Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Học trò Xuân Đỉnh

Đường Văn
Thứ hai ngày 22 tháng 9 năm 2014 7:12 PM
  

(Tản văn – Hồi ức)

 

Để kỷ niệm 50 năm

ngày ra trường

 (1966 – 2016)

 

Nhớ thời áo trắng,

Ngây thơ, nhiễu phiền,

 Ngợi khen, la mắng…

Năm tháng thần tiên!

Nhì ma, nhất quỷ!

Học trò thứ ba!

 

ĐƯỜNG VĂN

 

 

      Bài tản văn – hồi ức hơi bị dềnh dang một cách chủ ý này, tôi dự định, trước hết, sẽ dành để:

-                 Tặng các bạn đồng môn của tôi từng học ở trường cấp 3 (THPT) Xuân Đỉnh (tên dân dã là trường Cáo) khóa 1963 – 1966, nhân dịp kỷ niệm tròn 50 năm ra trường (1966 – 2016) như một hoài niệm nhỏ ấm lòng;

-                  Kế đó, kính tặng các thầy cô giáo – những ân sư - đã từng giảng dạy, giáo dục chúng tôi trong những năm chiến tranh chống Mỹ gian nan, hào hùng ấy, với niềm kính trọng và biết ơn sâu nặng;

-                 Kính tặng ngôi trường ngoại thành Hà Nội thân yêu giữa cánh đồng quê và những mảnh vườn hồng xiêm xanh mướt, với bồng bềnh câu lục bát truyền ngôn một thuở, theo thời gian, cơ hồ đã thành sáo ngữ ngọt ngào:

Dù đi muôn nẻo xa xôi,

Nhớ về Xuân Đỉnh, ấm nôi mẹ hiền!

         -       Và cuối cùng, quý yêu, kỳ vọng dành tặng thế hệ thầy – trò Xuân Đỉnh hôm nay, những lớp đàn em, con cháu chúng tôi, đã và đang chung tay đưa con tàu giáo dục Xuân Đỉnh rẽ sóng vươn khơi tới những bờ bến mới trong nửa đầu thế kỷ 21.

 

                                                              1

 

Những ngày cuối hè năm 1963, sau khi thi tốt nghiệp cấp 2 (THCS, từ lớp 5 – 7, tương đương từ lớp 6 – 9 ngày nay), tại trường cấp 2 Đức Thắng (Đông Ngạc), chúng tôi chợt cảm thấy cái không gian rợp bóng hoàng lan, sấu, phượng, tại chân đê hữu Hồng, làng Vẽ (Đông Ngạc) bây giờ quá chật chội, tù túng. Một số anh, chị lớn tuổi đã nhanh chóng quyết định rẽ ngang: người xin đi làm công nhân nhà máy Bê tông đúc sẵn Trèm, người nhập ngũ, người quay về làm anh xã viên HTXNN tại quê làng… Mấy chị, mấy bạn xinh xinh thi vào trường SP sơ cấp, trung cấp Hà Nội, học nghề giáo viên cấp 1… Còn đa số bọn choai choai 14, 15 chúng tôi thì chỉ 1 con đường thi tuyển vào trường cấp 3 Xuân Đỉnh. Vượt khỏi lũy tre làng, trường làng, nay đã thành nhỏ bé, để vươn tới, học tại một trong những ngôi trường cấp 3 khang trang, hiện đại nhất của huyện Từ Liêm và các trường cấp 3 của ngoại thành Hà Nội. Mơ ước đó đã là lẽ sống, niềm vui, nỗi trăn trở duy nhất của chúng tôi trong thời gian ấy. Bởi thế, chúng tôi chia tay với trường Vẽ 1 cách nhẹ nhàng, hầu như chẳng đứa nào thấy lưu luyến, bịn rịn gì. Bởi hầu như tất cả tâm trí chúng tôi đang hướng tới mái trường tươi roi rói ngói son (Tố Hữu) ở phiá cuối cánh đồng Cáo Đỉnh kia. Phải nhiều chục năm sau này, khi đã trở thành những trung niên, lão niên trải bao sự đời, trong những lần hội trường hiếm hoi, trở về thăm lại ngôi trường tuổi ấu thơ, thì tình cảm bồi hồi nhớ thương, buồn tiếc mới bắt đầu xuất hiện và lớn mạnh dần, da diết dần theo năm tháng chất chồng trên làn da, mái tóc… Có phải như thế, chúng tôi là lũ học trò sớm vô ơn, bạc nghĩa với trường xưa hay bởi quy luật tâm lý con người nói chung, là như vậy?!

Hồi ấy, tôi đã viết bài thơ tự do đầu tiên của mình: Xa Đức Thắng dài gần kín 3 trang giấy 5 hào 2, với những lời lẽ đao to búa lớn mà rỗng tuếch (bây giờ không còn nhớ nổi một câu nào!) đồng thời vĩnh biệt luôn mối tình đầu rất đỗi trẻ con với cô bé làng bên đã làm tôi mất ăn mất ngủ gần suốt năm học lớp 7, khi biết rõ em đã quyết đi học làm cô giáo và hình như trái tim đã hướng theo hình bóng 1 giáo viên cấp 2 tre trẻ, con nhà giàu ngoài phố. Buổi trưa cuối cùng, sau bữa liên hoan của lớp 7B, giữa trưa tháng sáu nắng rát, chếnh choáng vì mấy cốc bia Trúc Bạch, tôi cởi phăng cái khăn đỏ đút vào vội vào túi quần, mở 1 khuy áo ngực, nép mình vào dãy phố Vẽ, đủng đỉnh lần về nhà. Đầu bồng bềnh mà rỗng không, chỉ lởn vởn ý nghĩ duy nhất:

- Thế là xong! Là hết! là hết! … mà không hiểu xong, hết cái gì?

Theo quy chế tuyển sinh vào cấp 3 (THPT) năm ấy (1963), khối 7 (9), trường Đức Thắng chỉ có 1 HS được tuyển thẳng: đó là PQ, làng Vẽ. Học giỏi và học gạo số dách. Luôn 3 năm liền đạt danh hiệu HSG (A1), toàn 5 (theo thang điểm Liên Xô). Q thi tốt nghiệp cũng đạt kết quả rất cao. Tôi vừa khâm phục vừa ghen tỵ mỗi khi so sánh với sự học hành của mình. Còn lại, tất cả chúng tôi đều phải thi tuyển. Tôi không còn nhớ buổi thi vào lớp 8 (10) cấp 3 Xuân Đỉnh, tổ chức vào 1 ngày đầu tháng 8 – 1963 ấy diễn ra cụ thể như thế nào. Đầu bài Văn, Toán ra sao?... Chỉ mang máng là cũng không thấy khó lắm, nhưng cũng không có gì đặc biệt thú vị. Chỉ còn nhớ hình như sau đó tôi có làm 1 bài thơ thể 5 tiếng thuật - kể lại bằng văn vần: Bài thơ thi vào 8, mà trong đó có câu thơ ghi lại hình ảnh mùi hương hoa đại bên thành giếng cổ trước cổng trường cứ thoang thoảng, vấn vít trong suốt thời gian chúng tôi mê mải làm bài. Từ đó, mùi hương hoa đại vàng Xuân Đỉnh đã trở thành một trong những ấn tượng, ám ảnh lâu bền nhất trong trí nhớ tôi, mỗi khi nghĩ về, nhớ về cái thời là học trò trường Cáo.

Tôi thi tuyển xong, căn cứ vào đầu bài, tự tin rằng, chắc là đỗ thôi! Quả nhiên gần như 100% số HS lớp 7 trường Vẽ đều trúng tuyển vào lớp 8A, trường Xuân Đỉnh do thầy Đoàn KK, giáo viên Sử làm chủ nhiệm; thầy PHB, bộ đội chuyển ngành dạy Toán, thầy đồ Nghệ Phan BT dạy Văn, thầy Đỗ H hói dạy Địa, thầy Vũ ĐN mắt lim dim dạy Sinh, thầy Phạm T hắc sì dầu dạy Hóa, thầy B chân tươi chân héo dạy Vật lý, thầy bí thư chi bộ Dương K. cán bộ miền Nam tập kết dạy ngoại ngữ tiếng Nga và thầy TH mặt đỏ, nguyên là giáo viên cấp 1 Đức Thắng đi học ĐHTDTT dạy môn Thể dục. Đội ngũ các thầy cô giáo mới trường cấp 3 XĐ so với các thầy cô giáo cấp 2 trường Vẽ, trong con mắt học trò xét nét và ngưỡng mộ ngây thơ của chúng tôi, thật khác nhau một đẳng cấp. Trẻ trung hơn, phong phú hơn, tài hoa hơn!... Nhất là thầy giáo chủ nhiệm dạy Sử và thầy giáo dạy Văn, 2 môn xã hội học mà tôi rất say mê và học vào loại khá - giỏi từ năm lớp 7.

Thế là, từ mùa thu năm 1963 ấy, chúng tôi đã vinh dự trở thành học sinh trường phổ thông cấp 3 Xuân Đỉnh, một trong 2 ngôi trường cấp 3 tiêu biểu của huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội và các trường cấp 3 toàn miền Bắc XHCN.

 

2

 

Tôi trúng tuyển kỳ thi vào lớp 8 với kết quả cao. Đứng thứ nhì sau Lê T. (17 điểm) quê xứ Nghệ (50 năm qua, chúng tôi không biết tin tức gì của gã!?) Riêng môn Làm văn, tôi đạt điểm cao nhất: 9 điểm. Toán: 7. Cộng 16 điểm. Điểm chuẩn vào trường, đâu có 12 điểm. Lòng thầm tự hào: ra mình thi cũng chẳng đến nỗi nào!

Lớp 8A chúng tôi năm ấy có khoảng gần 50 đứa, được chia làm 4 tổ. Tổ 1, 2 gồm học sinh ở Đông Ngạc – Vẽ - Liên Ngạc – Bãi Hoa, tổ 3: gồm bọn ở Trèm – Thụy Phương – Liên Mạc, tổ 4: cư dân sở tại Xuân Đỉnh (Giàn – Cáo). Lớp 8B tập hợp học sinh các xã Nhật Tân, Xuân La, Phú Thượng, Bưởi… 8C gồm toàn bọn học trò 19 thôn, làng Noi, xã Cổ Nhuế.

