Nhân loại đã, đang và sẽ còn nhắc đến bản Đại hiến chương Tự do Carta của nước Anh vì tầm quan trọng và ý nghĩa khởi nguồn của tư tưởng pháp quyền và tư tưởng bảo vệ những giá trị cơ bản nhất của con người.
Tháng 6 tới, lễ kỷ niệm 800 năm bản Đại hiến chương này sẽ được tổ chức rộng khắp.
Nội dung chính của bản Đại hiến chương Magna Carta đề cập đến hai vấn đề lớn: (1) tinh thần thượng tôn pháp luật (rule of law) – bất kỳ ai kể cả nhà vua cũng không được đứng trên pháp luật; (2) bảo vệ các quyền của những người tự do, trong đó có quyền không bị bắt giam trái pháp luật, quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền được xét xử một cách công bằng.
|
Đại hiến chương Magna Carta đã ra đời 800 năm |
Bản Đại hiến chương này ra đời dưới thời trị vì của vua John (1189-1216). Khi tiến hành chiến tranh với Pháp, vua John đã ra sức vơ vét tiền của quý tộc, thị dân, nông dân để chi phí cho chiến tranh gây bất bình trong xã hội. Tháng 6/1215, một nhóm đại quý tộc đã tụ họp ở Runnymede đấu tranh buộc vua John phải kí vào bản Đại hiến chương với 63 điều, là bản giao kèo giữa nhà vua và các quý tộc.
Bất kỳ ai kể cả nhà vua cũng không được đứng trên pháp luật
Magna Carta trở thành biểu tượng của pháp quyền, vì lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, vai trò của luật pháp đã được hiện thực hóa; Lần đầu tiên cơ chế tập thể khống chế quyền lực của nhà vua được thiết lập và được đảm bảo thực thi.
Cụ thể trong Magna Carta qui định rõ nhà vua không được tùy tiện tăng thuế. Khi cần phải thông qua các đạo luật về thuế phải có sự nhất trí của một Hội đồng quý tộc, sau này là cơ quan đại diện đẳng cấp gồm lãnh chúa, quý tộc và thị dân.
Bên cạnh đó, Magna Carta cũng thiết lập cơ chế bảo đảm để những cam kết này được thực thi. Điều 61 qui định: Một hội đồng 25 quý tộc có nhiệm vụ giám sát và bảo đảm vua John phải tuân thủ hiến chương. Trong trường hợp nhà vua không tuân thủ thì hội đồng có quyền chiếm giữ đất đai và các lâu đài của nhà vua cho tới khi những sai lầm được sửa chữa.
Bảo vệ quyền tự do, trong đó có quyền không bị bắt giam trái pháp luật, quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền được xét xử một cách công bằng.
Hai qui định quan trọng của Magna Carta liên quan trực tiếp đến quyền con người là Điều 39 và Điều 40.
Điều 39 qui định: “Không có bất cứ một người tự do nào có thể bị giam cầm hay bỏ tù, bị tước quyền hoặc tịch thu tài sản, bị đặt ngoài vòng pháp luật hoặc bị tước địa vị dưới bất kỳ hình thức nào, chúng ta cũng không thể dùng vũ lực để ép buộc người đó hoặc khiến người khác làm như vậy, trừ khi có phán quyết hợp pháp của những người ngang hàng với người đó hoặc bởi pháp luật nơi người đó cư ngụ qui định như vậy”.
Thứ nhất, Bản Hiến chương lúc đầu chỉ tập trung bảo vệ quyền lợi của những người tự do, đặc biệt là các lãnh chúa, quý tộc, chứ chưa phải là tất cả mọi người bao gồm cả các tá điền, nô lệ hay những người lao động bị cưỡng bức sau này.
Tuy nhiên, không thể phủ nhân đây là văn bản pháp lý khởi đầu cho trào lưu bảo vệ quyền công dân.
