Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Kí ức một chuyến đi chơi

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ năm ngày 11 tháng 12 năm 2014 9:09 PM

Bút ký

Có chút việc phải đi Hà Nội, tôi xách túi ra cửa đứng chờ, chỉ khoảng mươi lăm phút đã có xe khách chạy đến. Chưa kịp vẫy thì xe đã dừng lại, và ngay lập tức cửa mở. người phụ lái nhẩy xuống, tóm lấy cái túi ở tay tôi: “Bác lên xe đi!”. Còn nhiều ghế trống, chắc đến giờ thì xe phải dời bến. Tôi chọn chỗ ngồi ở bên cửa kính đẻ dễ nhìn ra bên ngoài. Bây giờ xe nào cũng có máy điều hoà nhiệt độ, máy thu thanh. Thậm chí cả máy thu hình cũng có. Xe mới tinh. Ghế êm. Còn đường, nếu so với thời bao cấp thi một trời một vực. Xe chạy êm như bay và mát như ru. Nhìn ra bên ngoài, nhà cửa, làng mạc, ruộng đồng xanh tươi bát ngát. Khiến tôi chợt nhớ chuyến đi chơi năm nảo. Thật đúng là: “Mặn này bõ nhạt ngày xưa…”.
*
* *
Ngày ấy, bạn mời tôi về quê chơi nhân dịp anh về nghỉ hè. Quê anh ở Hải Dương. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, anh về Uông Bí dậy văn ở trường trung học. Còn tôi là xã viên Hợp tác xã nhiếp ảnh, chẳng có liên quan gì đến giáo dục. Nhưng chúng tôi biết rồi thân nhau là vì sách. Cà hai đứa cùng thích đọc và…cả “chơi” sách nữa. Thích đến mức say mê như người chơi cờ, người nghiện rượu bỏ cả cơm. Chỉ tiếc là chúng tôi quá nghèo, chẳng mấy khi có tiền để mua những quyển sách mà mình yêu thích. Lương tôi được tám mươi mốt đồng, phải nuôi bốn miệng ăn. Nghiện thuốc lá, nhưng mỗi ngày tôi chỉ cho phép mình được mua một hào, sáu điếu “Trường Sơn”. Nếu có khách phải tiếp một vài điếu, thì ngày hôm ấy tôi cũng chỉ hút những điếu còn lại, chứ không dám mua thêm. Anh ấy cũng vậy, lương giáo viên cấp hai, lại mới ra trường, chẳng nói thì ai cũng rõ…
Nói đến sách, tôi lại nhớ có lần hai đứa vào hiệu sách, nhìn thấy quyển: “Tuyển tập truyện ngắn Macxim-Gorki” . Sách mới về, bày trên giá. Cô hàng sách lấy xuống cho hai đứa xem, ngắm nghía, vuốt ve, xem mục lục, rồi lật bìa sau lên, giá chỉ có hai đồng ba. Đứa nọ hỏi đứa kia, tiếc đến đứt ruột, nhưng cũng đành phải trả lại cô hàng, vì túi đứa nào cũng rỗng tuyếch!
Mà sách những năm ấy mới tuyệt vời chứ! Tuy giấy còn xấu và bìa cũng không được đẹp như bây giờ. Nhưng về nội dung thì hầu như đều là những tác phẩm nổi danh của thế giới và trong nước, chứ không lẫn lộn vàng thau như bây giờ. Và nhất là chất lượng của công nghệ in, chuyển đổi từ bản thảo thành ra sách, thì không thể chê vào đâu được. Hình như con người lúc bấy giờ có tinh thần trách nhiệm với công việc của mình cao hơn bây giờ. Cho nên hàng nghìn trang in, cũng chỉ sai sót vài ba từ. Mà sai thì bao giờ cũng có đính chính. Chứ không như bây giờ, một bài thơ được đưa vào tuyển hẳn hoi mà mất đến bốn lỗi (như báo chí đã nêu). Thậm chí mất cả lỗi chính tả như: “Trót vì tay đã…”, thì lại in là “chót”, mà nhà xuất bản cũng làm ngơ, không cần đính chính! Cũng chẳng biết lúc bấy giờ Nhà nước có phải bù lỗ không mà sách khá rẻ. Tuyển tập kịch Sếch-Xpia dầy hàng nghìn trang, giá cũng chỉ có năm đồng…
Ngoài sách ra, chúng tôi thân nhau còn vì một lý do nữa, rất ngẫu nhiên mà thành ra tương đồng. Đó là trước khi biết nhau, tôi đã đọc tiểu thuyết “Phá Vây” của bác anh. Và anh cũng đã đọc tiểu thuyết “Lửa Than” của anh tôi.
