Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Luận về nhân cách

Nhà văn: Đắc Trung
Thứ tư ngày 16 tháng 7 năm 2014 5:01 AM


 

TNc:  Nhân cách là thước đo phẩm giá con người."Thà mất tất cả chứ nhất định không để mất nhân cách". Đó là nhận thức và phương châm sống của những người chân chính. Nhưng thế nào là nhân cách? Quá trình định hình, phát triển và hoàn thiện nhân cách thế nào... lại là việc phải suy ngẫm.
      Về nội dung này TRANNHUONG.COM  trân trọng trích giới thiệu một phần bài nghiên cứu của Nhà văn Đắc Trung để bạn đọc cùng tham khảo...


     Nhân cách là biểu hiện những yếu tố đặc trưng bản chất một người được định hình và không ngừng bổ sung, hoàn chỉnh; là căn cứ để khẳng định: thiện, ác, chính, tà, trung, gian, thật, giả, cao thượng, thấp hèn, tốt, xấu, hay, dở, trọng, khinh, yêu, ghét; là thước đo giá trị cả kiếp sống. Nhân cách không tự nhiên có mà là kết quả tác động môi trường, từ thiên nhiên, gia đình, cộng đồng, nhà trường, xã hội cùng với nhận thức và quá trình tu dưỡng, rèn luyện. Do đó nhân cách mang màu sắc cá nhân. Nhân cách động chứ không tĩnh, khả biến chứ không bất biến. Vì vậy việc không ngừng bổ sung, hoàn thiện và giữ gìn nhân cách vô cùng quan  trọng. Ngoài những yếu tố cơ bản mang tính ổn định, nhân cách diễn biến theo lịch sử cho phù hợp với từng thời đại, từng quốc gia. Bởi thế nhân cách không chỉ là thước đo giá trị một người, mà còn là căn cứ để đánh giá bản chất một chế độ, xã hội và dân tộc.
      Nhân cách định hình và phát triển, bổ sung, hoàn thiện theo từng giai đoạn phụ thuộc vào độ tuổi và môi trường sống. Người ta khi mới sinh ra tâm hồn trắng trong không vết nhơ, không màu sắc. Đôi mắt tròn xoe đen láy, miệng cười tươi, hết sức vô tư rất đáng yêu. Rồi đứa bé biết bò, biết đi, biết nói, biết xúc ăn, biết xếp đồ chơi... Mọi phản ứng, xử thế theo bản năng, đặc biệt bắt chước và làm theo người khác, tiếp thu thụ động chưa có tư duy. Bởi thế, chịu ảnh hưởng cả điều tốt lẫn điều xấu. Môi trường tốt hay xấu là yếu tố quyết định. Rồi đứa trẻ đi học: Mầm non, Mẫu giáo, Tiểu học. Khả năng tư duy xuất hiện. Vẫn môi trường chi phối và bước đầu đứa trẻ tiếp thu có chọn lọc, nhưng rất hạn chế. Ở lứa tuổi ấu thơ và trong môi trường này các cháu thuộc giai đoạn hình thành tính cách với những nội dung đơn giản nặng yếu tố bản năng tự nhiên. Tính cách sẽ tạo nền tảng để đến tuổi vị thành niên và thành niên định hình nhân cách. Ở giai đoạn này môi trường sống rộng hơn: không chỉ gia đình mà cả dòng tộc, họ hàng nội ngoại, quê hương, Tổ quốc; không chỉ trường Mầm non, Mẫu giáo, Tiểu học mà là trường Trung học, Cao đẳng, Đại học cả trong nước và nước ngoài; không chỉ tham gia một hai tổ chức đoàn thể, hiệp hội mà nhiều hơn; đối tượng giao tiếp cũng đông hơn thuộc các loại người khác nhau từ thân quyến đến các thày cô giáo, bè bạn và cộng đồng, xã hội; phạm vi sinh hoạt cũng không chỉ quanh quẩn ở gia đình, quê hương, nơi cư trú mà nhiều hơn; lĩnh vực tìm hiểu nghiên cứu, khám phá cũng phong phú, phức tạp hơn, khả năng nhận thức và tư duy cao hơn cả chủ quan và khách quan, cảm tính và lý tính trên cơ sở kế thừa và bổ sung những yếu tố được sở hữu thuộc tính cách ở giai đoạn ấu thơ. Tính cách được biểu lộ khi còn nhỏ phần nhiều là sự mô phỏng của nhân cách khi trưởng thành. Tất nhiên nó còn bị lệ thuộc ở kết quả quá trình tu dưỡng. Rồi từ nhân cách mở rộng tiếp nhận Đạo làm người ở tuổi trưởng thành. Đạo làm người là đại đạo gồm nhiều tiểu đạo như: Đạo trung, Đạo hiếu, Đạo đễ, Đạo nghĩa, Đạo từ, Đạo sư phụ, Đạo hữu, Đạo nhân. Đạo làm người là nền tảng xác lập phẩm giá đạo đức cho cả đời người. Đây là mối quan hệ biện chứng và nhân quả. Tính cách nào cho nhân cách ấy và nhân cách nào sẽ quyết định việc hiểu và sống theo Đạo làm người ra sao. Cả ba gắn quyện nhau, ở trong nhau và bổ sung hỗ trợ nhau.