Sau này Nghị viện Anh đã ban hành rất nhiều các đạo luật khác nhau, kế thừa, phát triển, mở rộng các qui định từ Magna Carta tạo thành một truyền thống bảo vệ các quyền tự do như: Habeas Corpus (Luật cấm bắt giam người trái pháp luật hay còn gọi là Luật bảo thân, được Nghị viên Anh thông qua năm 1679 dưới thời vua Charles II); Petition of Right (Luật khiếu nại về quyền, được Nghị viện Anh thông qua năm 1628 quy định một người chỉ có thể bị tống giam khi có phán quyết của Tòa án hoặc lệnh bắt giữ của cơ quan hành chính [writ]); English Bill of Rights (Luật về quyền của Anh quốc được Nghị viện Anh thông qua năm 1689 quy định về quyền bầu cử Nghị viện và quyền tự do ngôn luận trong hoạt động của Nghị viên)...
|
Ảnh minh họa
|
Thứ hai, Để ngăn chặn việc giam cầm hay bỏ tù trái pháp luật, cần phải thiết lập một cơ chế xét xử công bằng. Sau này người Anh đã phát triển thành khái niệm qui trình tố tụng chuẩn (due process of law) thể hiện tính chính đáng về nội dung và chính đáng của quyền lực nhà nước về thủ tục được rất nhiều quốc gia Phương Tây kế thừa.
Điều 39 còn qui định: “[…] trừ khi có phán quyết hợp pháp của những người ngang hàng với người đó” cho thấy triết lý xét xử phải dựa trên nền tảng công lý (question of justice), chứ không chỉ bám vào luật (question of law). Đây là nền tảng cho chế độ bồi thẩm đoàn (trial by jury) ở Anh duy trì đến ngày nay.
Theo đó, khi xét xử, để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng và tiếp cận công lý phải có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn.
Sau này, Điều 39 đã tiếp tục được làm sâu sắc thêm bằng Điều 40: “Sẽ không ai bị bán cho người khác; quyền hay công lý của bất kỳ ai cũng đều không bị từ chối.”
Ngay cả khi không có luật, không có án lệ, thẩm phán cũng không vì thế mà trì hoãn việc xét xử. Một khi công lý bị trì hoãn cũng có nghĩa là công lý bị từ chối (Justice delayed is justice denied).
Thứ ba, bảo vệ quyền sở hữu.
Điều 39 cũng đề cập đến vấn đề không “tịch thu tài sản” một cách bất hợp pháp.
Việc Magna Carta đặt ra qui định nhà vua không được tự ban hành những đạo luật về thuế một mặt hạn chế quyền lực của nhà vua, mặt khác qui định này cũng nhằm bảo vệ quyền sở hữu của cá nhân của người dân.
Magna Carta là văn bản có ảnh hưởng lớn đến Luật Hiến pháp hiện đại, đến thông luật và nhiều văn bản pháp lý quốc tế quan trọng khác.
Mười tu chính đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ thực tế là sự kế thừa các qui định của Magna Carta, đặc biệt là nguyên tắc qui trình tố tụng chuẩn tắc (due process of law) và nguyên tắc mọi người được bảo vệ một cách bình đẳng về luật pháp (equal protection of the law).
Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người cũng kế thừa những qui định vốn đã có từ Magna Carta rằng con người có quyền sống, quyền tự do và quyền an toàn cá nhân.
Người ta cho rằng Magna Carta đã là quá khứ, nhưng có lẽ tinh thần của nó thì sẽ còn sống mãi với thời gian, bởi Magna Carta chính là nguồn động viên tinh thần to lớn, cổ vũ người dân Anh, sau là các dân tộc khác, đấu tranh bảo vệ những quyền tự do thiết yếu nhất của mình thông qua việc hạn chế quyền lực nhà nước, đấu tranh chống lại sự độc tài chuyên chế dưới bất cứ hình thức nào.
TS. Nguyễn Minh Tuấn