Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÔNG NGUYỄN SỰ VÀ TRIẾT LÝ "TÀU LÁ CHUỐI"

Bùi Hoàng Tám
Thứ tư ngày 10 tháng 6 năm 2015 5:33 AM



(Dân trí) - Xin chúc mừng ông Nguyễn Sự vì ông đã không “giương cao ngọn cờ lá chuối, bám trụ kiên cường” mà dũng cảm hi sinh để “nhường chỗ cho những chồi non mới”.
>> "Hội chứng… lá chuối!”
>> Bí thư Hội An Nguyễn Sự: Tôi tin người kế nhiệm sẽ làm tốt hơn tôi
>> Bí thư Hội An “treo ấn từ quan”: “Việc bình thường của người có lòng tự trọng”

Ông Nguyễn Sự và triết lý “tàu lá chuối”

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)>>>

Cái “sự” ông Sự (Bí thư Hội An Nguyễn Sự) “treo ấn từ quan” đang trở thành “sự kiện” những ngày qua. Một sự kiện không đến mức “lở đất, long trời” nhưng cũng làm dư luận “nổi sóng ầm ầm”. Người ta bàn tán nó không chỉ ở Hội An, ở Quảng Nam mà hầu như khắp nước. Hiếm có cơ quan thông tấn báo chí nào không nhắc đến sự kiện này. Có người dân còn bật khóc….

Chuyện một ông cán bộ đã 36 tuổi Đảng, 58 tuổi đời (ông Sự sinh năm 1957), 21 năm nắm giữ cương vị chủ chốt một địa phương giờ về hưu là chuyện bình thường, rất bình thường, sao lại trở thành một sự kiện?

Lý do có lẽ là bởi cái mà người xưa gọi là “treo ấn từ quan" thời nay quá hiếm. Những người “từ quan” bây giờ (nếu có) thường ở thế "không thể" hoặc bị "buộc phải" nếu như không muốn nhận hình thức kỉ luật cao hơn nữa.

Đằng này ông Nguyễn Sự đang ở “đỉnh cao quyền lực” một miền đất, được nhân dân tin yêu, nổi tiếng bởi sự trong sạch, thanh liêm, có năng lực và đang được cấp trên tín nhiệm lại “treo ấn” nên nó mới là ”sự kiện”. Cái qui luật xưa nay, những điều bình thường ở một thời điểm không bình thường dễ trở thành bất thường là vậy.

Ở cái thời mà đã có không ít người dùng mọi “mưu kế” gian dối như sửa khai sinh, chữa lý lịch để mong “cải lão hoàn đồng”, kiên quyết “bám trụ kiên cường”, “thà chết còn hơn… rời ghế” bỗng dưng lại có một ông muốn từ quan khi còn yên vị là chuyện chẳng bình thường vậy.

Trả lời câu hỏi “về nghỉ hưu rồi, ông sẽ tiếp tục làm cố vấn cho Hội An?” của báo chí, ông Sự nói: “Tôi nói với anh em là khi tôi đã làm hết mình thì anh em cho tôi nghỉ hết mình, không xin, không hỏi ý kiến gì nữa. Quá khứ tôi chịu trách nhiệm nhưng tương lai các anh phải tự quyết định”.

Đây là cũng là quan niệm “bất thường” bởi không ít người khi đương chức, đương quyền không làm hoặc không dám làm, khi nghỉ hưu, nói như nhân vật Tể tướng Lưu Gù trong một bộ phim của Trung Quốc là “lúc đã ngồi bệt xuống đất” thì lớn tiếng chê bai, dạy bảo và cả đòi quyền lực…!

Thế nhưng cái thuyết phục người viết bài này nhất ở ông Nguyễn Sự là lý do về hưu rất… đơn giản.

Tâm sự với phóng viên báo Tuổi trẻ, ông Sự nói rằng lý do là bởi ông đã ngồi ở “vị trí lãnh đạo tròn 21 năm từ chủ tịch qua bí thư là quá lâu. Nó dần trở thành lối mòn, ngại đổi mới, ngại đột phá. Cứ “đường xưa lối cũ em về” như vậy mãi làm cho thành phố không bứt phá được, chưa kể là sẽ cản trở sự đi lên của anh em. Mình ngồi đó, anh em sẽ không lên được. Mình làm lâu sẽ trở thành lão làng, hạn chế tư duy của anh em. Ngồi trước mặt mình, anh em cũng khó nói lên được những điều mới”.

Tự nhận mình ở lại sẽ là “lối mòn”, là “hạn chế tư duy”, “trở thành lão làng”, “cản trợ sự đi lên”, “làm cho thành phố không bứt phá”… không phải người từng có chức quyền nào có được. Bởi khi có chức quyền, mọi lời nói, việc làm của mình thường được coi như chân lý “tuyệt đối đúng” nên dễ “ngộ nhận tài năng”.

Thế nhưng có một đoạn mà còn “hợp” với mình hơn nữa, đó là khi “triết lý” về tư duy “lá chuối”, ông Sự nói: “Tôi không muốn làm kẻ tư duy lá chuối. Cây nào đến mùa cũng thay lá non, duy nhất chỉ có cây chuối là tàu lá nó chết còn bám trên cây, người ta phải cắt đi”.

Nói “hợp” bời cách đây mấy năm (21/2/2013), cũng trên BLOG Dân trí, trong bài "Hội chứng… lá chuối!”, mình đã viết: “Tôi chợt nghĩ về những chiếc lá. Những chiếc lá không chỉ biết "lá lành đùm lá rách", không chỉ biết già "rụng về cội" mà mỗi mùa đông, lá còn biết tự lìa cành để mùa xuân, nhường chỗ cho những chồi non mới.

Hình như chỉ mỗi cây chuối là suốt đời không rụng lá. Loại lá thiếu tự trọng từ lúc mọc đến khi thối nẫu cũng không chịu rời bỏ thân cây. Và cũng vì thế, khi chuối đã ra buồng là không còn chiếc lá non nào được sinh ra nữa”.

Xin chúc mừng ông Nguyễn Sự vì ông đã không “giương cao ngọn cờ lá chuối, bám trụ kiên cường” mà dũng cảm hi sinh để “nhường chỗ cho những chồi non mới”.

Bùi Hoàng Tám