Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vatican - nước chúa Trời ở trần gian

Khiếu Quang Bảo
Thứ ba ngày 16 tháng 4 năm 2013 8:46 PM


Bút  ký 

 
      Có đến Italia mới đến được Vatican. Có tới thành phố Rome mới vào được Tòa thánh La Mã. Ngỡ Vatican là địa danh nằm trong nước Italia. Cho tới bây giờ, tới đây, mới tường Vatican là một quốc gia độc lập có Tòa thánh Vatican, nước của Chúa Trời ở trần gian này, dưới sự trị vì của Đức Giáo hoàng đầy quyền phép, được Chúa Trời giao cho Thiên sứ thay Người hành đạo Chúa trên khắp hành tinh. Mà sức mạnh chỉ từ thần quyền. Vỏn vẹn có Mười điều răn cùng tám Phép bí tích. Phần thưởng và hình phạt thì mơ hồ: Thiên đàng và Địa ngục.
      Những năm ấu thơ tôi sống ở một xứ đạo toàn tòng. Thiếu thời ở thành phố cũng là một phố đạo toàn tòng, chạy dài bên ngôi Nhà thờ Lớn cùng Chủng viện thâm nghiêm đào tạo các lứa tu sĩ. Tiếng chuông nhà thờ và cảnh chiên Chúa đến nhà thờ sáng tối mỗi ngày và cả ngày chủ nhật cần mẫn như đàn cừu ngoan, là những âm thanh và hình ảnh quen thuộc nhiều năm. Những bài thuyết giảng của linh mục trên bục gỗ cao, âm hưởng tiếng  cầu kinh rền rã trầm buồn cùng giai điệu khúc thánh ca quyện trong âm thanh đàn oóc du dương nồng ấm mà thiêng liêng. Nhưng những giáo điều kiêng giữ khắt khe trong lề luật Hội Thánh một thời với tôi là bảo thủ nhất trần đời.
      Cho tới sau ngày đất nước thống nhất tôi có dịp gặp gỡ các “Nhà báo - Linh mục” nổi tiếng của Tạp chí Đồng Dao từ Sài Gòn ra: Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Trần Tam Tỉnh, Nguyễn Hữu Lịch, mới vỡ lẽ ánh sáng cách tân Giáo hội La Mã đã không rọi được tới chiên Chúa vùng Bắc Việt để khai sáng họ. Và giờ đây Thánh  địa Vatican thâm nghiêm đồng thời cũng là nơi thiên hạ có thể đến ngắm nhìn chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa nghệ thuật và kiến trúc mang dấu ấn thần quyền của nó như một di sản quý hiếm của nhân loại, lòng càng sáng hơn.
      Vatican là quốc gia nhỏ nhất thế giới, diện tích chưa đầy nửa cây số vuông. Dân số trên dưới 1.000 người. Biên giới với nước Italia chỉ là một bức tường. Vatican bao gồm Quảng trường Thánh Peter, Nhà thờ Thánh Peter, Cung điện Vatican, Bảo tàng Vatican, công viên cùng vài đường phố hợp thành.
      Cách nay hơn 2.000 năm, Thánh Peter đã bị giết khi ông tuyên bố Chúa Jésus trước khi bị hành hình trên cây thập ác, đã cùng cộng đồng người theo Thiên Chúa giáo trao cho ông sứ mệnh truyền bá đạo Chúa tới các quốc gia trên khắp thế gian này. Và ông là người duy nhất được ủy nhiệm thiên sứ thiêng liêng ấy của Thiên Chúa. Nhưng người Italia không chấp nhận điều đó, và đưa ông ra Quảng trường Tòa thánh bây giờ hành hình. Sau này, hệ thống giáo lý và cộng đồng Thiên Chúa giáo phát triển mạnh mẽ, nên người ta lấy toàn bộ khu vực này dành cho Tòa thánh La mã. Người ta cũng cho rằng theo Thiên Chúa giáo là quyền của con người. Và cho rằng nơi hành hình Thánh Peter là nơi linh thiêng nhất, lấy nó để xây dựng lên Tòa thánh của Giáo hội ở nơi đây.
      Tòa thánh Vatican có hai giai đoạn xây dựng. Thiết kế kiến trúc do Michelangelo vẽ. Người họa sĩ tài danh này đã qua đời khi công việc dựng xây chưa hoàn thành. Và người ta đã tiếp tục công việc ấy theo đồ án của ông.