Lớp trưởng được tập thể bầu là Nguyễn Hữu B – người làng Mạc (Liên Mạc). Gã hơn tôi độ 4, 5 tuổi. B. học thường nhưng tính tình vui vẻ, dễ dãi, hòa mình với bạn bè. Chỉ năm sau, hắn bỏ học, đi bộ đội, thành lái xe, rồi chuyển ngành, rồi phục viên, chuyển sang nghề mới hái ra tiền: nghề thầy cúng, viết sớ thuê. Ít năm gần đây, trong 3 ngày lễ hội Đình Trèm, lại thấy B ta áo the, khăn sếp, kéo nhị, gảy đàn súng sính, dẫn rượu đi giữa đội bát âm trong những cuộc rước nước, rước văn. Trong ngoài lục thập thì B không may thất ngẫu! (Vợ B vốn khỏe mạnh, xởi lởi. Vậy mà trời không cho thọ!). Vài năm sau, B tục huyền. Cô vợ mới người mãi đâu tận Phú Diễn, Minh Khai, trẻ hơn chồng cả chục tuổi, tính tình cũng nhanh nhẹn, vui vẻ, chiều chồng và hiếu khách, tỏ ra quý bạn chồng. Ấy là cảm nhận đầu tiên về cô vợ mới của B, của mấy đứa chúng tôi, những ĐV, Ng, H, KL, Kh, ChĐ, D… sau khi ăn cỗ cưới con trai đồng môn NVKh, nhận lời mời của cựu lớp trưởng 8A thuở nào, vào nhà hắn chơi, uống nước mát cho rã rượu. Hai vợ chồng hắn bây giờ ở riêng một nhà, bên cạnh là đất, nhà đã chia hết cho các con. Mỗi đứa một mảnh. Hai ông bà già tha hồ rảnh rang mà chăm sóc, tình tự bên nhau, ríu rít, ngọt ngào như đôi chim cu lão, tình tứ, duyên dáng đáo để! Trong câu chuyện hàn huyên, chúng tôi vẫn nghe tiếng cười khơ khơ, như là vô lo, vui vẻ, hào phóng của 1 U80 thi thoảng lại tự hào, liếc liếc sang bà xã mới đang sẽ sàng ngồi bên cạnh! Tôi quay sang HNG và CHĐ:

- Các ông thấy hạnh phúc cuối chiều nó êm ái thế nào chưa? Cứ đà này, ông cựu lớp trưởng của chúng ta có thể dễ dàng được hưởng cảnh cửu niên, bách niên giai lão ấy chứ?!

Nghe được câu pha trò, B quay lại cười cười, hai hàm răng của hắn vẫn hình như chưa khuyết cái nào, đều tăm tắp, sáng bóng lên trong cái cười rộng mở: - Cảm ơn các ông có lòng tốt! Thôi thì trời cho đến đâu, ta cứ hưởng đến đấy, phải không các bạn già của tôi? Hà hà!

Đúng vẫn là thằng B nửa thế kỷ trước! Thế gian biến đổi, bản tính khó rời!...

Đó là đôi nét phác lại chân dung cựu lớp trưởng đầu tiên ở trường cấp 3 Xuân Đỉnh: Nguyễn Hữu B. xưa và nay!

Lớp phó là Phạm Công, sinh năm 1946, người thôn Đông (Cáo), một thằng cán bộ khá đặc sắc, mà tôi sẽ trở lại kể kỹ ở những tiết sau.

Bí thư chi đoàn thanh niên là Phạm Minh, gái ngõ Đông, làng Vẽ. Xinh xắn, duyên dáng một cách nghiêm nghị, gần như bà cụ non. Chỉ một năm sau, hắn đã có chân trong BCH Đoàn Trường. Bạn học vừa nể vừa ngán ngại về cô cán bộ Đoàn gặp thời, với bọn thảo dân như chúng tôi, không khỏi có lúc tỏ ra xa cách, dè chừng…Ra trường, mụ làm tới Phó giám đốc một xí nghiệp in ấn gì đó của Hà Nội. Đảm đang, tháo vát. Yêu và lấy Đinh Q học sau 1 năm, kém 1, 2 tuổi gì đó. Vợ chồng hạnh phúc, con cái đề huề. Vậy mà, cho tới nay, tôi vẫn lấy làm khó hiểu, khi được biết Phạm Minh vẫn không phải là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh!? Bây giờ, trong những buổi họp lớp hằng năm, mụ đến khá đều, vui vẻ và nhũn nhặn, lại thêm chút hài hước, dí dỏm trong chuyện trò và cử chỉ với bạn bè thân mật, hồn nhiên, khác hắn chị cán bộ Đoàn đạo mạo, ưu tú năm xưa.

Thực ra, lớp chúng tôi là khóa thứ 4 của nhà trường Xuân Đỉnh trẻ trung này. Khóa đầu tiên (1959 – 1960), làng Trèm tôi đóng góp học sinh đẹp trai Nguyễn văn Ph., sau này trở thành GSTS. chuyên gia đầu ngành địa chất. Khóa 2 sinh ra anh hùng phi công Lê Thanh Đ. cũng người thôn Đông, Thụy Phương. Tuổi học sinh 2 khóa đầu tiên này cũng xấp xỉ tuổi mấy thầy cô giáo trẻ mới ra trường. Tôi nhớ mãi 1 buổi liên hoan văn nghệ mừng ngày 20 – 11- 1963 có tiết mục song ca nam của 2 thầy trò Lê T và Phạm Gia T (làng Vẽ) bài Quà tháng năm dâng Bác. Như hai anh em, hai người bạn sàn sàn bên nhau. Giọng trò trong như bạc rót đi bè cao với giọng thầy – nam trung ấm áp, làm bè đệm, sao mà hòa quyện lạ lùng!

Lũ học trò vắt mũi chưa sạch vừa rời các trường làng cấp 2, nhập tịch vào trường huyện, với bao niềm vui mới mẻ, ngỡ ngàng ngắm khuôn viên trường cấp 3 Xuân Đỉnh 4 tuổi (1959 – 1963), so với các trường cấp 2 Đức Thắng, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế, Nhật Tân, Tứ Liên…hiển nhiên, trong mắt chúng tôi, trẻ tráng, mênh mông, đầy sức sống hơn nhiều.

Trước tiên, đó là lối vào trường uốn cong 1 con đường đất mịn, hai bờ trồng tóc tiên mềm mướt, điểm xuyết hai hàng liễu rủ thướt tha. Lá liễu non tơ, xanh rờn, buông dài như mái tóc những thiếu nữ 15 xõa dài trong gió sớm chiều, khi thầy trò tới lớp thì mở ra, đi qua thì khép lại. Từ cổng trường nhìn vào, phiá tay phải là 1 cái ao vuông vuông, lao xao tiếng cá quẫy. Dãy nhà cấp 4 bờ bên kia là phòng Hội đồng giáo viên, Hiệu bộ nối liền với khu tập thể giáo viên. Đằng sau là một sân gạch nhỏ, một nhà ăn tập thể xinh xắn, gọn gàng, một giếng thơi mới đào bên cạnh cây dạ lan hương tỏa ngan ngát mỗi đêm trăng lóng lánh. Cái trống tang gỗ bịt da trâu treo đung đưa ngay đầu hồi phòng hội đồng, sáng sáng, trưa trưa, chiều chiều lại tuần tự gióng giả vang lên từng hồi vang ròn báo hiệu vào lớp hay hết tiết, hết buổi. Anh TR. công nhân viên chuyên làm việc quan trọng này gắn bó trọn vẹn suốt 3 năm khóa chúng tôi học hành và còn mấy khóa sau nữa.

Chúng tôi được ngồi học trong hai dãy nhà cấp 4 mới xây. Mái lợp ngói móc đỏ tươi, tường quét vôi vàng sáng, nền gạch cao tráo. Cửa sổ, cửa chớp, cửa kính, cửa ra vào rộng rãi, sơn một màu xanh lá mạ. Dãy nhà phía đông, tính lần lượt từ ngoài vào, gồm có các lớp 9B, 8A, 8B, 8C. Cách 1 sân cỏ rộng mênh mông nối bằng một con đường đất nhỏ trông 2 hàng phi lao đang thời kỳ non mỡ, dãy nhà bên tây cũng gồm 4 phòng, đầu là phòng thí nghiệm san sát chai lọ, thấp thoáng áo blu trắng của thầy Phạm T. ra vào, hí húi chưng cất các phản ứng hoá học từ những chai lọ lùn tịt và cái đèn cồn nhỏ, ngọn lửa xanh le, cháy xèo xèo. Rồi đến 2 lớp khối 10 và lớp 9A. Trong từng lớp: Bảng gỗ đôi sơn màu xanh lục, bóng loáng, kéo dài gần hết 1 mặt tường. Bốn dãy bàn - ghế - ghép liền đôi, 2 chỗ, 2 ngăn bàn do nước bạn CHDC Đức viện trợ. Màu gỗ vàng nhạt, nhẵn lỳ. Ngồi nghe, viết, cảm thấy yên tâm, chắc chắn và tiện lợi hơn hẳn so với những bộ bàn ghế lim đen bóng, nặng nề, dài thườn thượt 5 chỗ ở trường cấp 2. Phía tường cao trên bảng đen, treo trang trọng tấm ảnh chân dung Bác Hồ cười hiền từ, râu bạc phất phơ, nhìn thầy trò chúng tôi qua làn kính mỏng. Kề dưới là dòng khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng bằng giấy màu, kéo dài thườn thượt: Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại! Hai bên tường là 2 khẩu hiệu nữa, đại loại: Học, học nữa, học mãi! (V. Lê nin)Tất cả vì học sinh thân yêu!

Khác với nền nếp quy định ở trường cấp 2, lên cấp 3, học sinh không phải xếp hàng ra vào lớp (vì học sinh đa phần phân tán và ở xa). Chỉ có buổi tập trung học sinh toàn trường sinh hoạt chào cờ dưới sân trường vào lúc 7h sáng thứ hai hằng tuần. Chúng tôi mau mắn xếp thành hàng dọc, mỗi lớp 4 hàng trước cột cờ. Lễ chào cờ, hát Quốc ca diễn ra trang nghiêm, giản dị, dưới sự điều hành của thầy (cô) giáo trực tuần. Tiếng hô lệnh dõng dạc, sang sảng. Tiếng đồng ca của HS toàn trường không thật đều nhưng thành kính, âm vang. Sau đó, tuần nào cũng có giáo viên trực tuần nhận xét thi đua của từng khối, từng lớp; thầy hiệu trưởng Võ Nh. (cán bộ miền Nam tập kết) thấp đậm, kính trắng lấp lánh, giọng chọ chọe rất khó nghe, lên phát động thi đua hoặc nói chuyện thời sự… Hoặc thầy Ư, tổ trưởng tổ Văn, nói chuyện văn học, một đề tài gì đó về thơ Tố Hữu, hoặc hồi ký Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận… Đám đông học sinh đứng dưới, mới đầu cũng chăm chú lắng nghe, nhưng chỉ được khoảng 15 – 20 phút đã cảm thấy mỏi chân, mỏi tai, bắt đầu nói chuyện riêng rì rầm. Thầy đang hăng, không để ý, cứ nói. Gần hết tiết, kết chuyện; mới có lệnh các lớp theo hàng vào lớp. Chúng tôi nối nhau ùa vào lớp mình như vừa được giải thoát một gánh nặng vô hình.

