Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn - vốn sống và vốn internet

Phạm Quang Đẩu
Thứ sáu ngày 26 tháng 12 năm 2014 10:16 PM

Tham luận đọc tại Hội thảo Nhà văn thời chống Mỹ


Nhà văn thời nào thường là chủ yếu viết về hiện thực của thời ấy, bên cạnh đó còn có người viết về quá khứ rất xa thời mình sống, như viết truyện lịch sử, dã sử; hoặc viết về “thì” tương lai, kể cả tương lai xa vời với đời sống thực như khi viết truyện viễn tưởng. Dù là nhà nhà văn thời nào, viết thể loại nào, thì yếu tố quyết định để làm nên một sản phẩm văn chương, vẫn xuất phát từ tài năng và vốn sống. Tài năng trời cho cộng với sự kiên trì học hỏi rèn luyện, còn vốn sống là trường đời trải qua và đúc rút từ sách vở. Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, nước ta hội nhập với thế giới thông qua Mạng toàn cầu-Internet, từ đây kiến thức sách vở còn bao hàm cả kiến thức truy cập từ Internet. Nếu như trước, người viết chỉ có thể tìm kiếm kiến thức từ một số lượng nhất định sách báo in giấy, thì giờ đây thỏa sức tiếp thụ kiến thức từ xa lộ thông tin toàn cầu. Đó là kho báu vô hạn những tư liệu lịch sử, địa lý, văn hóa, cùng các lĩnh vực khoa học chuyên ngành; đó cũng là kho báu ngôn ngữ, hình tượng, cảnh huống, không-thời gian…mà người viết rất cần có để có thể vận dụng vào văn chương. Thay vì cây bút, trang giấy trắng, người viết giờ đây gõ phím, di chuột trên màn hình của máy vi tính được nối mạng, sẽ hiện lên tất cả những gì cần tham khảo, để rồi sau đó viết ra cái thuộc về mình.

Bắt đầu từ năm 2000 đến nay, tôi đã viết được quá nửa trong số mười mấy tác phẩm của mình bằng máy vi tính. Không biết các bạn viết khác nghĩ thế nào, chứ với tôi từ cây bút, tờ giấy đến máy vi tính là cả một cuộc thay đổi lớn có tính bước ngoặt trong cung cách sáng tác của bản thân. Các tiện ích mà máy vi tính mang lại thật tuyệt vời. Chỉ nói riêng một việc “bếp núc viết văn” mà ai cũng phải làm, đó là tẩy xóa, thêm vào, bớt đi ở bản thảo. Nếu trước phải xóa đi viết lại không phải một lần, thậm chí đến hàng chục lần, bản thảo bị lòe nhòe khó xem, người viết cảm thấy oải, thì nay dẫu sửa đến hàng trăm lần để có câu chữ, đoạn văn ưng ý, trước mắt ta vẫn là những trang viết sáng sủa, đẹp đẽ, điều này còn gây thêm hứng khởi cho ta, giúp cho mạch sáng tác dạt dào tuôn chảy. Buổi đầu Internet vào nước ta, tôi còn làm việc tại tòa soạn báo Quân đội nhân dân, tôi có cái cảm giác ngài ngại, tính bảo thủ của người già, cứ nghĩ rằng dùng máy vi tính phức tạp lắm, phải học qua trường lớp bài bản và tiếng Anh thông thạo. Vì thế nhập cuộc bị chậm 4-5 năm so với nhiều bạn viết khác. Hóa ra, nếu chỉ để soạn văn bản và làm một số thao tác cần thiết như lưu trữ, lấy dữ liệu trên mạng, gửi tệp tin, viết e.mail, lưu USB…thì chỉ cần được hướng dẫn vài lần, dài là vài ngày là đã đủ thạo rồi. Đến giờ sau hơn 10 năm cặm cụi với bàn máy vi tính, đã sản xuất hàng vài trăm bài báo và dăm, bảy cuốn sách, tôi tự nhận về trình độ vi tính của mình hiện đạt cỡ tương đương lớp 4 trên 12 của trường phổ thông trung học. Tôi biết trong giới viết hiện giờ có nhiều nhà văn cũng là mầy mò tự học, mà thành thạo vi tính ở bậc “cuối cấp”, hoặc “đại học”. Song tôi cũng biêt một số nhà văn vẫn một mực trung thành với giấy bút truyền thống, chẳng coi “vi tính-vi teo” ra gì. Âu đấy cũng là thói quen, thú chơi, ruốt cuộc dù dùng phương tiện gì không cần biết, miễn là cho ra lò tác phẩm hay!