      Cổ nhân dạy: " Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ ". Ra ngoài xã hội muốn khôn ngoan, trưởng thành phải hỏi, phải nghe những lời răn bảo của người già, vì người già từng trải nhiều kinh nghiệm. Còn về nhà muốn biết sự thật những việc gì đã diễn ra thì hỏi trẻ, bởi trẻ con chưa biết nói dối. Nếu ở tuổi ấu thơ, trong giai đoạn hình thành tính cách các cháu được nuôi dưỡng, dạy dỗ trong môi trường gia đình và học đường tốt, ông bà, cha mẹ, anh chị em mẫu mực có nề nếp gia phong, các thày cô giáo và bạn bè mô phạm, có chí lớn thì đức tính tốt như thật thà được duy trì và khi lớn lên ở tuổi vị thành niên và thành niên trong giai đoạn định hình nhân cách chúng sẽ trung thực. Đến tuổi trưởng thành sống theo Đạo làm người thì không chỉ thật thà trung thực mà cao hơn là bản lĩnh vững vàng, tư chất đàng hoàng quân tử, quang minh chính đại không bị cám dỗ bởi dục vọng thấp hèn, hoặc quỳ gối khom lưng trước tiền bạc, quyền lực, ngay thẳng như cây tùng, cây bách trước bão táp mưa sa của cuộc đời. Ngược lại nếu khi còn thơ ấu ta để các cháu nhiễm phải thói hư dối trá thì lớn lên chúng sẽ không trung thực, lừa trên gạt dưới, xuyên tạc, vu khống, thậm chí bất chấp thủ đoạn xấu xa bỉ ổi.
      Theo bản năng trẻ nhỏ thường tham. Miệng ngậm một vú bú mẹ và tay giữ chặt vú kia. Ăn no rồi nhưng vẫn tranh phần nhiều cất đi không muốn cho ai. Ở giai đoạn này chúng ta dạy dỗ để các cháu bớt tham, biết nhịn và nhường thì lớn lên ở tuổi định hình nhân cách các cháu sẽ giầu lòng nhân ái sẵn sàng hy sinh vì người khác. Nếu ở tuổi này các cháu không được dạy bảo chu đáo trong gia đình có truyền thống đạo đức, hoặc nhà trương thày cô không mẫu mực vẫn để tính tham ấy tồn tại thì khi lớn lên vào đời chúng sẽ " thà mất nhân cách để được tất cả", bất chấp đạo lý và pháp luật đặt lợi ích cá nhân, gia đình, băng nhóm trên cả lợi ích quốc gia dân tộc sẵn sàng biến thành loài sâu bọ tham ô, tham nhũng làm giầu bất chính sống phè phỡn trên mồ hôi xương máu đồng bào mình, thậm chí bán rẻ cả Tổ quốc cho ngoại bang trở thành giặc nội xâm, chấp nhận làm lọai người bỏ đi cam chịu để lịch sử lên án và nhân dân khinh bỉ.
      Ở tuổi ấu thơ trẻ nhỏ ham chơi nhưng cũng thường chóng chán. Tô màu trên hình vẽ vài lần không đẹp vò giấy vứt bỏ, chơi trò khác. Xếp hình không đúng mẫu cũng gạt đổ, bỏ, chơi trò khác. Tập viết chữ, làm mấy bài tính sai, quẳng vở đi, không làm nữa...Ta gọi đó là tính lười học của trẻ. Nếu ở tuổi này ta cố công động viên, kèm dạy để các cháu thay vì ham chơi bằng thích hiểu biết, khám phá; thay vì nôn nóng bằng sự kiên trì: tô màu xấu, tô lại; xếp hình không đúng mẫu, xếp lại; viết chữ chưa đẹp, viết lại cho đến khi đẹp và đúng, rồi say mê ngắm nghía thành quả của mình, không chỉ vui mà còn rất tự tin để chơi trò khác, viết chữ, làm phép tính khác.
      Có được đức tính kiên trì ham hiểu biết ở tuổi ấu thơ thì lớn lên các cháu sẽ hiếu học và học giỏi. Rồi khi trưởng thành sẽ bằng mọi cách tự học, tự nghiên cứu nhằm mở rộng kiến thức, làm chủ công việc, khát vọng sáng chế, phát minh. Coi việc học là thiêng liêng của sự nghiệp đời mình. Học thật, hiểu biết thật, khinh ghét học giả, bằng dởm chạy theo danh hão. Muốn được thế thì trước hết người lớn phải là tấm gương. Ở đời không có học trò hư, chỉ có giáo viên tồi và nền giáo dục hỏng.
      Giáo dục tính cách ở tuổi ấu thơ, nhân cách ở tuổi vị thành niên, thành niên và Đạo làm người ở tuổi trưởng thành vô cùng quan trọng. Không chỉ với mỗi cá nhân, mà ảnh hưởng và quyết định đến sự tồn vong của cả dân tộc.
