Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRỌNG KHÔI, MỘT LẦN CHỢT NHÃNG QUÊN

Nguyễn Khắc Phục
Thứ hai ngày 10 tháng 8 năm 2015 5:47 AM



Ốm. Đêm nằm không ngủ được. Tỷ mẩn lục lọi mọi thứ lưu cữu trong đêm... Giật thót mình khi một tờ giấy đánh máy úa vàng rơi ra... Ối trời ôi, thư Trọng Khôi viết, ghi rõ Hà Nội, 12-8-2005 ( lúc đó Trọng Khôi là đương kim chủ tịch Hội NSSK Việt Nam). Và cũng viết trong hoàn cảnh giông bão như hôm nay, 10 năm sau tôi đọc lại anh... Bao tâm tình xúc động, bồi hồi nhớ người đồng nghiệp, người bạn lớn của mình đã đi khỏi cõi tạm này từ 3 năm trước ( 14 tháng 3 năm 2013). Xin nhắc lại 2 câu thơ tôi viết thời chia tay Trọng Khôi:

Giỗ chạp quá lòng ta thành oản chuối

Gõ phím nào cũng hương khói vờn quanh...

Rồi trước khi vào Quân y viện 103 tiếp tục cuộc trường kỳ chống giặc "nội xâm", vội vội vàng vàng gửi ngay tới cho lão Trần Ham Vui ( tiếng Ham Vui nhưng lão toàn phải chuyển những chuyện vui... phát mếu, âu cũng là cái số của lão!)

Tôi quê gốc Nam Định, chôn nhau cắt rốn ở Sài Gòn. Nhưng đích thực tôi là con đẻ của Hải Phòng. Và Hà Nội là BÀ MẸ NUÔI DANH GIÁ của tôi. Trước năm 1970, mỗi lần có dịp tẩu thoát khỏi những khoang tầu chật chội và những chuyến đi biển say sóng mửa ra cả mật xanh mật vàng, về thăm BÀ MẸ NUÔI của mình, tôi lại hớn hở đến ngồi chầu rìa, hết ở nhà Nghiêm Đa Văn tại cuối phố Khâm Thiên, tụ bạ với những Nguyễn Vĩnh (Vĩnh kính), Lâm Quang Ngọc, Nghiêm Bá Hồng, Trần Cương (Cương râu)…, lại đến cái gác xép của Nguyễn Lâm (Lâm râu-Lâm Man) ở 28 Triệu Việt Vương, kính cẩn và thán phục nghe Lưu Quang Vũ đọc thơ, nghe Đỗ Chu bảo ban về nghề viết, hóng chuyện Trường Sơn của Phạm Tiến Duật…, đôi khi tôi cũng mò đến phố Hàng Trống, chiêm ngưỡng phong thái Hà Nội-Thăng Long qua Phạm Lân (Lân kính) với guốc mộc, áo cánh nâu… Hoặc tấp vào chỗ đốc-tơ Đào Ngọc Phong tại khu tập thể y tế trên đường Quang Trung. Và bao giờ cũng vậy, chọn một buổi chiều đẹp giời nào đó, sợ hãi, rón rén trèo lên tầng 3 ngôi nhà gần sứ quán Pháp trên đường Bà Triệu, bệ kiến thi sĩ Trinh Đường, tổ trưởng tổ thơ báo Văn Nghệ lúc ấy. Chính tại đây, lần đầu tiên tôi được gặp các bậc đàn anh của tôi lúc đó trên thi đàn : Tạ Vũ, Bằng Việt, Vũ Quần Phương…

Và cuối cùng, trong thành phố nhá nhem những hàng đèn phòng không tù mù, vàng ệch, tôi mò đến mảnh vườn nhỏ bên cạnh Nhà Hát Lớn, « đại bản doanh » của Trọng Khôi, Thanh Tân, Lương Vĩnh… Lại nghe Lương Vĩnh khàn khàn đọc thơ, Thanh Tân hoa tay múa chân « diễn thơ » và nghe Trọng Khôi kể chuyện đóng phim « Rừng Xà-nu » (Trọng Khôi đóng vai chính, T’Nú). Và sau đó, chính Trọng Khôi đã tặng tôi chiếc khăn dệt thổ cẩm (kỉ niệm sau khi đóng phim) khi tiễn tôi lên đường vào chiến trường…