Hai đứa bàn với nhau là về Hải Dương, rồi tiện thể lên Hà Nội chơi thăm Thủ đô, thăm tác giả “Lửa Than”. Hẹn nhau đã mấy mùa hè rồi mới đi được. Mà không ngờ chuyến đi ấy lại là những ngày bình yên cuối cùng. Vì sau đó chỉ vài tháng My đã ném bom miền Bắc nước ta.
Tuyến đường từ Uông Bí đi Hải Dương, chỉ khoảng năm sáu chục cây số, mà chiều hôm trước phải đến bến xe, ghi tên vào mảnh giấy treo ở quầy bán vé, gọi là “đăng ký” chuyến đi, rồi tinh mơ sáng hôm sau phải đến xếp hàng mua vé. Chầu chực, trông ngóng mấy tiếng đồng hồ, rôi mới thấy cô nhân viên bán vé mở cửa quầy. Xe thì ít, người đi thì nhiều. Ai cũng sợ không đến lượt mình. Thế là sinh ra xô đẩy nhau, tranh dành nhau, chen vai hích cánh xẩy ra. Thậm chí xô xát, chửi bới, đánh đấm nhau cũng không phải là hiếm. Và cũng từ đó mà sinh ra cái tệ nạn đầu cơ vé…
Những người may mắn lấy được vé rồi cũng còn phải chờ. Khi nào người phụ lái đến mở cửa xe, khách mới được lên. Và lúc ấy thì cai cảnh tranh giành, xô đẩy lại tái diễn. Vì, nếu không nhanh thì đến chỗ đứng cũng chẳng còn! Lên xe, ai nhanh thì chiếm được chỗ ngồi. Ai chậm thì phải đứng. Cái ghế chỉ một người ngối đã chật, nhưng phải lèn vào hai người. Người ngồi trong bị ép cứng vào thành xe, mà người bên ngoài cũng chỉ ghé được một chút mông vào ghế. Người đứng thì theo kiểu úp thìa. Mặt người sau úp sát vào gáy người trước. Rồi lại còn đủ các “chủng loại” hành lý, ba lô, bị bọc, làn, túi, bao bì và xe đạp chồng chất từ nóc xe xuống đùi người và gầm ghế, chật cứng như nêm.
Chỉ riêng hơi thở của năm sáu chục con người, cùng cái oi bức của nắng hè hun đốt, khiến không gian chật hẹp ở trong xe đã hầm hập như sôi, như luộc rồi. Nhưng lại còn đủ thứ mùi cùng xông lên nồng nặc như nước đái quỷ. Mùi hôi nách. Mùi chua loét của những bộ quần áo mặc đã quá lâu chưa được thay. Mùi cá ươn. Mùi nước mắm. Mùi dầu hoả. Và nhất là cái mùi trong quá trình tiêu hoá của những cái dạ dầy ăn mạch, ăn mì chưa quen, cùng xông lên mà tấn công và hành hạ cái khứu giác của khách lữ hành!
