Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Sự nghiệp trồng người, thày công lớn

Đỗ Thế Gia
Thứ hai ngày 22 tháng 4 năm 2013 8:05 PM

  Tôi, quê ở huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (cũ). Năm học 1947-1948, đã học hết lớp đệ nhất, tại Trường trung học Phùng Hưng. Sang năm 1948, 1949, lên lớp đệ nhị, mới học được vài tháng, thì giặc Pháp tiến đánh Sơn Tây. Cả gia đình tôi tản cư xuống Mỹ Đức, rồi Ứng Hòa (Hà Đông cũ); đến năm 1950 thì vào vùng tự do Khu Bốn cũ, định cư ở thôn Tuấn Kiệt, xã Vãn Hà, huyện Thiệu Hóa. Được dân làng cho ruộng đất để làm nhà ở, cấy trồng, chăn nuôi. Đời sống ngày một ổn định, nhưng việc học hành của anh em tôi  vẫn là dở dang…
Đầu năm 1952 (thời kì đó, năm học theo chẵn năm dương lịch), tôi xuống Trường phổ thông cấp II Thiệu Hóa, xin học tiếp. Thầy Hiệu trưởng Ngô Sĩ Ngạn cho tôi vào lớp 6; còn em út tôi – Đỗ Thế Mỹ, vào lớp 5 đầu cấp. Từ đó, cứ tối đến, anh em tôi đeo bàn (giống như bàn bán kẹo kéo), xách đèn (làm bằng vỏ hộp Gíp, nhét bông, đổ dầu hỏa vào, bóng là ống tiêm hoặc lọ pê-ni-xi-lin chọc thủng), đi bộ xuống trường, học trong nhà dân ở thôn Kiến Hưng; tan học, lại chân đất, cuốc bộ, về nhà. Phải bỏ học mấy năm, khát khao được đi học lại, nên suốt hai năm, mặc cho gió Lào nắng nóng hoặc mùa đông giá rét, anh em tôi không bỏ buổi học nào. Đến lớp, ngước nhìn lên bảng đen, có hai chiếc đèn dầu hỏa treo hai nơi đầu bảng tỏa sang, tôi chăm chú lắng nghe, cặm cụi ghi chép từng bài giảng trong các môn học của các thầy giáo thay nhau đổi giờ, đến dạy. Môn Văn- môn học mà tôi thích nhất, chúng tôi được thầy Hiệu trưởng trực tiếp giảng dạy. Dáng đi khoan thai, cử chỉ nhẹ nhàng, nhất là giọng nói dịu dàng, nhỏ nhẹ, dễ nghe, trầm lắng nhưng sâu sắc, dễ đi vào lòng người…, thầy Ngô Sĩ Ngạn đã truyền cảm, cuốn hút chúng tôi trong từng tiết học. Tôi ngồi nghe như nuốt lấy từng lời giảng và bình của Thầy trong các giờ Giảng văn, cũng như những phân tích sâu sắc, khen chê mang tính khích lệ, nâng đỡ trong các giờ trả bài Tập làm văn…
Tuy được học thầy Ngô Sĩ Ngạn hai năm liền, nhưng do nhà xa trường, lại học đêm, nên tôi chưa một lần đến thăm Thầy. Chỉ biết qua: Thầy quê ở huyện Đông Sơn, lên Thiệu Hóa dạy học. Thế rồi, học xong lớp 7, tôi vào khu du kích tỉnh Hà Nam dạy học; từ đó, bị đứt liên lạc với Thầy. May thay, đến những năm đầu thập kỉ 90, được nghe một chương trình phát thanh của “Câu lạc bộ Ba Đình”, tôi sung sướng thấy điểm tên thầy Ngô Sĩ Ngạn. Tôi liền viết thư vào ngay, qua ông Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Thanh Hóa. Ông Chủ tịch rất chu đáo, tận tình, đã giúp tôi theo đúng yêu cầu đề đạt. Ngày 8-4-1995, tôi nhận được thư Thầy, với bao tình cảm thân thương: “Bốn chục năm rồi, bỗng được tin / Mừng vui xao xuyến mấy hôm liền”. Từ đó, Thầy trò đều đặn thư đi thư lại; mà với tôi, mỗi lá thư, mỗi bài thơ của Thầy là thêm một sự khích lệ, một niềm động viên, một sự dạy dỗ ân cần. Đến 20-3-1996, Thầy còn gửi cho tôi tập Thơ “TÂM SỰ”. Rồi đến năm 2003, nhân được xem tập “Thơ văn họ Ngô Việt Nam” có tuyển chọn 4 bài thơ của Thầy, tôi được biết đôi dòng ít ỏi: ”Ngô Sĩ Ngạn (1926-1996). Ông là một nhà giáo, đỗ tú tài thời Pháp thuộc. Cách mạng tháng Tám năm 1945 theo ba cuộc kháng chiến, đến ngày thống nhất đất nước về hưu ở chi họ Ngô phường Đông Hương. Ông thường sinh hoạt thơ với