, huyện Nông Cống, Thanh Hoá. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Lương. Hiện thường trú tại: nhà B12, phòng 302, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1998. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Tốt nghiệp PTTH năm 1958. Gia nhập quân đội, đã bị thương trong đợt tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 ở mặt trận Đak Tô, Tây Nguyên. Tốt nghiệp Đại học sân khấu và điện ảnh, khoa lý luận và biên kịch. Chuyên viên nghệ thuật thành uỷ Hà Nội. Từng là Quyền tổng biên tập báo Người Hà Nội. Tác phẩm chính đã xuất bản: Tiểu thuyết: Tình đời (1990); Một đời yêu (1991); Vũ trụ nghiêng (1996); Dòng sông xanh (2001); Tập truyện ngắn: Xuân lẳng lơ (1993); Dòng sông thao thiết (2001). Tập kịch: Khi tình yêu đã chết (1997); Biển khát (2003); Đã có 30 vở kịch dài hầu hết được dàn dựng ở các nhà hát, các đoàn kịch lớn, xưởng phim truyện và hoạt hình. Giải thưởng văn học: Mười tám giải thưởng văn học kịch và Huy chương vàng, bạc trong các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc của Hội nghệ sỹ sân khấu và Cục Biểu diễn Bộ VHTT, điển hình như các tác phẩm: Khi tình yêu đã chết (1990); Biển cồn cào (1995); Trần Thủ Độ (1995); Điểm tựa mê say (1980); Người đi tìm vàng (1994); Thiên thanh và huyền thoại (1995); Khoảng trống (1996); Biển khát (1997). Phim: Lời thì thầm chiến tranh (1997); Đám cưới sáo (phim hoạt hình); Mùa hoa sữa (2001). Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật chuyên ngành sân khấu năm 2007.
Suy nghĩ về nghề văn: Nghĩ về đồng đội nảy sinh ra nhu cầu cần viết về họ. Khi cầm bút liền bị văn chương mê hoặc. Làm nghề văn tự mình đòi hỏi mình phải vươn lên vượt qua chính mình, mới điều khiển được các loại hình nhân vật mà mình đẻ ra, vừa hiện thực vừa lãng mạn để cho chúng hoà nhập vào đời sống xã hội.
@
ĐOÀN THẠCH BIỂN Bút danh khác: nguyễn thanh trịnh
Họ và tên khai sinh: Phạm Đức Thịnh. Sinh ngày 10 tháng 5 năm 1948. Quê quán: Nam Định. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phóng viên báo Người lao động thành phố Hồ Chí Minh. Hiện thường trú tại: 12 Cư xá Tự Do, phường 7, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Vào Hội năm 2001. Tác phẩm chính đã xuất bản: Các tập truyện: Ví dụ ta yêu nhau (1974); Bất ngờ phía trái tim (1985); Tình nhỏ làm sao quên (1990); Mùa hè khắc nghiệt (2002); Và tập kịch ngắn: Đêm của cỏ (2004). Suy nghĩ về nghề văn: Vị trí của nhà văn tùy thuộc vào tác phẩm.
@
VĂN BIỂN
Họ và tên khai sinh: Phạm Văn Biển. Sinh ngày 15 tháng 12 năm 1930. Quê quán: Đức Tân, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 34b Nhị Hà, Nha Trang. Vào Hội năm 1983. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Trước ở địa chất. Năm 1966 chuyển sang Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam rồi chuyển sang Hội Sân khấu Việt Nam. Viết văn. Chủ yếu viết truyện thiếu nhi, viết kịch và làm thơ . Tác phẩm chính đã xuất bản: Cô bê 20 (truyện về anh hùng Hồ Giáo); Chú bé vô hình (truyện dài); Mười ngày làm khách (truyện dài); Chuyện cổ Bát Tràng (truyện dài); Muộn, (thơ); Vài trăm truyện ngắn thiếu nhi và phim hoạt hình. Đêm Stockholm (kịch nói); Trăn trở (kịch nói); Chuyện cổ Bát Tràng (chuyển thể cải lương); Bất hạnh (kịch nói) Giải thưởng văn học: Cô bê 20, Giải thưởng Trung ương Đoàn; Mười ngày làm khách, Giải thưởng Trung ương Đoàn.