Ấy thế mà vẫn còn phải chờ. Vì ông Tài còn bận điểm tâm chưa xong! Chờ mãi! Chờ mãi! Rồi mới thấy ông Tài mặt đỏ phừng phừng ở đâu đó bước ra. Ông mở cửa vào buồng lái. Chiếc xe cũ kỹ, ọp ẹp rung lên như con thú giật mình. Rồi ì ạch, lắc lư chạy trên con đường toàn ổ gà, ổ voi, Vừa chạy nó vừa rú rít lên. tưởng cứ mỗi lần vượt ổ gà, ổ voi, cái xe lại rơi rụng ra một bộ phận nào đó, cho nên mới lắc, mới giật dữ dội như vậy. Xe đi chậm như rùa bò, nhưng bò mãi rồi cũng đến được lối rẽ. Chúng tôi xuống xe. Hú vía! Hai đứa phải đứng thở một lúc rồi mới hoàn hồn. Anh Lân bảo: “Sắp đến nhà rồi. Chỉ còn sáu bẩy cây nữa thôi. Anh có mệt không?” Tôi lặng im không nói chỉ cười…
Nghỉ một lúc rồi chúng tôi tiếp tục đi. Nhưng bây giờ là bằng phương tiện cổ điển nhất của nhân loại: bộ giò. Đường sá ở nông thôn ngày ấy còn lầy lội, quanh co, mấp mô, khúc khuỷu chứ chưa bê tông hoá như bây giờ. Đêm vừa qua chắc trời mưa. Đường ướt, có nhiều đoạn trơn như đổ mỡ. Chúng tôi vượt qua những cánh đồng mới cấy xong, lúa đang bén chân, lá non mơn mởn, gợn lên những con sóng xanh mênh mông dưới nắng gió ngày hè. Rồi luồn lách dưới những luỹ tre thâm nghiêm, kín đáo như những bức tường thành cổ kính. Đi hết làng này sang xóm khác. Đi mãi đến xế chiều, chân mỏi, miệng khát, bụng đói cồn cào, anh Lân mới dừng chân tươi cười bảo: “Nhà đây rồi!”. Ôi chao, mừng quá! Vốn rất sợ chó, tôi liền hỏi:
- Nhà mình có nuôi chó không anh? Anh lắc đầu:
- Ở đâu bây giở chả triệt để cấm chó.
Ồ…Phải, phải! Khi hoạch định chính sách, các nhà chién lược đã nghiên cứu kỹ rồi. Thời chiến, lương thực là sản phẩm chiến lược. Mười tám triệu dân miền Bắc (theo thống kê dân số thời gian ấy), cứ cho là hai hay ba hộ mới nuôi một con chó, thì đàn chó cũng là hàng triệu con. Một triệu con chó ăn mỗi năm, số lương thực ấy quả nhiên là không nhỏ.
Nhà anh Lân không có cổng. Chúng tôi vừa bước vào lối đi phía trong vườn, thì đã thấy một thiếu phụ mặt tươi như hoa chạy ra đón. Tôi đoán là vợ anh. Vì thời gian ấy chưa có điện thoại di động, thì chỉ những người vợ trẻ có chồng đi xa, mới sớm biết lúc chồng về như vậy. Chị vui vẻ chào hỏi và đón lấy cả hai cái túi xách của chúng tôi. Anh Lân nói với tôi: “Nhà tôi đấy!”. Rồi giới thiệu tôi với chị: “Đây là anh Hữu bạn anh”. Anh Lân còn mẹ già. Bà đang ru thằng cu ngù, thấy con trai có bạn cùng về, bà đặt cháu rồi ra tiếp khách. Đang chưyện trò thăm hỏi, thấy con dâu đi rửa ấm chén, bà bảo: “Nhà hết chè khô rồi, để mẹ ra vườn hái nắm lá chè tươi con ạ”.
Vườn nhà anh không rộng, trồng toàn cam, quả sai trĩu trịt. Cam Thanh Hà lúc bấy giờ rất nổi tiếng, không chỉ bán quả, mà khách các nơi còn về mua cành làm giống nữa. Trước sân có cái ao thả bèo nuôi lợn. Anh đưa tôi ra cầu ao rửa mặt. Nước ao đùng đục, mầu xanh rêu pha lẫn vàng nâu như nước phù sa. Anh bảo: “Ở đây chả nhà nào đào giếng, vì đồng trũng nước chua. Trừ một số nhà khá gỉa, xây được bể hấng nước mưa, còn thì tất tật ăn uống, tắm giặt đều dùng nước ao”.
Thấy nữ chủ nhân xách cái làn đi qua sân, tôi liền bảo anh: “Tôi cũng như người nhà. Có gì ăn nấy. Anh bảo chị đừng chợ búa làm gì”. Anh cười bảo: “Bây giờ thì cả tôi cũng là khách, phải tuỳ chủ thôi”. Lặng im một lúc rồi anh lại tủm tỉm cười bảo: “Khách đến nhà mà “Ao sâu nước cả, khôn chài cá/ Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà…” (Nguyễn Khuyến) thì phải đi chợ chứ sao”. Cả hai đưa cùng cười.. Bữa cơm chiều hôm ấy thật là tuyệt vời. Có thịt gà luộc, tép rang, canh mướp. Nhất là món cơm gạo quê không đôn khoai, đôn mạch, độn mì, vừa thơm, vừa mềm, vừa dẻo. Không có mùi hôi, mùi khét của bao bì và mùi cứt gián, cứt chuột. Và cũng không có cái vị vừa đắng vừa chua, vì nấm mốc như những cân gạo sổ.
