(VTC News) - Đúng 22 năm trước, vào ngày 19/8/1991 ở Liên Xô đã đã xảy ra chính biến: Nhằm cứu vãn đất nước Liên Xô bên bờ vực sụp đổ, Phó tổng thống Liên Xô khi đó là G.Yanaev cùng một số lãnh đạo thân tín đã phế truất tổng thống Gorbachev, lập nên Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp (ГКЧП). (Bài từ năm 2013)
Cuộc chính biến này bất thành, tổng thống Liên Xô Gorbachev mấy ngày sau đã trở lại nắm quyền, cho bắt giam hết những ai tham gia vào sự kiện này. Bốn tháng sau, 12/1991, với Hiệp ước Belovezh, 3 nhà lãnh đạo Nga, Belorussia và Ukraina đã chính thức khai tử nhà nước Liên Xô.
Đêm 18 rạng 19/8/1991, các nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên Xô- những người không tán thành đường lối cải cách chính trị của tổng thống Liên Xô khi đó là M.Gorbachev và Hiệp ước Liên bang (dự định ký vào ngày 20/8/1991)- đã thành lập Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp (viết tắt là ГКЧП).
Lãnh đạo của Ủy ban này là Phó tổng thống Liên Xô Gennady Yanaev , chủ tịch KGB Vladimir Kryuchkov, Bộ trưởng Nội vụ Boris Pugo, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitriy Yazov, và Thủ tướng Valentin Pavlov và một số nhà lãnh đạo khác.
Ngày 20/8, lãnh đạo Ủy ban này phát đi thông báo trên đài phát thanh và truyền hình, tuyên bố Gorbachev “vì lý do sức khỏe” không thể đảm nhiệm được cương vị tổng thống, do đó phó tổng thống G.Yanaev sẽ đảm nhận vai trò tổng thống tạm quyền.
Ủy ban cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Liên Xô trong vòng 6 tháng và Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp sẽ nắm quyền điều hành đất nước.
Những quyết định đầu tiên của Ủy ban đưa ra là cấm các đảng phái khác hoạt động, cấm tổ chức các cuộc mít tinh và đình bản một số ấn phẩm báo chí. Các chương trình truyền hình cũng bị cấm phát. Quân đội được đưa vào một số thành phố lớn của Liên Xô.
Lệnh cấm là vậy, nhưng trên thực tế đã diễn ra những cuộc biểu tình tuần hành lớn ở Moskva, Leningrad và nhiều thành phố khác để phản đối Ủy ban này.
Đứng đầu các hoạt động chống lại Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp là tổng thống Liên bang CHXHCN Xô viết Nga Boris Eltsin.
Ông này đã ký sắc lệnh, theo đó việc thành lập Ủy ban này chính là một hành động đảo chính và yêu cầu tất cả các cơ quan hành pháp phải tuyệt đối chấp hành và phục tùng lệnh của tổng thống Nga.
Ngày 20/8, Moskva công bố Lệnh giới nghiêm. Xung quanh trụ sở Quốc hội Liên bang CHXHCN Xô viết Nga (hay còn gọi là Nhà trắng) khoảng 60.000 người đã tập trung lập chiến lũy để bảo vệ ngôi nhà này khỏi sự tấn công của quân đội.
Đêm 20 rạng sáng 21/8, xe tăng Chính phủ đã tiến gần đến chiến lũy gần Nhà trắng, khoảng 20 chiếc đã phá vỡ chiến lũy trên phố Arbat mới nhưng không hề có chiến sự xảy ra. Kết quả của những vụ lộn xộn chỉ có 3 dân thường bị chết.
Sáng 21/8, binh lính bắt đầu rút khỏi thủ đô Moskva. 11h30 trưa đó đã diễn ra Phiên họp bất thường của Xô viết tối cao Liên bang CHXHCN Xô viết Nga, tại đó Boris Eltsin tuyên bố cuộc chính biến này là vi hiến.
Phiên họp cử thủ tướng Nga Ivan Silaev và phó tổng thống Nga Aleksandr Rutskoi đến Krym để giải cứu tổng thống Liên Xô Gorbachev đang bị giam lỏng ở khu nghỉ mát này.
Ngày 22/8, Gorbachev trở lại Moskva. Theo lệnh của ông này, tất cả những người tham gia cuộc chính biến đã bị bắt giam. Họ bị kết tội phản quốc theo điều 64 bộ Luật hình sự Liên bang CHXHCN Xô viết Nga.
6 ủy viên của Ủy ban, thứ trưởng Bộ quốc phòng Liên Xô- tướng Valentin Varennikov và nhiều nhà lãnh đạo khác (trong đó có Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô Anatoly Lukyanov) đã bị bắt giữ vì tội phản quốc và đảo chính.
Ngày 23/8, Boris Eltsin ký sắc lệnh đình chỉ hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô trên lãnh thổ Nga. Sau đó một ngày Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và yêu cầu các Ủy viên trung ương giải tán Đảng.
Từ đây, trung tâm quyền lực ở Moskva dần được chuyển về cho Ban lãnh đạo Nga do ông Yeltsin lãnh đạo.
Cuộc chính biến tháng 8/1991 đã đẩy nhanh tiến trình sụp đổ của Liên Xô. Ngày 8/12/1991, lãnh đạo Nga, Belorussia và Ukraina đã ký hiệp ước thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và công nhận sự sụp đổ của Liên Xô. Sau đó 11 nước cộng hòa khác cũng đã ký vào văn bản công nhận sự thành lập SNG.
Ngày 25/12, Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô, dù khi đó không còn tồn tại và ký sắc lệnh chuyển quyền điều khiển vũ khí hạt nhân chiến lược cho Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Lá cờ đỏ Liên Xô tung bay suốt mấy chục năm trên nóc Điện Kremli đã bị hạ vĩnh viễn từ thời điểm đó.
|
Chiến lũy được dựng lên trước Trụ sở quốc hội Nga |
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 22 năm ngày chính biến, Trung tâm
xã hội học Levada đã công bố kết quả thăm dò ý kiến người dân Nga về sự kiện này.
Cuộc thăm dò ý kiến đã tiến hành từ ngày 18-22/7 với 1600 người tham gia từ khắp các địa phương của Nga.
Theo đó, có 33% người đánh giá sự kiện chính biến là một thảm họa tạo nên những hậu quả bi thảm cho đất nước và dân tộc, chỉ có 13% cho rằng đây là chiến thắng của dân chủ.
Trả lời câu hỏi là bạn đứng về phía 2 trong sự kiện này, có tới 30% trả lời là “không kịp hình dung sẽ làm gì trong tình huống đó”, 10% tuyên bố đứng về phe Eltsin và các nhà dân chủ, 14% đứng về phe Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp, 30% trả lời khi xảy ra sự kiện 19/8/1991 thì vẫn còn nhỏ và 17% cảm thấy khó khăn khi trả lời câu hỏi về sự kiện này.
Đặc biệt, vẫn như đánh giá của đa số người dân Nga trong các cuộc thăm dò dư luận trước đây, năm nay có tới 39% cho rằng cuộc chính biến phản ánh sự tranh giành quyền lực của giới lãnh đạo đất nước thời đó