Ấy vậy mà, tháng 8 năm 1975, tôi được nghỉ phép lần đầu tiên sau hòa bình, ngồi tầu hỏa từ Hà Nội xuống Phòng, lại ngồi cùng toa, trên băng ghế đối diện với… Trọng Khôi mà Trọng Khôi không hề nhận ra tôi cho đến tận lúc tầu đã vào ga Hải Phòng, không nhịn được nữa, tôi phải xưng danh, Trọng Khôi mới giật mình, xin lỗi.

Một lần chợt nhãng quên mà Trọng Khôi ân hận mãi…

Hơn 30 năm sau, Trọng Khôi vẫn cứ tự trách mình mãi về chuyện này… Hễ có dịp là anh giúp đỡ tôi (cũng như giúp nhiều bạn bè, đồng nghiệp khác). Kể cả việc website ngoiden-nkp.com ra đời cũng có phần giúp đỡ của anh.

.

THƯ GỬI BẠN

NSND TRỌNG KHÔI

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam

Gửi ông Khắc Phục!

.

Mưa... Cơn bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền. Chẳng đi đâu được nữa. Tôi đành ngồi nhà đọc kịch bản của các tác giả sân khấu vừa hoàn thành trên Trại sáng tác Đại Lải. Thế rồi lại nghĩ đến ông.

Qua hai đợt sáng tác kịch bản sân khấu vừa rồi, chúng ta đã đồng cảm với nhau, vì không còn chịu nổi những căn bệnh sáo mòn trong cách viết và những lực cản vô hình. Cái Đúng đã đành là tốt, nhưng chúng ta cần cổ động cho những sáng tạo Mới nhiều hơn.

Tôi thực sự ngỡ ngàng khi đụng đến một gia tài văn học đồ sộ, phong phú với nhiều thể loại của ông. Ông là một trong số ít những người cầm bút sống nổi bằng nghề viết của mình.

Chỉ riêng 65 vở kịch của ông đã được dàn dựng và biển diễn trên sân khấu các nhà hát từ trung ương tới địa phương thôi, cũng đủ là một dấu ấn ghi nhận rất thuyết phục. Tôi nhớ không thật chính xác, thì ông đã có không dưới 10 vở diễn được các giải thưởng lớn, nhỏ. Tôi còn có những ấn tượng về các vai diễn và những kịch bản của ông mà tôi đã dàn dựng.

Lại nữa: Trên 10 bộ tiểu thuyết đã phát hành, trên 200 tập phim truyền hình và ông đã từng đóng góp cho Hãng phim truyện Việt Nam 15 đầu phim nhựa. Vài chục truyện ngắn, 4 bản trường ca và hàng trăm bài thơ tình chưa có địa chỉ cụ thể,v.v...

Thế mạnh của ông là những tiểu thuyết lớn khắc hoạ chiều rộng của không gian và chiều dài thời gian, qua hàng trăm nhân vật. Rồi những vở kịch nhiều màu sắc, đủ các thể loại: Anh hùng ca, sử thi, kịch tâm lý đầy chất trí tuệ và cả những hài kịch nữa chứ. Hài mà cười ra nước mắt!

Tôi rất hứng thú khi trao đổi, tranh luận với ông. Người ta nói tới tài nguyên Rừng, tài nguyên Biển, sao không nói tới tài nguyên Sáng Tác? Đúng thật, nguồn tài nguyên dành cho sáng tác của chúng ta nào thua kém ai? Không những thế, chúng ta đang sống trong một thời vô cùng phong phú, phong phú đến kỳ lạ. Thậm chí, chúng ta còn được chứng kiến những nghịch cảnh lớn của cuộc sống con người như việc: Ngày hôm qua còn là bạn mà hôm nay đã trở nên thù địch hoặc ngược lại. Vậy mà tại sao lại không thể viết hay, không có tác phẩm hay được chứ? Tại sao ông nhỉ? Chúng ta sẽ đóng góp được những gì vào kho tàng văn hóa của chúng ta?