Học trường xa, suốt 3 năm, khổ sở, vất vả nhất là những buổi đi - về. Thuở ấy, hầu hết các gia đình chúng tôi đều nghèo cực lắm. Bữa ăn độn ngô, khoai, sắn quanh năm. 99, 99% học sinh cuốc bộ tới trường. Từ nhà tôi tới trường khoảng hơn 3km, đi nhanh cũng phải mất gần 1 giờ. Học chiều còn đỡ, nhưng lượt về, trời lại tối thui, mới uể oải xách cặp bước vào cổng, khi cả nhà đang ăn bữa tối. Còn học sáng thì chí ngại là phải dậy sớm từ 5h, 5h15. Và xong lưng cơm nguội trộn muối vừng hay chập chuội vài củ khoai sọ, khoai lang, quàng túi vải, rảo cẳng ra cổng. Trời mới chạng vạng. Mùa đông, sương mù giăng đầy đất, đầy đồng, kín mặt đường. Chúng tôi cặm cụi, lắp nhắp bước dưới ánh đèn điện vàng úa hắt ra từ nhà máy Bê tông đúc sẵn Trèm. Gió lay bóng đèn làm ánh sáng chấp chới, đu đưa như ánh ma trơi trêu ghẹo mấy đứa học trò yếu bóng vía. Có hôm đi trong gió bấc, mưa phùn. Đường đồng Giàn đất thịt vắng heo, sáng mờ mờ, trơn như láng mỡ. Đứt, tụt quai dép cao su, vội cầm chặt trong tay mà chân trần, chân dép, vừa đi vừa chạy đến đoạn đầu trường cấp 2 Xuân Đỉnh hoặc đầu vườn hồng xiêm các cụ thì trống tập trung đã gióng những tiếng đầu tiên. Thế là nhắm mắt nhắm mũi, vừa thở vừa chạy. Lách vội qua cái rào ken tre vầu nhọn hoắt, băng vào sân, lúp xúp đứng vào cuối hàng, trống ngực thuỳnh thuỳnh, mồm, mũi thi nhau thở mà vẫn bị trực tuần - sao đỏ, điểm mặt, bêu tên ngay sau đó hoặc tuần sau một cách không thương tiếc! 1 tuần 6 ngày học thì 4 – 5 ngày đi muộn! Không sao khắc phục được vì bài tập, bài học ở nhà thầy cô cho nặng, nhiều. Đêm nào cũng học khuya, lại đang sức ăn sức ngủ. Buổi trưa tan học, nhìn đoạn đường từ trường về nhà, cảm thấy xa lăng lắc. Qua cây đa thôn Nhang, qua cổng Giàn, đến cánh đồng lúa, ngô ngan ngát. Gió nam mơn man càng khiến cái bụng lép kẹp thêm cồn cào. Nhìn chung quanh, đồng trưa vắng tanh, không một bóng người, bóng tuần nông, vệ nông, ngoài lũ quỷ sứ ranh con chúng tôi!...Thế là hò nhau, rẽ ngoặt, sà xuống ruộng bí đao, ruộng cà chua, ngắt 1 quả bí xanh vừa phải cỡ bắp tay, hoặc vặt vội chục trái cà chua đỏ đỏ, ương ương, lốc nhốc leo lên bãi cỏ gốc cây đa gò Giàn, ngồi xệp xuống, duỗi dài chân, vừa hối hả gặm cho dịu cơn đói ngấu vừa chuyện trò râm ran, trên trời dưới bể. Lưng lửng bụng, nhắc nhau vội phi tang vỏ, hạt rồi mới rảo chân bước tiếp. Thường xuyên về đến nhà cũng đã gần 13h.

Hồi ấy, mỗi năm, mỗi lớp được tiêu chuẩn phân phối 01 xe đạp thiếu nhi Liên Xô. Năm học đầu tiên ấy, lớp 8A chúng tôi bình cho anh bạn Ngọc D. người xã LM, theo tiêu chuẩn con liệt sỹ, nhà xa. Nhìn anh bạn cao kều, lom khom ngồi đạp cái xe thấp lùn, mặt ngẩng cao, hãnh diện, rẽ ra khỏi cổng trường, chúng tôi không sao giấu nổi những tia thèm khát, mà vẫn biết rằng, dù có học đến 5, 6 năm, thậm chí cả 10 năm nữa… cũng chẳng bao giờ tới lượt mình! An tâm mà diễn xe căng hải thôi!

Vào học lớp 8, với riêng tôi, càng lộ rõ khuynh hướng thiên về các môn học xã hội, nhất là 3 môn Văn, Sử và Chính trị (Đạo đức, Giáo dục công dân sau này). Các môn học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa) càng tỏ ra yếu kém. Ngoại ngữ tiếng Nga: nghe, nói, đọc, viết đều chậm chạp. Dù đã cố gắng, chăm chỉ, nhưng kết quả vẫn chỉ đạt trung bình hoặc trên trung bình một chút: 3 – 4. Hiếm hoi mới được 1 điểm 5. Điểm 2 không phải ít, nhất là môn Hóa học. Tôi sợ nhất môn này, trong khi Lê H., Phạm T. học rất giỏi môn ấy. Phải chăng, khi học sinh đã học khá - giỏi môn nào thì càng yêu thích, mê say môn ấy? Hiển nhiên, đó là quy luật của nhận thức và tình cảm.

Thầy Phan Bá - đồ Nghệ càng ngày càng ưa, mến văn tôi. Các bài Luận (Tập làm văn nghị luận) của tôi hầu hết đạt điểm khá, giỏi (4 – 5), đỏ chói những lời khen hào phóng. Rất tiếc, tôi không còn giữ được làm chứng tích 1 bài nào! Lê T, Phan Q, NgH cũng không được điểm 5 Làm văn đều như vậy. 2 năm lớp 8 – 9, có thể nói, tôi là một trong những học sinh đứng đầu lớp 8A, 9A về 2 môn Văn, Sử. Môn Chính trị do thầy Tiến T. lòng khòng dạy, (mấy năm sau, thầy chuyển sang làm chủ tịch công đoàn giáo dục huyện Từ Liêm), với tôi, dễ học hơn nhiều. Chỉ cần thuộc ý chính, ghép nối, đưa đẩy bằng những câu văn cho xuôi, có lập luận, lý lẽ… là ăn 5 như bỡn. Môn Lịch Sử cũng thế. Thầy chủ nhiệm Đoàn K. đã ưa tôi vì kiểu chữ viết và chữ ký bắt chước thầy giống như đúc, lại càng mến cậu học trò này vì những câu trả lời ngắn gọn, trúng vấn đề và có tính lý luận của tôi. Nhưng thành tích tốt gặt hái liên tục khiến tôi sinh chủ quan, tự mãn. Bởi thế, tôi đã không sao chịu nổi, đã cảm thấy đau đớn, hụt hẫng vô biên, khi lần đầu tiên trong năm học, bị thầy Phan hạ điểm 3 (trung bình) cho 1 bài Làm văn phân tích nhân vật mà thầy phê là lạc đề, nặng kể lan man! Sau này, bình tâm đọc kỹ lại, thấy quả là không oan chút nào! Nhưng ngay mấy hôm đó thì ức và khổ không sao chịu nổi!

Nhưng, vào cuối mùa xuân năm 1964 ấy, tôi vẫn được thầy Phan B. cử đi thi HSG môn Văn, cấp thành phố (cùng với Nguyễn Đức L. (thôn Đình) môn Toán).Năm lớp 10, SH, NH và tôi lại được thầy QS cử vào đội thi HSG Văn toàn miền Bắc, những tôi bị đau mắt nặng, đành xin kiếu! SH và NH dự thi nhưng hình như đều không được giải!) Chúng tôi lo lắng, khấp khởi cuốc bộ vào Bưởi, đi tàu điện ra trường Chu Văn An, ngủ nhờ tại nhà thầy Phạm Huy B (giáo viên Toán) từ chiều tối hôm trước. Hai thằng choai choai làng Trèm, lần đầu tiên trong đời, được cô H. vợ thầy B, mắc màn, dắt màn và chúc ngủ ngon, mai thi tốt! mà thấy lòng rưng rưng cảm động…

 Đề thi môn Văn HSG năm ấy, tôi còn nhớ:

Bình giảng đoạn thơ (khá dài) dưới đây của Tố Hữu trong bài Đường sang nước bạn:

… Hôm nay, tôi đi từ Hà Nội,

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Băng đã tan trên dòng Trường Giang.

Nhanh chóng phác một cái dàn ý sơ lược xong, tôi hăm hở viết. Bài viết khá dài, say sưa; với câu mở đầu đầy tính tụng ca: Phía Bắc nước ta là nước CHND Trung Hoa vĩ đại… Nhưng toàn bài chắc hời hợt, chung chung và đại ngôn nên kết quả chẳng ăn giải gì! Nguyễn Đức L. giải Toán cũng chẳng may mắn hơn! (Cầu cho hắn được mồ yên mả đẹp đã gần chục năm nay rồi!).

Thế mới biết: Ở nhà, nhất mẹ nhì con/Ra đường lắm kẻ còn ròn hơn ta. (Tục ngữ Việt)Thiên ngoại hữu thiên (Ngoài trời lại có trời. (Tục ngữ Tàu). Đây chính là bài học thất bại và khiêm tốn đầu tiên mà tôi được nhận.

Cuối năm ấy, tổ Văn nhà trường có tổ chức 1 cuộc thi viết truyện ngắn cho học sinh khối 8. Kết quả chung cuộc: Nguyễn H. giải nhất với truyện Bác tôi (nguyên mẫu là cụ Hộ Ng.). (Có lẽ mầm mống năng khiếu viết truyện của gã nhà văn tương lai manh nha từ đây chăng?!) Tôi ăn giải 3 với cái Nhật ký người chăn bò, bắt chước vụng về kiểu viết của Lỗ Tấn (Nhật ký người điên), nguyên mẫu là tôi và ông chú họ chủ nhiệm HTX Ng. B. Thế mà, lạ, đến tận bây giờ Phan T. ở xóm Chùa, Đông Ngạc vẫn nhớ tới cái mẩu truyện tập tọng này. Còn tôi, tác giả, cũng đã quên sạch những gì mình từng viết! Lê T. giải nhì…với truyện gì… không nhớ! Phan Q., học sinh giỏi toàn diện năm trước, vào cấp 3 học chìm hẳn đi, không đạt giải nào, không hiểu vì sao?!