Cũng cần phải nói thêm rằng, hiện nước ta được đánh giá có số người cập nhật Internet với tỷ lệ ngày càng cao so với nhiều nước trên thế giới. Ai cũng có thể “lang thang trên mạng” và tìm thấy điều mình cần ở đủ thể loại, chính kiến. Vấn đề là, sử dụng dữ liệu trên mạng nhằm mục đích gì và cụ thể người viết cần có “bộ lọc” thế nào để có thông tin, dữ liệu phục vụ thiết thực cho sáng tác của mình. Nhà văn không có một “đặc ân” nào khác trong chuyện này. Họ cũng như bao người thuộc các ngành nghề khác, thường xuyên sử dụng Internet là một việc làm tất yếu, biết nắm bắt xu thế tiến lên của thời đại mà thôi.

*

* *

Xin trở lại cụ thể việc xây dựng tác phẩm liên quan đến vốn sống của người viết. Phần dưới đây tôi chỉ có thể nói về những cái mình đã làm, đã viết, đã chiêm nghiệm mà không có sự so sánh, dẫn chứng hay đánh giá cách làm cũng như tác phẩm của người khác.

Từ năm 2003 đến nay tôi đã cho ra mắt 4 tiểu thuyết và 1 tập truyện ngắn. Thực ra 7 năm trở lại đây kể từ khi nghỉ hưu lại viết đều và viết nhiều hơn lúc đương chức, có lẽ do được rảnh rang chuyên chú cho sự viết văn. Hai cuốn Sét đánh vào thị trấnMột ngày là mười năm đều vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn lần thứ hai và ba, cuốn sau còn được giải Văn học sông Mê Kông (năm 2010). Tôi xuất thân binh nhì, phục vụ quân đội ngót 40 năm, nhưng suốt thời chiến tranh không trực tiếp cầm súng ra trận, mà là anh sĩ quan kỹ thuật ở hậu phương rồi sau đó trở thành phóng viên, biên tập viên. Những trải nghiệm về chiến tranh hầu hết đều từ hậu phương người lính. Nhưng tôi không coi đấy là sự hạn chế vốn sống của mình. Thực ra mô tả thuần túy một trận đánh hay một chiến dịch không khó lắm, chỉ cần chịu khó tìm hiểu qua sách báo, ti vi là đủ biết, cái mà nhà văn cần là đào sâu thân phận con người trong chiến tranh hoặc ở thời hậu chiến. Hầu hết các cuốn đã viết của tôi, nhân vật chính đều là người lính thời chống Pháp hay chống Mỹ. Ngoài môi trường sống kể trên, tôi có nhiều năm sống ở miền núi, nên khá thạo miền núi và thường đưa bối cảnh nhân vật của mình về khu vực đó cho dễ miêu tả. Như trên đã nói, khi viết ngoài vận dụng vốn sống thực, vốn sách, báo, tôi thường sử dụng vốn…Internet. Trong Một ngày là mười năm tôi chủ ý khắc họa cuộc đời nhân vật chính xuyên suốt, đặt tên là Nhị Nguyễn, thực ra được gộp lại từ cuộc đời của 3 người lính ngoài đời mà tác giả quen biết từ lâu và nay chỉ còn lại một đã ở tuổi ngoại 90. Nhị Nguyễn là sinh viên Cao đẳng khoa học Hà Nội, sắp tốt nghiệp thì cuộc Cách mạng Tháng 8-1945 nổ ra, anh theo huynh trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu đi kháng chiến. Từ chiến khu Việt Bắc anh nhận một nhiệm vụ đặc biệt mang mười mấy cân vàng xuyên bán đảo Đông Dương sang Thái Lan mua một số khí tài quân sự. Song khi đưa hàng về, trắng tay, thất bại ở phút cuối. Anh lại