      Lịch sử nước ta, nhà Lý ( 215 năm ) coi Phật giáo là quốc giáo. Hầu như làng nào cũng có chùa.. Mọi người dân từ trẻ đến già đều thấm nhuần giáo lý Phật pháp, hiểu thế nào là " Vô thường ", " Vô ngã ", " Tứ diệu đế ", " Bát chính đạo " , " Sắc sắc không không " con người có " Chuyển kiếp luân hồi " và chịu sự chi phối của " Luật nhân quả " . Bởi thế " tu nhân tích đức " được coi là phương pháp rèn mình không thể thiếu. Cũng từ nhà Lý chính thức xác lập nền giáo dục quốc gia, lấy Đạo Giáo làm nền tảng. Tại Kinh đô có Văn Miếu - Quốc Tử Giám thờ Khổng Tử đồng thời là Trường Đại học đầu tiên. Các địa phương nhiều nơi cũng xây Văn Miếu hoặc Văn Chỉ và đủ hệ thống trường lớp. Việc thi cử tuyển chọn nhân tài và bổ nhiệm vào bộ máy công quyền đều lấy Nho Giáo làm căn cứ. Mọi người đều hiểu thế nào là tôn ty trên dưới của trật tự gia đình, xã hội, thế nào là " Thuyết quân tử ", là " Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ ", là " Quân quân, thần thần ". Ngoài Phật Giáo, Đạo Giáo, Lão Giáo cũng có tầm ảnh hưởng khá sâu sắc, nhất là tầng lớp trí thức. Đến triều Trần ( 175 năm ) vẫn kế thừa nền giáo dục từ nhà Lý, phát triển sâu rộng hơn. Cả hai triều đại trên hầu hết các bậc minh quân đều chân tu, có người đắc pháp nhập Niết Bàn trở thành Phật Hoàng như Trần Nhân Tông.
      Đến triều Lê tuy trọng Nho Giáo hơn, nhưng Phật Giáo, Lão Giáo vẫn phát triển. Triều Nguyễn không chỉ vẫn kế thừa mà còn tiếp nhận thêm Tây học.
      Lớp cán bộ cách mạng tiền bối hầu hết đều chịu ảnh hưởng của Đạo Phật, Đạo Giáo, Đạo Lão, có người thêm cả kiến thức Tây học nên khi được tiếp thu học thuyết Mác-xít mà đặc trưng là tư duy biện chứng khoa học và mục tiêu cải tạo  phát triển xã hội, những yếu tố đó đã xác lập cho họ phẩm chất tốt đẹp về nhân cách, đạo đức: trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đâu hy sinh vì Tổ quốc; giầu lòng nhân ái vị tha, tu rèn theo " Thuyết quân tử ", sống mẫu mực. Nhờ thế uy tín rất cao thuộc đẳng cấp lãnh tụ, " Vương hữu đạo quốc tất an, vương vô đạo quốc tất loạn ".  Đứng đầu quốc gia phải là tấm gương sáng về Đạo làm người . Đó là Hồ Chí Minh và các đồng sự của ông như Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh...Còn các thế hệ sau người biết đạo, sống theo đạo ngày càng ít. Người không biết đạo, sống vô đạo ngày càng nhiều. Những thập kỷ tiếp theo, khi học thuyết Mác-xít được coi là nền tảng cơ bản của hệ tư tưởng và giáo dục thì Phật Giáo, Nho Giáo, Lão Giáo mất chỗ đứng thậm chí còn bị coi là mê tín dị đoan, là bảo thủ bị bài xích. Lý luận Mác-xít thì nghiên cứu không đến nơi đến chốn. Chạy theo " tiêu chuẩn hóa cán bộ " bằng tiền bạc mua bán, đổi chác kể cả thủ đoạn miễn sao có bằng cấp dù dởm, thậm chí giả để được bổ nhiệm, đề bạt trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.
      Không đưa nội dung chương trình giáo dục Tính cách, Nhân cách và Đạo làm người giảng dạy trong hệ thống các trường học, gia đình, cộng đồng, đoàn thể xã hội đã tạo ra " Khoảng trống vô đạo ". Đó là " Tử huyệt của giáo dục ". Đó cũng chính là nguyên nhân xuống cấp đạo đức xã hội và thoái hóa  bộ máy công quyền.
      Ở đời hủy hoại nhân cách mạnh nhất, nhanh nhất là Tham - Sân - Si mà giáo lý Đạo Phật gọi là " Tam độc ".
      Tham là muốn chiếm đoạt những thứ mà mình không đáng có, đặc biệt công danh, quyền lực, của cải vật chất và mọi sự thỏa mãn dục vọng bao nhiêu cũng không cho là đủ.
      Sân: là sự tức giận, điên khùng không làm chủ được mình nên mất khôn , thậm chí thâm thù người khác khi lòng tham bị cản trở không đạt được.
      Si: là do sân mà dẫn đến mê muội ngu si mù quáng không phân biệt được đúng, sai, thật, giả, tốt, xấu, thiện, ác...
      Ba thứ ấy gắn với nhau. Vì tham mà sân và si; vì si mà tham và sân; vì sân mà si và tham...