Thầy chủ nhiệm Đoàn K. là một thầy giáo trẻ tài hoa, dạy học và sống gần như nghệ sỹ, đặc biệt rất thích kịch nói. Ông bỏ công biên dịch và đạo diễn một hoạt cảnh hài kịch câm ngắn, nhan đề: Câu cá trong tửu quán và chọn tôi và Lê Ph. (thôn Đông) cùng tập. Chúng tôi đã luyện tập rất say sưa theo từng chỉ dẫn sát sao của thầy. Cuối học kỳ 1 và cuối năm, công diễn trong buổi liên hoan văn nghệ nhà trường, được khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Lại đem lưu diễn ở 1 số nơi như sân khấu xã Xuân Đỉnh, Đông Ngạc cùng với dàn hợp xướng không nhạc đệm Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận) của toàn trường, do thầy Lê chỉ huy. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác hồi hộp, phấn khích cao độ, khi giật mạnh cần câu mà lưỡi câu sắc đã móc vào cái miệng đang ngoác rộng vì tham ăn của gã bạn câu – thực khách Lê PH., trong tiếng vỗ tay rần rật cuả cả ngàn khán giả nhấp nhô bên dưới. Và chúng tôi đã tự cho là mình hóa ra cũng có chút năng khiếu diễn kịch, lại kịch câm nữa chứ!

 Tôi vốn yêu ca hát từ nhỏ. Có lần, dám xung phong đơn ca bài Tiếng hát người chăn bò (Hoàng Hưng – Thanh Phúc) trước tập thể lớp và thầy giáo chủ nhiệm. Lớp 8B bên cạnh có Trịnh Xuân T. cũng thích hát, giọng ấm, nhưng nhẹ, mỏng. Hắn hay ngâm nga Bài ca chiến thắng (Trần Kiết Tường). Lớp 9B có gã Văn Ch. sứt răng cửa , làm chủ giọng ca khỏe sáng, vang ròn. Hắn hát rất hay bài Lê Quang Vịnh người con quang vinh, một bài ca anh hùng cách mạng rất phổ biến trong giai đoạn ấy. Nhưng tất cả đều thua xa giọng ca bạc Phạm Gia T. lớp 10A với bài Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, trong vắt như nước suối Cao Bằng và rất kỹ thuật. Hai năm sau, từ nội thành sơ tán về, mới xuất hiện giọng ca nữ số 1 của Xuân Đỉnh: Cung Tố C.

Tốp ca nam nữ thì tập bài Không cho chúng nó thoát! (Hoàng Vân), Kim L, cây hát chèo, lĩnh xướng; thầy chủ nhiệm K. đệm ghita phừng phừng, rất khí thế.

                                                  ***

Nhưng, họa vô đơn chí, đời người có bao giờ học hết chữ ngờ! Đến cuối học kỳ 2 năm ấy, tôi bị 3 vố đau liên tiếp. Có lẽ đây là những tai nạn đầu tiên trong đời học trò của thằng tôi dại khờ mà nghịch ngợm, phải trả giá đích đáng.

1, là bị điểm 3 môn Văn, với lời phê nặng nề của thầy Phan B. khiến tôi đau đớn, sững sờ. Kế đó là điểm tổng kết 2 (kém) môn Hóa, dẫn đến điểm 3 trừ cả năm, (còn may không phải thi lại!) khiến tôi tê tái cả người! Nhưng đau nhất, xấu hổ nhất là chuyện tôi đột hứng vẽ bậy trên giấy nháp rồi chuyền chơi xuống bàn dưới, trong tiết Địa, bị thầy Đỗ H. bắt quả tang, nhân chứng vật chứng sờ sờ, không thể chối cãi hay thanh minh! Khuyết điểm nặng nề, ghê gớm này khiến tôi bị thầy chủ nhiệm bắt viết kiểm điểm nghiêm khắc. Ngay chiều hôm đó, ông lại lên tận làng Trèm, vào tận nhà, thông báo cặn kẽ với bố tôi. Tôi xấu hổ, nhục nhã và ân hận không để đâu cho xiết, lùi lũi dắt con bò sừng cán bèo đi chăn mà lòng khôn nguôi sợ hãi, thấp thỏm không hình dung nổi cảnh tối về sẽ bị bố mắng, đánh cho 1 trận như thế nào?! Nhưng, hóa ra cả thầy K, cả bố tôi đều là những người lớn rất độ lượng, bao dung với con cái, với học trò. Tối hôm ấy, tôi chỉ bị bố mắng 1 trận rát rạt. Lạ! không hiểu vì sao ông không rút roi tre hay nan dại, quất tôi một roi nào cho bõ tức!? (tội tôi cũng đáng bị ăn đòn lắm!) Vậy mà cả người tôi cứ nhoi nhói đau rát. Tôi cúi đầu, im thin thít chịu tội. Thỉnh thoảng ngẩng lên, thấy nét mặt ông già khắc khổ, đen sạm, buồn se sắt, nhăn lại, càng tự ân hận vô cùng. Có lẽ bởi thầy K. vẫn tiếc cái năng lực học Sử nên chỉ hạ hạnh kiểm học kỳ 2 của tôi xuống bốn trừ (nếu bị điểm 3 là sẽ bị đình chỉ học tập!) hạnh kiểm cả năm: 4, trượt học sinh tiên tiến (A3) năm ấy! cho tôi còn cơ cơ hội mà đái tội lập công, sửa chữa sai lầm.

Như vậy, mùa thu năm 1963, tôi đã nhập trường Xuân Đỉnh 3 một cách khá vẻ vang, như đoạn trên đã kể, và 9 tháng sau, mùa hè năm 1964, kết thúc năm học đầu tiên (lớp 8 (10) 1 cách ảm đạm, đáng buồn như vậy. Nguyên nhân cơ bản đều tại cái tính chủ quan, dại dột, nghịch ngợm điên rồ của một thằng thiếu nhi ngây ngô, nhắng nhít ở thôn Đồng, làng Trèm, một gã choai choai đang chưa vỡ bọng cứt đã muốn đòi làm người lớn, muốn bay bổng vội vàng…là tôi…!

3

 

Năm học 1964 – 1965, năm học thứ 2 ở trường cấp 3 Xuân Đỉnh, chúng tôi lên học lớp 9A, chuyển sang đầu dãy nhà phía tây, vẫn thầy K. chủ nhiệm và dạy Sử, thầy Phan B. vẫn dạy Văn, thầy Vũ dạy Sinh, Tiến T: Chính trị. Các thầy cô mới là thầy Ch. vui tính dạy Địa, cô Ph. gầy, dạy Lý, thầy H. tóc chải mượt, dạy Hóa và thầy Th. cao kều, quê ngay Xuân La, dạy Thể dục… Nhưng nhân sự học sinh thì thay đổi, xáo trộn khá nhiều. Nhóm học sinh Liên Mạc: những B, Ba, Kh, Kha, Đư, QĐ… chuyển hết về học trường cấp 3 Minh Khai. Một số đứa bỏ học, xin đi làm công nhân hoặc nhập ngũ: PGB, KQ, PHT, Đào Đức Th. (Đông Ngạc), Đức L, Lê Ph. (Trèm). Vài đứa học yếu bị lưu ban: B. lang, T. ngoẹo, Ng. K, Ng T. Lê H… đồng thời lớp nhận vào mấy anh chị lưu ban từ lớp 9A năm ngoái: Xuân D, Phạm T, Lê B… Lớp trưởng B chuyển, lớp phó Phạm Công lên thay. Càng rất chi năng nổ, tích cực. Hình như Phạm Minh - bí thư Đoàn kiêm luôn lớp phó (?!) Lũ đầu đen - phó thường dân chúng tôi chứng kiến sự chuyển đổi lãnh đạo và cư dân ấy một cách thờ ơ, chẳng chút bận lòng. Chúng tôi thầm nghĩ: Đứa nào làm cán bộ chẳng thế! Đứa này đi thì đứa kia lại tới. Đều là bọn thổi tù và hàng tổng cho các thầy cô ấy mà! Đâu lại vào đấy cả thôi! Chúng tôi cứ suy nghĩ một cách tự thủ bàng quan và yếm thế, vô tri vô trách, hồn nhiên như vậy!

Ngay trong tuần học chính trị và lao động công ích đầu năm học, tôi đã lại gây ra 1 chuyện đau đầu bọn cán bộ lớp và thầy chủ nhiệm. Ấy là chuyện tôi làm thơ đả kích gã cờ đỏ Hoàng Hữu Ch. (lớp 10B). Một gã người làng Tàm Xá, bên Đông Anh, mặt đen sì trứng cá, giọng nói sin sít, nguyên tắc cứng nhắc kinh khủng, rất hung hăng, xăng xái chặn bắt các bạn đi muộn, chui rào vào trường mỗi buổi học… để báo cáo thành tích với các thầy cô. Tôi và mấy đưá bạn đã từng bị hắn rượt đuổi chí mạng vài lần, ra tận khu nhà vệ sinh sau trường! Uất ức, sợ hãi và coi thường thói Giave nịnh trên nạt dưới của hắn, tôi bỗng nổi hứng làm 1 bài thơ thất ngôn bát cú chế giễu cay độc, học lỏm cụ Tế Xương. Đại khái còn nhớ được vài câu:

Khen cho thằng mọi giỏi chuyên cần/Nghiêm, nghỉ, đứng, ngồi… ậm ọe ngân/Ti toe báo cáo rồi bá láo/Kiệt cùng đuổi bạn tận chuồng phân!/ Vội rượt, chân trần ăn cứt chó/ Đáng kiếp thằng Ve, phận cù lần!

Đọc đi đọc lại, thấy tạm được và tạm hả cái bụng tức, mới chuyền tay (lại lặp lại cái ngu hồi cuối năm lớp 8 !!!???) cho mấy đứa ngồi bên cùng đọc, cùng cười rinh rích. Chuyện vỡ lở. Mảnh giấy ghi bài thơ với bút tích rành rành của tôi nhanh chóng bị lớp trưởng thu, nộp lên thầy giáo chủ nhiệm. Thế là tôi lại bị cảnh cáo trước toàn trường vì đã vô tổ chức, vô kỷ luật lại còn lợi dụng thơ văn để đả kích cán bộ! !! Có đứa ghét tôi, xì xầm: Thằng Đ. đánh chết, nết không chừa! Phen này rồi sẽ ăn bùn!

(Mãi nhiều năm sau, tôi mới hay, Hoàng Hữu Ch. là người cùng làng với một anh bạn thân của tôi. Chưa học hết lớp 10, hắn đã xung phong nhập ngũ, vào Nam chiến đấu và hi sinh ở một mặt trận xa xôi nào trong đó. Cầu cho linh hồn anh được yên nghỉ!)

Thầy Lê, một trong những giáo viên từng rất khuyến khích, động viên và ngợi khen những bài thơ tập tọng xuất khẩu của tôi hồi cuối năm ngoái, như bài Biển. Thầy từng ngâm nga những câu mà thầy cho là được:

Từ bé tới nay, tôi chưa bao giờ thấy biển/Tuổi thơ tôi chưa được ngắm thủy triều/bãi biển dài, muôn đợt sóng xanh reo…Tôi chỉ biết ngụp lặn trên biển vàng mênh mông sóng lúa quê tôi…Biển ơi, sao vẫn xa vời?!