      Nhà thờ Thánh Peter là nhà thờ Thiên Chúa giáo hùng vĩ nhất, tráng lệ nhất thế giới, từ đông sang tây dài 187 mét, từ nam qua bắc rộng 137 mét. Nhà thờ không có kiểu mái hình chóp tượng trưng cho thần quyền tối cao, hoặc phong cách Gothic tháp cao chọc trời, mà làm theo kiểu mái vòm có vòm trời hình bán nguyệt tạo nên hình thể trung tâm. Nhìn từ xa có thể thấy được nhà thờ với kiểu kiến trúc cột to mái vòm, cổ điển, vừa giản dị lại cũng trang nhã nữa.
      Bước vào nhà thờ, trên bức tường chính của đại điện có một vầng sáng hình tròn. Giữa vầng sáng ấy có một con bồ câu trắng tượng trưng cho đại thiên sứ. Xung quanh là các tiểu thiên sứ và nhiều áng mây màu sắc rực rỡ. Bên dưới vầng sáng là chỗ ngồi của Thánh Peter, được xem là chiếc ghế bành đầu tiên của thế giới. Bốn chân ghế nạm ngà voi, được đỡ bởi bức tượng của hai nhà thần học người Hy Lạp và hai nhà thần học người La Mã. Phía trên lưng ghế có trang trí hình hai tiểu thiên sứ, trong tay cầm chiếc chìa khóa mở cửa vào nước Chúa Trời, và chiếc mũ ba tầng của Giáo hoàng. Đây là chiếc mũ Giáo hoàng đội khi lên ngôi. Ba tầng mũ tượng trưng cho thần quyền, quyền lập pháp và quyền tư pháp của Giáo hoàng.
      Trên đỉnh bức tường nơi đỉnh vòm có nhiều bức tranh và cửa sổ kính có khảm màu sắc rất tươi sáng. Phía trên cùng là các chòm sao chi chít khiến người thưởng ngoạn có cảm giác đang đứng dưới một bầu trời đầy sao. Bốn bức tường trong đại điện có nhiều tượng khắc bằng đá cẩm thạch cùng những bức bích họa lớn. Nhiều bức họa do chính các bậc thầy nghệ thuật trong thời kỳ Văn hóa Phục hưng của Italia sáng tác như bức họa khảm viền “Cánh bướm nhỏ” của Quiaoto, bức “Tình mẹ” của Michelangelo, tượng “Bát nước thánh” của Beinini.
      Đối diện với nhà thờ Thánh Peter là Quảng trường Thánh Peter mang hình bầu dục. Hai bên là hai dãy hành lang làm bằng đá cẩm thạch sắp lớp theo dạng hình bán nguyệt bao quanh quảng trường. Tổng cộng có 284 cột tròn và 88 cột vuông trông rất uy nghi tráng lệ. Giữa quảng trường là một tấm bia vuông nhọn, cao 41 mét. Tấm bia này là do Hoàng đế La Mã Kaligula mang từ Ai Cập về để trang trí cho quảng trường bên cạnh Hoàng cung. Nhưng năm 1586, Giáo hoàng Sistine V ra lệnh chuyển tấm bia đó về trang trí cho quảng trường Thánh Peter. Để vận chuyển được tấm bia nặng 350 tấn này, phải mất tới 5 tháng, huy động 900 nhân công, 150 con ngựa cùng 47 cần cẩu. Giữa bia có khảm đá cẩm thạch phát quang màu trắng. Vì vậy, từ trên không nhìn xuống, quảng trường trông giống một bánh xe cực lớn nhưng rất nền nã. Hai phía nam - bắc của quảng trường đều có dãy hành lang cột tròn tương tự như kiểu kiến trúc hai bên của nhà thờ thánh Peter, giống như đôi tay khổng lồ ôm lấy du khách và những người hành hương trên thế giới đổ về đây. Quy mô của quảng trường Thánh Peter rất lớn, có thể chứa khoảng 500.000 người, và là nơi Tòa thánh La Mã dùng để cử hành các hoạt động lớn của tôn giáo.
