Trang chủ » Tin văn và...

DỊCH GIẢ ĐOÀN TỬ HUYẾN: KHÔNG ĐƠN GIẢN LÀ CHUYỆN CÁ NHÂN, QUÁ KHỨ NỮA

Hà Vân (thực hiện).
Thứ sáu ngày 26 tháng 6 năm 2009 5:20 AM
 
Việc bà Đào Kim Hoa “mạo danh” đến thời điểm này đã có những chứng cứ rất rõ ràng, khó có thể biện minh! Từ sự việc “hi hữu”này, nhiều nhà văn đã cung cấp thêm tư liệu và người ta mới “ngã ngửa” khi nhận thấy cả sự “lỏng lẻo” lẫn sự áp đặt trong việc kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến, nguyên là uỷ viên Hội đồng văn học dịch của Hội hàng chục năm, đã hơn một lần lên tiếng trước dư luận, phản đối gay gắt việc kết nạp bà Đào Kim Hoa (và một số người khác) vào Hội Nhà văn, đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với chúng tôi.

Phiếu chưa quá bán mà vẫn được kết nạp vào Hội
* Thưa, được biết trước đây ông đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc kết nạp bà Đào Kim Hoa vào Hội Nhà văn Việt Nam?
Đúng vậy. Cái hồi tôi còn đang ở trong Hội đồng văn học dịch (1995 – 2005), tôi cùng một số uỷ viên khác đã phản đối việc kết nạp bà Đào Kim Hoa (do chủ tịch Hữu Thỉnh và cố nhà thơ Phạm Tiến Duật giới thiệu) vào Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách một dịch giả văn chương. Kết quả sau mấy năm xét, tôi xin khẳng định là bà Hoa chưa bao giờ có được số phiếu quá bán trong Hội đồng dịch (chứ không như lời nói xạo của ông Chủ tịch Hữu Thỉnh trong một bài trả lời phỏng vấn là bà Hoa được quá bán), tuy nhiên cuối cùng nhờ phù phép nào đó trong BCH mà bà Hoa vẫn trở thành hội viên như ai. Về chuyện này tôi và một số người cũng đã lên tiếng mạnh mẽ trên báo chí (xin dọc lại bài Hội Nhà văn liệu còn sức hút với người cầm bút? (
http://vietnamnet.vn/vanhoa/tintuc/2006/03/546903/), nhưng rồi mọi chuyện vẫn bị chìm đi.
 * Vì sao lại có sự phản ứng khá quyết liệt như vậy, thưa ông?
Đơn giản thôi: bà Đào Kim Hoa thể hiện năng lực nghề nghiệp quá yếu (chưa có ấn phẩm (sách) dịch thuật nào của riêng mình); năng lực nghiệp vụ (công việc ở ban Đối ngoại) cũng yếu, có những sai sót trở thành giai thoại; và năng lực đạo đức thì…như vậy đấy, bây giờ thì ai cũng biết. Trong lúc đó, có nhiều người tài năng, đủ điều kiện hơn thì vẫn chưa được kết nạp.
* Hội Nhà văn Việt Nam là một tổ chức khá “danh giá”, sao lại kết nạp một người mà theo ông là thiếu tư cách tối thiểu?
Đó là câu hỏi mà tôi và nhiều hội viên khác đều đã nhiều lần đặt ra và bây giờ thì dư luận cũng đang đặt ra. Và vì không nhận được câu trả lời thoả đáng, vì những vụ việc tương tự vẫn tiếp tục diễn ra, vì dù dư luận rộng rãi đã lên tiếng mà những người có trách nhiệm vẫn “đánh bài lờ”… nên có lẽ phải xem lại liệu tổ chức ấy có còn cái sự “danh giá” nữa hay không…
* Sự việc đã rõ ràng như vậy, sao có thể đánh bài “lờ” được, thưa ông?
Chuyện này thì tôi chịu, nên đành phải dùng lời ông Hoàng Ngọc Hiến thôi: Cái nước mình nó thế!
Ngay cả bây giờ khi dư luận đã bùng nổ như vậy, thì chắc gì sự việc cũng đã được giải quyết rốt ráo, thoả đáng. Vấn đề là ai sẽ làm, sẽ xử lý như thế nào? Chính người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam đã đứng ra bảo đảm để bà Đào Kim Hoa vào Hội, là người “rút thẻ đặc cách” bất chấp những lời “bàn ra tán vào” của các hội viên, bây giờ liệu ông ấy có “rút thẻ đỏ” bà Hoa khi giải quyết vấn đề này hay không? Tôi đã quá biết cung cách làm việc thiếu dân chủ và minh bạch trong Hội bao năm nay rồi nên niềm tin về sự công bằng thật sự rất ít ỏi.

Phải xét cả tư cách của Hội Nhà văn
* Vậy theo ông vấn đề bây giờ nên nhìn nhận, giải quyết như thế nào cho thoả đáng?
Theo tôi, có lẽ chúng ta không cần nói thêm về cá nhân bà Hoa, vì mọi việc đã rõ rành rành, chẳng còn gì để bàn nữa. Cái cần nói bây giờ là tại sao một người như thế lại được vào Hội nhà văn, được nghiễm nhiên là cán bộ lãnh đạo (chiếc ghế Phó Ban đối ngoại của bà Hoa nghe nói tương đương với chức vụ phó đấy). Nếu đặt “vụ” này trong bối cảnh tổng thể của Hội, nhìn lại bao nhiêu bê bối trong và xung quanh Hội Nhà văn suốt nhiều năm qua, có thể nói một cách không quá lên rằng, cái cần bây giờ là phải xét lại tư cách của cả Hội nhà văn, hay gọn hơn, của cơ quan Hội, lãnh đạo Hội.
Sự việc của bà Đào Kim Hoa vừa bị “phanh phui” là hậu quả tất yếu của một chuỗi “thao tác” (sai lầm?) trong khâu tổ chức, trong cơ chế hoạt động, sử dụng người, thậm chí trong “cái tâm” của người có chức quyền.
Vì vậy, đối với những người có tâm huyết, trách nhiệm, thì sự việc của bà Hoa cần được xem xét không đơn giản là chuyện cá nhân, chuyện quá khứ nữa mà là chuyện tổ chức, chuyện tương lai – tương lai của Hội Nhà văn, của danh dự những người cầm bút.
 
Nguon: dantri.com.vn.