@
CẦM BIÊU
Họ và tên khai sinh: Cầm Biêu. Sinh ngày 15 tháng 5 năm 1920. Quê quán: Mường Thanh, Mai Sơn, Sơn La. Dân tộc: Thái. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: thị xã Sơn La. Đảng viên Đảng CSVN. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Năm 1945-1946 là uỷ viên thư ký UBND xã. Năm 1947: uỷ viên ban Tản cư, di cư Sơn La, uỷ viên Ban Quản đốc các trại Đồn ướt (Phú Thọ) và Vĩnh Lạc (Yên Bái); 1948-1949: Cán bộ phòng Quốc dân miền núi Quân khu X, 1950-1954: uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính huyện Mai Sơn và tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; 1955-1981: Phó giám đốc rồi Giám đóc Sở Văn hoá thông tin khu tự trị Tây Bắc và tỉnh Sơn La cho tới khi nghỉ hưu. Từng là uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá II và III, uỷ viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam khoá I, uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Sơn La khoá I. Tác phẩm chính đã xuất bản: Thơ ca Hạn Khuống (thơ, 1957); Hạn Khuống (sưu tầm, giới thiệu, chữ Thái, 1958 và song ngữ Thái- Phổ thông, 1992); Cầu Văn Bản (song ngữ Thái- Phổ thông, 1982); ánh hồng Điện Biên (thơ, song ngữ, 1984); Thơ cưới xin và lên nhà mới (sưu tầm, giới thiệu, 1992); Bản Mường nhớ ơn (thơ, song ngữ, 1994); Ngọn lửa không tắt- Peo Phầy mì mọt (thơ, song ngữ, 1995); Peo Phầy mì mọt (thơ, chữ Thái, 1995). Giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam 1994 (Tục Xên Kẻ sưu tầm và giới thiệu). Giải thưởng Uỷ ban Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (tập thơ Ngọn lửa không tắt- (Peo Phầy mì mọt). Suy nghĩ về nghề văn: ...Sinh trưởng nơi nông thôn miền núi, ít được học hành và ít được tiếp xúc rộng rãi, song tôi rất say mê thơ ca từ lúc còn bé. Tôi thường có mặt trong các cuộc liên hoan lên nhà mới, hát cưới xin cũng như bất kỳ cuộc đình đám nào. Tôi ngồi chầu chực và đắm đuối trong lời ca tiếng hát giao duyên đối đáp thâu đêm suốt sáng của nam nữ thanh niên cũng như tiếng hát phong tục của các cụ, các ông trong lễ hội… Lớn lên khi đã có được dăm chữ Tháií, tôi bắt đầu tập viết. Anh chị em trong bản xúm đến nhờ làm thơ thăm hỏi bạn trai, bạn gái. Bà con thì nhờ làm bài thơ hát mừng nhà mới, ca tụng bạn bè, thậm chí làm thơ điếu văn. Tôi được bà con yêu mến, cổ vũ nên càng hăng say viết, tuy nhiên không thành tác phẩm nào ra tác phẩm nào, toàn là chắp vá vay mượn theo vốn dân gian trữ tình. Cách mạng đến, năm 1943, Hội người Thái cứu quốc (trong Mặt trận Việt Minh) có yêu cầu tôi làm thơ phục vụ cách mạng. Bài thơ "Khẩu ma tiến" (Lúa trỗ dậy) là bài thơ cách mạng đầu tiên của tôi nhằm đả kích tạo phìa phong kiến quan lại - góp phần tuyên truyền vận động cách mạng ở địa phương, được bà con truyền miệng thuộc lòng cho tới ngày nay. Tới khi khởi nghĩa cho đến toàn quốc kháng chiến, điếc không sợ súng tôi viết luôn tay phục vụ không bỏ sót nhiệm vụ chính trị nào. Từ ngày được về nghỉ hưu, tôi có điều kiện nghiên cứu học tập và viết nhiều hơn, gần như chuyên nghiệp. Tuy có nhiều cố gắng vươn lên, thơ của tôi có khởi sắc lên được chút ít nhưng muộn rồi. Nay đã tuổi già sức yếu tôi rất tiếc là đã không để lại cho bản mường được tác phẩm nào như ý muốn.
@
LÊ BÌNH Bút danh khác: Nguyệt Đức
Họ và tên khai sinh: Lê Bính. Sinh ngày 5 tháng 8 năm 1947. Quê quán: Thôn Hà Mi, xã Thái Nguyên, Thái Thuỵ, Thái Bình. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Uỷ viên BCH, Trưởng ban biên tập, thư ký toà soạn tạp chí Văn nghệ Thái Bình. Hiện thường trú tại: Hội Văn nghệ Thái Bình. Vào Hội năm 2005. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: 9 năm công tác ngành địa chất. Công tác tại Hội Văn nghệ Thái Bình từ 1974. Tác phẩm chính đã xuất bản: Chùm hoa nhãn (in chung, 1979); Tuổi ấu thơ (tập truyện, 1994); Câu chuyện tuổi thơ (tập truyện, 1998); Chuyện nó (thơ, 2002); Người làng ta (tập truyện, 2003); Tuổi trẻ ông đại tá (tập truyện, 2002); Vòm cây đong nắng (tập thơ chọn, 2005); Người quê (tập truyện ngắn, 2005); Trò chuyện với các em yêu văn (tiểu luận, 2005); Hát dọc đồng bằng (trường ca, 2006). Giải thưởng văn học: 3 lần giải thưởng văn học Lê Quý Đôn, tỉnh Thái Bình. 2 lần giải ba viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn và tổ chức UNISEF; Hội Nhà văn và báo Tiền phong. Suy nghĩ về nghề văn: Tuổi thơ tôi có rất nhiều kỷ niệm với quê hương. Những hình ảnh thời thơ trẻ và quê hương theo tôi suốt đời. Tôi thích và yêu các em. Hơn 30 năm làm công việc tổ chức bồi dưỡng cho các em có năng khiếu sáng tác văn học ở Thái Bình, tôi mong được đem lại cho các em một chút niềm vui, một sự tốt đẹp trong quá trình các em hình thành nhân cách, trưởng thành. Tôi đề cao sự tự học. Người làm văn chương phải học suốt đời. Với tôi sách vừa là bạn và cũng là thầy.
@
LÊ BÌNH
Họ và tên khai sinh: Phạm Văn Lệ. Sinh ngày 19 tháng 9 năm 1948. Quê quán: xã Nga Vịnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Dân tộc: Kinh. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Trưởng cơ quan đại diện báo Thiếu niên Tiền phong tại các tỉnh, thành phía Nam. Hiện thường trú tại: 392/1/16 Cao Thắng, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh. Đảng viên ĐCSVN. Vào Hội năm 2006. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Tháng 7/1965 tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước. 8/1970 Nhập ngũ- Chiến trường Tây Nguyên (B3). 11/1976 chuyển ngành học Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 1980-1990: Cán bộ biên tập tạp chí Thanh Niên (TƯ Đoàn TNCS HCM). 1990 đến nay: Trưởng cơ quan đại diện báo Thiếu niên Tiền phong tại các tỉnh, thành phía Nam. Tác phẩm chính đã xuất bản: Thành phố mười mùa hoa (thơ thiếư nhi, 1993); Đếm sao (thơ thiếu nhi, 1995); Tia nắng, hạt mưa (thơ, 1998); Bàn thắng vàng (thơ thiếu nhi, 2003); Hương sả (thơ, 2001); Ngàn năm sau (thơ, 2005). Giải thưởng văn học: Bài thơ Tia nắng hạt mưa (nhạc sĩ Khánh Vinh phổ nhạc): đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác bài hát cho lứa tuổi Hoa học trò do Báo Thiếu niên Tiền phong - Hoa học Trò và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức năm 1992. Được bình chọn là một trong 50 ca khúc thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 chào chế kỷ 21 do Báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam và Ban âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức bình chọn năm 1999. Suy nghĩ về nghề văn: Về lai lịch cuộc đời tôi có thể gói gọn trong mười bốn chữ: Ngày xưa Phạm Lệ chưa thành Cộng thêm Bình nữa là có danh với đời. Điểm lại những tập thơ của mình đã xuất bản, tôi không thể ngờ lại có nhiều bài bén duyên với nhạc như thế. Bằng chứng là mấy chục bài thơ của tôi đã vô tư lọt vào mắt xanh các nhạc sĩ. Trong đó có những bài đã trở thành những ca khúc nổi tiếng như: Thành phố mười mùa hoa (nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc-1985), Tia nắng hạt mưa (nhạc sĩ Khánh Vinh phổ nhạc- 1993). Khi nghe những bài thơ của mình được phổ nhạc, được nhiều người hát tôi cho rằng đây là niềm hạnh phúc của người sáng tác. Hạnh phúc không phải vì nổi tiếng mà là được cộng hưởng với nhiều tâm hồn.
