Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XÂY MIẾU, DỰNG TƯỢNG CÓ CÔNG ĐỨC GÌ KHÔNG ?

Đậu Quang Lâm,
Thứ ba ngày 1 tháng 9 năm 2015 9:49 AM



Thời gian qua trên các mặt báo và truyền thông nói nhiều về chuyện xây cất Văn miếu ở Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh. Đã có một số ý kiến phê phán và bình luận về vấn đề này từ phương diện kinh tế, an sinh, văn hóa, bảo tàng… qua các con số 70 tỷ (phục hồi Văn miếu Hà Tĩnh), 271 tỷ (Văn miếu Vĩnh Phúc) và con số khủng 1.400 tỷ (Quần thể tượng đài Sơn La).

Sau đây ta thử xem xét về mặt tâm linh, liệu vấn đề này có ý nghĩa ra sao.


Khổng Tử và Văn Miếu

Khổng Tử là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục và là một nhà chính trị nổi tiếng của Trung Hoa (TH). Triết lý của ông có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội phong kiến không chỉ ở TH mà còn ở các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam. Nho giáo hay Đạo Khổng dựa trên một số luận điểm tư tưởng dùng để cai trị đất nước, an dân như Tam cương: quan hệ Vua-tôi, Cha -con, Vợ -chồng và Ngũ thường “Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín”… Xã hội được phân chia ra làm 2 hạng: quân tử (thượng quan) và tiểu nhân (hạ dân). Nhà nho hay nho sỹ là bậc quân tử, thường được coi như lớp người dạy bảo người đời ăn ở hợp luân thường, đạo lý… Nho giáo được độc tôn từ thời Hán Vũ Đế và trở thành hệ tư tưởng chính thống cả về chính trị và đạo đức của TH trong hơn 2.000 năm. Đến thế kỷ 20, với sự sụp đổ của chế độ quân chủ, Nho giáo mất vị thế độc tôn, thậm chí bị bài trừ ở ngay tại TH trong thập niên 1960-1970 (Đại CM văn hóa). Hiện nay chính phủ TQ, trong nỗ lực truyền bá văn hóa mà thực chất là mở rộng quyền lực mềm của mình ra bên ngoài, đã cho thành lập hàng trăm Học viện Khổng tử trên khắp thế giới. Nhưng dù sao cũng không được mặn mà cho lắm ở Mỹ và Canada, trừ nhũng quốc gia được nhận thêm “dự án” nào đó kèm theo Viện KT.

Văn Miếu được lập ra ở Khúc Phụ, Sơn Đông Trung Hoa là để thờ Khổng Tử.

Quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội là nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám – trường Đại học đầu tiên của Việt Nam.


Lương Vũ Đế xây chùa, đúc tượng

Vào thời kỳ Nam- Bắc triều ở TH có một ông vua hết sức đặc biệt tên là Lương Vũ Đế (464–549). Ông tuy xuất thân từ Nho giáo nhưng lại sùng Phật giáo. Lương từ bỏ Đạo Khổng truyền thống và trở thành cư sỹ Đạo Phật. Lên ngôi năm 502, quy y năm 504. Nhà vua này đã một lần vào chùa hành sự công quả quét dọn chùa chiền, ba lần bỏ hoàng bào, khoác áo cà sa vào chùa Đồng Thái tự, do ông xây có quy mô hùng vĩ tại kinh thành Kiến Khang để “xuất gia ngắn hạn”, thực hành Phật sự như một hòa thượng thực thụ, sau lại trở về kinh chấp chính.

Năm 504 ông tuyên bố Phật giáo là quốc giáo.

Cùng với việc xây chùa, Lương Vũ Đế đúc những tượng Phật rất lớn:

- Đúc một tượng phật 10 khối vàng.

- Một tượng Phật Di Đà bằng đồng cao một trượng tám (6m) ở chùa Quang Thạch.

- Tạc tượng Phật gỗ chiên đàn cao một trượng tám ở chùa Đại Ái Kính.

Chi phí xây chùa đúc tượng đều lấy từ quốc khố và tiền riêng của mình để cúng, bố thí. Thần dân đều bắt chước bố thí cho chùa, xem đó là phương thức gieo rắc phúc đức.

Lương Vũ Đế được gọi là Bồ Tát hay Phật Tâm Thiên Tử (Vị vua mặc áo cà sa nhà Phật).


Lương Vũ Đế gặp Bồ Đề Đạt Ma

Thế nhưng nhà vua mặc áo cà sa này lại được một phen bẽ bàng.

Lương Võ Đế tôn kính Phật Giáo, học Phật, làm theo lời Phật dạy, nhưng…

Chuyện là thế này. Ấn Độ có một nhà sư tên là Bồ Đề Đạt Ma, ông là Tổ thứ 28 và là Tổ cuối cùng sau Phật Thích ca Mâu ni của Thiền tông Ân Độ. Khi ông đến Nam TH năm 520 để truyền Pháp. Nghe tin, Lương Vũ Đế bèn đến chiêm bái và trao đổi Phật pháp.