có mặt trong đội quân tình nguyện Việt Nam sang Lào. Rồi có con mà không biết với một cô gái Lào trong một tình huống bất khả kháng. Anh bị kỷ luật đuổi về nước. Tiếp đến tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi về hưu khiêm tốn với lon trung tá. Kết thúc truyện: đứa con “rơi” từ nước bạn trở về, song không kịp nhìn mặt bố. Như vậy nhân vật chính hoàn toàn hư cấu. Trong truyện có một vài nhân vật thật, để nguyên tên tuổi, như Giáo sư Tạ Quang Bửu; bí thư khu ủy Nam Lào Nguyễn Chính Cầu…. Giáo sư Tạ Quang Bửu là một trí thức lớn, trên Internet có rất nhiều tài liệu liên quan đến ông, thả sức tìm hiểu, xắp xếp sao cho phù hợp với các nhân vật khác. Thực ra tôi chỉ biết đất nước Lào theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa trong vài lần đi cùng đoàn nhà báo. Kiến thức có được về nước bạn hoàn toàn thông qua Internet. Các miêu tả khá kỹ về chiến trường như Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng; cao nguyên Bôlôven Trung Lào; thủ phủ phỉ Vàng Pao ở Long Chẹng; tập tục của người Lào Lum, bộ tộc Nha Hởn… đều khai thác trên mạng, chứ không đọc riêng cuốn sách nào. Lang thang trên mạng, có khi gặp được của hiếm. Như việc tình cờ có những tư liệu về hoạn quan thời Nguyễn, với nhiều chi tiết ít ai biết như: cách hoạn thế nào, phân chia phẩm trật, mức bổng lộc, tín ngưỡng của riêng giới quan hoạn… còn biết cả mùi khai cố hữu do họ luôn bị rò rỉ nước tiểu. Bởi thế trong Một ngày là mười năm mới có một nhân vật quan hoạn, bi kịch và số phận nhân vật này được khắc họa tỉ mỉ. Nhà thơ Lê Đình Cánh phụ trách việc điểm sách văn học cho buổi phát thanh văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam đã đánh giá: “Lần đầu tiên trong văn học nước ta có nhân vật quan hoạn để lại nhiều dấu ấn như thế.” Cuốn sách được giải thưởng của Hội Nhà văn 3 nước Đông Dương, nhưng có một “giải thưởng” mà tôi rất coi trọng là sự đánh giá, nhận xét của những người thân của nhân vật có thật, hoặc của chính người trong cuộc. Cụ bà Hoàng Thị Oanh, phu nhân của cố giáo sư Tạ Quang Bửu sau khi đọc đã bảo con cháu để cuốn sách lên ban thờ Giáo sư và thắp hương; cụ Phạm Ngọc Khuê một chiến sĩ tình nguyện chiến đấu ở Lào suốt thời chống Pháp, hiện ở Nha Trang thì gọi điện cho tôi nói là: Anh bịa được đấy, tôi có thấy một phần của tôi trong nhân vật Nhị Nguyễn. Nhà văn lão thành Lương Sĩ Cầm cho tôi biết: một số cựu chiến binh quân tình nguyện Lào nói trường hợp chiến sĩ tình nguyện lấy vợ Lào là rất hiếm, vì kỷ luật dân vận thời đó nghiêm lắm, nhà văn đã bào chữa hộ tôi: Rất hiếm nhưng đã từng xảy ra, vả lại đây là tiểu thuyết có quyền hư cấu. Phó chủ tịch Hội Nhà văn Lào Phiulavanh Luangvanna, khi tôi sang Viên Chăn nhận giải, đã trực tiếp nói với tôi là Một ngày là mười năm viết về con người, quê hương bà khá chân thật, hấp dẫn và bà hứa sẽ tự dịch ra tiếng Lào.