@
NGÔ VĨNH BÌNH Bút danh khác: Hoàng Thuỵ Lâm, Ngô Hoàng
Họ và tên khai sinh: Ngô Vĩnh Bình. Sinh ngày 7 tháng 3 năm 1953. Quê quán: Thuỵ Lôi, Thuỵ Lâm, Đông Anh, Hà Nội.Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Trưởng ban LLPB tạp chí Văn nghệ quân đội. Hiện thường trú tại: Số 6 ngách 444/55 Đội Cấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1993. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Lúc nhỏ học phổ thông ở quê. Từ 1970-1975 là sinh viên Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. 1975-1979 cán bộ nghiên cứu Viện KHXH Việt Nam. 1979-1980 chiến sĩ Sư đoàn 301 Quân khu Thủ đô. 1980 đến nay công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), quân hàm Đại tá. Tác phẩm chính đã xuất bản: Sự tích núi Cơm nếp (1981); Nẻo vào văn học (tiểu luận phê bình, 1983); Chuyện nhặt dọc đường văn (1994); Một chặng đường văn học (tiểu luận, phê bình, 1999); Trần Đăng, con người và tác phẩm (1996); Hoàng Lộc cuộc đời và văn phẩm (ký sự, 2000); Thanh Tịnh như tôi biết (2001); Chuyện thơ, chuyện đời (tiểu luận, phê bình, 2003); Thanh Tịnh - Văn và đời (khảo cứu, 2005); Văn xuôi về đề tài chiến tranh cách mạng (tiểu luận, 2006). Giải thưởng văn học: Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng (1994) với tác phẩm Nẻo vào văn học (tiểu luận, phê bình, 1983), Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng (1999-2004) với tác phẩm Chuyện thơ, chuyện đời (2003)… Suy nghĩ về nghề văn: ... Tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng, những bài phê bình văn học của tôi bấy nay lại có thể là "những ngọn roi" làm nhiệm vụ "quất cho con ngựa sáng tác lồng lên" như một ai đó đã nói, mà tôi chỉ đặt mình là một cái Gạch nối nhỏ giữa nhà văn và xã hội, văn học và bạn đọc. Tôi nghĩ, một nhà phê bình chân chính phải có ba đức tính: nhạy cảm, trung thực và nhân ái. Tôi rất thích nghe những tràng vỗ tay, nhưng tôi cũng rất sợ những tiếng vỗ tay không đúng lúc, đúng chỗ.
@
NGUYÊN BÌNH (1940-2006)
Họ và tên khai sinh: Hoàng Đức Phú. Sinh ngày 24 tháng 2 năm 1940. Quê quán: Đào Xá, Đặng Xá, Ân Thi, Hưng Yên. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Vào Hội năm 1981. Mất năm 2006. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: 1960-1961: tốt nghiệp lớp báo chí khoá I, Đại học nhân dân. 1961-1982: làm phóng viên báo Hải Phòng. 1982 nghỉ hưu. Tác phẩm chính đã xuất bản: Gương mặt người đánh cá (tập truyện, 1977); Những ngày đã qua (tiểu thuyết, 1978, 1984); Hương (tiểu thuyết, 1981); Cô gái mồ côi và hòn đảo (truyện, 1990); Người mù và tôi (tiểu thuyết, 2005); Cô gái mù có phép lạ (tiểu thuyết, 2006). Giải thưởng văn học: Giải chính thức văn học về đề tài công nhân do Hội Nhà văn và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao cho tiểu thuyết Những ngày đã qua. Suy nghĩ về nghề văn: Tôi không có duyên nghiệp với văn chương. Cầm bút hơn bốn mươi năm, chưa bao giờ tôi có được sự tự do nội tại. Tôi là một trong số những người viết văn luôn tự kiểm duyệt theo các tiêu chí, khái niệm, quy ước không thành văn. Tôi luôn hổ thẹn với độc giả, với nhân dân mình. Đã vậy, nghề văn cũng giúp tôi thấy rõ được những phần ẩn khuất, những khả năng vô tận chưa biết của con người. Bằng thực nghiệm, tôi đã chứng minh được điều mà nhà bác học vật lý Anbe Anhxtanh tâm đắc: trí tưởng tượng mạnh hơn tri thức. Bốn mươi hai người mù tình nguyện cùng làm việc với tôi trong mười năm qua (từ 1994), đã có hơn một nửa nhìn được không cần mắt, ở các mức độ khác nhau. Bằng trí tưởng tượng không giới hạn của người viết văn, tôi đã tìm được mảnh đất riêng của mình và đang cày xới, gieo trồng ở đó. Sản phẩm đầu tiên là tiểu thuyết tư liệu Người mù và tôi. Tôi tự do làm nghề trên đất đai của tôi.
