Trong 2 ngày 18 và 19/9/2014, tại Công viên Nhạc Sơn (thành phố Lao Cai, tỉnh Lao Cai), Chi hội Nhà văn Sông Chảy đã tiến hành đại hội toàn thể, lần thứ II.
Chi hội Nhà văn Sông Chảy được thành lập theo Quyết định số 01/QĐ-CHNV, ngày 24/3/2008 của Hội Nhà văn Việt Nam và ngày 15, 16/12/2008 đã ra mắt, tại thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái).
Ban đầu, chi hội chỉ có 10 nhà văn Việt Nam, đang sáng tác trên địa bàn 3 tỉnh Lao Cai (Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn, Đoàn Hữu Nam), Yên Bái (Ngọc Bái, Hà Lâm Kỳ, Hoàng Thế Sinh), Tuyên Quang (Phù Ninh, Trịnh Thanh Phong, Đinh Công Diệp, Cao Xuân Thái, Vũ Xuân Tửu). Đến năm 2012 có thêm 2 nhà văn Hà Giang cùng tham gia (Hùng Đình Quý, Nguyễn Quang) và năm 2013, Lao Cai được kết nạp thêm 1 (Tống Ngọc Hân ở Sa Pa). Nhà văn Đinh Công Diệp từ trần năm 2012. Như vậy, tổng số hội viên hiện nay là 13 nhà văn, do nhà văn Hà Lâm Kỳ làm Chi hội trưởng.
Đến dự Đại hội II, có 10 nhà văn, bởi ảnh hưởng mưa bão lở đường, nên các nhà văn Hà Giang không đi được.
Trong số 13 hội viên, có 4 dân tộc thiểu số (Mông có Mã A Lềnh, Hùng Đình Quý, Pa Dí có Pờ Sảo Mìn và Tày có Hà Lâm Kỳ) và 1 nữ (Tống Ngọc Hân); độ tuổi trung bình 56, trẻ nhất là nữ nhà văn ở Sa Pa (1976).
Trong 6 năm hoạt động, các nhà văn Chi hội Sông Chảy đã sáng tác, xuất bản 82 đầu sách, về tiểu thuyết, tập truyện, tập thơ, trường ca và kịch bản văn học...
Tại đại hội, nhà văn Mã A Lềnh đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam cần mở rộng cửa, kết nạp thêm nhiều hội viên hơn nữa. Chi hội Sông Chảy cũng phải mở rộng địa bàn hoạt động ra cả vùng Tây Bắc, lập quỹ chi hội và phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật Lao Cai đề nghị truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho cố nhà văn Bùi Nguyên Khiết, đã hy sinh trong chiến tranh biên giới. Đồng thời, đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam lập lại Ban Dân tộc-Miền núi, để hỗ trợ giúp đỡ các nhà văn dân tộc thiểu số và các nhà văn sáng tác ở miền núi có hiệu quả hơn.
Nhà văn Đoàn Hữu Nam phát biểu về sự đầu tư sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam, còn thua kém các Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và các hội khác, nên chưa động viên khuyến khích kịp thời. Việc bầu hội viên đi dự Đại hội Nhà văn Việt Nam khóa tới, cần thông qua chi hội, kết quả sẽ chính xác hơn là bầu tại hội nghị khu vực toàn miền Bắc.
Nhà văn Hoàng Thế Sinh đề nghị tăng cường giao lưu và tổ chức đi thực tế sáng tác.
Theo nhà văn Hà Lâm Kỳ, thì các nhà văn Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên... cũng muốn tham gia Chi hội Sông Chảy, nhưng liên quan đến quy chế hoạt động, nên chờ ý kiến chỉ đạo của Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu thành lập được Chi hội nhà văn Tây Bắc, thì Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ ủng hộ. Chi hội cũng đề nghị cấp trên cho các nhà văn đi tham quan Lào và Trung Quốc là hai nước liền kề vùng Tây Bắc Việt Nam. Mỗi năm, chi hội sẽ giới thiệu 3-4 tác giả cho Hội Nhà văn xem xét, kết nạp.
Các hội viên mong muốn Hội Nhà văn Việt Nam và các điah phương tạo điều kiện cho chi hội hoạt động ở tầm cao mới, chẳng hạn: mở rộng địa bàn, có tư cách pháp nhân, con dấu, lập tài khoản, gây quỹ, tổ chức đi thực tế, hỗ trợ sáng tác, xuất bảnvv...
Nhà thơ Nguyễn Hoa- Ủy viên BCH, Trưởng ban Công tác Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đến dự và phát biểu ý kiến với đại hội. Nhà thơ gợi ý đại hội cần đề ra các chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu, ví dụ như về kết nạp hội viên mới, cần chú trọng bồi dưỡng tác giả trẻ, nhất là đối với các cây bút dân tộc thiểu số. Chi hội cần tổ chức cho các nhà văn đọc và thẩm bình tác phẩm của nhau để nâng cao chất lượng tác phẩm và hiểu biết nhau hơn. Nhà thơ cũng lĩnh hội ý kiến về cách thức bầu đại biểu đi dự Đại hội nhà văn khóa IX, với Lãnh đạo Hội để xem xét cụ thể...
Ông Phạm Xuân- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lao Cai, ông Lê Minh Thảo- Chỉ tịch Hội VHNT Lao Cai, họa sĩ Nguyễn Đình Thi- Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT Yên Bái, nhà báo Mạnh Tấn- Phó chủ tịch Hội Nhà báo Lao Cai và "cây bút trẻ" Nguyễn Cự- Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lao Cai... cũng đã trao đổi nhiều ý kiến thiết thực.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành chi hội nhiệm kỳ 2014-2019, gồm 3 nhà văn, do nhà văn Đoàn Hữu Nam làm Chi hội trưởng.
Lớp nhà văn đàn anh: Lan Khai, Lê Đạt, Hoàng Hạc, Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Bùi Nguyên Khiết... đã làm sáng danh vùng đất Việt Bắc- Tây Bắc, trên văn đàn nước nhà. Và, tiếp bước các nhà văn hôm nay, sẽ là các cây bút trẻ đầy hứa hẹn trên địa bàn, như: Nguyễn Cự, Nguyễn Ngọc Yến, Nông Quang Khiêm, Tạ Bá Hương, Đinh Công Thủy, Chu Thị Minh Huệ, Hoàng Anh Tuấn, Trần Bé, Mã Anh Lâm, Phạm Thanh Huyền...
VXT