một số bạn đồng trào ở Câu lạc bộ Ba Đình”. Có thể do “trích ngang”  nên thơ-văn họ Ngô chưa ghi được hết. Theo tôi, Thầy sinh năm 1923, đỗ tú tài thời Pháp (vì thế, những năm ở Thiệu Hóa, Thầy còn dạy chúng tôi cả môn sinh ngữ Pháp văn), thì chắc đến năm 1943, 20 tuổi, Thầy đã đi dạy học (sau này, trong bài thơ “Ơn sâu cách mạng”, trong tập “TÂM SỰ”, Thầy viết: “Học cũng nhiều mà hiểu biết nông… / Cùng đường giáo học làng nhàng, cũng vui/ Thân nô lệ mắt đui tai điếc…”). Như vậy, chắc phải đến những năm đầu thập kỉ 80, Thầy mới nghỉ hưu, chứ không phải chỉ đến ngày thống nhất đất nước (1975, 1976). Lại nữa, năm 1993, nhân ngày 20-11, trong bài “Nhớ trò nhớ bạn” (cũng trong tập “TÂM SỰ”), Thầy cũng viết: “Đã rời bục giảng quá mười năm” (vậy phải chẳng năm 1981 hay 1982?). Nhưng thôi, chỉ tính từ 1945 đến 1980 chẳng hạn, Thầy đã có 35 năm liên tục dạy học. Hơn một phần ba thế kỉ đứng trên bục giảng, mỗi năm dạy nhiều môn cho nhiều lớp (không như cấp I, mỗi thầy mỗi năm chỉ dạy cho một lớp cho 50 học sinh là nhiều), tính ra phải có mấy chục ngàn học sinh nam nữ đã qua tay giáo dục và giảng dạy của thầy Ngô Sĩ Ngạn; trong đó, hàng ngàn  người được tiếp tục học lên hoặc hăm hở bước vào công cuộc cải tạo XHCN, sự nghiệp xây dựng CNXH và “Xẻ dọc Trường Sơn” đi đánh Mỹ. Thật đúng là:
“Sự nghiệp trồng người, Thầy công lớn
Há phải đò ngang, khách vãng lai”
(Thư gửi Thầy, ngày 20-4-1995. T.G)
Rất tiếc, từ năm 1954 trở đi, mỗi chúng tôi cùng khóa học 1952, 1953, đã học lên hoặc vào đời, lập thân, lập nghiệp như thế nào, rất ít được thông tin về nhau. Riêng tôi, chỉ có biết: Nguyễn Văn Túc được học tiếp lên cấp III; sau, ra Hà Nội, công tác ở báo Nhân Dân, đi B rất sớm (1964). Với bút danh Đinh Phong, anh đã có 40 năm làm báo, trước khi nghỉ hưu là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa VII. Hoàng Lưu Khuê, quê phố Vạn, giáo viên Trường Sư phạm Thanh Hóa. Nguyễn Văn Thởn, quê Phùng Nguyên, cán bộ Ban Tuyên giáo, rồi Chánh văn phòng huyện ủy Thiệu Hóa. Nguyễn Văn Mởn, quê Tuấn Kiệt, kĩ sư giao thông. Bạn cùng tản cư ở Tuấn Kiệt, Vĩnh Điện có Trần Thị Thiều Hà, giáo viên Trường đại học Giao thông-vận tải- Hà Nội; Vũ Thị Hương, giáo viên trường Đảng Lê Hồng Phong- Hà Nội...
Điều quý giá nhất, kính trọng nhất nữa của tôi với thầy Ngô Sĩ Ngạn là sau khi đã “rời bục giảng”, vẫn tiếp tục sự nghiệp “Trồng người” bằng cả tâm huyết và tình cảm; mà qua tập “TÂM SỰ” tôi đã cảm nhận được. Đây là một tập thơ riêng mà Thầy tuyển chọn trong những bài thơ viết từ 1991 trở đi. Thầy tự viết tay, phô-tô cho tôi một quyển.  Với 30 trang (15 tờ giấy A4 gập đôi), gồm 41 bài, có thể nói đó là tất cả tấm long, ý thức trách nhiệm của Thầy đối với Tổ quốc, với Bác Hồ kính yêu, với bạn bè, học trò, xóm làng, con cháu và thái độ đối với bọn tham nhũng. Tôi không có tham vọng dẫn ra đây hết và không dám bình những bài thơ rất hay đó, chỉ xin trích dẫn  một số câu để chứng minh:
“… Theo cách mạng ta liền tiếp bước / Ba mươi năm đất nước hòa bình / … Ơn cách mạng muôn đời vẫn nhớ / Muốn báo đền tóc đã điểm sương/ Việc đời khó thể đảm đương / Sớm chiều lòng những vấn vương bời bời / Tâm thành xin chúc mấy lời / Công bằng đạo lí sáng ngời khắp nơi” (Ơn sâu cách mạng- 20-8-1995). Với Bác Hồ, liền trong hai năm 1993 và 1994, Thầy có tới 3 bài. “Nhìn ảnh Bác tưới cây”, Thầy liên tưởng tới sự nghiệp “Trồng người”: “… Cháu con phải dạy, phải răn kiên trì / Đừng buông lỏng, chớ khắt khe / Nhu cương đúng lúc , khen chê đủ đầy/ Trồng người chẳng khác trồng cây / Bỏ lắm công sức quả sây, lá nhiều”. Trong bài “Bác Hồ- con người đẹp nhất” (5-1994), Thầy ngợi ca: “… Nêu cao liêm chính chống tham ô / Đoàn kết toàn dân quyết diệt thù / Nhân nghĩa bao trùm Âu, Á, Mỹ / Tấm gương đạo đức sang nghìn thu”. Nặng ơn với cách mạng, “muốn báo đền tóc đã điểm sương”, nhưng không vì thế mà Thầy thờ ơ đối với những điều còn vấn vương, mà vẫn thấy trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh mới: “… Mặc ai bó gối ngồi than phận / Ngán kẻ khom lưng đứng cúi đầu / Tham nhũng phải lo trừ thật gấp / Cường quyền cũng liệu diệt cho mau / Đề cao đạo lí vun nhân nghĩa / Trách nhiệm người già chửa hết đâu” (Trách nhiệm người già, 5-1993). Về “mảng” này, Thầy còn có các bài “Qua miếu thờ nhớ Tống Duy Tân”, ca ngợi cụ Nghè: “Anh hùng vận bĩ sa tay giặc / Máu tỏ tuôn rơi trả nghĩa dày”; lên án Cao Ngọc Lễ: “Họ Cao bỏ nước theo hàng giặc / Bia miệng còn ghi khắp mọi vùng” . Xem phim Bao Công xử án, Thầy viết bài “Bao Công thuở ấy”: “Xử án công minh được mấy người / Bao Công tài thánh tiếng muôn đời /… Lưỡi gươm Bao Chửng đà mài sắc / Đầu kẻ bất nghì ắt phải rơi”. Thầy lên án bọn “khéo mồm” để “vinh thân”, qua bài “Giám đốc như ông”: “… Tài ăn, tài nói, tài bồ bịch / Tài nịnh, tài xoay, tài lách luồn / Thiếu thốn, gian truân bao kẻ chịu / Giàu sang, hạnh phúc một mình ôm”…
Từ cuối tháng 6-1996, Thầy Ngô Sĩ Ngạn bị tai biến mach máu não, nhưng rồi nhờ có “Thuốc hay, thầy giỏi, nhà to phúc” , tử thần đã vội phải lủi. Hơn mười ngày sau, bệnh tái phát, Thầy có những lời tri ân bạn bè, xóm  làng: “ Hiểm nghèo mới rõ ai tình nghĩa / Ơn nặng công to phải đắp bồi” (“Kết cỏ ngậm vành” 5-7-1996). Thế rồi có ngờ đâu, hơn hai tháng sau, bệnh tình thêm trầm trọng, Thầy đã trút hơi thở cuối cùng vào một ngày mưa của tuần ngâu cuối tháng Bảy (1 giờ sáng 11-9-1996, tức 29-Bảy- Bính Tý).
Gần 7 năm sau, cùng Đoàn đại biểu HĐND huyện Quốc Oai, tôi có dịp được vào Sầm Sơn. Bỏ buổi đi tắm biển, ngày 27-6-2003, tôi thuê xe ôm lên thành phố Thanh Hóa, đến nhà anh Ngô Quốc Khánh, trưởng nam, dâng hương tưởng nhớ thầy Ngô Sĩ Ngạn. Anh Khánh còn đưa tôi về quê, ra nghĩa tảng, thắp hương trên mộ Thầy, với lời khấn: “Thầy ơi, con đã vào đây /Nén hương con thắp, khóc Thầy một câu / … Lòng riêng con những bùi ngùi / Bao năm chưa được tới lui thăm Thầy / Hôm nay, con đã vào đây / Chỉ còn nhìn thấy ảnh Thầy mà thôi / Lấy đâu giọng nói, tiếng cười / Lấy đâu hơi ấm tay Người truyền sang…”.
Lại thêm gần mười năm nữa đã qua; hôm nay, nhớ về công lao sự nghiệp “Trồng người” của thầy Ngô Sĩ Ngạn, tôi ghi lại những dòng ít ỏi trên đây, như một nén tâm hương tưởng niệm Thầy, với đôi lời cũng là “tâm sự” của mình đối với người Thầy đáng kính: “Bao năm Thầy lái con đò / Có con một chuyến, học trò năm xưa / Nhớ câu “Nhất tự vi sư” / Hai năm Thiệu Hóa đèn khuya, đạo dày / Để con có được hôm nay / Cơm cha, áo mẹ, công Thầy ơn sâu”.

      
                                                                                ĐỖ THẾ GIA
                                               (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội)
                                                                                ĐT: 0433.844003