       Giáo lý Phật pháp luôn giúp mọi người luyện tâm, hướng thiện có sức cảm hóa đặc biệt. A Dục Vương cải tà quy chính là nhờ triết lý Phật pháp. Ông là đời vua thứ ba của vương quốc Ấn Độ rộng lớn lên ngôi năm 268 trCN. Tương truyền A Dục Vương ngoại hình xấu xí, tính tình ngang bướng nên không được lòng cha mẹ. Khi xảy ra đại loạn ở vùng Đức Thoa Thi La nhà vua cử ông đi dẹp có ý đưa vào chỗ chết nên chỉ cho đem theo ít quân và trang bị sơ sài. Nào ngờ A Dục Vương văn võ song toàn, thắng trận trở về rất được triều thần ngưỡng mộ. Ông có 101 anh em. Vua cha qua đời ông tàn sát 99 người ruột thịt để giành quyền lực và bốn năm sau làm lễ đăng quang. Không chỉ tàn sát anh em, A Dục Vương còn đặt ra nhiều đạo luật rất hà khắc và tàn ác với thần dân, chinh phục các nước láng giềng đến đâu là cướp, giết.
       Khi được tiếp thu Phật pháp, hiểu thế nào là  vô thường, vô ngã, tham, sân, si, tứ diệu đế, bát chính đạo, chuyển kiếp luân hồi, luật nhân quả A Dục Vương thấy ân hận vô cùng và quyết chí tu trì theo giáo lý nhà Phật. Ngày đêm sám hối, tích thiện. Ông bãi bỏ các đạo luật bất công, thay vào chính sách thương dân, quyết xây dựng một xã hội tốt đẹp. Với các nước láng giềng thì đặt hòa bình nhân ái trên hết. Từ lời nói đến việc làm của A Dục Vương đều chan hòa tính Phật. Ông đặc xá tù phạm mỗi năm bốn lần, cấm lạm sát để bảo vệ động vật, kêu gọi trồng cây, đào giếng, làm đường, dựng tháp xây chùa thờ Phật khắp toàn quốc. Tạo mọi thuận lợi cho việc truyền bá Phật giáo, ban hành nhân chính rộng rãi, đề cao giáo lý nhà Phật, yêu mến bảo vệ lương dân. Nhà vua tuần du lễ Phật, dựng cột đá Phật tích. Một số cột còn đến ngày nay là hiện vật cổ quý của Ấn Độ. A Dục Vương còn cử người ra nước ngoài truyền bá Phật Giáo như: Xi-ry, Ai Cập, Ma-ky-don, Cam-pu-chia...Bằng giáo lý Phật pháp A Dục Vương chủ trương quan hệ thân thiện với các quốc gia. Nhà vua mời Mục Kiều Liên Tử Đế Tu làm Hòa thượng kết tập một nghìn trưởng lão ở thành Hoa Thị suốt chín tháng, thành quả là ra đời được bộ " Kinh Luận Sự ". Sau cuộc kết tập nhà vua cử hàng loạt đại sư tỏa đi truyền giáo ở mọi miền đất nước. Dưới thời A Dục Vương nhờ giáo hóa Phật pháp mà hóa giải được những bất đồng, nối liền Châu Á, Châu Âu, Châu Phi. Công lao của A Dục Vương rất lớn được người đời ca ngợi gọi là " A Dục Vương chính pháp ". Những chùa chiền vĩ đại A Dục Vương xây không còn. Những tháp ông dựng mà Huyền Trang từng thấy trên đường thỉnh kinh được miêu tả trong " Tây Du Ký " không dưới năm trăm ngọn, nay chỉ thấy có hai ở Tang Khư và Bà Nhĩ Hồ Đặc, mười chín trụ bia đá nay chỉ còn chín.
     Ông nội A Dục Vương là Chiên Đà La Quật Đa sáng lập ra vương triều Khổng Tước vào năm 323 trCN trong bối cảnh Ấn Độ phân chia nhiều dị tộc và bị các quốc gia phía Tây Bắc không ngừng xâm lấn nhất là Hy Lạp. Đến A Dục Vương nhờ cùng ảnh hưởng giáo lý Phật pháp mà thống nhất được. Ông rất tín ngưỡng Phật Giáo nên Phật Giáo cực thịnh. Ông chi phí xây đến tám vạn bốn ngàn tháp xá lợi Phật Tổ, dựng tịnh xá khắp nơi và chu cấp cho tăng già.
      Sau khi A Dục Vương qua đời, vua kế nghiệp bất tài, không theo nguyện vọng của nhân dân, bỏ Đạo Phật nên thế nước suy sụp, cuối cùng bị tướng Bổ Sa Mật Đa La dấy quân giết chết rồi tự xưng vua. Kết cục đó là nguyên nhân bài xích Phật Giáo.

      Nhân cách không tự nhiên có, nếu có chỉ là được kế thừa truyền thống gia đình, gia tộc, chủ yếu là phải tu rèn. Bản chất Đạo Phật rất ưu việt, có sức cảm hóa lớn nên được nhiều người tôn sùng và thường chọn phương pháp tu rèn của Đạo Phật như  thiền  hoặc  bát chính đạo.