Sau sự kiện lịch sử 5 – 8 – 1964, tôi hào hứng viết bài thơ Viếng hồn mẹ Tơm để chào mừng thành tích quân - dân bảo vệ cửa biển Lạch Trường (Thanh Hóa) bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Thầy L đọc, bảo: - Cậu viết hơi khô nhưng ý rõ. Sau sự kiện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh (10 – 1964), tôi viết bài Anh vẫn sống mãi. Bài thơ được thầy Lê và thầy K. chủ nhiệm khen được và kịp thời. Lệnh cho tôi tự tay chép lại trên giấy crôki khổ lớn, dán trong phòng truyền thống nhà trường. Thầy Lê cũng chính là người đầu tiên gợi mở, khuyến khích tôi tìm đọc tập thơ Ánh sáng và phù sa (Chế Lan Viên) nổi tiếng hồi ấy, khiến tôi được mở rộng tầm mắt về thi ca Việt Nam hiện đại và sau đó, mấy năm liền hăng say, lố lỉnh bắt chước, học đòi lối thơ suy nghĩ, triết lý của tác giả Điêu tàn!...

 Vậy mà, sau lần tôi bị phê bình ấy, tình cờ gặp tôi, thầy cười giễu cợt, nhìn xoáy vào mắt gã học trò ngang ngang, buông một câu mỉa mai, rằng:

- Thơ của Đ ấy à? Chỉ đáng đem dán ở chuồng xí!

Rồi thầy khinh khỉnh quay đi! để lại sự bẽ bàng, ê chề trong tim đứa học trò dại dột là tôi, đứng như trời trồng, chịu trận… Câu mắng mỉa mai, tàn nhẫn, độc địa ấy của thầy, tôi còn găm trong trí nhớ đến tận bây giờ! Và tôi vẫn không hiểu sao thầy Lê lại có thể nói như vậy với một học sinh, trong hoàn cảnh nó đang cùng lộ, đang rất cần một lời an ủi, cảm thông!? Phải chăng, khi ấy, thầy cũng không tránh khỏi sự nhỏ nhen, tầm thường của 1 người đánh chó ngã xuống nước?! Hay thầy cho là tôi thuộc loại học trò đã hết thuốc chữa?!...

 Rút kinh nghiệm từ câu chuyện đáng buồn ấy, trong mấy chục năm làm thầy, dạy nghề thầy, sau này, tôi chưa bao giờ xúc phạm nhân cách các em học sinh, sinh viên mắc khuyết điểm, dù có trường hợp còn nặng hơn thế nhiều, bằng những lời mỉa mai, nghiệt ngã…thỏn mỏn… như thế!

Lên lớp 9, thầy chủ nhiệm K nuôi ý định lập 1 nhóm kịch của lớp, tiếp tục phát huy thành quả vở kịch câm năm ngoái. Thầy gọi Xuân D, cây hát chèo Kim L. (sau này là NSWT múa rối Trung L) tôi, và Thanh T. răng khểnh, HS lớp 8B, tập thoại vở Bà mẹ và những đứa con (Xuân Trình). Chúng tôi luyện tập cũng phải được tới dăm buổi rất nghiêm túc. Xuân D. đóng vai bà mẹ khá ngọt. Kim L. vào vai ông bố xuề xòa, tôi và Thanh T. trong vai hai đứa con: anh trai - em gái ríu rít, cãi nhau suốt ngày, nhưng đều sợ bố, thương mẹ. Đang hào hứng tập diễn thì bỗng thầy bảo thôi, tạm dừng, không hiểu vì lý do gì?! Ngẩn ngơ tiếc đến cả tháng sau! Nhóm kịch tự động giải tán cái rụp, không kèn không trống!

Gần cuối học kỳ 1, tôi được thầy Phan B. cho mượn cuốn tiểu thuyết Vỡ bờ, tập 1 (Nguyễn Đình Thi) dày cộp, với yêu cầu: đọc kỹ, tóm tắt nội dung cốt truyện chi tiết và viết lời giới thiệu thành 1 báo cáo, sang tuần sau, trình bày trước tập thể lớp trong tiết ngoại khóa Văn. Tôi nhận lời trong niềm xúc động và lo lắng, vì lần đầu tiên được/bị làm một công việc khó khăn dường ấy. Tôi chăm chú đọc thật kỹ. Đọc hết chương nào viết ngay đoạn tóm tắt nội dung chương ấy (bắt chước kiểu tóm tắt từng chương của nhóm dịch tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm). Cứ thế, lần lượt cho đến hết cuốn sách. Lại viết đoạn tổng thuật chung thành một bản báo cáo dài độ hơn 5, 6 trang. Đọc đi đọc lại gần thuộc lòng. 2 tiết văn tuần tới, tôi bước lên bục, rụt rè trình bày trước toàn lớp 9A. Thấy các bạn chăm chú lắng nghe, tán thưởng. Thầy Phan B. khen tiết ngoại khóa thành công. Hôm sau, thầy lại bảo tôi: cứ thế, sang trình bày ở 2 lớp B, C. Tôi cứ bổn cũ diễn lại, trơn tru hơn và lại được các bạn bên các lớp bạn vỗ tay khen ngợi. Tự nhủ: - À, thì ra thằng cu Đ. lớp 9A nói năng cũng tạm được! Tôi thầm phổng mũi! Cảm ơn thầy Phan biết chọn mặt gửi vàng!

Thầy Phan B. quê tận Thanh Chương, Nghệ An. Người tầm thước, dáng khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ. Trong những câu chuyện liên hệ mở rộng khi giảng bài trên lớp, thầy thường nói liền một tràng dài, đều đều, rồi kết thúc bằng một câu vút lên cao đột ngột như giọng giả thanh. Đôi mắt một mí liếc liếc sang hai bên một cách tinh quái. Học trò nghe, thấy vừa buồn cười vừa có duyên đáo để! Bài giảng của thầy Phan thường chen vào những câu chuyện tâm tình, tâm sự về văn, về đời, cứ rủ rỉ rù rì, thấm thía; nhưng đôi khi cũng rề rà đến sốt ruột. Khi ấy, tôi cứ phải vờ chăm chú nghe, nhưng mắt thì ngó mông ra cánh đồng xanh và đầu thì nghĩ ngợi vẩn vơ sang chuyện khác. Thằng Ng. H ngồi trước mặt tôi (sau này thành nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp), thỉnh thoảng quay xuống, nhay nháy con mắt: ra ý chia sẻ cái tiết giảng buồn như chấu cắn mà sao mãi không hết…!

Thầy Phan B. được nhà trường xếp ở chung phòng với thầy Phan V, quê đâu bên Yên Viên, cũng dạy Văn, giọng ồm ồm, nhiều lời và không dí dỏm, sâu, hóm như thầy Phan B. Cặp giáo viên văn, chung một phòng; cặp giáo viên toán (thầy Lê và thầy Hoàng), ở phòng bên cạnh. Các phòng được ngăn cách bằng tấm cót sơ sài. Phòng tập thể giáo viên hẹp đến thế là cùng! chỉ kê đủ 2 cái giường một, một cái bàn làm việc chung, ở giữa là 1 lối đi chung vừa vặn kê ngang cái bàn ấy. Vậy mà các thầy vẫn sống với nhau vui vẻ, hòa thuận và chung tay làm việc hiệu quả.

Những chiều muộn hoặc tối sáng trăng, thầy Lê thích bắc ghế ra sân, ngồi kéo đàn gió (ắccoocđêông). Hộp đàn bằng da cuộn mở, uốn cong cong, rồi từ từ thu, ép lại từng nhịp gấp. Tiếng đàn phập phồng, du dương, lúc dồn dập, khi êm đềm chuyển từ Sibônê qua Du kích sông Thao một cách diệu nghệ. Thầy K. ở phòng đằng trước thì chơi ghita. Tôi đã nghe thầy độc tấu bài Paloma (Bồ câu trắng) nhạc Cuba rất điêu luyện. Tay gẩy, vỗ nhịp nhàng, hòa quyện với tay chạy gam thoăn thoắt. Thầy Phan B. thì chỉ thích đọc sách, ngâm thơ nho nhỏ, thầm thì theo kiểu riêng của mình. Buổi trưa nào đó có việc phải ở lại trường, tôi la cà đến phòng thư viện, đã thấy thầy trải chiếc chiếu một, nằm vắt chân chữ ngũ, đầu gối lên ba quyển sách, tay cầm 1 quyển Thơ chữ Hán Nguyễn Du, ngâm nga theo giọng Nghệ, rất mùi!

Gia đình thầy Phan B. nghèo, nông dân xứ Nghệ nhiều đời. Tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội, được phân về Xuân Đỉnh dạy học, thầy vẫn chưa biết đi xe đạp. Cuối năm ấy, thầy mới được công đoàn trường cho mua phân phối 1 chiếc xe đạp Thống nhất nữ. Thế là, chiều chiều và sáng chủ nhật, thầy dắt con xe loáng bóng ra sân vận động trường, hì hụi ngồi lên, tập đi. Vậy mà, hơn 1 tuần sau, thầy đã dám thử 1 mình đạp xe ra Sở GDHN họp chuyên môn rồi.

Hoa hậu học trò tự phong của lớp tôi những năm đó, là Phan L. Phải nói cô gái làng Vẽ này rất xinh. Mắt đen dài, lóng lánh. Lông mi cong vút. Cổ cao ba ngấn. Da trắng nõn nà. Dáng thon thả, eo óc, hay diện đồ xẫm và đen để càng tôn vẻ kiêu sa, đài các. L. rất ý thức về nhan sắc hơn người của mình; nhưng được cái cũng không tỏ ra xa lánh, coi thường bạn bè. Không kể mấy chàng xoay tít mù, trồng cây si quanh nàng như Phan T. Đức L, Vi L…, Phan Q, không biết mèo nào cắn mỉu nào… Nhưng hình như cảm tình của nàng Phan hướng lên các thầy, tuy cũng không ổn định?! Dạo thì nghiêng về thầy giáo chủ nhiệm đa tình, đẹp trai, dạo xem ra lại ngả qua phía thầy dạy văn Phan B. đồ Nghệ! Chẳng biết đằng nào mà lần! Nhưng rồi những mối tình thầy - trò xưa như trái đất ấy, , không biết nhuốm bao nhiêu % thực dụng?, kết cuộc, cũng chẳng đi đến đâu! Thầy K, sau này kết duyên với cô Tr. dạy văn cấp 2 trường bên cạnh.

Phan L. xinh đẹp tốt nghiệp phổ thông, được goị vào học ĐHSP Hà Nội, khoa Lý, (Hóa (?!). Ra dạy ở Hà Tây (cũ), lấy chồng, hình cũng là 1 đồng nghiệp. Về hưu trước tuổi. Suốt 25, 26 lần hội trường, hội lớp, nàng chỉ tham gia đúng… 1 lần?!