Nhà chẳng có đài loa gì, cơm nước xong thì trời cũng vừa tối, chuyện trò một lúc rồi đi ngủ. Bà bế cháu sang giường bên trái. Gian giữa, áp tường đặt bàn thờ. Ngoài kê cái phản gỗ xoan cũ đen xỉn. Đây vừa là phòng khách, vừa là phòng ăn. Và bây giờ dọn bộ ấm chén đi, treo lên đó một cái màn. Thế là lại thành ra phòng ngủ cho khách. Gian bên phải, sau tấm màn gió là cái giường rẻ quạt của hai vợ chồng thầy giáo. Mắc màn xong anh đưa cho tôi cái quạt mo, rồi tắt đen đi ngủ (Đèn đầu, thời gian ấy ở nông thôn chưa có điện).
Tôi chui vào trong màn. Đây là loại màn cá nhân của Mậu dịch bán phân phối. Dài mét tám, rộng tám mươi phân. Nếu nằm không khéo thì chẳng thò chân cũng hở sườn ra bên ngoài. Lúc bấy giờ vải màn cũng thuộc diện hàng phân phối. Nhưng lại không có phiếu như vải mặc, mỗi đầu người đựơc bốn mét một năm. Ai có giấy đăng ký kết hôn thì được mua một cái màn đôi. Có giấy báo tử thì được mua bốn mét vải liệm và vài ba chục mét vải màn may khăn áo tang. Ông bà nào đông con nhiều cháu, thiếu thì đi mượn. Còn cái khoản băng vệ sinh cho chị em phụ nữ thì Hội phụ nữ phường, xã lập danh sách đưa lên Phòng thương nghiệp duyệt và cấp giấy giới thiệu đến Cửa hàng bách hoá mua về chia cho chị em. Nhưng mỗi năm mỗi người cũng chỉ được hai mét.
Muỗi kêu như ong vỡ tổ ngay từ chập tối. Bây giờ tắt đền, mọi vật chìm vào bóng đêm, thì cái tiếng vẫy của tỷ tỷ đôi cánh mỏng ấy lại càng vang lên. Nghe âm i rền rĩ như tiếng thở than từ một cõi xa xăm nào đó vọng về. Tôi nghĩ bụng: may anh Lân lại đem cái màn một này về. Nếu không thì chuyến đi này, chắc tôi sẽ bị đàn muỗi càng, muỗi cống ở hàng vạn cái ao bèo của huyện Thanh Hà ăn thịt mất, chứ chẳng phải là chuyện đùa!
Vừa không quen ngủ sớm, vừa lạ nhà, tôi nằm phe phẩy quạt và nghe tiếng muỗi kêu, dế rúc. Rồi, vì khoảng cách quá gần, nên nghe thấy cả tiếng giường, tiếng chiếu, tiếng thở dập dồn ở bên kia tấm màn gió nữa. Thôi thì…”Lòng vả cũng như lòng sung/ Một trăm thức quả cũng chung một lòng”. Nghĩ cũng tội nghiệp cho họ. Vợ chồng trẻ mà chẳng khác gì vợ chồng Ngâu. Mỗi năm chỉ được ở với nhau có mấy tháng hè!
