Trang chủ » Tin văn và...

ĐỌC " 7 NGÀY TRÊN SA MẠC" CỦA DI LI

Văn Giá
Thứ sáu ngày 26 tháng 6 năm 2009 5:03 PM


























TNc: Sáng nay, tại hội trường Hội Nhà văn Việt nam, Ban nhà văn Trẻ đã tổ chức hội thảo tác phẩm của nhà văn trẻ Di LI. Rất đông đảo các bạn viết trẻ đã đến dự. Rất nhiều tham luận, phát biểu khen ngợi cô nhà văn tuổi Ngựa này. Xinh đẹp và trẻ trung 7X đang xoan khiến các diễn giả hứng khởi điệu đàng hơn. Rất đáng ca ngợi một cây bút trẻ xuất hiện đã được sự chú ý. Trannhuong.com xin giới thiệu bài tham luận của nhà văn Văn Giá
 Ảnh: Di Li ngồi giữa hai chàng Trần Quang Quý và Văn Giá

        
  
Di Li đã từng nổi đình nổi đám với loạt tác phẩm kinh dị hoặc trinh thám kinh dị qua một số truyện ngắn trong các tập Tầng thứ nhất,  Điệu valso địa ngục và tiểu thuyết Trại hoa đỏ mới đây. Bây giờ Di Li lại cho ra mắt 2 tập cùng một lúc: tập truyện ngắn Bẩy ngày trên sa mạc và tập truyện dịch. Nhìn lui về trước, Di Li cũng đã có hai tập truyện dịch nữa. Thế mới biết sức lao động của Di Li là đáng nể.
Không thể có thời gian bao quát hết các tác phẩm của Di Li, nhân đọc Bẩy ngày trên sa mạc, xin có mấy lời chia sẻ như sau:
1. Mối quan tâm lớn nhất của DiLi trong tập truyện ngắn này là hiện thực về một thế giới thượng lưu thời hiện đại. Thế giới này bao gồm những loại người như doanh nhân, nhà thầu, nhà chứng khoán, những đại gia, những diễn viên sân khấu, những người tình là các mỹ nhân danh tiếng…Bối cảnh mà các nhân vật này xuất hiện, ăn ở, vui chơi, toan tính, mưu mô, giành giật, làm tình với nhau là những bãi biển nổi tiếng, những resort, những sân gôn, những khu du lịch, những khách sạn, nhà hàng, sân khấu sang trọng…ở nhiều quốc gia khác nhau. Đó là một thế giới hào nhoáng, quý tộc, nơi không dành cho người nghèo, cho tầng lớp bình dân, cho người nhà quê, thậm chí cho cả những đứa con nhà lành (tuy không phải nhà quê, nhưng được giáo dục quá kỹ lưỡng, sống thúc thủ, gìn giữ…). Nói tóm lại, đó là một thế giới đô thị, bề bộn, phức tạp, choáng ngợp bởi tiện nghi, tiêu xài, giao đãi, xả hơi, giao kèo, hợp đồng kinh tế…Một thế giới mà không còn khái niệm đạo lý truyền thống, chỉ còn là sự thống trị lạnh lùng của vật chất, đồng tiền, mưu mô, khá nhiều trường hợp mang màu sắc maffia. Có thể nói đó là một thế giới thượng lưu suy đồi. Nơi này không có chỗ cho những ưu tâm về miếng cơm manh áo, không có nỗi khổ mưu sinh. Nơi này chỉ có nỗi khổ tình ái và kiếm tiền.
Ở Việt nam trước đây và hiện nay, chưa có một nhà văn nào lại dành tâm huyết để quan tâm tới vùng hiện thực này. Di Li là người đầu tiên công phá vào nó. Nhà văn này có điều kiện để tiếp cận, và tìm hiểu về nó. Không phải ai cũng có khả năng này. Tôi cho rằng, Di Li là người có công khai phá một vùng gần như bỏ trắng trong văn học hiện nay. Cũng như mấy năm vừa qua, chị cũng là người đầu tiên thám sát trở lại loại truyện kinh dị hầu như bỏ quên từ sau 1945.