Còn thầy Phan B. thì cứ sổng củ rủ cù rù, miên man, khảng tảng, một mình như thế. Thầy chỉ dạy chúng tôi 2 năm lớp 8, 9. Mấy năm sau, tôi cưới vợ ở quê, trân trọng kính mời thầy. Thầy là một trong những thầy giáo Xuân Đỉnh cấp 3 hiếm hoi, lên tận Trèm dự đám cưới đứa học trò cũ của mình. Nhìn cái dáng khiêm nhường, đủng đỉnh dắt xe vào cổng, với nụ cười hiền hiền, ngượng nghịu của thầy, vẫn làm tôi xúc động, nhoi nhói… cho đến tận ngày nay.

Sau giải phóng (1975), thầy Phan B. được điều vào dạy tại trường cấp 3 Thủ Đức (TPHCM). Thầy cứ mải mốt, củ mỉ cù mì làm việc ở tận cuối trời Nam như thế, sống lẻ loi như thế… cho tới ngày nghỉ hưu. Khoảng đầu những năm 2000, nghe thầy K kể lại, thầy có ra Hà Nội thăm lại bạn bè, đồng nghiệp và học trò thân thiết. Thật tiếc, tôi chưa kịp tới thăm thầy thì thầy đã lại về Nam (chứ không về quê Nghệ?!). Nghe đâu, một, hai năm sau, thầy lặng lẽ qua đời, cũng ở ngôi trường miền Nam xa xôi ấy…

       Hỡi ôi! cũng trọn một kiếp người! Long đong, vất vả, cô đơn một đời! Thầy ơi!

Năm lớp 9, tôi học các môn tự nhiên đỡ bi bét, trong khi học các môn xã hội vẫn dễ dàng, hứng thú và vượt trội hơn. Trong sinh hoạt, tôi tỏ ra không mấy chan hòa cùng các bạn, nhất là các bạn cùng làng, không thích và e ngại gần gũi, thân thiết. Những Hi, Hí, Hị, Hà, B, Q… cũng tỏ ra xa lánh, lạnh lùng, không muốn chơi với thằng Đ - tôi. - Nó cứ làm ra vẻ cô độc, khinh khỉnh thế nào! Tôi nổi tự ái, cũng không muốn làm thân, làm lành, chuyển sang chơi với mấy đứa làng Vẽ, làng Cáo… Tôi tự an ủi: Cũng có sao đâu! cần gì!... Ấy! cái tuổi trẻ con tập làm người lớn cứ ngây ngây, dở dở, khùng khùng một cách dại dột như thế đấy!

Thời gian trôi, cứ trôi,… chẳng mấy chốc đã hết năm học lớp 9 (11). Hình như tôi cũng đạt danh hiệu HSG (A2), với bảng điểm tổng kết không đến nỗi tồi: văn 5, sử 5, chính trị 5, sinh 5, toán, lý, hóa, tiếng Nga 4… hạnh hiểm 5, …Nhưng đến hết năm học vẫn chưa được kết nạp vào Đoàn TNLĐVN, chỉ vì BCH chi đoàn 9A nhận xét phẩm hạnh của bạn ĐV, đại khái: Tác phong thiếu tính quần chúng, tinh thần tập thể thiếu chan hòa! Học tốt nhưng chủ quan và có phần tự kiêu. Vì vậy, bạn NĐ. cần được thử thách thêm một thời gian nữa!

Một nhận xét về bạn bè, quần chúng như thế, liệu có nặng nề, nghiêm khắc quá hay không? Tự tôi hay do chúng nó, những cán bộ, đoàn viên cũ và mới, khôn ngoan và tròn trĩnh… ai đã tạo ra cái ranh giới giả tạo mà có thật ấy? Chao ôi! cái huy hiệu và tấm thẻ đoàn viên của một thời chiến tranh – bao cấp mới cao quý mà xa vời làm sao!

Từ độ ấy, trong tôi bắt đầu cảm thấy tâm trạng cô đơn ngày càng ứ đầy, sâu sắc! Nỗi buồn - cô đơn không đáng có cứ chầm chậm gặm nhấm tâm hồn cậu thanh niên vừa sang tuổi 16, cái tuổi đáng lẽ phải tràn đầy mộng mơ, dù cao thượng hay viển vông! Và hay tự ái ngầm! Nhiều bạn bảo tôi già trước tuổi! Mấy thằng H, H… thì bảo nó cố giả vờ làm ra như thế! Tôi biết, nhưng mặc kệ! Càng trong hoàn cảnh sống và học hành không bình thường như thế, tôi càng cố thu mình vào thế giới bên trong của mình, tìm cách giải tỏa tâm tình bằng những vần thơ tập tọng, được viết ra liên tiếp, ào ạt, miên man ngẫm ngợi sự đời một lối tư biện, tủn mủn, vẩn vơ … Và thi thoảng, trong cái đầu óc hỗn độn, đa cảm đa sầu của tôi, lại mơ hồ, nuối tiếc hình ảnh một, hai người bạn gái xa xôi thầm mến trộm thương hồi cuối cấp 2,… Bây giờ, không biết các nàng ấy đang dạy học, hay làm ăn công việc gì, ở đâu?!

4

 

Khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của HCQ Hoa Kỳ lan rộng ra cả miền Bắc thì thầy trò trường Xuân Đỉnh chúng tôi bước vào năm học 1965 – 1966, với tinh thần bừng bừng và sục sôi khí thế năm học chống Mỹ cứu nước - Tất cả vì miền Nam ruột thịt! Tất cả để chiến thắng!

Biểu hiện đầu tiên là việc tiếp nhận hơn chục bạn từ các trường trong các quận nội thành sơ tán ra, vào học. Lớp 10A đón một số tên tuổi học trò sáng giá. Nguyễn Sỹ H. đẹp trai, nhỏ nhắn, rất thư sinh và học giỏi toàn diện, giọng nói khàn khàn, kính cận lấp loáng. Nguyễn Đình Ph. Con em cán bộ miền Nam tập kết, được bầu làm bí thư chi đoàn. PH. người mỏng dẹt, áo sơ mi thùng thình bỏ ngoài quần, da đen xạm, mặt sần sùi trứng cá, giọng nói kè nhè; phổ biến công tác tuần một hồi chẳng ai hiểu gì! Mai Xuân D, học thường, nhưng là 1 cầu thủ bóng đá đáng nể. Đào Thanh H. tóc buông dài ngang lưng, mắt đen lay láy, lúng liếng lúng la, giọng nói trong veo, lại là cháu ruột nhà văn, tác giả tiểu thuyết Cái sân gạch nổi tiếng từ 2, 3 năm trước… nên với lũ trai ngoại thành chúng tôi, lũ chúng có phần hơi bị xa cách. Bên lớp 10B, còn đón những cậu ấm, cô chiêu khủng hơn: Đặng Việt B, con trai cụ Trường Ch., Vũ T. con trai ông bí thư Đoàn Vũ Q., Vũ Mạnh D. em trai ông Vũ Thư H. dịch giả Bông hồng vàng và truyện ngắn Paotôpxki, con trai cụ Vũ Đình H., một trong những thư ký riêng của Bác Hồ, sau lại mang án xét lại và bị bắt tù… Các bạn mới về mặt mũi nhìn chung sáng sủa, giỏi giang, may mắn, con ông cháu cha tới học chung làm không khí các lớp vui vẻ, phấn chấn hẳn lên. Được cái, lũ học trò nội thành giàu có, danh giá nhờ cha mẹ ấy cũng biết điều, không mấy đứa tỏ ra kênh kiệu, coi thường bọn học sinh ngoại thành, con em nhân dân lao động, nông dân chân đất nghèo khổ. Chúng tôi hòa đồng với nhau trong học tập và lao động, vui chơi khá nhanh. Ít ra, đó là cảm nhận bên ngoài của bọn học trò ngoại thành bản địa chúng tôi.

Về các thầy cô, thấy cũng có 1 số thay đổi.

Thầy Đoàn K. chỉ còn dạy môn Sử. Giáo viên chủ nhiệm mới năm lớp 10 (12) là thầy Triệu Nguyễn – dạy Vật lý, đảng viên, bí thư chi đoàn giáo viên, da ngăm ngăm, dáng thanh mảnh, ngót nghét tam thập. Luôn luôn lên lớp với chiếc cặp da đên tàu tàu, căng phồng. Yêu và cưới Hoàng Kim Ph. chị thằng Hoàng Thủy H, dân Đông Ngạc, học lớp tôi. Như vậy, ông Triệu, với cả lớp, còn là vai anh rể. Tính tình thầy Triệu điềm đạm, kín đáo, nói năng chắc chắn, mô phạm. Trong mắt chúng tôi, đó là 1 trong những giáo viên có kinh nghiệm làm chủ nhiệm lớp cuối cấp, lớp đi thi. Ông triển khai những tiết dạy Vật lý của mình một cách chậm rãi, chắc chắn. Biết chơi một chút ghita. Ông từng hướng dẫn tỉ mỉ cho tôi (dạo ấy đang say học cây đàn gốc Tây ban nha này như điếu đổ!), cách đệm điệu tănggô bài Hoa Chămpa như thế nào. Có lần trong giờ Sinh hoạt, ông còn thử tôi bằng cách hỏi - đố về ý nghĩa thời sự một khổ thơ Tố Hữu. Hình như trong bài Tâm sự thì phải…

Điều hành lớp chủ nhiệm, ông khác thầy K. ở chỗ, tin tưởng hơn vào đội ngũ cán bộ. Thầy chủ nhiệm chủ yếu giữ vai trò cố vấn, tham mưu, chỉ đạo đường lối và từ xa. Riêng đối với tôi, 1 HS vào loại cá biệt, có vấn đề: ông tỏ thái độ vừa xa vừa gần và như có vẻ dè chừng gì đó. Nhưng cũng không hoàn toàn xa lánh hoặc ghét bỏ. Mấy năm sau, ông chuyển trường, được đề bạt làm hiệu trưởng 1 trường cấp 3 lớn trong nội thành; rồi được cử sang nước bạn Lào làm chuyên gia giáo dục. Trở về nước, thầy Triệu Nguyễn được đề bạt Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, rồi lên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội… Nhưng thật tiếc, con đường hoạn lộ đang rất thuận lợi của ông chỉ đến đó. Chưa hết nhiệm kỳ PCTUBNDTP, nghe đâu ông mắc vào 1 vụ, 1 cái bẫy đấu đá nội bộ gì đó, bị buộc phải về hưu trước tuổi. Thầy Triệu cũng bị sốc một thời gian dài mới trở lại cuộc sống nhàn tản của một ông cựu PCT về hưu.

Dạo tôi thi ĐH đỗ xuất sắc, được Bộ cử đi nước ngoài học, ông đang làm Phó GĐ Sở GDHN. Ông rất vui. Gặp tôi ở đâu, trong cuộc hội lớp lần nào, hễ nhắc tới tôi là ông lại nói tới cái bài làm văn đạt điểm tối đa ấy. Nói quá nhiều lần, lặp đi lặp lại, đến mức làm tôi thấy khó chịu, khó xử, ngượng nghịu, cứ như là đem câu chuyện làm quà! Một lần gặp mặt cách đây vài ba năm, tôi đã buộc phải tỏ thái độ kín đáo với thầy, rằng trò không thích thầy nhắc lại mãi câu chuyện cũ mèm xửa xưa ấy! Ông thầy già có lẽ cũng nhận ra. Bèn thôi hẳn! Từ ấy, tôi cũng thấy nhẹ cả người.

