Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN CAO NĂM MỘT HỒN QUÊ TĨNH LẶNG VĨNH HẰNG

Nguyễn Long Khánh
Thứ năm ngày 3 tháng 9 năm 2015 8:47 AM


Nhà văn Cao Năm: Với 7 tập truyện ngắn, 2 tiểu thuyết, 1 tập lí luận phê bình, tản văn, ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học về truyện ngắn, tiểu thuyết của tỉnh Bắc Thái, giải thưởng văn nghệ của UBND thành phố Hải Phòng, của các báo văn nghệ Trung ương, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Uỷ ban toàn quốc các hội văn học nghệ thuật, Ban tuyên giáo Trung ương v.v.. Ông đã từ giã Văn đàn Việt để vào cõi vĩnh hằng trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân, đồng nghiệp và bà con quê hương, lối phố vào hồi 22 giờ 37 phút, ngày 01/ 09/ 2015 .
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà văn Nguyễn Long Khánh với hy vọng tái hiện được một phần bức chân dung của một nhà văn đất Cảng đã sống và viết hết mình vì con người và quê hương yêu dấu.

Cuộc đời viết văn của Cao Năm khá đặc biệt vì đã trải qua những thử thách thật khắc nghiệt, khó tin… Chàng trai ở xã Cấp Tiến đất Tiên Lãng vào đời với tấm bằng học về khí tượng,suốt ngày đêm anh phải gắn bó với mảnh vườn quan trắc: theo dõi nẵng, đo mưa, đo gió, quan sát những đám mây vần vũ ở trạm khí tượng Vĩnh Bảo , rồi ở đài vật lý địa cầu Phủ Liễn Kiến An ...
Chàng trai quê nhiều hoài bão ấy đã rời quê hương lên công tác ở tỉnh Cao Bằng: xuống tận các trạm khí tượng heo hút, xa xôi sát biên giới như trạm khí tượng Hoà An (5/1965), trạm khí tượng vùng cao Bảo Lạc (năm 1967); sống cùng với những người dân vùng núi dân tộc Mèo, Thái … Từ những ngày xa xưa ấy, Cao Năm đã âm thầm viết những bài báo gửi cho báo Cao Bằng, báo Quân khu Việt Bắc, báo Việt Nam độc lập… Những bài báo đều đặn, gây được ấn tượng với người đọc đã giúp Cao Năm trở thành phóng viên báo Việt Nam độc lập (Khu uỷ Khu tự trị Việt Bắc). Rồi anh chuyển về báo tỉnh Bắc Thái. Những truyện ngắn đầu tiên của anh ra đời ở những vùng núi heo hút, bốn mùa mây phủ đã được đăng ở những tờ báo tỉnh, báo trung ương… Sau 15 năm xa quê, tháng 2/1978 Cao Năm chuyển về báo Hải Phòng và công tác ở đó với chức danh: trưởng phòng – trưởng ban tờ Hải Phòng cuối tuần cho đến lúc nghỉ hưu (tháng 2/2001).
45 năm làm báo, viết văn, Cao Năm có điều kiện đi thực tế , tìm hiểu sâu về đời sống những người mình gặp: những chuyện trái ngang, vui buồn, đau đớn thấm vào anh làm nên bản lĩnh trung thực, dũng cảm, dám viết về các đề tài nóng của xã hội: hàng trăm bài báo chống tiêu cực, tham nhũng, phản ánh các tệ nạn xã hội, đấu tranh chống những kẻ lợi dụng chức quyền, để lai ấn tượng sâu đậm với người đọc. Bạn đọc nhận biết nhà văn Cao Năm từ những ngày ấy.
Với Cao Năm, đề tài quan trọng, xuyên suốt đời cầm bút của anh là những chuyện đau đớn, xót xa về cái nghèo, về những lề thói hủ lậu bảo thủ,lề lối sản xuất manh mún lạc hậu cùng cuộc sống thống khổ của người nông dân sau luỹ tre làng. Anh chia sẻ tâm trạng, thân phận với những người nông dân quê anh bị chà đạp, áp bức bởi một số cán bộ thôn, xã, huyện thoái hoá chèn ép, trù dập… Những truyện ngắn của Cao Năm viết về người nhà quê mộc mạc, giản dị, xúc động, anh bền bỉ kể về nỗi khổ, những cảnh đời không thể bày tỏ của người nông dân với sự cảm thông chân thành mang nặng hồn quê tĩnh lặng những buổi chiều buồn.
Lần lượt các tập truyện ngắn của anh ra đời: “Người ngoài họ” – NXB hội nhà văn 1997; “Tiếng vọng” – NXB Hải Phòng – 1998; “Con trai thứ” NXB Hải Phòng – 2000; “Hà mã” – NXB lao động – 2005; “Gửi người trần gian” NXB Văn hoá, 2009; “Trăng suông” – NXB Quân đội nhân dân, 2009; “Chuyện giờ mới kể” – NXB Văn học, 2013.
Những truyện ngắn của Cao Năm đều lấy nguyên mẫu nhân vật những người nông dân ở quê anh hay ở các vùng quê anh đi công tác nên thật sinh động mang đậm hơi thở cuộc sống nông thôn.