2. Đọc Di Li, nhiều người có cảm giác người viết ra nó rất thạo đời, hiểu theo nghĩa am tường đời sống, một thứ đời sống của giới quý tộc thời hiện đại. Phải có một số ưu thế nhất định nào đó mới có thể xông vào vùng hiện thực này được. Người mặc cảm, người không quảng giao, người ít được đi nơi này nơi khác, nước này nước khác, ít hiểu biết về thế giới này khó có thể tiếp cận và cắt nghĩa về nó. Bao trùm lên toàn bộ các tác phẩm của DiLi trong tập truyện này là sự  hòa phối giữa cảm quan hiện thực và cảm quan trào lộng. Cảm quan hiện thực thì hẳn đã rõ. Nhưng cảm quan trào lộng là một điều đáng để bàn. Cảm quan chính là cách cảm nhận riêng của mỗi người viết về đời sống mang màu sắc cảm tính, chi phối cách cảm nhận và cắt nghĩa về thực tại xung quanh. Có người nhìn đời sống nghiêm trang, nghiêm ngắn; có người cáu kỉnh phẫn uất, có người thương cảm sụt sùi,  có người lại thấy toàn chuyện buồn cười. Truyện Di Li trong tập này so với các truyện ngắn cùng loại  trước đây, tạm gọi là truyện tâm lý- xã hội, thì đến tập này mới xuất hiện chất u-mua (humour). Chất hài hước này là một cái nhìn thể hiện tinh thần dân chủ đối với đời sống, nghĩa là không tôn sùng mà cũng chẳng xem thường. Nó nhận diện đời sống ở những nơi có sự xuất hiện của cái bất bình thường, cái nghịch lý buồn cười, đáng cười, thế thôi.
Biểu hiện của cái cười trong các tác phẩm nói trên có mặt chủ yếu ở ba điểm: thứ nhất là tình hướng truyện toát lên cái buồn cười, đáng cười;  thú hai, ở chi tiết; và thứ ba ở lời văn. Ví dụ, tình huống u-mua  có thể thấy trong các truyện: Viên kim cương đen, Hai người trên hoang đảo, Lớp học lắng nghe, Điện hoa. Riêng Bữa tiệc đêm cuối năm, Bẩy ngày trên sa mạc, tình huống u-mua này pha thêm chút cay đắng, nhuốm màu sắc bi kịch. Cũng vậy, rất nhiều chi tiết toát lên tính chất trào lộng tức cười. Các chi tiết gây cười tập trung với mật độ dầy nhất có lẽ trong truyện Hai người trên hoang đảo. Từ chỗ họ chịu đựng nhau, tranh giành nhau, chí chóe nhau, lừa lọc nhau, cưu mang nhau, đến cảnh kết thúc mỗi người đi một ngả, người thì bảo “Ơn chúa”, người thì bảo”A di đà Phật” như một sự thoát nợ…tất cả đều theo hướng hoạt kê nhẹ nhàng, vui là chính, chẳng cần phải ngụ ý phê phán, châm chích ai. Đó là chất u-mua phi vụ lợi, thanh thoát, cốt để vui sống. Biểu hiện cuối cùng của chất u-mua nằm trong lời văn. Nhiều cách diễn đạt, cách nói bất bình thường, không tuân theo quy luật diễn đạt thông thường (nghĩa là phải có nhân –quả rõ ràng) cũng gây ra hiệu quả hài hước. Ví dụ, khi nói về sự lệ thuộc vào cửa hàng bán hoa chỉ vì nỗi khổ mưu sinh, anh ta nghĩ: “Khách hàng, trưởng phòng hay giám đốc, họ đều là những bữa ăn trưa ăn tối của tôi cả” (Điện hoa). Hay “Thực không may mắn, đêm hôm đó biển động một cách bất ngờ không theo dự báo “đêm không mưa, ngày nắng, gió nhẹ” của Nha khí tượng thủy văn” (Hai người trên hoang đảo). Cách này có chút màu sắc của loại văn nhại, nhại phong cách ngôn ngữ truyền thông báo chí. Một ví dụ nữa trong Lớp học lắng nghe, nhân vật tôi lên lớp. Buổi thứ nhất đông. Buổi thứ hai có người ngáp vặt. Câu chuyện viết tiếp: “Buối học thứ ba, một nửa số học viên ngủ li bì. Tôi liền ngắt quãng bài giảng bằng một lời khuyên. “Những người biết lắng nghe mà không ngủ gật ắt sau này sẽ thành công”. Buổi học thứ tư, số học viên kiên quyết không muốn thành công trong tương lai tăng lên đến hai phần ba, nhưng không ai bỏ học. Tất cả phải đóng học phí rất cao, đó là lý do níu giữ họ ở lại đến giờ phút cuối cùng”. Lối kể chuyện này tạo ra được tiếng cười nhờ cách nói ngược dí dỏm…
