Trang chủ » Tin văn và...

Hồ Anh Thái - một nhà văn chuyên nghiệp đúng nghĩa

Ngọc Hiên
Thứ hai ngày 2 tháng 2 năm 2015 1:48 PM

 VNQĐ Online: Một cuộc “mổ xẻ” về con người và tác phẩm Hồ Anh Thái đã diễn ra với nhiều ý kiến đa chiều, vẽ nên chân dung tác phẩm và cả chân dung tác giả có số lượng sách ở mức hàng đầu trong các nhà văn Việt Nam đương đại.


Chương trình giao lưu, tọa đàm về những sáng tác gần nhất của Hồ Anh Thái diễn ra vào ngày 26/11 tại quán Cà phê thứ Bảy, số 3 Ngô Quyền, Hà Nội, do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức có tên "Hồ Anh Thái - Những câu chuyện trên đường" với mong muốn nhận diện chân dung văn học tác giả Hồ Anh Thái- một nhà văn có lối viết riêng độc đáo, sức viết khỏe, liên tục trong nền văn học đương thời. 
Tác phẩm của Hồ Anh Thái thường mang tính triết luận, bao quát số phận của người Việt và đất nước thời hiện đại. Anh là nhà văn có nhiều phát kiến về ngôn ngữ, tạo cho tiếng Việt thêm màu sắc, đa nghĩa và khả năng biểu đạt phong phú hơn. Sách của anh thường được phát hành với số lượng lớn và đã được dịch ra hơn 10 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thụy Điển...
Buổi tọa đàm là dịp bàn luận về những sáng tác gần đây của Hồ Anh Thái như: “Người Ấn”, “Tiếng thở dài qua rừng Kim Tước”, “Cõi người rung chuông tận thế”, “Tự sự 265 ngày”, “Mười lẻ một đêm”, “Người bên này trời bên ấy”, “Đức Phật, nàng Savitri và tôi”,... Đặc biệt là ba cuốn tiểu thuyết mới xuất bản gần đây của anh là: “SBC là săn bắt chuột”, “Dấu về gió xóa” và “Những đứa con rải rác trên đường”. Đây là những tác phẩm được viết trong quá trình tác giả công tác và sinh sống tại nhiều nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bởi vậy, tuy là tác phẩm hư cấu, các tiểu thuyết giống như những kí sự ghi lại những trải nghiệm về con người và thời đại tác giả đang sống.

Tác phẩm mới nhất của Hồ Anh Thái.
“SBC là săn bắt chuột” - tác phẩm được trao giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội là sự tìm tòi, đổi mới cách viết của tác giả, đồng thời phản ánh một cách hài hước, sâu cay hiện thực đời sống của Hà Nội. “Dấu về gió xóa” lại thể hiện một Hồ Anh Thái chỉn chu, hấp dẫn, tinh tế ở từng chi tiết đơn lẻ. Những trang viết sắc nét về những vấn đề của thời hiện đại như đức tin tôn giáo, thể chế chính trị, công nghệ truyền thông, truyền hình được phản ánh chân thực, tinh tế trong tác phẩm. “Những đứa con rải rác trên đường” lại là tác phẩm đan xen giữa hiện thực và huyền ảo, bằng cấu trúc "một tiểu thuyết bằng ba truyện dài". Hồ Anh Thái tái hiện đời sống xã hội cũng như số phận con người bằng giọng văn nghiêm ngặt, bi thương hòa trộn với giễu cợt, hài hước trong tiểu thuyết này.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá, Hồ Anh Thái là một nhà văn chuyên nghiệp đúng nghĩa. Anh là người không viết một cách ngẫu hứng, thoáng qua, mà coi nó là một cái nghiệp, và đi theo nó với ý thức tự giác nghiêm cẩn của một người hết lòng vì con chữ. Hồ Anh Thái đọc nhiều, đọc rộng và sâu, luôn luôn tìm hiểu, thay đổi bút pháp, ý thức việc cầm bút, cách dùng con chữ, cách làm việc và cả ý thức người đọc sẽ đánh giá văn chương của mình như thế nào. Thậm chí, anh còn tỉ mỉ đến từng chi tiết của tác phẩm như tự mình tìm, chọn bìa phù hợp, khơi gợi và mở rộng cho ý nghĩa của tác phẩm.

Từ trái qua: Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, nhà văn Lê Minh Khuê, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
Nhà văn Lê Minh Khuê cũng chia sẻ ấn tượng của mình về nhà văn Hồ Anh Thái. Bà chính là người đầu tiên đọc bản thảo “Người và xe chạy dưới ánh trăng”. Nhà văn Lê Minh Khuê nhận xét, trong văn chương Hồ Anh Thái là một cái nhìn cuộc sống già dặn, đầy trải nghiệm. Ngay từ truyện ngắn đầu tiên đã chất chứa một nguồn năng lượng viết lớn, với năng lực đáng khâm phục, khiến cho người khác tò mò muốn biết về những đứa con tinh thần tiếp theo. Và quả thật, Hồ Anh Thái đã lần lượt ra sách liên tục và tác phẩm đều gây được tiếng vang. Lối đi ấy không bằng phẳng, không đuối sức mà luôn mới lạ. Và cái riêng (như sự hài hước, thông minh, sâu sắc) trong giọng văn anh vẫn được tiếp nối ở những tác phẩm sau. 
Nhà PBVH Hoài Nam thì nhấn mạnh vào điểm khác biệt ở Hồ Anh Thái, đó là ý thức của người viết về công việc của mình. Điều này đã được thấy ở những tác giả như Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu… thể hiện quan hệ của nhà văn với tác phẩm, quan hệ của nhà văn với công chúng và tác phẩm với bạn đọc. Hồ Anh Thái là nhà văn ý thức về công việc của mình. Anh luôn tìm cách viết, không hoàn toàn buông thả vào cảm xúc, biết phân khúc đối tượng (viết cho ai, viết cái gì), làm sao để tác phẩm hấp dẫn, thu hút đông đảo bạn đọc. 


PGS.TS Lưu Khánh Thơ phát biểu tại tọa đàm.

PGS.TS Lưu Khánh Thơ thì khẳng định sức hút và tầm ảnh hưởng của văn chương Hồ Anh Thái với thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên tại các trường đại học trên cả nước về ngôn ngữ và văn học. Những sáng tác của Hồ Anh Thái đã và đang là những đối tượng, những mảnh đất màu mỡ cho những khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu nghiêm túc về văn học. PGS.TS Lưu Khánh Thơ đánh giá cao những sáng tạo miệt mài và những bút pháp, cách viết đầy mới mẻ của Hồ Anh Thái như lối viết của chủ nghĩa hậu hiện đại, bút pháp tẩy trắng nhân vật, giọng điệu thông minh, dí dỏm…
Bên cạnh những ý kiến tích cực, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, một người bạn tâm giao của nhà văn Hồ Anh Thái cũng chia sẻ một số câu chuyện về những luồng ý kiến trái chiều đối với tác phẩm của anh, như là ý kiến nhận xét tác phẩm của Hồ Anh Thái đời quá, thực quá, những điều quá đơn giản được tác giả cho vào văn chương, hay ngôn ngữ giới trẻ, ngôn ngữ mạng, những bài hát… được dùng trong tác phẩm. Thế nhưng PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái vẫn cho rằng, để viết được những tác phẩm “dễ” như Hồ Anh Thái quả không dễ chút nào...
NGỌC HIÊN