Điển hình là cuốn tiểu thuyết “Bão đồng” (Hơn 400 trang) anh xuất bản năm 2013. Cuốn tiểu thuyết mà Cao Năm đã thai nghén, mang nặng, đẻ đau suốt 25 năm: một tác phẩm dài hơi thể hiện bức tranh toàn cảnh, phản ánh cuộc đấu tranh khốc liệt giành quyền sống của những người nông dân cương trực, lương thiện, yêu đồng ruộng, quê hương hơn cả bản thân mình. Họ đã đứng dậy đấu tranh với những gì tiêu cực, bảo thủ, lạc hậu, những cán bộ thoái hoá như chủ tịch huyện Trường quan liêu, hống hách; Thuật – Chủ tịch xã tham lam, xảo quyệt; Chủ nhiệm HTX Lận gian giảo, bất lương và Hà cửa hàng trưởng là người tình của chủ tịch huyện.
Cuốn tiểu thuyết hấp dẫn phản ánh sinh động cuộc đấu tranh mạnh mẽ như cơn bão đồng tốt lành cuốn trôi đi những gì xấu xa, cản đường sự phát triển của một vùng quê. Nổi bật trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng đó là những con người tiên phong: Nguyễn Thanh Cải – bí thư huyện uỷ Vĩnh Tiến; Điền – Chủ nhiệm HTX; ông Mải – người nông dân trung thực, một đảng viên chân chính và những người nông dân hiền lành, chất phác. Họ đã tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết nhân dân đấu tranh vạch mặt những kẻ tha hoá biến chất, đồng lòng ủng hộ quyết định khoán “chui” của chủ nhiệm HTX Điền…
Với lối viết mộc mạc, giản dị, Cao Năm đã thể hiện sinh động, sắc sảo bức tranh hiện thực có sức mạnh đáng kể trước ngày trung ương Đảng có Nghị quyết về việc giao khoán mới làm thay đổi cơ bản cuộc sống của người nông dân. Có thể nói tiểu thuyết “Bão đồng” là một thành công mang tính lịch sử phản ảnh được bước đi của người nông dân ở quê hương của nhà văn trong cuộc đấu tranh giành quyền sống, với khát vọng mãnh liệt trong những năm 90 đầy thử thách cam go…Tiểu thuyết “Bão đồng” một lần nữa khẳng định Cao Năm là nhà văn nông dân sống gắn bó sâu sắc, hết mình với quê hương nên anh mới có được một tác phẩm hay, mang đậm hồn quê đến thế.
Một cuốn tiểu thuyết thành công khác của Cao Năm NXB Hải Phòng mới xuất bản năm 2014: Tiểu thuyết “Hai ngày và mãi mãi” tái hiện sự kiện lịch sử của Hải Phòng: đó là hai ngày khi Hồ Chủ tịch (tháng 10/1946) từ Pháp trở về đã lưu lại 2 ngày ở Hải Phòng…
Bằng những phép liên tưởng quá khứ và hiện thực dựa vào một số nhân chứng , tư liệu lịch sử 67 năm về trước, Cao Năm đã tái hiện sinh động, sâu sắc những hành động thể hiện tình cảm của các tầng lớp nhân dân Hải Phòng đối với vị lãnh tụ kính yêu qua nhiều câu chuyện, tình tiết cụ thể, xúc động làm hai ngày tháng 10 năm 1946 ấy đã trở thành kỉ niệm lịch sử mãi mãi với quân và dân Hải Phòng. Tiểu thuyết “Hai ngày và mãi mãi” đã được giải cao trong cuộc thi của Ban tuyên giáo Trung ương và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức viết về Bác Hồ (năm 2013-2014).
Nhìn lại con đường đã qua của nhà văn Cao Năm, những năm tháng trưởng thành với công cuộc cách mạng của Tổ quốc, anh gắn bó mật thiết với nhân dân, với Đảng, với quê hương thân yêu trở thành nhà văn cách mạng có bản lĩnh, phẩm chất trung kiên xứng đáng là nhà văn của những người nông dân suốt đời mang nặng hồn quê trong trái tim mình.
Với 7 tập truyện ngắn, 2 tiểu thuyết, 1 tập lí luận phê bình, tản văn, anh đã nhận được nhiều giải thưởng văn học về truyện ngắn, tiểu thuyết của tỉnh Bắc Thái, giải thưởng văn nghệ của UBND thành phố Hải Phòng, của các báo văn nghệ Trung ương, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Uỷ ban toàn quốc các hội văn học nghệ thuật, Ban tuyên giáo Trung ương v.v...Tôi nhớ đầu tháng 7, được bạn bè báo tin anh bị trọng bệnh, tôi xuống nhà thăm anh. Gặp tôi, anh vẫn vui vẻ, bình thản say mê trao đổi về nghề viết, về những dự định sắp tới của anh. Anh bảo tôi
Cả đời cầm bút, mình thấy vui vì làm được những việc có ích cho đời, nhất là viết được những cuốn sách nói về những người nông dân hiền lành, lam lũ chịu thương chịu khó quê mình… Đó là niềm tự hào chính đáng của mình.
Tiễn tôi ra cửa anh nắm tay tôi:
- Tính mình thẳng thắn, thấy gì không đúng nói ngay, viết ngay, vì thế có những người chưa hiểu mình, chắc Long Khánh cũng vậy… Nhưng thực ra mình không có hàm ý gì đâu, chỉ mong bạn bè văn chương làm việc hăng say có những tác phẩm hay có ích cho đời.
Tôi xúc động nhìn anh… Nhà văn đã sang tuổi 75 dù đang ốm đau nhưng đôi mắt anh nhìn vẫn ấm áp, chân thành với bạn bè.
Tạm biệt anh, chúc anh sẽ vượt qua cơn bạo bệnh này vì cuộc đời vẫn đang chờ tác phẩm mới của anh.
Tháng 8.2015
Nguyễn Long Khánh