@
NGUYỄN CÔNG BÍNH Bút danh khác: Hoàng VĂn, Vũ Vân Bằng
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Công Bình. Sinh ngày 25 tháng 2 năm 1957. Quê quán: Phù Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Biên tập viên Nxb Thanh Niên Chi nhánh phía Nam. Hiện thường trú tại: phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh. Vào Hội năm 2003. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Từng là giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm, cán bộ quản lý giáo dục chuyên nghiệp, chuyển sang làm báo và làm sách. Sáng tác thơ văn từ ngày còn học phổ thông. Tác phẩm chính đã xuất bản: Gồm các tập thơ: Gió quê hương (in chung, 1985); Người gánh bóng mình (1994); Nụ và quả (1998); Một người phía chân trời (2000); Tạ lỗi mùa thu (2004). Giải thưởng văn học: Giải nhất thơ thiếu nhi Hà Tĩnh, 1972. Giải thưởng thơ mười năm 1975-1985 của UBND tỉnh Thuận Hải. Giải thưởng thơ lục bát báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, 2002. Tặng thưởng thơ tạp chí Tài hoa trẻ (Bộ Giáo dục và đào tạo) và một số giải thưởng thơ địa phương khác. Suy nghĩ về nghề văn: Thi ca là cõi tinh tuý nhất và dễ rung cảm nhất của tâm hồn. Bởi thế, dù cuộc sống đi đến đâu, biến đổi như thế nào thì thơ vẫn tồn tại vĩnh hằng cùng nhân loại. Vì vậy, thi ca dù siêu thoát đến đâu, bí hiểm như thế nào thì mạch thơ cũng phải bắt nguồn từ chính cuộc sống với những khổ đau và hạnh phúc của con người. Suốt một đời cực nhọc "lao tâm, khổ trí" có được một câu thơ ở lại cõi tinh tuý ấy, nhà thơ đã gặp may mắn và vinh hạnh lắm rồi!
@
NHƯ BÌNH
Họ và tên khai sinh: Lê Thị Thanh Bình. Sinh ngày 6 tháng 8 năm 1972. Quê quán: Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phóng viên, biên tập viên báo Công an nhân dân. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2001. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: 9-1993 tốt nghiệp khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Vinh. Không có điều kiện theo nghề dạy học, nên đã vào làm việc tại Đài Phát thanh truyền hình Hà Tĩnh. Từ đó gắn bó với công việc biên tập và trở thành biên tập viên của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh. Viết báo, viết văn, viết kịch bản phát thanh truyền hình và học thêm Đại học Báo chí. Năm 2002 chuyển ngành sang Công an- Công tác ở chuyên đề An Ninh Thế giới cuối tháng - Báo Công an nhân dân. Tác phẩm chính đã xuất bản: Giông biển (truyện ngắn, 1999); Đêm vô thường (truyện ngắn, 2002); Dòng sông một bờ (truyện thiếu nhi, 2001); Tử tù những nỗi đau số phận (Bút ký phóng sự, 2005). Giải thưởng văn học: Giải B giải thưởng văn học Nguyễn Du (1995-2000). Giải C cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội, 1995. Giải Tác giả trẻ cho tập truyện ngắn Giông biển của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, tặng thưởng truyện ngắn hay báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. Suy nghĩ về nghề văn: Đầu tiên tôi đến với văn chương như một sự tìm kiếm những ý nghĩa trong cuộc sống của riêng tôi. Sau đó, những gì tôi suy ngẫm và viết ra đã được bạn đọc đón nhận. Từ đó, tôi nghĩ rằng, nghề văn là một công việc khó khăn và không đơn giản. Công việc ấy sẽ vắt kiệt mình, một công việc đòi hỏi mình phải cống hiến toàn vẹn. Văn chương thật nghiệt ngã. Tôi chỉ ao ước để lại được một cái tên cho đời, để khi nhắc đến Như Bình, ít ra cũng một vài người biết rằng tôi là người làm nghề viết.
@
PHAN QUỐC BÌNH Bút danh khác: Hà Bình Hưng
Họ và tên khai sinh: Phan Quốc Bình. Sinh ngày 11 tháng 02 năm 1948. Quê quán: Xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Đài Phát thanh- Truyền hình Hà Tĩnh. Hiện thường trú tại: 14 - Khối Văn Trung, phường Hưng Dũng, TP Vinh. Vào Hội năm 2003. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, lên công tác ở Ty Thông tin - Văn hoá Lai Châu, sau chuyển về Đoàn chèo Nghệ Tĩnh, xưởng Mỹ thuật, Trung tâm triển lãm địa phương... Năm 1992 học đại học báo chí (tại chức) rồi về Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh Hà Tĩnh. Bắt đầu viết văn từ những năm 70 thế kỷ XX. Bài thơ in đầu tiên là bài Trở lại Điện Biên in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội (1969) Tác phẩm chính đã xuất bản: Tặng phẩm trong vườn (thơ, 1989); Giao cảm (thơ, 1990); Với muôn loài (thơ, 1995); Đợt sóng tìm tôi (thơ, 2003). Suy nghĩ về nghề văn: Thơ là sự xả thân. Thơ cũng là biểu hiện ý chí nghệ thuật và sự giải thoát. Sức mạnh tiềm ẩn của thơ tung ra những đợt sóng ngôn từ để tìm về cái đích của thơ. Nhà thơ cần tìm cho được dòng âm nhạc cảm xúc riêng và chính nhịp điệu ấy đã tạo nên bản sắc, diện mạo. Sự đóng góp là cái không giống ai. Thơ như tạo hoá luôn vận động, đổi mới không ngừng.