Ông không thích “chơi trội” ở những chỗ ồn ào. Mái đầu bạc, dáng người mảnh khảnh, ốm o như hiện thân của “Thần đau khổ” bởi đã ba lần lên bàn mổ. Cắt tứ tung: cắt dạ dày, cắt mật, cắt ruột non... Ông chỉ còn được đôi mắt thông minh, mơ mộng và kiên nghị.

Ga-li-ê đã có lúc nhụt chí trước toà án giáo hội, nhưng cuối cùng thì nhân cách con người vẫn tỏa sáng khi quả quyết: Dù sao thì Trái đất vẫn tròn!

Đó chính là cái Đức, cái Tâm và lòng tự trọng của kẻ sĩ.

Ông thuộc loại người không chỉ được người yêu mà còn có kẻ ghét. Vì ông là Nguyễn Khắc Phục. Cái tên ông khi cha mẹ đặt ra đã tiềm ẩn cả lý trí và sự đớn đau. Chính vì vậy mà ông là một nghệ sĩ tự do trong nghiệt ngã.

Gần đây, những vở diễn của ông đã được dàn dựng trên sân khấu các nhà hát: Nhà hát Kịch Hà Nội với vở “Lời nguyền Kẻ Mơ”, Nhà hát Tuổi Trẻ với vở “Ngoại phạm”, Đoàn kịch nói Quân đội với “Thông điệp từ Điện Biên Phủ”. Mỗi vở một màu sắc. Dư luận khen, chê rất khác nhau. Vở diễn anh hùng ca “Thông điệp từ Điện Biên Phủ” đoạt giải cao nhất trong Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2004, trong khi vở “Ngoại phạm” lại được coi là một vở “u ám”. Riêng tôi, tôi rất tâm đắc với “Ngoại phạm”. Tôi hoàn toàn nhận thức được ý định sáng tạo trong vở “Ngoại phạm” - Vở diễn có tính phản biện sâu sắc. Tội ác và sự suy đồi về nhân cách, đạo đức đến mức tận cùng, là một bài học đau đớn cho nhiều người. Họ cứ nghĩ rằng mình là người tốt thực sự. Ai cũng nhìn thấy cái ác, nhưng lại né tránh, buông xuôi mặc cho cái ác hoành hành mà không dám dũng cảm vạch mặt, chặn đứng nó lại, thì thực sự mình đã là Người Tốt chưa? Xứng đáng là một công dân chân chính hay chưa? Và như vậy thì cái ác sẽ còn tồn tại đến bao giờ? Tôi vẫn coi trọng ông là một tác giả đấu tranh với cái ác không hề khoan nhượng. Phải chăng những khen chê, bình phẩm nói trên chỉ là do quan niệm, cách nghĩ và cách viết khác nhau?

Tôi không lạm bàn về các lĩnh vực thơ ca, tiểu thuyết, phim ảnh của ông vì tôi không thạo. Tôi chỉ dám đụng vào phần “Con người sân khấu” của ông. Chúng ta đã quen biết nhau gần 40 năm trời, đã là “một nửa đời người” rồi đấy!

Tôi tin rằng sân khấu sẽ có nhiều sự đổi mới trong tương lai. Cái chính là chúng ta còn sự đam mê vì Nghề, hiến dâng cho nghề nữa hay không?

Cơn mưa khiến tôi lại có dịp trò chuyện cùng ông thêm một lần. Mong rằng chúng ta đừng để mất những gì không đáng mất. Hãy đem đến lòng tin vào những điều tốt đẹp cho mọi người. Hãy xoa dịu nỗi đau bằng lòng nhân ái.

Ông sắp cho tôi được đọc tác phẩm nào nữa đây?

.

Hà Nội, 12-8-2005

Thân

Trọng Khôi