Năm 2012 tôi cho ra mắt cuốn Đánh đu cùng số phận, cuốn này hoàn toàn viết về xã hội hiện đại, rất ít sử dụng tư liệu, do thạo miền núi tôi đưa bối cảnh sự việc xảy ra về một tỉnh miền núi phía Bắc. Tiếp đến Đơn tuyến, Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành cuối năm 2013. Sách viết về nhà toán học, kiêm tình báo thời chống Mỹ, Thiếu tướng công an Nguyễn Đình Ngọc, nằm trong cuộc vận động viết về đề tài vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phát động. Với cuốn này, hầu hết tư liệu có được đều do dụng công khai thác từ Internet. Sinh thời Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc rất kín tiếng, mọi người chỉ biết ông là nhà khoa học đa năng từng du học nhiều năm tại Pháp. Bản thân tôi cũng đôi lần gặp ông trong các cuộc họp báo của Hội Tin học hoặc Điện tử viễn thông Việt Nam, song không hề biết gì về quá khứ của ông. Chỉ đến khi ông mất vào đầu năm 2006, qua cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Công an nhân dân của một vị Trung tướng, Tổng cục phó Tổng cục An ninh, thời chống Mỹ là người chỉ huy trực tiếp của ông, mới biết ông từng là một điệp viên lợi hại, đã cung cấp nhiều tin tình báo tầm chiến lược cho Trung ương. Các nhà tình báo chiến lược của quân đội thời chống Mỹ, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ sinh thời đã trực tiếp kể và cung cấp tư liệu khá đầy đủ cho một số nhà văn, nên nhiều năm trước đã ra đời những cuốn sách viết về hai ông được độc giả hồ hởi đón nhận. Khi cố Thiếu tướng công an Nguyễn Đình Ngọc được biết đến, khoa học chỉ là vỏ bọc, nhiều năm ông làm công tác tình báo, ông lập tức trở thành nhân vật hấp dẫn. Lúc đó đã có nhà văn muốn viết, song tư liệu hầu như không có gì. Đầu năm 2012 tôi được sự gợi ý của một biên tập viên Nhà Xuất bản Công an nhân dân, rồi được người em ruột của nhà tình báo cung cấp cho bản lý lịch đảng viên của ông. Vì đã có chút kinh nghiệm khai thác tư liệu gián tiếp qua Internet của hai cuốn trước, tôi tự tin bắt tay vào tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của nhà tình báo công an đặc sắc song rất ít thông tin này. Từ cuốn lý lịch, tôi có niên biểu chắc chắn về năm tháng hoạt động của Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc thời kỳ ở nước ngoài, cùng năm tháng hoạt động trong lòng địch. Đây thành bộ khung để từ đó bồi đắp xương thịt cho nhân vật. Đã có khoảng hơn 200 tư liệu từ Internet được sử dụng, ngắn là nửa trang, dài hàng chục trang. Tôi luôn quan niệm công việc chủ yếu trong viết văn, viết tiểu thuyết là dựng truyện, chứ không đơn thuần là kể chuyện. Vì thế cần có rất nhiều tư liệu, chi tiết khi mô tả. Rồi dàn dựng, móc nối giữa nhân vật và sự kiện, các nhân vật với nhau, nhân vật có thật với nhân vật hư cấu, v.v… Cuối cùng, nhằm đạt tới chân dung người đã khuất gần nhất với sự thật lịch sử và cuốn truyện sinh động, hấp dẫn. Chẳng hạn, bản lý lịch Đảng của giáo sư Nguyễn Đình Ngọc có viết: “Trong thời gian giảng dạy tại Đại học Khoa học Sài Gòn trước năm 1975, tôi đã lợi dụng mối quan hệ với người bà con bên vợ là tướng tá quân đội Sài Gòn để khai thác thông tin tình báo…” Người bà con mà ông lợi dụng trong đó có phó đề đốc Nghiêm Văn Phú, em rể vợ. Thông tin từ bản lý lịch chỉ có vậy. Vả lại nhân vật này cấp bậc không phải là cao, cũng không nổi tiếng lắm trong giới tướng tá ngụy ngày ấy. Song tìm kiếm trên mạng thì thấy tên tuổi viên phó đề đốc tưởng như “vô danh” này lại có trong khá nhiều website hải ngoại. Có cả chi tiết tưởng như vụn vặt nhưng thật cần thiết để dựng lại nhân vật này, như ông ta học khóa mấy của trường sĩ quan hải quân ngụy, được đào tạo những chuyên môn gì, chỉ huy hải đội nào và tham gia bao nhiêu trận hải chiến v.v…Những chiến công chủ yếu của nhà tình báo đã được báo chí nói đến đều liên quan với các cuộc hành quân tìm diệt của Mỹ ngụy, trên Internet còn lưu khá đầy đủ. Vấn đề là mô tả và kết hợp sự kiện với từng nhân vật sao cho hợp lý, không xuyên tạc lịch sử, không bóp méo, cũng phải hết sức tránh sự hư cấu khiên cưỡng. Khi dựng nhân vật không thể chỉ miêu tả chiến công, nhân vật đó có tính cách riêng, nhiều diễn biến tâm lý khác nhau trước các sự kiện xã hội phức tạp, hay khi gặp biến cố trong đời tư. Nhiều khi cả trang tư liệu chỉ nhặt được một vài chi tiết nhỏ nhặt, có khi tìm được cái “nhỏ” nhưng rất “sướng”, như những thổ ngữ, ngôn ngữ lính tẩy, hay cách nói của giới thượng lưu Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước, để đưa vào câu đối thoại cho phù hợp với từng loại nhân vật. Cái khó khác là mô tả những góc khuất trong đời tư của nhân vật. Nhân vật chính theo lời kể của người thân, bạn bè từng gặp những bi kịch ở gia đình, cơ quan, nội tâm nhiều suy nghĩ, giằng xé. Ông tuy mất rồi, nhưng những người thân của ông còn, họ sẽ bất bình nếu tác giả ngụy tạo sai sự thật hoặc chạm vào nỗi đau của họ một cách thô bạo dẫu vết sẹo đã lên da non từ lâu. Thú thực, đến giờ tôi mới có thể thầm yên tâm được phần nào. Sách phát hành hơn một năm nay, không có phản hồi trái chiều, những người thân, bạn bè của nhân vật gặp tôi đều tỏ ý đồng thuận (Sách vừa ra, tôi đã gửi biếu khắp lượt, trong đó có tặng bà vợ đầu và con trai nhân vật hiện đang sống ở Paris).