      Thiền trong Phật Giáo có hai loại là thiền định và thiền tuệ ( còn gọi là chánh niệm, tứ niệm xứ, thiền minh sát ). Thiền định là tập trung vào một điều duy nhất để phát triển sức mạnh của tâm lặng nhằm đạt được lực mạnh nhất của tâm thực hiện những khả năng siêu phàm để khám phá điều bí mật của tư duy, hoặc hỗ trợ cho thiền tuệ. Khi tư tưởng hoàn toàn chuyên chú vào một tâm điểm, toàn bộ hệ thần kinh được huy động vào điểm ấy thì luồng nhân điện rất lớn có thể tạo sức mạnh biến đổi kết cấu phân tử, làm cho thân nhiệt của các sinh vật xung quanh tăng cao đến toát mồ hôi hoặc ngất xỉu, có thể ép chất độc ra khỏi cơ thể hoặc đánh ngã người khác mà không cần phải đụng vào họ. Phương pháp này thường được môn đệ phái võ công Thiếu Lâm thuộc Phật Giáo áp dụng. Hoặc khi người ta đối diện với cái chết, lý trí và hành động chỉ tập trung vào một việc là làm sao thoát chết thì lập tức có sức mạnh gấp bội băng mình nhảy qua đoạn hào rất rộng phía dưới đầy chông mìn mà vào lúc khác không thể làm được. Đặc trưng của khổ là phải chịu áp lực căng thẳng. Thiền có tác dụng giảm căng thẳng tức diệt khổ. Thiền giúp các thể trạng tế bào hồi phục, giúp cho tâm và thân khỏe, khống chế được " tam độc " ( Tham - Sân - Si ). Tĩnh tâm sẽ giúp tâm trong sáng để thắng bản ngã.
      Thiền tuệ là dùng để phát triển trí tuệ ( còn gọi là tuệ giác ) nhằm chứng nghiệm " Tứ diệu đế ". Thiền trong Phật Giáo là phương pháp tạo sức mạnh của tâm lặng để biến đổi từ chưa giác ngộ sang giác ngộ, từ ác sang thiện, từ xấu sang tốt, từ thấp hèn sang cao thượng, từ tà tâm sang chính tâm...Trong các phương pháp tu luyện " Luyện tâm " là quan trọng nhất. Đó là thiền.
      Dùng thiền cho việc tu rèn nhân cách là bằng tâm chính, lòng thiện soi vào mình để chọn tích điều tốt thải loại điều xấu, bổ sung điều chỉnh cho phẩm chất, bản chất của mình. Việc này hải làm thường xuyên từng ngày không ngưng nghỉ, phải kiên trì và thành tâm hướng thiện. Phải chịu thiệt thòi, hy sinh bản ngã và nhẫn nhịn.
      Tuy nhiên dù Thiền định hay Thiền tuệ đều phải lấy cái chân thật của sự thành tâm làm gốc. Miễn cưỡng mà khóc thì tuy nghe thống thiết nhưng không bi ai. Miễn cưỡng phải cáu giận thì tuy rất nghiêm khắc nhưng lại không có uy. Miễn cưỡng thể hiện tình yêu tuy miệng cười nhưng lòng lại không vui vẻ. Tất cả những điều đó đều không xuất phát từ sự chân thật mà chỉ cốt cho hợp với lễ tiết. Lễ tiết là do tập tục sinh ra, còn sự chân thật là xuất phát tự nhiên ở đáy lòng mỗi người. Cho nên bậc thánh nhân coi trọng sự chân thật mà không câu nệ ở lễ tiết. Có người sợ bóng mình, ghét dấu chân mình nên bỏ chạy. Có biết đâu chạy càng nhanh thì dấu chân càng nhiều và cái bóng vẫn bám theo mình. Người hiểu đạo thì chỉ cần vào bóng râm đứng lại thì bóng cũng hết mà dấu chân cũng không còn. Vào bóng râm chính là Thiền, là để suy ngẫm với tất cả sự chân thật thành tâm hướng thiện của lòng mình.
      Ngoài thiền, trong Phật Giáo còn phương pháp tu rèn theo " Bát chính đạo ".
      Một trong ba đặc tính chung của thế gian mà Đức Phật tổ Thích - ca Mâu - ni đúc kết có " Khổ " và " Tứ diệu đế ". " Khổ " là cơ sở của " Tứ diệu đế ". Tất cả mọi hiện tượng vật chất và tâm thức đều chịu dưới quy luật thay đổi, kể cả những sung sướng an lạc đang có cũng là khổ vì đều bị hủy diệt. Cùng với sự tồn tại hữu hạn là đau khổ và sung sướng. Hai cái đó tồn tại trong nhau. " Tứ diệu đế " là chân lý cao cả, là gốc của Phật pháp gồm " Khổ đế " - mọi dạng tồn tại đều mang sự khổ; " Tập khổ đế " - nguyên nhân sinh cái khổ là tham vọng và thù hận ( Tham - Sân - Si ); " Diệt khổ đế " - khi tham vọng và thù hận tận diệt thì sự khổ cũng tận diệt; " Đạo đế " - phương pháp để đạt sự diệt khổ là " Bát chính đạo ".
      Bát chính đạo là tám nhánh giải thoát khỏi khổ gồm: " Chính kiến " - quan niệm đúng về giáo lý; " Chính tư duy " - suy nghĩ sâu sắc và không sai lầm; " Chính ngữ " - không nói dối; " Chính nghiệp " - không phạm giới luật; " Chính mệnh " - không làm điều ác gieo đau khổ; " Chính tính " - tích thiện, diệt ác; " Chính niệm " - thận trọng từ ý nghĩ, lới nói, việc làm; " Chính định " - kiên định, vững vàng. Bát chính đạo không độc lập riêng lẻ mà luôn kết hợp bổ sung hỗ trợ nhau.