      Tôi có mặt ở quảng trường Thánh Peter vào sáng ngày mồng 5 tháng 6 năm 2011. Quảng trường đông nghịt người trên thế giới đến hành hương và tham quan. Hôm đó đúng ngày có sự kiện Giáo hoàng Benedict XVI đang có chuyến công du nước Nga. Ngài làm chủ tế trong một lễ đồng tế tại quảng trường Điện Kremli – Moscow, có bài thuyết giảng dài và cho các giáo dân Nga tham dự lễ chịu Mình thánh Chúa, được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh về quảng trường Thánh Peter ở Vatican qua bốn màn hình rất to đặt ở hai bên, sinh động và trang trọng. Cứ như Giáo hoàng hiện diện trước muôn người hành hương.
      Xế bên bức tượng toàn thân cao lồng lộng Thánh Peter, một cảnh tượng rất đẹp và nên thơ: Một giáo sĩ đang chuyện trò với hai nữ tu cử chỉ khoáng đạt gương mặt tươi tắn trong bộ áo choàng đen. Tôi bấm vội một bức ảnh. Rồi tiến lại gần xin lỗi vì chưa xin phép. Thật bất ngờ người giáo sĩ cười thành tiếng kéo tôi vào đứng giữa muốn có bức ảnh cả bốn người. Phải nhờ anh Frank Moiselle hướng dẫn viên du lịch của tôi chụp giúp. Lại bất ngờ nữa người linh mục hỏi tôi về vụ “Vườn hoa Hàng Trống” khi biết tôi đang sinh sống ở con phố Nhà Chung Hà Nội Việt Nam. Vỡ lẽ họ biết, vì Đức cha Tổng Giám mục địa phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt có sang Vatican dài ngày hội kiến Giáo hoàng Benedict XVI để xin Ngài cho được từ chức.
      Nhà bảo tàng Vatican nằm ở phía bắc nhà thờ Thánh Peter, là bảo tàng lâu đời và nổi tiếng trên thế giới, với diện tích 55.000 mét vuông. Bảo tàng có 12 nhà trưng bày và 5 dãy hành lang, được gọi là “Phòng trưng bày nghệ thuật và Bảo tàng Vatican”. Trong kho báu nghệ thuật này có nhiều kiệt tác nghệ thuật và nhiều văn vật quý hiếm được lưu giữ từ xưa đến nay.
      Nhà thờ Sistine là nhà thờ của các Giáo hoàng. Thánh thể các Giáo hoàng tiền nhiệm qua đời đều được mai táng ở đây độ sâu 10 mét. Trên mộ đặt một lồng lính trong đó có phục chế hình hài như thật ở tư thế nằm của mỗi vị Giáo hoàng chôn cất phía dưới. Ánh đèn đủ tỏ soi rõ chân dung đáng kính mà ta có thể ngắm nhìn. Nhà thờ này nổi tiếng vì lưu giữ hai bức họa “Sáng thế kỷ” và “Sự phán xét cuối cùng” của danh họa Michenlangelo. Bức “Sáng thế kỷ” được coi là đỉnh cao của hội họa, có diện tích 300 mét vuông, được ghép từ 9 bức tranh với nội dung miêu tả lại những câu chuyện trong Kinh Thánh. Trong bức tranh có hơn 300 nhân vật với đường nét tinh xảo, dáng vẻ sống động có thần. Michenlangelo đã mất 4 năm để vẽ bức tranh này. Ông phải nằm ngửa trên giàn giáo để vẽ lên trần nhà thờ. Đến nỗi, vì phải ngước lên để vẽ trong thời gian dài, nên sau khi vẽ xong, ông mang thói quen khi đọc sách cứ phải giơ sách lên trời và ngửa mặt để đọc. Đây là tác phẩm tâm huyết nhất của Michenlangelo. Còn bức “Sự phán xét cuối cùng” được vẽ trong 6 năm, cao 20 mét, rộng 10 mét, là bức họa lớn nhất thế giới. Trong bức họa có hơn 200 nhân vật sống động như thật, cùng nhau đấu tranh vì quang minh chính nghĩa và hy vọng, với khí thế làm rung động lòng người. Mỗi năm có hơn 3 triệu du khách đến thưởng thức hai kiệt tác này ở nhà thờ Sistine.
