Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đọc tiểu phẩm của nhà báo Hữu Thọ

Kim Hùng(Báo Nghệ An)
Chủ nhật ngày 14 tháng 4 năm 2013 9:57 PM

      Trưởng thành từ một phóng viên “ba lô, chân đất”, với gần 50 năm tuổi nghề, bên cạnh rất nhiều bài báo có tiếng vang, nhận được nhiều giải nhất báo chí, nhà báo Hữu Thọ còn có cả ngàn tiểu phẩm – gọi một cách gần gũi là tiểu phẩm báo chí, được đông đảo bạn đọc thích thú, ông viết từ năm 1987 tới nay.
      Lấy cái mốc năm 1987 vì từ năm đó, nhà báo Hữu Thọ để tâm nhiều vào thể loại tiểu phẩm. Trên Báo Nhân Dân, ông viết và giữ chuyên mục tiểu phẩm trong nhiều năm. Nét đặc sắc trong tiểu phẩm báo chí của Hữu Thọ là nhanh, gọn, sắc bén, giàu thực tiễn dựa trên một cái nền lí luận chắc chắn, mới mẻ, uyển chuyển và luôn gắn với số phận của nhân dân, đất nước, Đảng ta. Bởi vậy, trong sự nghiệp báo chí của ông, tiểu phẩm được đánh giá rất cao, đúng vào thời kì cả đất nước đang trên đà đổi mới, lắm điều hay mà cũng không ít cái để quan sát, bàn bạc, theo cách nói của ông là “bàn góp sự đời”.
      Chỉ xin lấy cuốn sách Chạy, xuất bản lần đầu năm 2004, tới năm 2012 đã in tới lần thứ 4, làm một ví dụ. Xã hội ta lắm lúc xôn xao về các thứ “giả”: hàng giả, tiền giả, bằng giả, danh hiệu giả, kiến thức giả,...tất cả những thứ này tuy nép rất khéo trong cái thật đã góp phần làm nên “người giả”. Mà những “người giả” này dễ được tin dùng, cất nhắc nếu họ không được kiểm tra từ hành động, kết quả hay từ đánh giá trung thực của nhân dân. Và theo tác giả Hữu Thọ, nạn người giả vẫn là thứ nguy hại nhất trong các của “giả” (Tiểu phẩm “Người giả”). Một cán bộ làm tuyên truyền, xuống dân nói chuyện, nói rất dài, nói đúng nhưng hết sức chung chung. Cái bà con cần nghe lại không được anh ta nói tới, thành ra nói đúng mà có trúng đâu? Dân mình có tục nói lái, nói cho “dân biết” mà chưa “biết dân” thì họ còn nói đến bao giờ. Hữu Thọ bình một câu thật thấm thía: “Cái sự nói lái đó sâu sắc ghê gớm, sâu sắc đến ngượng ngùng” (Tiểu phẩm “Nói lái”). Lại nói đến thói dửng dưng, vô cảm của mấy ông cán bộ, để dẫn đến nạn cháy rừng, chiếm đất, xây dựng vô tội vạ, xâm phạm cả vào những di tích cấp quốc gia! Qua một số chuyện cụ thể gây đau lòng, nhà báo Hữu Thọ bàn thêm: “Cho nên người nghe vẫn thấy các ông ấy dửng dưng, vô cảm! Trong khi đó, trách nhiệm quản lí trên địa bàn lãnh thổ, trong phạm vi lĩnh vực phụ trách đều đã ghi rõ. Không làm tròn trách nhiệm quản lí thì không nên để giữ trách nhiệm quản lí, đó cũng là lẽ thường tình. Xử nghiêm trách nhiệm một vài vụ từ trên xuống, thì mọi người giữ trách nhiệm đều lo trách nhiệm của mình...”. Từ năm 2002, Hữu Thọ đã nêu vấn đề văn hóa từ chức: “Nếu không làm tròn trách nhiệm mà xin từ chức, thì sẽ làm gương sáng biết mấy cho những người có trách nhiệm” (Tiểu phẩm “Dửng dưng”)... Có thể nói những ý tưởng nêu ra trong tiểu phẩm báo chí của ông ngỡ bé nhỏ mà thực ra lại không hề nhỏ bé chút nào!
      Mở đầu chuyên mục “Bàn góp sự đời” trên Báo Nhân Dân, với bút danh Nhân Nghĩa, Hữu Thọ như nêu một “tuyên ngôn” cho ngòi bút giàu chất chính luận của mình: “Đất nước đang đổi mới, với những biến đổi nhanh chóng trong đời sống vật chất và tinh thần. Nhiều điều mới mẻ đang diễn ra, có lúc sáng sủa, thẳng băng, có khi đen tối, ngoắt ngéo. Cũng muốn góp một vài lời bàn những gì diễn ra trong cuộc đời, cùng nhau vươn tới Chân- Thiện- Mỹ, đấu tranh với cái giả, cái ác, cái xấu cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn”. Đó cũng là cái thức, cái trí, cái tâm của một nhà báo tâm huyết với nhân dân, Tổ quốc trên con đường lâu dài, gian khổ vì mục đích tối thượng là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
      Ngoài đời thực, có thời gian dài nhà báo Hữu Thọ là ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều năm làm Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương, nhờ vậy ông có một tư thế, vị thế để phát ngôn, nhất là phát ngôn và bàn bạc những điều hệ trọng. Có lần, phát biểu trước Quốc hội, ông thẳng thắn: Việc “chạy” bây giờ thường diễn ra, khiến có người lúc đầu không muốn chạy, nhưng cả làng chạy thì mình không thể không chạy theo. Thế là hỏng, là loạn, trước hết là loạn chuẩn. Người mua chức thì phải có chỗ để mua, triệt là triệt cái anh bán chức này trước. Và ông đã thể hiển ý tưởng mạnh mẽ này ở vài ba tiểu phẩm trực tiếp hay gián tiếp có tiêu đề “Chạy”!
      Với 132 tiểu phẩm báo chí trong cuốn sách Chạy, viết từ sau Đại hội IX của Đảng, nói như nhà báo- nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, thì có thể coi như một sự “bắt mạch”, và trong những mức độ nào đó là những “bài thuốc” kháng sinh, di dưỡng tinh thần, góp phần làm lành mạnh thể chất cũng như tâm hồn, nhân cách của mỗi người, rộng ra là toàn xã hội...
    Một ngòi bút báo chí lão thành như thế, đáng trân trọng và học hỏi thay!

 

                                                                                    K.H