       Ngoài hai phương pháp tu rèn " Thiền " và " Bát chính đạo " theo Phật Giáo, nhiều người tu rèn theo " Thuyết quân tử " của Khổng Giáo. Khổng Giáo do nhà minh triết lỗi lạc cổ đại Trung Quốc là Khổng Tử ( 551 - 479 trCN ) sáng lập và chủ đạo. Học thuyết chính trị - đạo đức của ông lấy " Lễ " và " Nhân " làm nền tảng. " Lễ " không chỉ là lễ tiết mà là quy phạm đạo đức, là chế độ xã hội. Theo ông  xã  hội cần có trật tự ổn định, phải có đẳng cấp tôn ty, phải " Chính danh định phận ", " Quân quân, thần thần " vua ra vua, tôi ra tôi.
      Năm 517 trCN Lỗ Chiêu Công bị quần thần và dân chúng nổi lên đuổi ra khỏi nước Lỗ. Năm 559 trCN Vệ Hiến Công cũng bị quần thần và dân chúng lật đổ phải bỏ chạy khỏi nước Vệ. Khi học trò hỏi về việc này, Khổng Tử bình: " Vua không trọn đạo vua thì thần không trọn đạo thần. Đạo lý xưa nay là thế. Nếu vua thực sự có đức tài, biết yêu dân như con, thì dân sẽ kính yêu vua như cha mẹ. Ngược lại nếu vua lười biếng tham lam, không biết ban thưởng người thiện, trừng trị kẻ ác, bóc lột, đần áp dân lành một cách bạo ngược, bỏ tù những người nói trái ý mình bất chấp pháp luật thì dân sẽ xử kể cả giết chết. Đó không phải giết vua mà là giết hôn quân bạo chúa. Cho nên muốn làm tốt chính trị thì phải chính trực. Bản thân phải ngay thẳng. Vua quan ngay thẳng thì việc chính trị sẽ chẳng khó khăn gì. Nếu vua quan không ngay thẳng thì uốn nắn người khác sao được. Tự vua quan chính trực thì chẳng cần ra lệnh dân vẫn làm. Nếu vua quan không ngay thẳng chính trực thì dù có ra lệnh dân vẫn không làm mà còn kháng. Thượng bất chính hạ tắc loạn là thế".     
     " Nhân " là chuẩn mực của quan hệ giữa con người với nhau. Cốt lõi của " Nhân " là " Tự khóa kỷ sảo, chính trị chuyết nhân " ( Điều gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác), mình muốn thành đạt thì cũng giúp người khác thành đạt. Người trên nêu gương làm điều " Nhân " thì người dưới tự khắc làm theo. Muốn đạt điều " Nhân " phải biết kiềm chế mình trở về với " Lễ ". " Nhân " và " Lễ " luôn gắn bó nhau. Lấy " Lễ " để chế tài, lấy " Nhân " để cảm hóa. Muốn có " Lễ " và " Nhân " phải biết tu thân. Bản thân là cái gốc của gia đình. Gia đình là cái cầu của xã hội. Việc nước là việc nhà mở rộng. Có " tu thân " mới " Tề gia, trị quốc bình thiên hạ được ".  " Tu thân " - luôn nghiêm khắc với bản thân, sửa chữa những thiếu sót không bảo thủ. Thấy sai nhận sai và sửa sai. Có lỗi nhận lỗi, cáo lỗi và sửa lỗi nhằm không ngừng hoàn thiện bản thân. " Tề gia " - làm cho gia đình mình tốt đẹp, có nề nếp gia phong gia giáo. " Trị quốc " - lo toan quản lý, cai trị điều hành đất nước có kỷ cương trong pháp luật. " Bình thiên hạ " - khiến cho thiên hạ thái bình, thịnh vượng, lòng người đồng thuận tương thân tương ái. Về chuẩn mực nhân cách con người chân chính ông có " Thuyết quân tử ".
      Trước Khổng Tử, từ thời nhà Chu ( thế kỷ 11 trCN  - 770 trCN ) cặp từ " quân tử " đã xuất hiện ( Trong " Kinh thi " có tới hơn 100 lần ). Nhưng nguyên nghĩa lúc ấy " quân tử " chỉ địa vị xã hội, là kẻ thống trị thuộc đẳng cấp quý tộc giữ chức phận cao trong bộ máy công quyền, phân biệt và đối lập với " tiểu nhân " thuộc tầng lớp thường dân bị trị. Đến Khổng Tử, trong luận thuyết của mình ông đã đưa khái niệm mới vào cặp từ này để chỉ phẩm chất con người. " Quân tử " là người có năm đức tính: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín ( trong năm đức tính ấy trung tâm quy tụ là " Nhân " ). Phải có những phẩm chất ấy mới là người chân chính. Đã làm quan thì nhất định phải là " quân tử ", nếu không không xứng đáng hoặc không thể, bởi quan là phụ mẫu của dân. Đối lập với tư chất " quân tử " là " tiểu nhân "
      Có lần Tử Lộ hỏi Khổng Tử:
      -   Thưa thày, thế nào là quân tử? Thế nào là tiểu nhân?
