Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁC NHÀ VĂN VIẾT KỊCH BẢN

Hoàng Quảng Uyên
Thứ hai ngày 6 tháng 7 năm 2015 3:24 PM
(Tham luận đại hội VIII, Hội điện ảnh Việt Nam)
Các nhà văn viết kịch bản (kịch bản phim, kịch bản sân khấu) ở ta nhiều nhưng tỷ lệ thành công (có tiếng) ít. Lớp trước có thể kể: Các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (Vũ Như Tô); Nguyễn Đình Thi (Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng Trúc....), Tô Hoài (Vợ chồng A Phủ)....lớp kế tiếp: Lưu Quang Vũ (Hồn Trương Ba, Da hàng thịt), Xuân Đức (Cửa gió), Nguyễn Thị Thu Huệ (Của để dành)....cũng có nhà thơ viết kịch bản như Nguyễn Thị Hồng Ngát (Hành trình qua ba bể)v.v... càng về sau này, các nhà văn (nhà thơ) viết kịch bản càng ít đi (so với tỷ lệ tăng nhanh của hội viên hội nhà văn Việt Nam, Hội điện ảnh Việt Nam).
Có thể lý giải điều "ít đi" bởi đặc trưng riêng của từng thể loại. Không thể đem cách viết (văn, thơ) vào cách viết kịch bản phim, kịch bản sân khấu! (mặc dù vẫn có sự hỗ trợ và tương tác) do vậy mà nhiều nhà văn có tác phẩm nổi tiếng không thể (và không muốn) tự chuyển thể tác phẩm của mình thành kịch bản. Ví như nhà văn Nguyễn Khắc Trường với MẢNH ĐẤT LẮM NGƯỜI NHIỀU MA ; Cao Duy Sơn với ĐÀN TRỜI; Dương Hướng với BẾN KHÔNG CHỒNG, Đỗ Bích Thúy với TIẾNG KHÈN MÔI BÊN BỜ RÀO ĐÁ; Nguyễn Ngọc Tư với CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN, Nguyễn Văn Thọ với QUYÊN...
Một lý do nữa là số "Nhà biên kịch" được học qua trường lớp, viết kịch bản có bài bản ngày càng nhiều. Kịch bản của họ (nhất là phim dài tập) đáp ứng được "Công nghệ" viết kịch bản nên được sử dụng.
Đấy là tình hình chung. Riêng với khu vực Dân tộc và Miền núi "hiện trạng" còn rõ ràng hơn. Các nhà văn được gọi chung là "Dân tộc, Miền núi" (Người Kinh và người dân tộc thiểu số) sống ở các tỉnh miền núi viết kịch bản "hơi bị ít". Có thể kể: Đoàn Hữu Nam, Mã Anh Lâm (Lào Cai); Hồ Thủy Giang (Thái Nguyên); Hoàng Quảng Uyên (Cao Bằng)....Mà kịch bản của họ chủ yếu "thành công" ở mảng phim Tài liệu ! (Có thể là gần với Văn học hơn!). Ở mảng phim truyện, nhiều kịch bản khi đưa cho các hãng phim được trả lại với nhận xét "chưa sạch nước cản"!. Cái đó trước hết là ở tài năng (khả năng) người viết và sau nữa là các nhà văn miền núi và dân tộc còn lúng túng trước "công nghệ" viết kịch bản, nghe ra là đã "khác trước" và "tiến bộ" nhiều. Nói như vậy không có nghĩa quá chú trọng vào "công nghệ" viết kịch bản nhưng như trên đã nói, mỗi một thể loại có cách viết riêng, các nhà văn "mang nặng" lối viết văn vào viết kịch bản "hỏng" là cái chắc! Vậy nên, các nhà văn cần được học (hay được tiếp cận) với "công nghệ" viết kịch bản. Mà việc "được học", "được tiếp cận" với "công nghệ" viết kịch bản nhiều năm nay Hội điện ảnh Việt Nam đã làm khá tốt ở các trại viết, các hội thảo, các lớp tập huấn do hội tổ chức (nhưng các nhà văn Dân tộc, Miền núi được tham dự là quá ít). Tôi là nhà văn viết kịch bản được dự một trại viết của hội (năm 2013) đã "lĩnh hội" được một số điều cần thiết cho "công nghệ" viết kịch bản qua trao đổi với các trại viên. Nhưng không nhiều. Điều kiện ở xa, ít giao tiếp, việc giao lưu, học hỏi rất hạn chế nên kịch bản được sử dụng cũng rất "hạn chế" và vì thế các nhà văn viết kịch bản dân tộc miền núi là hội viên hội Điện ảnh Việt Nam là con số "khiêm tốn" và "hiếm hoi".
Tôi mong đại hội kỳ này dành thêm "thời lượng" cho việc bàn thảo, ra quyết định về một số "việc cần làm" cho công tác điện ảnh Dân tộc, Miền núi phát triển ở các mặt: công tác bồi dưỡng, đào tạo; công tác phát triển hội viên; công tác tổ chức....chúng tôi rất muốn trong ban chấp hành hội Điện ảnh Việt Nam khóa này sẽ cử ra một ủy viên ban chấp hành chuyên trách công tác điện ảnh Dân tộc, Miền núi thực sự năng động, có hiệu quả để điện ảnh dân tộc miền núi có những bước đi lên.
Xin có vài lời "thô sơ" góp cùng đại hội.
Xin chúc sức khỏe - Thành công !
Cao Bằng 03/7/2015
Nhà văn Hoàng Quảng Uyên