Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Em lo lắm, các bác ơi!

Bùi hoàng Tám
Thứ bẩy ngày 27 tháng 9 năm 2014 7:09 PM


Minh họa: Ngọc Diệp
Có điều, mong rằng các bác đừng lương cao chót vót mà để nhân viên của mình hưởng lương “chết đói”, doanh nghiệp mình trong báo cáo thì “hoành tá tràng” nhưng đến khi vỡ lở, lại để lại món nợ cho nước, cho dân hàng trăm tỉ, ngàn tỉ… hay hàng tỉ USD.

Bộ Công thương lần đầu tiên công bố bảng thống kê mức lương của 120 lãnh đạo thuộc 11 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc bộ này trong năm 2013.

Đây là một việc làm rất đáng khen ngợi bởi lần đầu tiên, “cánh cửa tiền lương”, một lĩnh vực được coi là “bí mật” đã được hé mở với công chúng. Đặc biệt là đối với các “ông lớn” như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV), Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Dệt may (Vinatex), Tổng công ty Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex), Tổng Công ty Giấy, Tổng Công ty thuốc lá (Vinataba)....

Theo thông báo từ bộ Công thương, người có mức lương cao nhất không phải là những VIP thuộc các tập đoàn độc quyền hay khai thác tài nguyên khoáng sản mà lại thuộc về ông Đỗ Ngọc Khải - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex) với 74,72 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, lãnh đạo tại EVN và PVN có mức lương trên 60 triệu đồng/tháng.
Lãnh đạo tại các Tập đoàn, Tổng công ty còn lại có mức lương từ 38 - 57 triệu đồng/tháng. 
Nhìn vào bảng lương, có lẽ lương của các vị lãnh đạo các Tập đoàn lớn mà cao nhất mới có khoảng 3.500 USD không phải là cao, thậm chí thấp so với lương của không ít doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Mới sáng hôm qua (26/9), một người bạn là giám đốc nho nhỏ của một hãng nước ngoài “rỉ tai” lương của chị khoảng 5.000USD/tháng, tức là gấp 1.5 lần vị Chủ tịch kiêm TGĐ có mức lương cao nhất mà Bộ Công thương công bố.
Thế nhưng nếu nhìn đời sống, có lẽ không khó để khẳng định người có lương cao không phải là người có đời sống cao. 
Vì sao vậy?
Té ra là theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long trên Vietnam Net ngày 25/9, bài “Các tập đoàn phải khai cả thu nhập ngoài lương của lãnh đạo” thì Bộ Công Thương mới chỉ công bố “phần nổi” trong thu nhập hàng tháng của lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty thôi, còn “phần chìm” thì chưa (hoặc không?) thấy công bố.
“Thực ra đây chỉ là phần nổi. Điều quan trọng phải thấy được phần thu nhập chìm của các lãnh đạo. Cần có cơ quan chức năng như thuế, kiểm toán vào để kiểm tra”, ông Long nói.
Cũng trong bài báo trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh kiến nghị: “… công bố lương chỉ là phần nổi. Cần tiếp tục công khai cả thu nhập ngoài lương”,
Xin nói trước về “phần nổi”, có lẽ khó có thể nói thế nào là mức cao – thấp. Nếu làm ăn tốt, doanh nghiệp phát triển và lợi nhuận cao, thu nhập nhân viên tốt… thì lương vài ngàn USD/tháng là thấp, rất thấp.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả thì mức lương đó lại cao, quá cao. 
Rồi còn so sánh mức lương bình quân toàn doanh nghiệp. Nếu mức thu nhập của một người lao động bình thường cao, lương sếp rất cao thì rất OK. Song, nếu nhân viên hưởng đồng lương “bèo bọt” mà lương sếp lại cao chót vót thì lại là sự nhẫn tâm…
Điều đáng nói còn nằm ở chỗ mà các chuyên gia kinh tế nêu ở trên, đó là “phần chìm”. 
Không ai biết cái “phần chìm” nó là bao nhiêu bởi đơn giản, nó là… phần chìm, là cái phần bí mật.
Nếu theo “kinh nghiệm” dân gian, “ba phần nổi, bảy phần chìm” thì cái mức lương vài ba chục triệu đồng/tháng cũng chỉ chiếm… 30% thôi, 70% còn lại là phần “chìm”.
Về cá nhân, mình thiết tha mong muốn các lãnh đạo lương cao, cao nữa, cao mãi bởi làm lãnh đạo mà nghèo thì nhân viên không đói mới là sự lạ.
Có điều, em chỉ lo rằng các bác lương cao chót vót mà để nhân viên của mình hưởng lương “chết đói”, doanh nghiệp mình trong báo cáo thì “hoành tá tràng” nhưng đến khi vỡ lở, lại để lại món nợ cho nước, cho dân hàng trăm tỉ, ngàn tỉ… hay hàng tỉ USD.
Làm ăn minh bạch, đối xử với nhân viên thỏa đáng thì tại sao lại không mong các bác lương cao chất ngất, phải không các bạn?