@
TRẦN LÂM BÌNH Bút danh khác: Trần Bình, Trần Lâm
Họ và tên khai sinh: Trần Lâm Bình. Sinh ngày 25 tháng 7 năm 1948. Quê quán: Gia Vượng, Gia Viễn, Ninh Bình. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Lương. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình. Hiện thường trú tại: 136 Hải Thượng Lãn ông, thị xã Ninh Bình. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2003. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Tham gia quân đội trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, bị thương tại A Lưới (Thừa Thiên-Huế) năm 1970, là thương binh hạng 2/4. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp năm 1975, bảo vệ luận án Tiến sĩ Kinh tế năm 2001. Hiện công tác ở Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình. Tác phẩm chính đã xuất bản: Dấu chân trên đá (thơ, 2000); Ngõ nhớ (thơ, 2002); Viết tặng cho mình (thơ, 2005). Giải thưởng văn học: Giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu của tỉnh Ninh Bình năm 1996-2001. Giải nhất cuộc thi thơ ngành Ngân hàng Việt Nam năm 2000-2001. Giải C cuộc thi thơ về môi trường do Tổ chức Năng suất xanh Châu á và Hội bảo vệ môi trường và thiên nhiên Việt Nam đồng tổ chức năm 2003. Giải C cuộc thi thơ lục bát do tuần báo Văn nghệ tổ chức năm 2002-2003. Giải A cuộc thi thơ viết về đề tài biên phòng do tạp chí Văn nghệ quân đội và Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng tổ chức năm 2003-2004. Suy nghĩ về nghề văn: Tôi viết thơ và viết cả thể thơ cũ lục bát, bởi vì thơ luôn là tiếng lòng, là sự thăng hoa hoặc kết tủa của nỗi niềm. Tôi tin điều người xưa từng nói “Văn dĩ tải đạo”, với thơ càng ngẫm càng đúng. Nhưng tôi cho rằng “đạo” không phải là cái tác giả định viết, mà là cái độc giả sẽ cảm thụ. Bởi chính độc giả mới là người công nhận, tôn vinh một tác phẩm, một bài thơ hay, không chỉ dừng lại ở một thế hệ mà còn lưu truyền của nhiều thế hệ nối tiếp nhau.
@
VI THỊ KIM BÌNH
Họ và tên khai sinh: Vi Thị Kim Bình. Sinh ngày 27 tháng 9 năm 1941. Quê quán: Hồng Phong, Cao Lộc, Lạng Sơn. Dân tộc: Tày. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 26b/2 đường Đèo Giang, phường Chi Lăng, Lạng Sơn. Vào Hội năm 1988. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Tốt nghiệp Y sĩ trường cán bộ y tế Trung ương 1961. Từ đó công tác tại bệnh viện tỉnh và huyện thuộc Sở Y tế Lạng Sơn cho đến khi về hưu 1988. Học qua lớp bồi dưỡng viết văn trẻ khoá 2 của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1967. Tác phẩm chính đã xuất bản: Các tập truyện: Chữ thập đỏ (1966); ánh sáng cây đèn biển (in chung, 1968); Đường qua mùa hoa đào (in chung); Niềm vui (1979); Những bông huệ (1995); Tập truyện ngắn các nhà văn nữ (in chung, 2001); Sợi tơ trời (in chung, 2002); Giải thưởng văn học: Giải khuyến khích tạp chí Văn nghệ Việt Bắc, 1962. Giải khuyến khích báo Văn nghệ 1968. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1970 và 1985. Giải thưởng Hoàng Văn Thụ lần I, 1995 và lần II, 2000 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi về đề tài Lâm nghiệp Lạng Sơn (truyện ngắn Chiếc khăn màu xanh) 1987. Giải nhất cuộc thi thư viết cho người yêu do tạp chí Thế giới trong ta tổ chức 1998-1999 (đợt V). Suy nghĩ về nghề văn: Tôi yêu cả hai nghề: nghề y giúp mình biết giữ gìn sức khoẻ cho cộng đồng và cho bản thân. Nghề viết văn là nghề sáng tạo thật kỳ diệu. Viết là để làm vơi đi nỗi đau của người đời và cho lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản trong sáng. Tuy nghề viết văn thật nhọc nhằn, gian truân...
@
VŨ ĐÌNH BÌNH Bút danh khác: Hằng Minh
Họ và tên khai sinh: Vũ Đình Bình. Sinh ngày 20 tháng 4 năm 1942. Quê quán: Đáp Cầu, Bắc Ninh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Hiện thường trú tại: Số 11 ngách 121 ngõ Thịnh Quang, Tây Sơn, Hà Nội. Vào Hội năm 1990. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Từ 1964-1968: Học khoa Nga ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội. 1968-1984: Giảng dạy tại ĐHSP I Hà Nội. Từ 1984 đến nay: Biên tập Nxb Hội Nhà văn. Tác phẩm chính đã xuất bản: Dịch: Tereza (tiểu thuyết của J. Amado, 1986); Muốn làm gì tôi thì làm (tiểu thuyết của J. C. Oates, 1984); Khát vọng sống (tiểu thuyết của I. Stoun, 1986); Ông hoàng đen (tiểu thuyết của I. Murdoch, 1989); Buồn ơi chào nhé (tiểu thuyết của F. Sagan, 2002). Suy nghĩ về nghề văn: Tôi muốn tìm trong các nền văn học nước ngoài những gì thấy hay, thấy thích để chia sẻ với mọi người. Với tôi, công việc dịch văn học bao giờ cũng thú vị và giàu cảm hứng. Mỗi khi ngồi trước một đoạn văn đẹp và dịch thành công tôi cảm thấy thật là hạnh phúc. Thành công tôi muốn nói ở đây chính là gợi được cảm xúc gì đó cho người đọc, bởi vậy trong khi dịch, tôi luôn đặt mình vào địa vị người đọc, để xem những dòng mình vừa dịch ra sẽ được tiếp nhận thế nào. Theo tôi, bản dịch phải là một tác phẩm thực sự văn học bằng tiếng Việt.