Lương Vũ Đế đã cho xây cất rất nhiều chùa chiền, đúc tượng Phật, dựng bảo tháp khắp nơi trong nước mình, lại cho in nhiều kinh sách nên tự hào vì chưa có một ông vua TH nào tôn sùng Đạo Phật như mình.

Sau đây là cuộc đối thoại đầy thú vị giữa Lương và Đạt Ma.

Nhà vua khi gặp nhà sư từ Ấn Độ thì bèn hỏi:

-Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, đúc tượng, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?

Đạt Ma đáp: Không có công đức!

- Tại sao không có công đức?

- Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.

- Vậy công đức chân thật là gì?

Sư đáp: Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, tạc tượng, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.

Vua lại hỏi: Nghĩa tối cao của Thánh Đế là gì?

- Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh.

- Ai đang đối diện với trẫm đây?

- Tôi không biết.

Đó là những lời thuyết giảng về yếu tính Phật pháp rất rõ ràng, nhưng Vũ Đế không nhận thức được. Cuộc gặp với Lương Vũ Đế khiến Bồ Đề Đạt Ma thấy rõ là chưa đến thời truyền pháp tại Nam TH. Sau đó ông vượt sông Dương Tử qua Bắc Ngụy đến chùa Thiếu Lâm tự truyền pháp và trở thành Sư Tổ Thiền tông đầu tiên của TH.

Thiết nghĩ Vũ Đế vì không thông hiểu Chân Như của Phật pháp mà chỉ mới thấy và thực hành cái thế giới hiện tượng nên đã không được Đạt Ma truyến pháp. Nhà vua cứ tưởng mình là nhất, làm được nhiều thứ, lại muốn khoe khoang, trong tâm chỉ nghĩ đến mọi điều của mình, do mình… Cái “Ta”quá lớn, ngã chấp càng cao, choán hết chỗ trong tâm, chứ còn đâu dành chỗ cho Phật pháp là cái linh thiêng nhất đối với một Phật tử.


Câu chuyện trên đây cũng là một bài học quan trọng đáng suy ngẫm cho những ai hay mắc “bệnh thành tích” và hay tự mãn với những gì thuộc về tiền bạc, vật chất mà không để ý đến giá trị đích thực về việc làm của mình có mang lại ích lợi gì cho xã hội, cho cộng đồng hay không.

* * *

Trở lại với việc xây Văn Miếu, vì đã xây xong hay đang xây dang dở thì không nỡ đập phá bỏ đi. Thôi thì ta sẽ bàn nhau nên thờ ai là tốt nhất để tôn vinh cho nền văn hóa Việt. Chúng ta có biết bao danh nhân văn hóa đáng được vinh danh cho con cháu noi gương, học tập.

Nên suy ngẫm kỹ lời phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc: “Với đời sống ngày hôm nay thì chắc chắn những tư tưởng của Khổng Tử cho dù là tinh hoa đi nữa thì cũng không còn vai trò lớn gì trong đời sống văn hóa, giáo dục Việt Nam" (VTC News 10/6/2015).


Riêng đối với Văn Miếu Hà Tĩnh, thiết nghĩ, ta nên bỏ việc thờ Khổng Tử thì hơn, nhất là sau khi đã dẹp bỏ được các miếu ở Vũng Áng hồi năm ngoái.

Hơn nữa, khi mà tình hình Biển Đông đang “dậy sóng”, công luận đang bức xúc, không khéo sẽ gây nhiều phản cảm và cho rằng đó là sự tuyên truyền cho “văn hóa ngoại lai”.


Để lưu danh các bậc hiền tài và giáo dục truyền thống hiếu học, cũng như thúc đẩy việc khuyến học cho các thế hệ mai sau, tỉnh ta có thể chọn một số danh nhân văn hóa, giáo dục, trước hết của địa phương để thờ, xin có một số gợi ý như sau:

  1. Nguyễn Du, Tiên Điền Nghi Xuân, đại thi hào dân tộc

  2. Nguyễn Công Trứ, Uy Viễn Nghi Xuân, nhà thơ lỗi lạc

  3. Tả Ao, Tả Ao Nghi Xuân, nhà địa lý, phong thủy

  4. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, quê Cương Gián Nghi Xuân, sinh ở Can Lộc, một ẩn sỹ tài cao đức trọng

  5. Trần trọng Kim, Đan Phổ Nghi Xuân, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà sử học

  6. Vũ Ngọc Khánh, Hội Thống Nghi Xuân, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian

  7. Lê Văn Thiêm, Trung Lễ Đức Thọ, Tiến sỹ toán học đầu tiên của VN

  8. Hoàng Xuân Hãn, Yên Hồ Đức Thọ, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục, nhà toán học, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học

  9. Nguyễn Đổng Chi, Ích Hậu Can Lộc, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian

  10. Cù Huy Cận, Ân Phú Hương Sơn, nhà thơ lớn

  11. Xuân Diệu, Trảo Nha Can Lộc, nhà thơ lớn

  12. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, danh y, từ 26 tuổi đến già sống ở quê mẹ xã Tĩnh Diệm, Hương Sơn

  13. Nguyễn Khắc Viện, Sơn Hòa Hương Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà tâm lý học


Đậu Quang Lâm,

Một người con Hà Tĩnh