Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tuổi già mong manh

Bích Nga
Thứ ba ngày 30 tháng 9 năm 2014 2:58 PM
KỈ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI (1-10)

Khi người ta trẻ, biết bao mơ ước, thậm chí mơ bay vào vũ trụ cũng có khả năng được đáp ứng nếu có tiền và sức khỏe.

       Nhưng khi cao tuổi, nhất là lúc phải nhờ người khác chăm sóc, thì ước mơ giản dị nhất cũng khó thực hiện, ví như được con cháu kế bên chăm sóc chẳng hạn, hoặc được chúng hỏi han, quan tâm khi mình cần...Những mong ước ấy nhiều khi là những giấc mơ có tính xa xỉ. Không phải vì con cháu bất hiếu, mà vì rất nhiều lý do chúng không thể chăm sóc thường xuyên được. Hãy thông cảm cho chúng, nhưng xót xa lắm thay khi mọi sự trở nên thái quá.

       Ở Việt Nam ta, những tấm gương con cháu chăm sóc cha mẹ già vẫn cứ ngời sáng ở nhiều gia đình có truyền thống yêu thương. Cho dù báo chí có đưa tin nhiều đứa con bất hiếu đánh giết cả cha, mẹ để giành của cải, tiền...thìphần lớn người già Việt Namvẫn có con cháu là người hiếu nghĩa.

       Người già ở đâu cũng có nỗi buồn riêng, ngay những nước giàu có như nước Mỹ, nước Úc, nước Nhật...nỗi đau tinh thần của người giàcũng vẫn đong đầy. Vấn đề vật chất không phải là vấn nạn ở những nước phát triển, vì quỹ phúc lợi xã hội của họ khá tốt để lo cho cuộc sống của người già, tất nhiên phải là người già mang quốc tịch nước họ, còn kiều dân thì, phải tự lo lấy. Điều mà một số người già ở những nước này buồn đau, đắng lòng là sự thiếu quan tâm của con cháu. Những nước nghèo nỗi buồn được nhân lên bởi thiếu thốn cả về về vật chất lẫn tinh thần.

       Nhà báo Nguyên Thảocó một bài viết “ Một ngày ở nursing home”kể về ấn tượng bà đi thăm mẹ chồng ở nursing home ( viện dưỡng lão)ở Mỹ. Theo nhà báo, luật pháp Mỹ không cho người già yếu và trẻ em ở nhà một mình. Ở Mỹ thuê người giúp việc rất khó hoặc rất đắt đỏ. Con người ở đây chịu rất nhiều áp lực về công việc làm ăn, tiền bạc. Vì thế người già thường ở nhà dưỡng lão để con cháu rảnh rang làm việc. Nhà dưỡng lãoở Mỹ chăm sóc người già chu đáo, chỉ cần một cái nhấn chuông là có bác sĩ, y tá, điều dưỡng sẵn sàng đáp ứng, giải quyết điều mình yêu cầu. Nhà dưỡng lão giúp người già cải thiện, bù đắp những thiếu sót về vật chất mà con cái không thể hoàn thiện được. Bác sĩ, y tá, thức ăn, thuốc men giúp họ hết đau đớn về thể xác...Tất cả những thứ đó không giải quyết, chữa trị được những đau đớn về tinh thần,những khắc khoải, khát khao yêu thương của người đang gần đất, xa trời. Tình yêu thương, đó là thứ thuốc linh nghiệm, hiệu quả nhất mà người già tìm kiếm.

Tác giả kể, một bà mẹ Mỹ nhìn thấy bà mẹ Việt Nam ( mẹ chồng của tác giả bài viết) được con cái chăm sóc tận tình như,  xúc cơm cho mẹ ăn trong nhiều ngày, bà đã khóc, lần nào nhìn thấy cảnhấy là bà khóc, đến nỗi các con của bà mẹ Việt Nam tránh tiếp xúc trực tiếpbà mẹ Mỹ khi chăm mẹ ăn.  Hỏi y tá chăm sócmới biết hoàn cảnh của bà mẹ Mỹ, con cái bà hầu như lãng quên mẹ, không đến thăm, không chăm sóc, mọi việc đều do y tá, điều dưỡng…đảm nhận. 