Một vài ví dụ như vậy để thấy rằng, Di Li đã xử lý tốt giũa cảm quan hiện thực với cảm quan hài hước trong tác phẩm của mình. Nhờ vậy, đọc văn Di Li thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, không bị nặng nề, u ám. Tôi muốn nói thêm rằng, văn chương hiện nay đang bỏ trống chất hài như một ưu thế trong truyền thống văn hóa người Việt, mà lại để cho sân khấu, truyền hình làm mưa làm gió, và trong nhiều trường hợp rất rẻ tiền. Điều này đáng để cho những người cầm bút suy nghĩ. Trong tình hình đó, càng thấy thêm yêu quý cái chất hài trong văn của chị.
3. Tôi muốn nói một điều cuối cùng. Ở một số truyện trong tập này, người ta cứ thấy nhang nhác cái chất xi-nê trong một bộ phim truyền hình Mỹ, Hồng Công, Hàn Quốc nào đó. Bảo cần phải bắt quả tang rất khó. Nhưng rõ ràng là có. Cái loại phim mà tôi nói tới không phải bỏ đi cả mà nó đã thành quen, quen bởi nó nổi lên mấy thứ có liên quan đến điều mà ta đang bàn như sau:
- Câu chuyện có kịch tính, li kỳ, gây bất ngờ ở cuối.
- Các nhân vật đều phong lưu mã thượng cả, trai thì galant, gái thì  tuyệt thế giai nhân, đều xuất thân từ gia đình giầu có, đại gia.
-Tất cả sống trong thế giới tiện nghi, no đủ, sung sướng, tiền tiêu như nước, toàn dùng mỹ phẩm trang phục loại sang của các hãng thời trang thế giới, lái ô tô đắt tiền sành điệu, ham đi du lịch bãi biển hoặc núi non.
- Nhân vật thường lâm vào nhiều phi vụ làm ăn, gian díu với thế giới ngầm, mafia.
- Nhiều khi nhân vật bị chết hoặc thân bại danh liệt vì đàn bà, không ít trường hợp vì kế mỹ nhân…
Đại loại như vậy.
Truyện Viên kim cương đen, Bảy ngày trên sa mạc cũng có cái tình thế hao hao như vậy. Nhưng ở truyện sau, Di Li đã hóa giải nó theo cách đẩy nhân vật vào việc kiếm tìm tôn giáo. Vì thế, truyện có ý nghĩa sâu hơn những gì hiện ra trên bề mặt văn bản.
Tuy nhiên thì đây cũng chỉ là điều cảnh báo xa. Người viết có thể không thấy rõ ở mình. Do là, xã hội chúng ta đang sống trong một từ trường truyền thông quá mạnh với tất cả cái hay và cái dở của nó. Mà bản chất của truyền thông là quảng cáo và mang tính tiêu dùng, hướng tới đại chúng, cho nên về cơ bản là xem thường tính trí thức, tinh hoa và hàn lâm, dễ thỏa mãn, thiếu khát vọng lớn. Mỗi chúng ta, nếu không có đề kháng tốt, sẽ bị nhiễm thứ chất độc truyền thông ấy lúc nào không hay.
Ấy là nói thế thôi, chứ Di Li là người thông minh và trữ lượng còn dồi dào lắm. Cứ nhìn những gì cây bút này đã viết và dịch, thấy rất biến hóa, không chịu lặp lại mình, mỗi truyện là một nỗ lực làm khác. Điều đó khiến tôi tin tưởng cây bút này không bị mất hút bởi cỗ máy truyền thông khổng lồ của thời ta đang sống.
      Cự Lộc, 25.6.2009
       VG