Có thể nói, nếu không có phương tiện Internet tôi không thể viết được cuốn tiểu thuyết này. Lúc xong bản thảo lần đầu, tôi gửi cho hai người xem trước, đề nghị góp ý kiến, thâm tâm còn nghĩ, nếu họ chê, hoặc yêu cầu sửa quá nhiều thì đành phải bỏ dở cuốn sách thôi. Em ruột nhân vật chính, bác sĩ Nguyễn Đình Kim, 80 tuổi ở Hà Nội, khi xem xong bản thảo chỉ đính chính với tôi vài tình tiết cụ thể về gia đình ông ngày đó, rồi ông cảm ơn và nói: “Hồi trước anh tôi không kể gì nhiều về quá trình hoạt động tình báo, cuốn sách của anh đã cho cái nhìn xuyên suốt cuộc đời anh tôi.” Người thứ hai xem bản thảo là nhà văn Ma Văn Kháng, tôi coi ông là một bậc thầy trong nghề. Trong thư điện tử ngày 26-12-2012, ông đã viết: “Hiếm có một nhân vật nào mà cuộc đời vừa tự nhiên, vừa được tổ chức tuyệt vời như một tác phẩm nghệ thuật thực sự, đến từng chi tiết, như cuộc đời nhân vật Nguyễn Đình Ngọc trong cuốn sách này. Từ chất liệu có thực đến một chế phẩm văn chương. Đó là tài nghệ và công phu sáng tạo của người viết. Lịch sử thì bề bộn một dòng chảy sôi sục. Còn con người thì nhỏ bé nhưng đã neo vào lịch sử và tác động vào lịch sử bằng một sức mạnh giản dị mà tầm vóc thì thật lớn lao! Đây là chân dung một nhà tình báo đặc sắc ít thấy mà tôi đã được thấy.” Tôi hiểu đó là lời khích lệ chân tình của nhà văn lão thành với lớp đàn em. Và tôi cũng đồng ý với nhà văn, đặt cuốn này là “tiểu thuyết chân dung”, cách gọi này chưa thấy ở các sách khác. Khi sách đã ra, một số bạn viết bảo, thực ra đây là cuốn tiểu thuyết tư liệu, loại hình tiểu thuyết mới xuất hiện trong thời hiện đại.