*
* *
Từ Thanh Hà đi Hà Nội, ngáy ấy chưa có riêng một tuyến xe khách. Mà phải trông chờ vào xe ở các nơi chạy qua dừng lại nhặt khách, nếu họ còn thiếu khách. Cho nên từ sáng tinh mơ chúng tôi đã lên đường. Cuốc bộ mãi hơn tàm giờ mới đến được cái nơi mà ai cũng gọi là “bến xe”. Hoá ra, đó chỉ là một thẻo đất trồng mấy cây bạch đàn, nằm bám vào con đường giao thông cấp tỉnh. Nhìn gốc cây nào cũng nhắn thín. Chắc vì “thượng đế” ngồi chờ xe nên cỏ chết! Bến xe chưa có ai chờ. Chúng tôi đi tìm chỗ điểm tâm. Nhưng cả cái phố huyện ấy, cũng chỉ lèo tèo vài ba cửa hàng may vá quần áo, sửa chữa xe đạp và cắt tóc, chứ chẳng thấy hàng cơm, hàng phở đâu. Chỉ thấy mỗi cái quán nước. Cũng phải vào. Gọi là hàng nước, nhưng đến nải chuối, gói kẹo lạc cũng không có. Trên cái chõng tre, cũ kĩ chỉ thấy mấy cái bát cáu bẩn úp, và cái điếu cày dựng bên mép chõng. Chủ quán là một bà già, tóc bạc, răng long. Bà mời: “Các chú ăn chè chìm nhá?”. Chẳng có gì hơn. Cũng đành mỗi đứa húp một bát nước đường phên, và vớt mấy hạt đậu đen chìm ở đáy bất. Rồi trở lại “Bến bạch đàn” ngồi chờ xe.
Từ đây lên Hà Nội cũng chỉ năm sáu chục cây số là cùng. Thế mà hôm ấy mãi năm giờ chiều, cái “nhà giam lưu động” ấy mới chịu buông tha cho các “thượng đê” xuống bến Nứa. Tôi không nhớ có vì sự cố gì không? Hay chỉ vì cái “con ngựa già” ấy, sức đã cùng, lực đã kiệt rồi, cho nên chỉ chạy được như vậy?
Một bát nước đường với dăm chục hạt đậu đã biến mất từ lâu rồi. Vừa đói, vừa khát, vừa mệt, mặt mũi bơ phờ, hốc hác. Hai gã nhà quê, một thầy, một thợ, rủ nhau lên thủ đô. Tuy đây không phải là lần đầu ra phố, nhưng vẫn ngơ ngơ, ngác ngác như chim chích lạc vào rừng đại ngàn. Xuống xe, người ta đi, thì mình cũng cứ bước phứa đi, cho ra cái vẻ ta đây là người thành thạo. Chứ nào đã biết là phải đi đến đâu để giải quyết ngay sự đòi hỏi cấp bách của hai cái dạ dầy lép kẹp của mình! Nếu đến nhà anh tôi ngay, thì anh lại sống độc thân, ăn tại bếp ăn tập thể.
Đi một quãng rồi tôi mới nhớ ra cái nơi mà đã có lần mình đến ăn cơm là khách sạn “Phú Gia”. Đúng rồi! Phú gia là nhà giầu. Một cái tên rất lạ, rất trái khoáy và rất ngược đời. Vì, trong lúc cả nước ai cũng tin, cũng tưởng rằng nhà giầu là kẻ xấu, vì áp bức bóc lột. Thế mà ở giữa thủ đô một nước Xã hội chủ nghĩa lại vẫn ngang nhiên tồn tại một cái biển hiệu cực lớn, với hai từ đúc nổi: “PHÚ GIA”! Khách sạn đang giờ ăn chiều, người chen chân nhau, đông như chợ tết. Tiếng nói cười, chào hỏi, gọi. Tiếng kéo ghế xê bàn. Tiếng giầy dép, bát đĩa, cốc chén va chạm nhau cứ bộn lên ầm ầm không dứt. Tìm mãi mới được hai cái ghế. Anh Lân bảo tôi: “Anh ngồi đây giữ chỗ, để tôi đi mua cơm”. Trước hôm đi, vợ tôi đã đem sổ gạo đến Cửa hàng lương thực đổi cho tôi mấy cái tem gạo. Tôi đưa cho anh cái tem sáu lạng. Anh bảo: “Tôi có đây rồi!”.
Tôi ngồi lau mồ hôi và nhìn như dán mắt vào dòng nggười xếp hàng đôi, dài dằng dặc như rồng như rắn. Chốc chốc lại đếm xem còn bao nhiêu người nữa thì đến anh Lân. Năm mươi ba đôi. Năm mươi hai đôi. Năm mươi mốt…Và nhìn những gương mặt rạng rỡ, tươi tỉnh sau khi họ trả tiền, trả tem và được cầm phiếu sang cửa bên kia trả phiếu và nhận hàng. Năm mươi đôi. Bốn mươi chín. Bốn mươi tám…
Trới sắp tối rồi. Khách vẫn ào ào kéo đến xếp hàng. Phía sau anh Lân bây giờ đã nối dài ra đến mấy chục cặp nữa. Nhưng rồi ở cửa thu tiền bỗng nhiên người ta cùng “ồ…” lên một tiếng. Mọi người nhao lên. Người nọ hỏi người kia: “Hết cơm rồi à?”. “Cả phở, cả cháo cũng hết à?”…Anh Lân trở lại bàn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt tái đi, bơ phờ buồn bã như một thí sinh vừa hỏng thi vậy. Là người có chất giọng trầm, giờ đây nghe tiếng anh khản đặc như người bị cảm hàn: “Hết tất. chảng còn gì ăn cả!”