Trong một bài viết khác của tác giả Huy Phương đăng ở báo Úc có nói về tình cảnh một số người già Việt ở Mỹ như sau:

-“Tôi đã khóc, khóc cho chính mình và khóc cho ai trong tuổi già ở xứ này.Ở Froridda có một bà Việt Nam ở riêng, mỗi tuần có cậu con trai mang đồ ăn tới. Hôm đó cậu ta kêu cửa, nhưng không thấy mẹ ra mở. Cậu ta tưởng bà mẹ đi vắng bèn treo gói đồ ăn vào hàng rào cổng. Mấy ngày sau trở lại, thấy gói đồ ăn vẫn còn mới phá cửa ra, bà mẹ đã chết”.

Khi mẹ cha già yếu, lú lẫn con cái thường đưa họ đến Nursing home và ít khi lui tới thăm viếng, có người mẹ ở đó 6 năm con cái không lui tới lần thứ 2, các cô y tá kể lại. Con cháu bận quá, hoặc họ nghĩ, mẹ lú lẫn rồi nên chẳng còn cảm xúc nên có đến thăm cũng như không .

Tác giả xót xa số phận của người già ở ngay nước Mỹ, và có so sánh như sau:

-“Trong xã hội văn minh này, một đứa trẻ bỏ học, đi lang thang ngoài đường hay bị đối xử tàn tệ, cha mẹ có thể ra tòa và mất quyền nuôi dưỡng, còn những cụ già vô gia cư, đói khát bị bỏ bên lề đường, không ai có trách nhiệm và chẳng có ai phải ra tòa.

Điều đáng nói là các cụ già cũng như những đứa trẻ, đều yếu đuối , không có khả năng tự bảo vệ và rất dễ xúc động, buồn vui. Trong một xã hội đáng gọi là văn minh, các trẻ em và người cao niên đều được che chở, bảo vệ và săn sóc chu đáo. Các cụ có các cơ quan xã hội lo thuốc men, thực phẩm nhưng với nỗi cô đơn, phiền muộn ai là người lo cho các cụ, trong khi những đứa trẻ có người an ủi, vỗ về và nói với nó những lời dịu ngọt.

Ngân khoản của Liên bang cấp có đến 90% dành cho việc ngăn ngừa lạm dụng trẻ con, 7% để ngăn ngừa bạo hành trong gia đình nhưng chỉ có 2% sử dụng trong việc ngăn ngừa ngược đãi người già. Không biết có bao nhiêu đạo luật và ngân khoản dành cho việc ngược đãi súc vật?

Cứ vào “ Pet- Abuse.com” chúng ta sẽ tìm thấy hàng nghìn trường hợp công dân Mỹ, già và trẻ đàn ông lẫn đàn bà bị tù tội, phạt tiền vì bạc đãi, bỏ đói, đánh đập hoặc giết chết những con vật thân yêu trong nhà. Bỏ quên một bà mẹ già trong nhà dưỡng lão nhiều năm có phải là một trường hợp ngược đãi không? Chẳng lẽ là không? Vì nếu có, luật pháp đã bắt những đứa con phải phạt vạ hay vào nhà tù”.

Ở các nước văn minh, luật pháp qui định rất cụ thể nhưng vẫn có những bất cập như tác giả Huy Phương đã nêu.

Úc là một trong mười quốc gia có quỹ phúc lợi xã hội rất cao, đời sống của người về hưu và người già khá tốt.Sức khỏe người cao tuổi được chăm sóc chu đáo nên người già ở Úc rất vui vẻ, khỏe mạnh. Úc khuyến khích con cháu chăm sóc ông bà, cha mẹ. Con cháu( hoặc người ở với người già để chăm sóc), không đi làm để chăm bố, mẹ sẽ được hưởng lương bằng số lương của người già được hưởng. Khi bố mẹ bệnh nặng thì đưa vào bệnh viện, con không được hưởng lương nữa nhưng tất cả chi phí, thuốc men, ăn uống, chăm sóc đều do bệnh viện đảm nhận, nhiều khi chi phí gấp 2, 3 lần trợ cấp các cụ được hưởng.

Người trên 60 tuổi ở Úc đi xe bus, đi khám bệnh, tham quan, giải trí, thể thao, thể dục…đều có chi phí rất thấp, chẳng hạn đi bơi nước nóng 1 tháng chỉ mua vé giá 31AUD ( khoảng 20 000VND một ngày).