Vốn liếng người viết có được, từ trải nghiệm trong đời sống, hay từ sách vở, Internet, thực ra chỉ là nguyên liệu để nhà văn nhào nặn thành thứ sản phẩm văn chương theo ý mình. Theo tôi, trong công việc sáng tạo như viết văn, trí tưởng tượng cùng tay nghề có vai trò quyết định. Và rõ ràng, với các cuốn sách có liên quan đến những nhân vật lịch sử thì dù hoàn toàn hư cấu, cần dùng nhiều đến vốn tra cứu sách vở, hoàn toàn có thể tìm được ở Internet nhiều điều bổ ích, bất ngờ.

Có một thực trạng nhiều nhà văn ngày nay, so với nhà văn lớp trước sống trong thời chiến, thời bao cấp là ít đọc tác phẩm của nhau. Một phần vì thói quen đọc sách đang bị các phương tiện nghe nhìn giải trí khác lấn át, người viết nhiều khi trở nên lười đọc; một phần vì số lượng xuất bản mỗi cuốn sách đều thấp hơn hẳn so với trước(Trước thường từ một vạn bản trở lên, nay chỉ còn vài nghìn, thậm chí vài trăm cuốn mỗi lần ra sách).Vả lại, lâu nay cũng ít tác phẩm thực sự gây được tiếng vang, hoặc có tác phẩm chất lượng đấy, nhưng bị chìm lút trong bể thông tin do thiếu những nhà phê bình có “con mắt xanh” và tấm lòng rộng mở để phát hiện ra nó, giới thiệu với công chúng rộng rãi.

Thế hệ nhà văn chống Mỹ trong Hội Nhà văn Việt Nam hôm nay đều ở tuổi 60- 80 cả. Tức là đều lên lão từ lâu, hầu hết đã qua thời kỳ đỉnh của sức viết cùng đỉnh cao tác phẩm đã công bố của mình. Nói vậy không có nghĩa là lứa nhà văn chống Mỹ không thể tiếp tục sáng tạo để có thêm tác phẩm để đời. Thực tế không ít nhà văn trong nước và thế giới ở tuổi lên lão mới trình làng những tác phẩm đáng chú ý nhất, chí ít cũng không thua kém những cái đã viết thời trẻ. Vả lại từ lâu y học đã chứng minh rằng, người làm công việc sáng tạo có thể lại có “thời kỳ bừng sáng” ở tuổi ngoài 60. Hãy còn nhiều hy vọng thành công, cho những ai ở tuổi xế chiều vẫn coi viết văn là cái nghiêp sáng tạo nghệ thuật cao quý, là thú chơi tao nhã không thể chối bỏ chừng nào còn sống, còn yêu thương con người trên cõi đời này, còn muốn có đóng góp dù là nhỏ nhoi cho nền văn hóa văn nghệ nước nhà!

Hà Nội 7-12-2014