Dời khách sạn Phú Gia, chúng tôi vừa bước ra ngoài đường thì thành phố lên đèn. Thế là vừa tròn một ngày hai đứa chẳng được ăn uống gì, ngoài bát chè chìm. Cái thứ người ta chỉ ăn chơi ăn bời, để giải nhiệt, chứ đâu phải là để thay cơm. Tục ngữ bảo: ”Có thực mới vực được đạo”. Và cụ Nguyễn Du cũng bảo: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Quả là chí lý. Trong con mắt của hai kẻ lãng du đói khát lúc ấy, thì “Thủ đô ngàn năm hoa lệ” cũng chẳng là cái gì. Thậm chí chúng tôi còn cảm thấy ghét cái thành phố mà mình đã từng yêu quý ấy, và ghét luôn cả những kẻ no nê đang cười nói ở trước mặt mình kia!
Từ ngày anh tôi được cơ quan phân cho gian nhà ở phố 332, tôi cũng chưa có dịp lên thăm. Nên bây giờ vừa đi vừa phải hỏi đường, đồng thời cũng vừa lia mắt quét dọc hai bên phố, xem có chỗ nào bán cài gì ăn không. Chẳng kiếm được cơm được cá, thì củ khoai, củ sắn, cái ngô cái bắp gì cũng được, cốt sao no bụng thì thôi. Nhưng nhìn đến mỏi cả mắt cũng chẳng thấy gì, mà còn bị một phen vừa buồn cười, vừa xấu hổ nữa chứ! Thấy trước cửa nhà người ta có bếp lửa và cái nồi to như cái thùng phi đang bốc hơi ngún ngụt, hai cái bụng đói liền nghĩ ngay đó là nồi nước dùng đang sôi, váng mỡ đầy những ngôi sao vàng hươm, béo ngậy, thơm lừng. Hai đứa bèn xông đến hỏi. Ê!… Hê!… Hoá ra là người ta bán nước lã đun sôi! Ngày ấy, Hà Nội có rất nhiều nhà bán nước lã đun sôi. Vì mặt hàng đó không bị cấm.
Ró hão huyền! Công tác cải tạo nền kinh tế đã hoàn tất từ lâu rồi. Bây giờ làm gì còn có hiệu phở tư nữa mà mơ! Tuy vậy, nhưng chúng tôi cũng chưa mất hết hy vọng. Vì nghĩ rằng chiếc lá có mặt trên mặt dưới, cái áo mình đang mặc đây cũng có mặt trong mặt ngoài, hay tảng băng trôi cũng có phần nổi phần chìm. Và chúng tôi còn một chút hy vọng là ở chính cái phần chìm ấy. Cho nên phải cố lên! Đi nhanh lên đến phố 332, ở đâu đó trong cái thành phố mênh mông này, gặp anh tôi. Là dân sở tại, chắc anh biết cái phần chìm của tảng băng ấy ở chỗ nào?...
Mãi gần chín giờ tối chúng tôi mới đến nơi. Nhà văn cởi trần mặc quần đùi, đang ngồi bên bàn viết. Nghe bọn tôi thuật chuyện đi đường, anh rất áy náy, ái ngại nói: “Nhà cũng có dụng cụ làm bếp. Những ngày nghỉ, có khách, tôi cũng hay tổ chức “ăn tươi”. Nhưng hôm nay nhà hết cả gạo cả củi. Để tôi dẫn hai chú ra phố xem có kiếm được cái gì không”. Rồi không kịp pha nước, anh mặc quần áo dẫn chúng tôi đi.