@ VŨ NGỌC BÌNH Bút danh khác: Hồ Nhật Hồng
Họ và tên khai sinh: Vũ Ngọc Bình. Sinh ngày 27 tháng 4 năm 1925. Quê quán: xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: nhà D2, P307, chung cư Vĩnh Phúc, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1981 Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Từ 1/1948-10/1957: dạy học và công tác tại Bộ Giáo dục. Từ 10/1957-1986: làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Làm thơ, dịch truyện, viết phê bình tiểu luận về văn học thiếu nhi cho các báo Tác phẩm chính đã xuất bản: Chuyện phiêu lưu của Mít đặc và các bạn (truyện 1961, 2004); Mười nàng tiên (thơ, 1962); Tiếng hót (thơ, 1970); Chiếc hài cườm pha lê (truyện dịch 1974,1993); Cái gương có phép (thơ in chung, 1981); Đôi điều tâm đắc (tiểu luận- phê bình, 1985); Người báo tín hiệu và người thổi kèn hiệu ( truyện dịch, 1989); Nhạc hoa (thơ, 1992). Suy nghĩ về nghề văn: Trong hơn ba mươi năm cầm bút, thơ cho trẻ em của tôi luôn tìm cảm hứng ở những đề tài quen thuộc hàng ngày trong thiên nhiên, gia đình và xã hội, những hiện tượng tưởng như thô mộc mà đôi khi đưa đến cho trẻ những cảm xúc hồn nhiên, thú vị. Bởi đó là những quan hệ máu thịt tạo nên những tình cảm gốc, cơ bản cho việc hình thành và phát triển tính cách con người, ở nơi sơ khởi là trái tim, khối óc trẻ thơ. Cùng với sáng tác, tôi lại dành không ít tâm lực cho phê bình văn học thiếu nhi, xem đó như một cách hữu hiệu để khẳng định những thành tựư của các bạn cùng nghề, để đồng cảm và an ủi bạn trên con đường gian truân là sáng tác văn học cho trẻ em vốn là cái nghề không phải lúc nào và ở đâu cũng được xã hội trân trọng đúng mức
@.
NGUYỄN BÍNH (1918-1966)
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Bính Thuyết. Sinh năm 1918, tại làng Thiện Vịnh nay là xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Mất ngày 20 tháng 1 năm 1966, tại Nam Định. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Thuở nhỏ, học ở quê nhà với cha và cậu, biết làm thơ từ năm 13 tuổi. Năm 1937, tập thơ Tâm hồn tôi được Tự lực văn đoàn trao giải. Năm 1945, vào Nam bộ. Tham gia kháng chiến ở Nam bộ, Phụ trách Đoàn văn hoá cứu quốc tỉnh Rạch Giá. Sau đó, chuyển sang công tác ở Ban Văn nghệ khu Tám, sáng tác thơ, viết truyện ký và tuỳ bút. Năm 1954, tập kết ra Bắc, tiếp tục sáng tác. Năm 1956, chủ trương báo Trăm hoa. Cuối đời, sống và sáng tác ở Nam Định. Tác phẩm chính đã xuất bản: Tâm hồn tôi (thơ, 1940); Lỡ bước sang ngang (thơ, 1940); Hương cố nhân (thơ, 1941); Một nghìn cửa sổ (thơ, 1941); Người con gái ở lầu hoa (thơ, 1942); Mười hai bến nước (thơ, 1942); Mây Tần (thơ, 1942); Bóng giai nhân (kịch thơ, soạn chung với Yến Lan, 1942); Tập thơ yêu nước (thơ, 1946); Sóng biển cỏ (thơ); Ông lão mài gươm (thơ, 1947); Đồng Tháp Mười (thơ, 1955); Trả ta về (thơ, 1955); Gửi người vợ miền Nam (thơ, 1955); Trông bóng cờ bay (thơ, 1957); Tiếng trống đêm xuân (thơ, 1958); Tình nghĩa đôi ta (thơ, 1960); Đêm sao sáng (thơ, 1962); Thơ Nguyễn Bính (tuyển tập thơ, 1986)... Giải thưởng văn học: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt II, 2000.
@ NGÔ NGỌC BỘI Bút danh khác: ngọc bội, kim môn
Họ và tên khai sinh: Ngô Ngọc Bội. Sinh ngày 7 tháng 1 năm 1929. Quê quán: Xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Chi hội trưởng chi Hội Văn nghệ dân gian huyện Cẩm Khê. Hiện thường trú tại: xã Phú Khê, Cẩm Khê, Phú Thọ. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1976. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: 1945-1948: Thanh niên cứu quốc tại xã. 1948-1949: Cán sự huyện đội Cẩm Khê. 1949-1957: Cán bộ thông tin tuyên truyền huyện Đà Bắc, rồi tỉnh Hòa Bình. 1957-1968: Ty văn hóa Phú Thọ rồi Vĩnh Phú. 1968-1993: Trưởng ban biên tập văn xuôi báo Văn nghệ. Năm 1994 nghỉ hưu, làm hợp đồng với báo đến 1996. Tác phẩm chính đã xuất bản: Chị Cả Phây (tập truyện, 1963); Đất bỏng (ký sự, 1968); Ao làng (tiểu thuyết, 1975); Nợ đồi (tập truyện, 1984); Lá non (tiểu thuyết); ác mộng (tiểu thuyết, 1990); Mênh mang cổng trời (tiểu thuyết, 1992); Gió đưa cành trúc (tiểu thuyết, 1994); Những mảnh vụn (tập truyện, 1996); Tơ vương (tiểu thuyết, 2000); Đường trường (tiểu thuyết, 2001); Đường trường khuất khúc (2003); ẩm ương đi lấy chồng (tập truyện, 2005), và 67 bút ký, phóng sự phần lớn in trên báo Văn nghệ chưa tập hợp thành sách. Giải thưởng văn học: Giải nhất truyện ngắn Bộ quần áo mới báo Văn học năm 1960. Giải thưởng Uỷ ban nông nghiệp Trung ương năm 1976, tiểu thuyết Ao làng. Giải thưởng văn học Hùng Vương tỉnh Vĩnh Phú, tiểu thuyết ác mộng. Giải thưởng Côn Sơn tỉnh Hải Hưng, tiểu thuyết Gió đưa cành trúc, 1991-1995. Kịch bản phim chân dung: Nhà văn Trung du (xưởng phim Hội Nhà văn Việt Nam sản xuất năm 2001). Suy nghĩ về nghề văn: Đã nói đi vào viết văn xuôi, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay chỉ nên đi một chân, không thể ôm đồm nhiều chức danh được. Phải có thời gian (tốt nhất là làm một phóng viên) đi khắp nơi, khắp chốn. Khi cuộc sống đã chín thì xoáy sâu vào một vùng, thậm chí là một đề tài. Như vậy mới có đủ vốn liếng để viết lâu dài được.