      Khổng Tử dạy:
      -   Quân tử là người biết sống có đạo. Thấy sai thì sửa chứ không bội ước. Chết cho cái chí của mình chứ quyết không đem cái chí của mình làm nô lệ. Chịu chết chứ không chịu nhục, không chịu làm điều ác. Không xu phụ quyền thế. Không khiếp sợ uy vũ. Tìm minh chủ tôn phò chứ quyết không luồn cúi kẻ thất phu. Coi trọng tình nghĩa, không tham lam vật chất. Nhân hậu, khoan dung, không để bụng những sai lầm của người khác. Lấy trung thành, tín, thật làm chủ đích. Người quân tử buồn vì không có khả năng chứ không buồn vì người khác không biết đến mình. Người quân tử không vì lời nói của người mà dùng người, cũng không bỏ người vì lời nói của họ. Người quân tử cho rằng nếu làm điều gì không ngay thẳng thì dù nhìn thấy đứa trẻ con cũng nơm nớp lo sợ. Nếu không làm điều gì khuất tất thì dẫu trước ngàn vạn binh đao cũng vẫn ung dung thanh thản. Người quân tử hàng ngày tự xét mình nhiều lần, thấy không làm điều gì xấu thì không phải lo. Người quân tử thản nhiên thư thái, thắng không kiêu, bại không nản, nhiều khi lấy bại làm vinh chứ không coi là nhục nếu mục đích việc làm đó cao cả. Người quân tử không nghĩ điều ác, không nói lời ác, không làm việc ác. Người quân tử oán lớn cũng quên, nhưng ơn nhỏ cũng nhớ. Người quân tử dù bị người phụ chứ không phụ người. Người quân tử ưa phù suy, không ưa phù thịnh và cho rằng cảm phục, học được ở người thất bại nhiều hơn ở kẻ thành công. Vẻ đăm chiêu của người thất bại có chiều sâu nội tâm và toát lên sự đau khổ cao quý. Còn gương mặt kẻ thành công chỉ đầy tự mãn, thậm chí kiêu ngạo. Người quân tử rất coi thường tiểu nhân. Bởi quân tử mong đạt ở cái lý cao minh, tiểu nhân cầu ở cái hèn đê tiện. Quân tử quan tâm ở ý nghĩa, tiểu nhân quan tâm ở danh lợi. Quân tử cầu ở chính mình, tiểu nhân van xin cậy nhờ người khác. Quân tử thành đạt mà không kiêu căng, tiểu nhân kiêu căng mà không thành đạt. Quân tử hoà với mọi người mà không hùa về ai, tiểu nhân hùa với từng người mà không hoà vào ai. Quân tử lúc nào trong lòng cũng bình tĩnh tự tin, tiểu nhân trong bụng lúc nào cũng lo ngay ngáy. Quân tử cố giữ gìn nhân cách kể cả lúc khốn cùng, tiểu nhân gặp khi khốn cùng thì nghĩ bậy, làm bậy. Quân tử háo đức, tiểu nhân háo sắc. Quân tử trọng thày, quý bạn và rất ghét sự cừu địch, tiểu nhân thì trái lại: cực xấu mà lại ghét người chê mình, rất dở mà lại thích người ta khen mình, bụng dạ như hổ lang, ăn ở như cầm thú mà thấy người ta không phục lại không bằng lòng. Thân với kẻ xu nịnh, xa lánh người khuyên can.Thấy người chính trực thì cười, thấy người trung tín thì chê. Bởi thế tu thân là nền tảng của đạo. Phàm ở đời cái gì gắn với nhân cách đều có đạo. Người quân tử trọng nhân cách nên sống theo đạo ".
    
     Ở đời tu rèn để định hình và hoàn thiện nhân cách đã khó, nhưng giữ gìn và bảo vệ nhân cách còn khó hơn, đòi hỏi phải có bản lĩnh. Nhân cách càng cao bản lĩnh càng lớn. Trong lịch sử nước nhà đã để lại không ít  những tấm gương...
      Sau nhiều lần Triệu Đà mang đại binh sang đánh chiếm Âu Lạc nhưng đều thất bại vì Âu Lạc có thành Cổ Loa kiên cố và có nỏ thần.
      Triệu Đà dùng thủ đoạn giả hoà hiếu, sai con trai là Trọng Thuỷ sang cầu thân, thực ra làm gián điệp. Trọng Thuỷ yêu công chúa Mỵ Châu. Triệu Đà xin cầu hôn Mỵ Châu cho con trai. Thục Phán Anh Dương vương mang chuyện này hỏi Cao Lỗ, vị tướng văn võ song toàn, đa mưu túc kế có nhiều công lớn giúp An Dương vương dựng nước, đặc biệt việc chỉ huy xây thành Cổ Loa.
      Cao Lỗ can:
      -   Xưa nay chưa thấy kẻ bại trận lại xin cho con trai ở rể. Chẳng qua họ muốn biết cách bố phòng Cổ Loa và bí mật nỏ thần mà thôi. Việc ngàn lần không nên.
      An Dương vương nổi giận:
      -   Nhà Triệu muốn mượn hôn nhân để hoá bỏ hiềm khích ta lẽ nào không thuận. Ông già rồi, ta cho ông về nghỉ.