Từ lúc gặp người nhà, chúng tôi như kẻ sắp chết đuối vớ được cọc. Người như tỉnh ra, chân bước đi có phần vững chãi hơn trước. Ba anh em đi, thấy nhà nào cửa hé mở, có người ra vào là xông ngay đến hỏi. Nhưng rồi đi đến cuồng cả chân, hỏi đến mỏi cả miệng, hết phố này sang phố khác, hết phố ngang sang phố dọc, hết phố trong lại vòng ra phố ngoài, hỏi chỗ nào cũng chỉ nhận được những cái nhìn đầy ngờ vực, và những cái lắc đầu thò ơ lạnh lẽo!
- Thôi! Chẳng hy vọng gì đâu, về thôi anh ạ! Tôi vừa thốt lên như vậy, thì cũng là lúc anh tôi trỏ vào ô cửa còn sáng đèn ở dẫy phố bên kia, bảo: “Thử sang bên ấy xem sao”. Trong nhà là một bà trung niên, đeo kính trắng, ngồi bên chiêc máy khâu cũ kỹ, đang “pích kê” đầu gối một cái quần rách (đặt mụn vá vào trong chỗ rách rôi máy đè lên mặt ngoài nhiều đường chỉ ngang dọc). Những năm ấy, để kiếm thêm tiền, nhiều gia đình cán bộ, công nhân viên chức đã nhận vá quần áo thuê. Tuy cũng là một kiểu làm ăn cá thể, nhưng không bị cấm, cho nên Hà Nội có rất nhiều nhà treo mảnh bìa, hay viết luôn vào cánh cửa mấy chữ: “Nhận vá quần áo”. Chiếc bàn ở bên cạnh bà kính trắng có ba quả chuối tiêu chín (chuối tiêu là mặt hàng được tự do lưu thông mua bán). Đây là loại chuối còi, quả nhò và ngắn chỉ bằng ngón chân cái. Nhưng với hai cái dạ dầy đang lép kẹp của chúng tôi thì cũng rất đáng quý, không thể bỏ qua được. Mua được chuối rồi, chắc thấy có hy vọng nên anh tôi liền hỏi: “Bà còn gì bán nữa không?”. Bà ta liếc anh tôi một cái rất nhanh, lắc đầu, rồi quay lại bàn máy khâu. Chúng tôi đoán chắc trong nhà bà còn chõ xôi hay rổ khoai luộc đang bán dở. Nhưng sợ chúng tôi là công an, hay cán bộ quản lý thị trường, nên bà ta lắc đầu. Vì đó là hàng lậu, hàng chui, người ta chỉ bán giấm bán dúi cho khách quen. Mình lạ chẳng làm sao mua được!
Trên đường về, hai đứa vừa di vừa xơi ngấu nghiến ba quả chuối còi ấy. Chỉ như voi uống thuốc gió, chả thấm tháp gì. Về đến nhà, anh tôi liền đem sổ hộ khẩu đi trình báo khách tạm trú. Rửa ráy xong, tôi tráng ám pha trà. Nước sôi một hào một phích, anh mua sẵn rồi. Chè vẫn còn đầy hộp. Loại chè cám ba hào một gói năm mươi gram, bán tự do. Chè ngon loại một, loại hai bán phân phối phải có tem hoặc giấy giới thiệu của cơ quan Thương nghiệp mới mua được. Uống nước, chuyện trò một lúc thì mười hai giờ đêm, phải đi ngủ.
Đây là một gian của ngôi nhà ba gian, được xây tường ngăn với hai gian bên kia. Gian này, rộng khoảng hơn hai mươi mét vuông, được phân phối cho hai hộ. Hộ nhà văn độc thân được phần nhỏ hơn, khoảng sáu bẩy mét vuông. Hộ kia là một cặp vợ chồng son, được phần lớn còn lại. Ngăn giữa hai hộ là một tấm cót tre rất mỏng. Chúng tôi phải xê bàn, chồng ghế, loay hoay mãi mới có chỗ để rái cái chiếu một, và mắc cái màn cá nhân, mà đêm hôm qua tôi đã nằm ỏ nhà anh Lân. Hai đứa tuy không cao to vật vã, nhưng đứa nào cũng khoảng trên năm, dưới sáu mươi cân. Vậy là hơn một tạ…người, mà phải chui vào một cái màn cá nhân, rộng chỉ có tám mươi phân. Hai đứa phải nằm úp thìa. Trời nóng như nung. Mồ hôi cứ túa ra. Nhà không có quạt điện. Vì sản phẩm đó nhà văn không thuộc diện được phân phối. Hai đứa chỉ có mỗi cái quạt giấy nhỏ như bàn tay ếch, vừa quạt vừa đập muỗi. (Tất nhiên là không dám đập mạnh, vì sợ mất giấc ngủ của nhà văn và cặp vợ chồng ở bên kia tấm cót). Mà muỗi ở thủ đô mới khiếp làm sao! Chúng không kêu váng lên như muỗi ở nhà quê, nhưng hình như muỗi ở thủ đô con nào cũng có “sừng”, có “mỏ” cả. Cho nên mỗi cú chích của chúng, lại làm cho hai đứa giật nẩy mình lên, vừa đau vừa ngứa, tịt nổi lên phải to bằng đồng xu, xoa, gãi mãi không tan. Đêm hôm ấy chúng tôi phải thức suốt đêm để “chiến đấu” chống lại cùng một lúc cả hai mũi giáp công. Mũi ở trong dạ dầy đánh ra, và mũi ở cả trong và ngoài màn chích vào!
