Trang chủ » Tin văn và...

THEO GƯƠNG BÁC...DÂN BÀN

Anh Trần
Thứ bẩy ngày 27 tháng 6 năm 2009 2:32 PM
 
Để mọi đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, trong Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý cán bộ, đảng viên về cách làm việc với dân. “Làm việc theo cách quan liêu, cái gì cũng mệnh lệnh; ép dân chúng làm, đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo” thì “tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại“. Trái lại, “việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc; giải thích cho dân chúng hiểu rõ”, tuy “hơi phiền một chút đối với những người biếng học hỏi và giải thích, nhưng nhất định thành công”.
“Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói”. Suy rộng ra, để có thể bàn một cách thực chất và hiệu quả, người dân phải được cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin.
Theo dõi phiên thảo luận ngày 26/5 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, chúng ta thấy những lời dạy của Bác từ năm 1947, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Nói về dự án bôxit Tây Nguyên, ĐB Dương Trung Quốc đặt vấn đề: “Vì sao một chủ trương lớn như thế, quan trọng như thế, có thể làm thay đổi Tây Nguyên như thế và đã được chuẩn bị lâu như thế mà đến lúc này Quốc hội mới có cơ hội bàn đến?”. Chung quanh việc sử dụng 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, ĐB Lò Văn Muôn đặt câu hỏi: “Tại sao trong khi các ĐB QH đang ngồi đây để bàn về trái phiếu Chính phủ thì Thủ tướng đã có quyết định phân bổ số vốn này?”…
Đọc toàn văn báo cáo số 91/BC-CP của Chính phủ gửi Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng ký về vấn đề bôxit, nhiều chi tiết người dân không khỏi băn khoăn về tính minh bạch của thông tin. Thí dụ, để giải thích lý do dự án bôxit không phải trình Quốc hội, báo cáo viện dẫn Nghị quyết 66 của Quốc hội khóa XI, nhưng chỉ viện dẫn tiêu chí về quy mô dự án mà không nhắc tới những tiêu chí khác cũng trong Nghị quyết ấy, thí dụ tiêu chí địa bàn đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, tiêu chí môi trường, tiêu chí di dân từ 20.000 người trở lên… bởi nếu theo những tiêu chí ấy thì rõ ràng, dự án bôxit phải thông qua Quốc hội. Nói việc thăm dò, khai thác bôxit, chế biến alumin “là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ Đại hội IX cho đến Đại hội X”, nhưng lại không đề cập gì đến một khía cạnh khác của chủ trương ấy, đó là hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô; theo đó, alumin không thuộc loại khoáng sản được khuyến khích xuất khẩu, bởi nói như ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết, giá của nó chỉ bằng 12% giá nhôm thành phẩm.
Ai có học lịch sử đều biết, Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Mới đây, thông báo số 245-TB/T.Ư của Bộ Chính trị cũng xác định: “Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài”. Thế nhưng, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội lại nói: “Đến nay, chưa có một quy định hoặc quyết định cụ thể nào của Quốc hội và Chính phủ về “đưa Tây Nguyên vào địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh”. Tuy lập luận này không có sức thuyết phục, nhưng những thông tin “trái chiều” như vậy sẽ tác động tiêu cực đến lòng tin của nhân dân.
Hồ Chủ tịch dạy: “Nếu trong những chính sách, những chỉ thị, những khẩu hiệu của cấp trên có gì khuyết điểm, cán bộ phải  có tinh thần phụ trách trước nhân dân mà đề nghị những chỗ nên sửa đổi. Không làm như vậy, tức là cán bộ không phụ trách trước nhân dân, mà cũng không phụ trách trước Đảng và Chính phủ”.
Anh Trần