Người già ở đây thường chọn nhà dưỡng lão tư nhân từ lúc còn khỏe, có thể mua căn hộ riêng để hai ông bà, hoặc một người sống tại đây. Họ sẽ được chăm sóc 24/24 giờ.Khi mất đi, nhà dưỡng lão sẽ hưởng 20% giá trị ngôi nhà, còn lại con cháu được hưởng.

Ở Úc, mỗi bang đều có một tổ chức chống ngược đãi, hành hạ và bóc lột người già, quảng bá quyền của tất cả những người già để họ được sống thoải mái, không bị hành hạ. Nhân quyền của người già là “người già có quyền sống độc lập, có quyền tham gia, được chăm sóc, được sống một mình, được thỏa mãn và có nhân phẩm” , đường dây giúp đỡ họ là 1300 651 192 và trang Web www.eapu.com.au (ở bang Queensland)…Như vậy là, ở đây, hiện tượng người già bị ngược đãi vẫn có, nhưng người già ít đề cập tới bởi nhiều lý do nên tổ chức chống ngược đãi người già lập đường dây nóng để giúp đỡ người già.

Ở Việt Nam, theo Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, tuổi của nhóm dân số trên 60 rất cao, ngày càng tăng, chủ yếu là nông dân và những người làm nông nghiệp, trên 70% người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu, 72,3% sống cùng con cháu trong gia đình đang chuyển từ truyền thống sang hạt nhân ( hai thế hệ). Theo GS, TS Phạm Thắng, bệnh viện Lão khoa Trung ương, chi phí y tế cho người già cao gấp 7- 10 lần người trẻ, người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc. Chăm sóc người già chủ yếu ở gia đình hoặc thuê người chăm sóc, những người chăm sóc chưa được đào tạo nên rất phiền toái cho các cụ. Gánh nặng cha mẹ già nhiều khi tác động mạnh đến lớp trẻ khiến họ rất khó khăn, lúng túng thu xếp cả về kinh tế lẫn thời gian. Các nhà dưỡng lão ở Việt Nam chưa có đủ hoặc chưa chuyên nghiệp hóa chăm sóc người già nên các cụ chưa tin tưởng, thậm chí còn lo lắng vào đó sẽ bị con cháu bỏ rơi.Những cụ không có con cái hoặc không có con trai để sống cùng khi tuổi già , ốm đau, bệnh tật cũng rất băn khoăn, trăn trở. Tâm lý “ một mẹ nuôi được mười con, mười con không nuôi nổi mẹ”đang đè nặng lên người già, nhất là các bà mẹ già, thường là chồng chết trước nên phải lụy đến con.Trên 50% người già ở Việt Nam ốm đau thường xuyên.Thu nhập của người dân chưa cao, đồng lương hưu không đủ chi phí, nhiều người già sống thiếu thốn, đạm bạc. Nhưng nỗi buồn nhất của người già vẫn là sự cô đơn, thiếu tình của con cháu.

 

Ngày nay Khoa học kỹ thuật tiến bộ không ngừng. Người ta đã chế tạo ra nhiều thứ, kể cả người máy, nhưng có một thứ họ không chế tạo được là trái tim nhân hậu của con người  và sự yêu thương.Con người vẫn ăn, ngủ,làm việc, theo đà tiến hóa,  và hình như vô cảm hơn trước đồng loại, kể cả người thân của mình. Những người già bị đối xử và ngược đãi vẫn xảy ra ở nhiều nước, nhất là những nước đói nghèo .

Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và làm giàu của con người, ngay ở những nước phát triển, nếu không biết dừng lại đúng lúc, cứ lao vàosinh tử vì tiền, con người sẽ nô lệ suốt cho đời sống vật chất, không hề biết hạnh phúc đích thực là gì. Quên bản thân, quên cha mẹ, quên quyến thuộc, quên luôn cả tử thần đang rình rập, chờ đợi, bất cứ lúc nào cũng có thể cướp đi sinh mạng của chính mình- Con người- trong cuộc sống gấp gáp, với những nỗi bất an của xã hội hiện đại. Và rồi, ai cũng sẽ tiến đến tuổi già.Khi không còn sự yêu thương và sự chia sẻ giữa những con người thì cuộc sống của con người, cuộc sống của người già đâu còn có ý nghĩa. Bởi thế, con người, hãy cố duy trì lòng nhân ái và sự yêu thương để thực sự là CON NGƯỜI, để tuổi già đỡ cay đắng, mong manh./.