Sáng hôm sau, khách dây sớm thì đã hẳn rồi, vì có ngủ được đâu. Nhưng cả anh tôi cũng dậy rất sớm. Đánh răng rửa mặt xong, ngồi uống nước anh tôi bảo: “Hôm nay chủ nhật, ăn sáng xong, anh em ta đi chợ mua con gà hay cái gì đó, về làm một bữa “cải thiên” cho vui”.
Ba anh em đến cửa hàng ăn uống Vân Hồ. Tưởng chỉ có mình đói. đi sớm. Hoá ra người ta đã xếp hàng đông nghịt từ bao giờ rồi. Anh Lân lại hăng hái nhận cái phần vất vả, đứng xếp hàng. Khoảng nửa tiếng sau anh Lân mới ra, mặt đỏ gay, trán đẫm mồ hôi, tay cầm phiếu tươi cười, bảo: “Chỉ có cháo lòng, tôi mua luôn mỗi anh em hai bát”. Sáu bát tô cháo đầy, bốc hơi ngún ngụt. Mùi thơm của hành hoa và mỡ lợn chín bay lên ngào ngạt, khiến miệng tôi chẩy nước miếng. Cả đời tôi, có lẽ cũng chưa bao giờ được ăn món gì ngon đến thế! Các cụ ngày xưa bảo: “Công nợ giả dần, cháo nóng húp quanh”. Quả nhiên không sai. Hai đứa đói ngấu, nhưng cũng không ăn nhanh được. Vả chăng, cũng nên ăn từ từ để thức ăn có đủ thời gian ngấm vào chân răng và miệng lưỡi, thì mới thưởng thức được hết cái vị ngọt bùi, thơm béo của nó chứ!
Anh tôi bảo: “Ỏ đây cũng có hôm có phở bán. Nhưng dù phở hay cháo, thì cũng chỉ một lúc là hết. Vì lương thực, thực phẩm họ cũng chỉ được phân phối một số lượng nhất định nào đó thôi. Bán hết thì nghỉ, chứ không có hàng để bán cả ngày”. À, thì ra là thế! Hú vía! Nếu sáng hôm ấy chúng tôi chậm chân một chút thi…
Đang ăn, bất chợt tôi trông thấy vai áo anh Lân rách một chỗ khoảng ba bốn phân, từ cầu vai xuống phía khuỷu tay. Khi tay để xuôi thì chỗ rách vẫn khép lại. Nhưng lúc cử động, tay giơ lên, thì chỗ rách lại mở ra, trông giông giống như một nụ cười. Là nhà giáo, quen ăn mặc tề chỉnh, giờ thấy áo mình bị rách, anh cười có vẻ ngường ngượng, bảo: “Sợ lại hết như hôm qua, nên mình cũng phải chen, phải hích nên áo mới rách”. Để anh khỏi ngượng, tôi nói gạt đi: “Cái gì mới mà rồi chẳng cũ. Về thay cái khác, rồi đem cái này đi vá. “Khéo vá còn hơn vụng may” cơ mà. Và người ta còn bảo: “Khéo vá vai, tài vá nách”. Mà nhân tài ở thủ đô thì chẳng thiếu gì. Thời nào cũng sẵn./
Uông Bí, tháng 6 năm 2007
Tạ Hữu Đỉnh