Trong một xã hội pháp quyền, không một cá nhân, tổ chức nào được phép đứng trên pháp luật. Muốn vậy việc soạn thảo, ban hành luật phải xuất phát từ quyền lợi tối thượng của quốc gia và người dân, không phục vụ cho bất kỳ nhóm lợi ích nào. Pháp luật mỗi quốc gia cũng không thể đi ngược với thông lệ quốc tế.
Mặt khác, xã hội pháp quyền cũng đòi hỏi đội ngũ cán bộ tư pháp không những am hiểu pháp luật mà còn bắt buộc phải công tâm, không vụ lợi, không sợ áp lực.
Ở nước ta, sự độc lập của ba quyền lực: lập pháp, hành pháp và tư pháp chỉ mang tính tương đối nên đã nảy sinh những vấn đề bất cập. Trong lĩnh vực tư pháp, sự độc lập của các cấp tòa án khi xét xử đã được quy định trong Hiến pháp nhưng thực tế không phải lúc nào Hiến pháp cũng được tôn trọng.
Luật chưa hoàn chỉnh, cần bổ sung, điều chỉnh là hoạt động bình thường của Quốc hội, tuy vậy với “một rừng” nghị định, thông tư, nghị quyết được ban hành, không phải chỉ người dân mà ngay những người chuyên nghiên cứu, thực thi pháp luật cũng gặp không ít khó khăn. Sống trong một “rừng luật” nhưng vẫn có lúc, có nơi người ta dùng “luật rừng” để “nói chuyện” với nhau.
Nói đến “luật rừng” người ta thường hay hình dung đó là cách hành xử của dân “anh chị”, của những người coi việc “xộ khám” chỉ là tai nạn nhỏ, thế nhưng khi cả lãnh đạo Viện Kiểm sát và Tòa án huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa đe dọa bị can không được mời luật sư bào chữa thì “luật rừng” đã hiện diện ngay tại chốn công đường.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho hoạt động tư pháp chưa đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội?
Thứ nhất: hầu như các dự thảo luật đều do các Bộ soạn thảo rồi trình ra Quốc hội trong khi tại các đơn vị này đội ngũ chuyên gia cao cấp am hiểu về luật lại không nhiều nếu không nói là rất thiếu.
Thứ hai: không ít trường hợp, lợi ích nhóm được lồng vào dự thảo luật nhằm tạo nên sự độc quyền của một tập thể nhưng lại mang danh nhà nước.
Thứ ba: trình độ chuyên môn và đạo đức đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật không ít trường hợp chưa đáp ứng nhu cầu hành pháp và tư pháp hiện tại.
Có thể lấy ví dụ về dự thảo Luật tổ chức tòa án vừa qua.
Điều 104 Hiến pháp 2013 quy định:
1. Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định.
3. Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Trong khi đó mục b khoản 2 điều 10 dự thảo Luật tổ chức tòa án quy định TANDTC có quyền “Giám đốc việc xét xử của các Toà án khác, trừ trường hợp do luật định”.
Liệu có cần thiết đưa quy định trên (khoản 2) khi điều này đã được nêu trong Hiến pháp?
Mặt khác nếu không định nghĩa chặt chẽ khái niệm “giám đốc việc xét xử” sẽ có nguy cơ hiểu lầm là TANDTC có quyền can thiệp vào việc xét xử của các tòa án khác? Liệu như vậy có tạo được sự độc lập của tòa khi xét xử?
Với điều 104, rõ ràng là Hiến pháp không hề quy định TANDTC quản lý hành chính các tòa án khác được lập ra theo quy định của pháp luật.
Bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho rằng cần phải: “tạo sự độc lập tương đối của tòa án với cấp chính quyền địa phương và độc lập với chính cấp trên các cấp xét xử của ngành tòa án”. [1]
Trên thế giới, Canada, Úc… là các quốc gia độc lập và là thành viên Liên hợp quốc. Thực ra sự độc lập của 15 quốc gia trong Liên hiệp Anh cũng chỉ là tương đối vì tại mỗi nước chỉ có Thủ tướng điều hành nội các chứ không có Tổng thống hoặc Chủ tịch nước. Bên cạnh Thủ tướng còn có Toàn quyền thay mặt Nữ hoàng Anh, về tước vị Toàn quyền đứng dưới Nữ hoàng và trên Thủ tướng, về danh nghĩa Toàn quyền có quyền giải tán Quốc hội hay tấn phong các bộ trưởng.
Hơi khó lý giải quan điểm của bà Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật vì sao tòa chỉ “độc lập tương đối” với cấp chính quyền địa phương và độc lập (không tương đối) với tòa cấp trên? Nếu chỉ “độc lập tương đối” thì có nên hiểu là cấp chính quyền địa phương có quyền “giải tán quốc hội” với tòa cùng cấp giống như Toàn quyền Anh với Thủ tướng nước sở tại, hay đây chỉ là vấn đề câu chữ không liên quan đến khía cạnh pháp lý, không cần quá đi sâu?
Mục g khoản 2 điều 10 dự thảo quy định: TANDTC có quyền: “Đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác của Tòa án nhân dân”.
Ngay từ tháng 3/2014, hai vị chủ nhiệm hai ủy ban của Quốc hội đã cho rằng thành lập Học viện hay Đại học tòa án phải tuân thủ pháp luật, do Thủ tướng quyết định chứ không phải do tòa án quyết, dự thảo này đã được đánh giá là trái luật nên đã được sửa đổi song tinh thần thì vẫn giữ lại quyền của Tòa án tối cao là “đào tạo, bồi dưỡng” các chức danh trong ngành?