Thầy Lê tiếp tục dạy toán lớp tôi. Đó là năm đầu tiên thầy dạy lớp 10 đi thi. Tuy vậy, với phong thái nhuốm màu nghệ sỹ, thầy vẫn triển khai bài giảng một cách phóng khoáng. Nhưng chúng tôi thầm mong, giá được học toán với thầy VM, một cây toán kỳ cựu của thành phố, (người đang dạy 2 lớp 10B, 10C), có kiểu chữ viết và cách trình bày bảng rất khoa học, duyên dáng, bay bướm và độc đáo,… thì có lẽ yên tâm và thích thú hơn. Hỡi ôi! Thầy VM sớm qua đời vì bệnh hiểm nghèo cũng đã hơn 20 năm rồi!

Thầy Phan B. chỉ còn dạy văn lớp 10C của thầy chủ nhiệm. Dạy văn lớp tôi và lớp 10B là thầy Nguyễn Quang S. , một cây dạy văn cấp 3 thuộc loại gạo cội. Thầy học đại học sư phạm Hà Nội vào những khóa đầu tiên, cùng lớp với các thầy Nguyễn Đình Chú, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ…Thầy QS. chuyển về từ trường Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên. Quê thầy ở làng Sắp Mai, huyện Đông Anh, nơi tôi 3 năm sau, sẽ dạy cấp 2 vài năm cho đến khi nhập ngũ. Thầy người dong dỏng, mái tóc đen nhánh bồng bềnh, trạc ngoài 30, giọng đanh sắc, hay có thói quenn vuốt sống mũi khi nói; rất tự tin vào trình độ chuyên môn nghiệp vụ sắc sảo, uyên bác của mình, nhất là kinh nghiệm luyện thi, đoán đề. Có lần thầy cười, nói đùa với chúng tôi: - Tớ có cái mũi đánh hơi đề thi tốt nghiệp giỏi lắm! Thầy tỏ ra không mấy phục các bạn đồng học học được giữ lại trường, sau này thành GS như HMD, PCD, NDC.

 - Các hắn, nhìn chung, viết nhạt nhẽo, chẳng có phát hiện gì. Chỉ thỉnh thoảng cố ý nhô ra 1 cái trên báo chí cho mọi người khỏi quên thôi! Nhưng dù sao, trên cái thang danh vọng, thì các hắn cũng ở ngọn thang, còn mình thì ở cuối gốc!

Trong số HS học khá môn văn lớp 10 A chúng tôi, thầy quý mến và trân trọng nhất là NSH. Thầy lần lượt xếp hạng và tuyên bố:

 - SH là con ngựa Văn số 1, ngựa số 2 là tôi, số 3 mới đến NH!

Thầy khen văn SH: ý phong phú, tư duy mạch lạc, toàn diện, diễn đạt sáng rõ, mẫu mực. Chê tôi và NH: văn cầu kỳ, ý phiến diện, đặc biệt là NH với cách thể hiện rắc rối, ngang ngạnh… Chúng tôi hồi ấy nghe thì biết vậy, không dám cãi; nhưng trong thâm tâm, quả thực chưa hoàn toàn tâm phục, khẩu phục. SH chỉ được cái chữ đẹp, nhưng lời dài dòng, ý khô khan. Văn NH mới có những dấu ấn sáng tạo riêng của cá nhân, tuy còn manh nha và có phần sống sít. Văn tôi thì ở quãng giữa, chỉn chu, trung bình. Quả nhiên NH sau này thành nhà báo, nhà văn có hạng, SH thì nửa thế kỷ nay không ai trong lớp biết tin tức. Nghe đâu hắn đang ở Mỹ!? Còn tôi thì suốt đời nối nghiệp các thầy T, Phan, S… dạy Văn cho học sinh, sinh viên, từ PT đến CĐ, Đại học.

Tôi nhớ mãi buổi ngoại khóa, thầy QS. giới thiệu cuốn sách mỏng: Từ những trận chiến đấu ác liệt trở về (tiền thân của tập hồi ký dài Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận, em trai Lê Đức Thọ) bằng những lời ca ngợi nồng nhiệt nhất. (Không biết gần đây, thầy QS. có đọc trên mạng: truyện tôi Đèn cù để biết được: hóa ra Trần Đĩnh, một nhà báo kỳ cựu (PV báo Nhân dân, suốt đời bị đeo tiếng xét lại, mới là người chấp bút cuốn sách này)?

Nghe thầy QS. giảng đoạn trích trường ca Bài ca chim Chơ rao (Thu Bồn) quả thật sâu mà sắc, thoáng mà say. Lại nghe thầy tâm sự rồi đọc toàn văn 1 bài viết đầu tiên của thầy được đăng trên Tạp chí Văn học (cuối 1965, trong chuyên mục Tiếng nói giáo viên), tôi mới hiểu thầy cũng ham viết và viết cũng kỳ khu lắm, nhưng đăng báo, in sách không nhiều.

           Có lần về thăm quê Đông Anh, biết tôi đang dạy học cấp 2 ở đó, thầy ra thăm, chơi. Thầy trò lại trò chuyện quanh việc dạy văn. Thầy kể lại, lần dạy để đoàn SV TTSP ĐHSPHN do thầy PGS. NHK dẫn đầu vào dự, thầy cố tình phân tích - bình giảng chỉ 1 bài thơ tứ tuyệt (hình như trong Nhật ký trong tù) mà hết cả 1 tiết! Quá giờ một cách cố ý để cho ông Kh. và lũ sinh viên thấy sự uyên bác và tinh tế của người dạy đã thu hút HS quên thời gian đến như thế nào! Tôi đã thầm thấy tính hiếu thắng, ngang ngang của thầy. Sau này hữu duyên, thầy trò lại có dịp gặp nhau, khi chúng tôi cùng tham gia dạy ở 1 trường THPT DL, tôi có đôi dịp tình cờ được nghe hóng bài dạy của thầy. Thì ra, cụ vẫn dạy y như hồi dạy chúng tôi 30 năm trước, từ nội dung đến cách phân tích, diễn giải, giọng điệu vẫn hùng hồn và tự tin như thế! Nhưng HS THPTDL Hà Nội những năm 90 có còn giống như HS cấp 3 chúng tôi hồi những năm 60 nữa đâu! Chúng không thích giờ Văn thầy S. dạy. Chúng nói chuyện, ngủ gật. Thầy mắng, quát mãi, chúng vẫn bỏ ngoài tai… Thầy đem than phiền với tôi, thằng học trò cũ nay đã thành đồng nghiệp của thầy. Tôi chỉ biết cười buồn, cảm thông với thầy … mà thôi! Lại nhớ mãi câu nói quá nhưng đầy tự tin và không phải không có lý của thầy, hôm tình cờ gặp thầy ở Sở Giáo dục HN, (cùng đi nghe GS. Hoàng nói chuyện về đề tài: Thơ tình yêu thời chống Pháp, chống Mỹ, dòng trong và dòng đục):

-                 Như tớ bây giờ, có cho làm tổng thống cũng được, chứ đừng nói là dạy học nữa!

Thầy NQS, trong tôi, mãi mãi là một trong những người thầy dạy Văn khả kính, người khai tâm mở lối, truyền lưả cho tôi. Tôi đã học được gì từ nơi thầy? Phải chăng đó là tình yêu say chuyên môn và lòng tự tin rất cao đối với nghề dạy văn? Và tôi đã rút được kinh nghiệm gì, cũng từ nơi thầy QS? Đó là mặt trái của sự tự tin, tự tín của 1 cá nhân thái quá thành sự chủ quan, tự mãn đến mức, tự thấy không cần học ai, học gì, lạc hậu, bảo thủ, mà không hay, có khác chi chuyện ông Xiến Tóc của cụ Tô Hoài? Lần gần đây nhất, tôi gặp thầy trong buổi lễ tang thầy NĐK, phó khoa Xã hội trường CĐSPHN. Cũng đã hơn 10 năm có lẻ rồi. Thầy tất tả vào viếng rồi lại vội vàng đi ngay. Tôi chỉ kịp chào mà không kịp cùng thầy hàn huyên trò chuyện.

Năm nay, đứa học trò cũ một thời Xuân Đỉnh năm xưa, đành kính mừng, tưởng vọng thầy bát tuần đại thọ bằng những dòng hồi ức muộn màng này.

Hồi ấy, học tập kết hợp với lao động đã trở thành một nguyên lý, một phương châm giáo dục của nhà trường XHCN. Mỗi tuần 1 buổi sáng (chiều) học sinh các lớp được tham gia lao động công ích là chuyện đương nhiên. Các thầy, cô giáo cùng thực sự làm việc với học trò chứ không phải chỉ nói miệng chỉ đạo hay làm lấy lệ, hình thức. Chúng tôi chuẩn bị bữa ăn trưa đạm bạc từ ở nhà. Thường là nắm cơm tẻ trắng tinh, dẻo xoắn dây đàn, ăn kèm với muối trắng, muối vừng, lạc rang, cà muối. Nhà nào sang thì mang ổ bánh mì kẹp chả, gói xôi lạc, hay bìa trứng rán, vài miếng thịt kho, ít ruốc bông, hai, ba con cá mắm mặn. Buổi trưa, cùng bánh đúc bày sàng, dưới bóng hồng xiêm, bóng phi lao, cùng vui đánh chén, cười đùa ầm ỹ. Những bữa trưa ăn chung ấy, thấy vui và ngon vô cùng. Chiều, hì hục đào, đắp giao thông hào, đào hầm phòng tránh máy bay. Hệ thống hầm hào từ cửa lớp bò ra sân trường, xuyên ra xa, nối với sân vận động, tỏa ra các hướng tận ngoài cánh đồng. Thầy trò vừa làm vừa trò chuyện, đủ chuyện vui tếu, cả chuyện văn chương, lịch sử…, chúng tôi tò mò khai thác, và thầy QS., thầy ĐK, TRH, Phan B… hào hứng kể lại, tâm sự thoải mái, vui vẻ, cởi mở với lũ học trò cuối cấp tò mò, ham hiểu biết. Nền nếp học tập và sinh hoạt của học sinh khẩn trương theo nguyên tắc thời chiến: cảnh giác, đảm bảo bí mật, an toàn. Thỉnh thoảng lại tập báo động, tập hành quân.*

                                                ***

Tôi, hồi ấy, trong mắt của các thầy và cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, bị xem là một trong những thanh niên thuộc loại chậm tiến trong lớp, mới được kết nạp vào Đoàn đợt… vét, cuối cùng. Hình như cùng đợt với PT, Phan VTR…, chỉ một, hai tuần trước khi thi tốt nghiệp. Tôi, được 2 đoàn viên giới thiệu là NH và HTH. Thâm tâm, đến lúc ấy, tôi vẫn coi chuyện vào Đoàn cũng là chuyện đương nhiên và bình thường, sớm, muộn không thành vấn đề! Chẳng lẽ bản thân mình không xứng đáng là đoàn viên sao? Ngay cả chuyện thi tốt nghiệp cũng vậy? Trước đó, tôi đã từng náo nức với dự định xin đi làm công nhân lái xe lửa và xung phong nhập ngũ đợt 30 – 4 cùng với NNH, V, N, T cùng làng… mà 2 ý định lớn đều không thành! Cho nên, tôi coi chuyện vào Đoàn và thi tốt nghiệp cũng chẳng có gì trọng đại! Thi vèo một nhát cho xong?/ Mười năm tốt nghiệp phổ thông, tạm rồi! 