      Cao Lỗ điềm nhiên đáp:
      -   Việc đúng, sai có đất trời soi sáng. Thần không hối tiếc về những điều đã nói. Nếu Bệ hạ không dùng, thần sẽ về quê làm ruộng sinh sống.
      Vì không nghe Cao Lỗ, An Dương vương mắc mưu giặc và mất nước.
      Giang Văn Minh người làng Đường Lâm, Thạch Thất (Sơn Tây), cùng quê với hai vua Phùng Hưng và Ngô Quyền, làm quan thời Lê.
      Triều Minh ( Trung Hoa ) ỷ thế nước lớn bắt triều cống rất nặng nề. Năm 1637, nhà vua cử Giang Văn Minh dẫn đầu sứ đoàn sang Bắc Kinh.
      Khi gặp đoàn ta, một đại quan nhà Minh hống hách, ngạo mạn ra vế đối:
                           "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục".
      Nghĩa là: Cột đồng trụ đến nay rêu đã xanh.
      Ý hắn muốn nhắc tới chuyện năm 43 tướng nhà Hán là Mã Viện sang đánh thắng Hai Bà Trưng. Chúng vơ vét cướp trống đồng ( Linh khí của Nam Việt ) đúc thành cột trụ chôn ở biên giới coi đó như đài chiến thắng của kẻ xâm lược nhằm làm nhục đoàn ta.
      Khí phách anh hùng của dân tộc bốc lên, Giang Văn Minh dõng dạc ứng khẩu đọc luôn vế sau:
                          "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"
      Nghĩa là: Sông Bạch Đằng tới nay nước còn đỏ.
      Ông cố ý nhắc tới chiến công của Ngô Quyền, Lê Hoàn và Trần Hưng Đạo đánh tan giặc Nam Hán, giặc Tống và giặc Nguyên trên sông Bạch Đằng và máu của chúng đến nay còn đỏ.
      Vế đối rất chỉnh, lời lẽ đanh thép, sự thật không thể chối cãi. Vua Minh sau khi nghe câu này uất quá bèn xuống lệnh giết chết ông một cách hèn hạ.
      Nhưng lời của Giang Văn Minh đã trở nên bất tử biểu tượng khí phách anh hùng của  người Việt trước kẻ thù Trung Hoa.
      Ngô Thì Sĩ có ba người trò giỏi là Ngô Thì Nhậm, con trai, Phan Huy Ích, con rể và Đặng Trần Thường. Biết Đặng Trần Thường hữu tài nhưng thất đức, nên khi tiễn các trò đi thi, Ngô Thì Sĩ chỉ dặn con trai và con rể: "Cố lấy cho thày cái thủ khoa".
      Quả nhiên Thường trượt, tâm trạng buồn bực, bất mãn, ghen tỵ và hằn học. Khi Ngô Thì Nhậm mũ cao áo dài ngồi trên kiệu vinh quy bái tổ, Đặng Trần Thường chặn đường vén quần đứng đái. Để giữ nghiêm phép nước, Ngô Thì Nhậm sai lính đánh cho mấy roi cảnh cáo. Thường căm lắm luôn rắp tâm rửa hận. Thường bí mật tìm đường vào Nam phò Nguyễn Ánh.
      Khi nhà Nguyễn chiếm đựơc Bắc Hà, Đặng Trần Thường được Nguyễn Ánh cử ra dụ sĩ phu.
      Thường tập trung tất cả sĩ phu Bắc Hà tại Văn Miếu, trong đó có Ngô Thì Nhậm. Nhìn Nhậm bằng ánh mắt căm thù, Thường đọc một vế bắt Nhậm phải đối lại. Vế đó là:
      " Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai "
      Ý Thường muốn nhắc tới lời của y hôm bị đòn. Hôm đó hắn bảo Nhậm rằng: " Rồi để xem ai công hầu, ai khanh tướng ".
      Ngô Thì Nhậm đối lại:
      " Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế nào thì thế "
      Biết vậy Phan Huy Ích can, khuyên nên sửa lại bốn chữ cuối là " thế thì phải thế " để đỡ nguy hiểm. Nhưng Ngô Thì Nhâm không chịu. Khi ông vừa đọc xong vế đối đầy khí tiết của mình, Đặng Trần Thường căm quá đã tung quả chuỳ nặng vào đầu Ngô Thì Nhậm và giết chết ông một cách hèn hạ.
      Qua mấy chuyện trên đủ thấy thế nào là bản lĩnh nhân cách người quân tử và tư chất kẻ tiểu nhân.
      Nhân cách là thế. Rất quan trọng. Là thước đo giá trị con người. Nhân cách định hình và phát triển bổ sung hoàn thiện từng giai đoạn phụ thuộc ở độ tuổi và môi trường sống từ Tính cách đến Nhân cách và Đạo làm người gắn kết bằng quan hệ biện chứng nhân quả. Bất kỳ chế độ nào nếu bỏ qua chế độ giáo dục những nội dung ấy sẽ tạo " Khoảng trống vô đạo ". Đó là " Tử huyệt giáo dục " thì hậu quả tất yếu sẽ là sự xuống cấp đạo đức xã hội và thoái hóa biến chất trong bộ máy công quyền.