@
TRIỆU BÔN (1938-2003)
Họ và tên khai sinh: Lê Văn Sửu. Sinh ngày 18 tháng 1 năm 1938. Quê quán: xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1970. Mất tại Hà Nội ngày 7-9-2003. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: 1953 đi Thanh niên xung phong. 1954-1956 nhập ngũ ở Trung đoàn 246. 1963 học Đại học Sư phạm Vinh, ra trường làm báo Quân khu Việt Bắc; sau đó vào chiến trường làm phóng viên mặt trận tại miền Đông Nam Bộ. Sau giải phóng miền Nam làm Trưởng ban văn xuôi tạp chí VNQĐ rồi chuyển ngành làm Trưởng ban biên tập báo Người Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Du lịch Việt Nam. Tác phẩm chính đã xuất bản: Đã xuất bản 30 tác phẩm gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký trong đó có Mầm sống (1970); Lửa than (1974); Rừng lá đỏ (1975); Rạng sáng (1975); Tiểu đoàn trong vòng vây (1980); Gã đau đời (1982); Một phút và nửa đời người (1986); Sao chiếu mệnh bay lạc (1990); Kẻ trọng tội (1995); Truyện ngắn Triệu Bôn (2002); Ngồi một chỗ thấy ngoài ngàn dặm (2002) Tung bay dải yếm lụa đào (2006);... Giải thưởng văn học: Giải thưởng văn học Tổng cục Chính trị (1969) cho tác phẩm Mầm sống. Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tập truyện ngắn Ngồi một chỗ thấy ngoài ngàn dặm (2002). Suy nghĩ về nghề văn: Tôi là một trong muôn vạn cuộc đời lớn lên trong quân ngũ và ở chiến trường. Chính sách của Nhà nước và của quân đội còn có chỗ đáng bàn, nhưng nhìn chung không thể nói khác được, Cách mạng và quân đội là mối ân sâu nghĩa nặng đối với tôi, trọn đời tôi dành tình yêu thương kính trọng cho những người lính chiến đấu vì nhân dân, Tổ quốc. Tôi cam phận suốt đời nghèo, để có một đời văn chương. Nhưng phải thú nhận rằng cái nghèo đã và đang tác động rất nguy hại đến công việc sáng tạo các tác phẩm. Tôi cảm thấy tôi chưa viết được cái gì tương xứng với ước mơ và ý định của mình.
@
THU BỒN (1935-2003)
Họ và tên khai sinh: Hà Đức Trọng. Sinh ngày 1 tháng 12 năm 1935. Quê quán: xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1962. Mất năm 2003. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Tham gia Thiếu sinh quân từ năm 12 tuổi, làm liên lạc cho bộ đội và trực tiếp chiến đấu. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước liên tục có mặt ở các chiến trường gian khổ, ác liệt như Tây Nguyên, Khu V, Quảng Trị, biên giới Tây Nam, lúc làm phóng viên mặt trận, lúc làm lính xung kích, lính pháo, từng là biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ, biên tập viên và cán bộ sáng tác tạp chí Văn nghệ quân đội. Tác phẩm chính đã xuất bản: Bài ca chim Chrao (trường ca, 1962); Tre xanh (thơ, 1969); Mặt đất không quên (thơ, 1970); Quê hương mặt trời vàng (trường ca, 1975); Badan khát (trường ca, 1976); Cămpuchia hy vọng (trường ca, 1978); Oran 76 ngọn (trường ca, 1979); Người vắt sữa bầu trời (trường ca, 1985); Thông điệp mùa xuân (trường ca, 1985); Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (thơ, 1992); ôi nhớ mưa nguồn (thơ, 1999); Chớp trắng (tiểu thuyết, 1970); Hòn đảo chân ren (tiểu thuyết, 1972); Dòng sông tuổi thơ (tiểu thuyết, 1973); Những đám mây màu cánh vạc (tiểu thuyết, 2 tập, 1975); Em bé trong rừng thốt nốt (truyện, 1979); Đỉnh núi (tiểu thuyết, 1980); Mắt bồ câu và rừng phi tiễn (tiểu thuyết, 1986); Vùng pháo sáng (tiểu thuyết, 1986); Cửa ngõ miền Tây (tiểu thuyết, 1986); Em bé vào hang cọp (tiểu thuyết, 2 tập, 1986); Dưới tro (truyện ngắn, 1986); Giải thưởng văn học: Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1965) với trường ca Bài ca chim Chrao, Giải thưởng thơ báo Hà Nội mới (1969) với bài thơ Gửi lòng con đến cùng cha, Giải thưởng văn học quốc tế (Hội Nhà văn á Phi, 1973) với trường ca Bài ca chim Chrao, Giải thưởng Nhà nước, về văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001.