Bởi vậy, dù tôi và NH. vẫn thường cặp nhóm với nhau để học ôn thi 1 cách nghiêm túc, nhưng không mấy hứng khởi. Hằng chiều, hằng tối, hai thằng vẫn đều đặn ôm sách vở ra học ngoài Gảnh Đình, Tầu Tượng, Nhà Bia…

Rồi chúng tôi cũng đã trải qua 3 ngày thi hết cấp 3 phổ thông 1 cách uể oải, lạnh lùng, với tâm thế: Thi thì thi, đỗ hay không chẳng có gì quan trọng! Nhưng lẽ nào lại có thể trượt được?! Và sự thật đã xảy ra đúng như thế. Năm 1966 ấy, lớp 10A chúng tôi, cả khối 10 chúng tôi đã thi đỗ tốt nghiệp 100%.

Chúng tôi đã kết thúc 10 năm học phổ thông một cách êm ả, bình lặng bằng một bữa liên hoan RTC (rượu thịt chó) kinh điển, tổ chức tại nhà riêng Phạm Công, tay lớp trưởng mẫn cán, năng nổ, vào một buổi sáng mưa dầm cuối tháng sáu. Phạm Công làm cán bộ lớp trưởng suốt 2 năm lớp 9, 10. Phải nói, hắn là tay tài hoa, tích cực, công tâm, gương mẫu và xởi lởi với các việc chung của lớp, của trường. Một cán bộ học sinh rất hăng hái, năng động, được các thầy cô yêu mến và tin cậy, nhưng đồng thời lại bị mấy đứa bạn cá biệt chúng tôi ngấm ngầm hay công khai phản đối, ghen ghét, với các việc, hầu hết bằng mặt, chẳng bằng lòng.

Phải hai tháng sau, khi không chỉ tôi, Phạm T, Văn B, Đoàn U. những HS chậm tiến, ít nhiều lý lịch gia đình hoặc bản thân có vấn đề, (dưới con mắt xét nét thiên lệch và đầy ấn tượng của mấy vị công an, đảng ủy và ủy ban xã, những cán bộ địa phương có toàn quyền ghi nhận xét vào hồ sơ lý lịch của chúng tôi) mà chính Phạm Công, chàng lớp trưởng ưu tú của chúng tôi cũng mãi mới được/bị gọi vào trường SP trung cấp 10 + 2 Hà Nội,… thì lòng ghen tức, đố kỵ nhỏ nhen của tôi mới thuyên giảm đi phần nào… Và rồi, thời gian trôi, cái tình cảm tủn mủn, tự nhiên, có phần bẩn thỉu, hèn hạ đó, mới càng ngày càng bị phai nhạt đi! để hơn 20 năm sau, chúng tôi mới nhất trí bầu hắn làm lớp trưởng lớp 10A vĩnh viễn cho tới … chết!

 Còn nhớ, trong 4 năm chiến tranh chống Mỹ (1966 – 1970), Bộ GD và bộ ĐH&THCN VN chủ trương không tổ chức thi tuyển sinh đại học, cao đẳng mà xét tuyển theo thành phần, lý lịch gia đình từng học sinh. Hậu quả bất hợp lý, bất công của chính sách quá chú trọng thành phần, lý lịch này là những học sinh trung bình, yếu nhưng lý lịch cơ bản, trong sạch, con nhà bần, cố và công nhân nghèo, con cán bộ to, con quan, con víp… thì hầu hết được cử đi học nước ngoài và các học viện, đại học lớn, danh giá trong nước. Còn tất thảy con em những gia đình trung, phú nông, con nhà tư sản (đã cải tạo), địa chủ (đã xuống thành phần) đều chỉ được gọi vào các trường cao đẳng, trung cấp hoặc ở lại địa phương làm ruộng, chờ đi bộ đội!

Tôi, Phạm Công, Phạm T, Đoàn U, Văn B… rơi vào trường hợp không may, đen đủi sau. Riêng tôi, ước mơ có bằng cử nhân đại học chính quy Nhà nước, một mơ ước rất đỗi bình thường của một thanh niên, mà phải vòng vèo, lận đận tới 20 năm sau, mới trở thành hiện thực!...

                                                  ***

Mùa hè năm ấy (1966), mùa hè cuối cùng của cuộc đời học sinh phổ thông, tạm biệt trường Xuân Đỉnh, chúng tôi tỏa về quê, mỗi đứa nghỉ hè một kiểu, tùy hoàn cảnh, điều kiện sống riêng của mình.

Ngày ngày, tôi hết vác thước đi laị dọc bờ đê hữu Hồng làm kỹ thuật viên đo đá thuê cho Công ty Thủy lợi cống Liên Mạc, lại chuyển sang làm nhân viên an ninh chợ Vẽ cũng với cụ KH. thôn Đình và cụ TH. thôn Hồng. Công việc cũng nhàn nhã, lại có thêm ít tiền chi tiêu.

Thời gian này, tôi bắt đầu thực sự say mê học đàn ghita cùng với Phan Mạnh Q. Tối tối, tôi với hắn ngồi bên cạnh anh chàng cựu thủy thủ phong trần NVB, (nhà ở ngõ Vẽ), say sưa thưởng thức và cố học mót những ngón đàn ghita nghiệp dư rất điệu nghệ của anh ta. Ngón gảy, ngón bấm, ngón vỗ, ngón đập, quạt chả, chạy gam, tiết điệu, độc tấu… đều nhất cử dạy học theo lối truyền khẩu, cầm tay, biết đâu chỉ đấy, mà càng học càng ham,… chẳng mấy chốc đã qua cả một vụ hè…

Như thế, chúng tôi vừa làm vừa chơi vừa chờ đợi cái giấy gọi vào đại học nào đó, một cách rất mơ hồ, nhưng không mấy háo hức…

Cho đến một buổi chiều âm u sau lễ Quốc khánh, chợt ông nhân viên Bưu điện xã đem lại tờ giấy gọi vào trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội (như đã nói ở đoạn trên). Lòng cơ hồ chẳng buồn, chẳng vui… Tôi thở một hơi dài, tối hôm ấy, đem giấy gọi ra so với giấy của Đoàn và Phạm:

-                 Thế nào? Chiều mai ta đi chứ? (đi tập trung học chính trị ở hội trường Sở Giáo dục HN); tôi thờ ơ hỏi 2 gã.

-                 Thì đi! Còn có cách nào hơn?! Chúng tớ đã chán sự chờ đợi rồi hơi, vô vị lắm rồi! Cả hai thằng bạn thân cùng uể oải trả lời.

…Thế là đoạn đời 3 năm học trò Xuân Đỉnh của chúng tôi đã kết thúc có vẻ tầm thường, giản đơn như vậy.

                                                ***

Từ ấy, nửa thế kỷ đã trôi qua! Lứa học trò Xuân Đỉnh chúng tôi hồi nào, giờ đây, đã vào lớp tuổi U70, U80 cả rồi! Mỗi khi ngồi buồn buồn nhớ lại một thời áo trắng ngây thơ, hăm hở, dại khờ, lắm buồn, không ít vui, được, mất cài đan, hạnh phúc rạng ngời và đắng cay, đau khổ… thảy đều gắn bó sâu nặng với ngôi trường cấp 3 (THPT) từng nổi tiếng số 1, số 2 toàn miền Bắc cùng với tên tuổi các thầy cô giáo tài hoa, hết lòng, hết sức vì học sinh, nặng nghĩa, nặng tình; càng nhớ thương bạn bè đồng môn, từ tuổi hoa niên đến lúc bạc đầu, mỗi người cuộc đời, một số phận,… tôi vẫn như được sống lại cả ngàn ngày làm học trò trường Xuân Đỉnh thương yêu, ngàn ngày một đi chẳng bao giờ trở lại, trong niềm xúc động và biết ơn viết mãi không cùng.

Ai chẳng có một tuổi thơ của riêng mình!?

Tuổi thơ của chúng tôi mãi ấm áp, mãi tự hào được lớn lên và trưởng thành từ cái Nôi êm - Mẹ hiền – Trường cấp 3 Xuân Đỉnh./.

 

* CHÚ THÍCH

 

* Mời đọc thêm một số bài viết của Đường Văn về đề tài trường Xuân Đỉnh, như:

 

Tản văn – hồi ức

 

-                  Khúc tưởng niệm muộn màng (2004), và

-                  Nhớ thầy, trò chuyện với Trưởng tràng (2004); trong sách: Văn chơi chơi văn (cùng viết với Hoàng Dân, 2014).

-                  Xuân Đỉnh, đại vàng thương nhớ ơi! đã đăng trên các trang web: trannhuong.com, vunhoNinhBinh và nguyennguyeenbay.com, tháng 3 – 2014);

 

Thơ

         Hương gây nhớ một mái trường (Tuyển tập thơ ca Lá nhặt cuối chiều (2014)

 

           * Sơ đồ chỗ ngồi HS lớp 10A, XĐ 3, năm học 1965 – 1966,

 

(Lập theo trí nhớ của ĐV. Mời các bạn bổ sung, chỉnh sửa cho đầy đủ, chính xác. Cảm ơn!)

 

 

 

 

LỚP 10A

 

 

             Bảng đôi, sơn xanh lá mạ

 

    Bàn giáo viên

 

Tổ 1                            Tổ 2                           Tổ 3                           Tổ 4

 

Bằng            ?

PTrung        Hiền

Hiệu         Trường

Hoạch              ?

Lan          PThanh

Cầm             Dục

Mỹ              Loan

Hoa                  Các

Dậu             ?

Đức            Thắng         

Hiếu             Hà

Cư                    ?

VLuyện         ?

MQuân        Ngạch

Đường        Bích

Lương           Đàn

Quang       Uyên

VQuân            ?                

Nhân          Dung

Đỗ Hồ       Hương

Chiếu        ĐPhúc        

Vinh                ?

HHồ           Định

Cường       Danh

 

 

 

 

 

* Dãy phòng học - nhà cấp 4, phía tây:

 

 Lớp 10C (PBT)

 Lớp 10B (VXM)

 Lớp 10A (NTH)

Phòng thí nghiệm

 

 

 

Những ngày trung tuần tháng 9,