Phải chăng vì ngành Kiểm sát đã có đại Kiểm sát, ngành Luật có nhiều đại học Luật nên Tòa án cũng cần có đại học Tòa án? Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế hay là từ phong trào “phổ cập đại học” đang lan rộng tại các tỉnh, thành phố, các đoàn thể quần chúng?
Cho đến nay, các tổ chức đoàn thể quần chúng như Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ đều đã có đại học riêng, còn Hội Nông dân thì chưa có “Đại học Nông dân” và Tòa án tối cao chưa có đại học Tòa án, phải chăng đây là một thiệt thòi đáng kể?
Một trong những minh chứng cho nhận định “trình độ chuyên môn và đạo đức đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật không ít trường hợp chưa đáp ứng nhu cầu hành pháp và tư pháp hiện tại” là “án bỏ túi”.
Việc lập ban chuyên án từ địa phương tới TƯ bao gồm đại diện Chính quyền (công an), Tòa án và Kiểm sát... lâu nay vẫn được xem là chuyện bình thường. Chính từ sự “bình thường” này mà nảy sinh chuyện “Khi thấy tốc độ điều tra của công an chậm quá, ông (Bí thư huyện ủy) hăng hái yêu cầu “để tôi làm trưởng ban chuyên án”. Một yêu cầu vô lý đến như thế mà công an huyện vẫn phải đồng ý”. [2]
Cần biết rằng Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: “… nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm”.
Trong khi Hiến pháp nghiêm cấm can thiệp vào việc xét xử của tòa án thì Bí thư huyện ủy lại làm trưởng ban chỉ đạo chuyên án bao gồm cả Công an, Kiểm sát và đương nhiên dù không nói thì Tòa án cũng không thể nằm ngoài sự chỉ đạo của Bí thư huyện ủy.
Đến đây thì không thể không đặt câu hỏi vị Bí thư nọ làm trái pháp luật hay chỉ là không hiểu nguyên tắc? Dẫu thế nào thì cũng vẫn dẫn tới một kết luận là trình độ vị đó có vấn đề!
Một nguyên tắc đang được áp dụng trong tiến trình tố tụng là xét xử hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm. Nếu giả sử ban chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo chuyên án và giao cho tòa cấp huyện xử án thì liệu khi phúc thẩm, tòa cấp tỉnh có “dám” lật ngược lại bản án đã tuyên? Một khi nguyên tắc “độc lập xét xử” đã bị vi phạm thì liệu công dân có hy vọng gì khi kháng án?
Phải chăng đây chính là “sự độc lập tương đối” của tòa với chính quyền địa phương?
Trở lại chuyện tòa án phải được “độc lập với chính cấp trên các cấp xét xử của ngành tòa án”. Không khó để tìm dẫn chứng về việc tòa cấp tỉnh chỉ đạo hướng giải quyết vụ án với tòa cấp huyện. Một khi tòa cấp tỉnh đã lãnh đạo hướng giải quyết thì tranh tụng trước tòa chỉ còn là hình thức bởi trước khi phiên tòa mở công khai thì bản án đã được tuyên rồi, đó là bản án đã nằm “trong túi” thẩm phán hoặc chánh án.
Cần phải nói rằng tại các thành phố không thiếu những vụ án “bé xé ra to” như chuyện mấy thanh niên cướp mũ của nữ sinh ở Hải Phòng, ngược lại càng nhiều vụ “to vo thành bé” như đối với 4 nguyên cảnh sát thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên.
Một khi lãnh đạo ngành Tư pháp ở các thành phố trực thuộc trung ương còn có thể ban hành các quyết định trái hiến pháp thì (nếu giả sử) có vị Chánh án ở tỉnh xa trung ương ban hành các quy định trái cả Hiến pháp lẫn truyền thống đạo lý chắc cũng không có gì đáng ngạc nhiên!
Liệu đây đã là thời điểm báo động về trình độ đội ngũ cán bộ tư pháp?
Và chuyện cán bộ cả Kiểm sát lẫn Tòa án ở Triệu Sơn, Thanh Hóa ép bị can không được mời luật sư, nhận tiền hối lộ của bị can đã đến lúc báo động về tư cách, đạo đức đội ngũ cán bộ tư pháp?
Nếu bức cung nhục hình xảy ra chủ yếu trong quá trình điều tra của công an (hành pháp) thì chuyện án bỏ túi, chạy án, nhận tiền hối lộ của nghi phạm… lại là việc thuộc về lĩnh vực tư pháp.
Và đến đây, câu hỏi tất yếu phải đặt ra là nếu giao cho Bộ Tư pháp quản lý trại tạm giam có giảm được nạn bức cung nhục hình nghi phạm? Người viết từng tán đồng quan điểm này nhưng vẫn cho rằng không có đội ngũ cán bộ thực thi công vụ liêm khiết, giỏi chuyên môn thì luật pháp chỉ là những quyển sách, còn người dân, nếu tránh được nguy cơ trở thành “bị bông” thì lại đối mặt với nguy cơ trở thành “chùm khế ngọt”.
Suy cho cùng, soạn thảo, ban hành luật hoặc các văn bản quy phạm pháp luật chưa giúp cho nền hành pháp, tư pháp Việt Nam đáp ứng mong mỏi của toàn thể dân chúng. Việc cấp thiết nhất là phải “tái thiết” đội ngũ cán bộ hành pháp, tư pháp mà trước tiên là người đứng đầu các tổ chức cơ sở, địa phương./.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=1779
[2] http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/lam-ban-ve-an-bo-tui.html