@ ĐỒNG ĐỨC BỐN (1948-2006)
Họ và tên khai sinh: Đồng Đức Bốn. Sinh ngày 30 tháng 3 năm 1948. Quê quán: An Hồng, An Dương, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh Tôn giáo: Không. Vào Hội năm 2002. Mất ngày 4 tháng 2 năm 2006. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: 1975-1985: làm thợ gò ô tô, Xí nghiệp ô tô 20/7. 1985-1987: phòng kế hoạch Xí nghiệp ô tô 20/7. 1987 đến 1994: làm việc tại Công ty xuất nhập khẩu súc sản gia cầm rồi giám đốc chi nhánh Văn hoá doanh nhân Việt Nam tại Hải Phòng. Tác phẩm chính đã xuất bản: Con ngựa trắng và rừng quả đắng (thơ, 1992); Chăn trâu đốt lửa (thơ, 1992). Giải thưởng văn học: Giải thưởng cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1998. Giải thưởng cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 2000. Giải thưởng cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2001. Giải thưởng cuộc thi thơ Tầm nhìn thế kỷ báo Tiền Phong năm 2001. Giải A tác phẩm Chuông chùa kêu trong mưa của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2003.
@
HOÀNG VĂN BỔN (1930- 2006)
Họ và tên khai sinh: Hoàng Văn Bản. Sinh ngày 7 tháng 5 năm 1930. Quê quán: Bình Lợi, Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1957. Mất năm 2006. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Tham gia Cách mạng tháng 8/1945, làm Thư ký Việt Minh xã. Đi bộ đội từ 1952. Năm 1980 ra quân với hàm thiếu tá. Từ đó chuyên hoạt động văn nghệ và xuất bản. Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai. Giám đốc Nhà xuất bản Đồng Nai. Tác phẩm chính đã xuất bản: Đã viết hơn 50 đầu sách và 25 kịch bản phim trong đó có: Vỡ đất (tiểu thuyết, 1952); Tướng Lâm Kỳ Đạt (truyện thiếu nhi, 1962); Lũ chúng tôi (tiểu thuyết, 1981); Miền đất ven sông (tiểu thuyết 3 tập, 1984); Tuổi thơ trong làng (truyện, 1985); Khắc nghiệt (tiểu thuyết 4 tập, 1990); Tuổi thơ ngọt ngào (tiểu thuyết, 1994); ó ma lai (tiểu thuyết, 1995); Tuyển tập Hoàng Văn Bổn (3 tập, 1996); Nhớ người xưa (tiểu thuyết, 2004). Giải thưởng văn học: Giải nhất Hội Văn nghệ và Uỷ ban HCKC Nam bộ năm 1952 (tiểu thuyết Vỡ đất). Giải nhất Giải thưởng Văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng cho những kịch bản phim về đề tài chiến tranh cách mạng năm 1985. Giải B của Uỷ ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1994 (cho tác phẩm Tuổi thơ ngọt ngào). Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Suy nghĩ về nghề văn: Tôi trở thành nhà văn là nhờ Cách mạng, kháng chiến và quân đội. Tôi sáng tác như nhận sự phân công của Cách mạng và quân đội. Suốt 50 năm cầm bút, tôi phải phục vụ Cách mạng và quân đội như một người lính, một đảng viên, một công dân. Những năm tuổi đã cao, tôi may mắn được viết trực tiếp về quê hương, về cuộc sống đời thường, được bè bạn, địa phương tận tình ủng hộ, khích lệ.
@
ĐỖ QUÝ BÔNG
Họ và tên khai sinh: Đỗ Quý Bông. Sinh ngày 3 tháng 7 năm 1947. Quê quán: Phú Khê, Cẩm Khê, Phú Thọ. Dân tộc: Kinh. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phóng viên báo Bưu điện Việt Nam. Hiện thường trú tại: 5/B7 tập thể Đại học Ngoại thương, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội. Vào Hội năm 2006. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Nhiều năm làm phóng viên báo. Tác phẩm chính đã xuất bản: Gửi sông Thao (thơ, 2000); Tự khúc tháng tư (thơ, 2001); Ru ngoài vành nôi (thơ, 2005) Suy nghĩ về nghề văn: Đời làm thơ kể đã có hàng nghìn bài. Gạn đi lọc lại còn vài tập mỏng đến tay bạn đọc nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy sự kết thúc, mà trái lại, càng hiện lên điều mình đã viết: "Bổ hòn đá lấy nước cho em uống". Nẻo đường đó vừa là tất cả, vừa là tâm nguyện tôi theo đuổi đến cùng.
@
NGUYỄN VĂN BỔNG Bút danh khác: Trần Hiếu Minh (1921-2001)
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Văn Bổng. Sinh ngày 1 tháng 1 năm 1921. Quê quán: xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đảng viên Đảng CSVN. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Mất năm 2001. Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Trong kháng chiến chống Pháp là chi hội phó chi Hội Văn nghệ Liên khu V. Tập kết ra Bắc, tiếp tục hoạt động văn nghệ, là phó Tổng thư ký Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (khoá 1), Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn (khoá 1, khoá 2, khoá 3), riêng khoá 2, khoá 3 là uỷ viên thường vụ. Từ 1963 vào chiến trường miền Nam, là phó Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam với bút danh Trần Hiếu Minh. Từ năm 1972 trở lại Hội Nhà văn Việt Nam, từng làm Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ. Tác phẩm chính đã xuất bản: Say nửa chừng (truyện ngắn, 1944); Con trâu (tiểu thuyết, 1952); Cửu Long cuộn sóng (tập bút ký, 1965); Rừng U Minh (tiểu thuyết, 1970); áo trắng (tiểu thuyết, 1972); Đường đất nước (tập bút ký, 1976); Ghi chép về Tây Nguyên (tập bút ký, 1978); Sài Gòn 1967 (tiểu thuyết, 1983); Chuyện bên cầu chữ Y (tập truyện, 1985); Tiểu thuyết cuộc đời (tiểu thuyết 1989); Thời đã qua (tập bút ký, 1995). Giải thưởng văn học: - Con trâu, tiểu thuyết Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955). - Cửu Long cuộn sóng, tập bút ký, Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội đồng văn học nghệ thuật Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II, năm 2000.
|