      Nhà thờ Sistine là nơi bầu Giáo hoàng mới. Vào năm nào đó Giáo hoàng tại nhiệm qua đời, chức Giáo hoàng bị khuyết, nhà thờ đóng cửa nhiều ngày. Các Hồng y tập trung ở đây cầu nguyện để bầu chọn Giáo hoàng thay thế. Lúc này, các tín đồ tập trung ở bên ngoài cổng cùng cầu nguyện hiệp thông và chờ kết quả. Khi cuộc bầu cử có kết quả, bên trong người ta sẽ đốt phiếu bầu bằng củi khô, người bên ngoài sẽ thấy cột khói trắng bay ra, báo hiệu đã chọn được Giáo hoàng mới. Trong một vòng bầu cử, nếu không ai giành được 2/3 số phiếu thì phiếu bầu được đốt bằng củi ướt, làm bốc lên cột khói đen. Đó là dấu hiệu để các tín đồ biết rằng cần phải bầu lại. Đây là nghi thức tuyển chọn Giáo hoàng của Vatican.
      Một vòng tham quan chiêm ngưỡng tràn đầy hứng khởi nhưng đôi chân cũng chồn mỏi. Anh Frank Moiselle rủ ngồi nghỉ cùng, trên một bậc tam cấp xây đá hoa cương. Tu chai nước khoáng và theo dõi màn hình khung cảnh Giáo hoàng Benedict XVI đang hành lễ ở nước Nga. Bỗng Frank Moiselle hỏi:
      - Hy vọng ông không giận. Những quốc gia cộng sản như đất nước ông hình như không thích thú Thiên Chúa giáo?
      Tôi vỗ lên đùi Frank Moiselle:
      - Anh đang ngồi bên một chiên Chúa Việt cộng đấy!
      Frank Moiselle trố mắt. Tôi kể anh nghe một chuyện cũ.
      Vào năm đầu những năm 50 thế kỷ trước, Khâm sứ Dorley được cử sang Việt Nam làm đại sứ cho Tòa thánh Vatican. Việc đầu tiên Khâm sứ làm là phát hành một “phiếu hỏi” tới các hàng giáo phẩm ở Việt Nam để thăm dò lập trường của họ với Việt Minh, rằng, hãy cho biết ý kiến của Giám mục / Linh mục về việc Linh mục Phero Vũ Xuân Kỷ bỏ nhiệm xứ theo Việt Minh vào vùng kháng chiến. Đức cha Nguyễn Văn Bình khi đó đã viết vào “phiếu đáp”: “Nếu Đức Khâm sứ hỏi thật, và con có nhiệm vụ nói thật, thì việc linh mục Phero Vũ Xuân Kỷ theo Việt Minh vào vùng kháng chiến là nên. Bởi ở nơi đó có nhiều chiên Chúa theo kháng chiến, cũng cần có linh mục chăn dắt phần hồn!” Ngay lập tức Đức cha Bình đang là Giáo sư Chủng viện Sài Gòn, bị điều đi làm chánh xứ một xứ đạo heo hút ở Nam Bộ.
      Năm 1954 hòa bình lập lại ở miền Bắc Việt Nam theo Hiệp định Genève. Khâm sứ Dorley tiếp tục có những việc làm ngoài bổn phận của một khâm sứ. Ông bị trục xuất khỏi Việt Nam vào năm 1957. Và từ đó đến nay quan hệ ngoại giao giữa Vatican với Việt Nam bị gián đoạn. Đầu năm rồi Vatican mới nối lại được quan hệ bằng một Đại diện không thường trú do một Khâm sứ ở Singapore – Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - kiêm nhiệm.
      Frank Moiselle bắt tay tôi siết mạnh “Hiểu rồi hiểu rồi!”
      Tôi nhìn anh cười mà còn chưa biết anh hiểu là hiểu thế nào.
      Vatican thuộc miền nam châu Âu, là một quốc gia do Giáo hoàng đứng đầu – Người đại diện cho Thiên Chúa ở trần gian này. Có Ban Thư ký Chính phủ, Uỷ ban chịu trách nhiệm về những công việc chung đối nội đối ngoại của Giáo hội. Bộ phận Thánh, Tòa án và Ban Thư ký đều do các Hồng y Giáo chủ đảm nhiệm, giống như Bộ trưởng một bộ, có trách nhiệm giúp Giáo hoàng thừa hành thiên chức và quyền lợi tối cao của mình. Là một quốc gia độc lập, Vatican phái các quan ngoại giao (mà Việt Nam gọi là Khâm sứ) tới hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới trong vai trò các “Thánh sứ”, “Thánh sứ đại diện”, “Đại biểu tông tọa”. Và cũng có trên 90 quốc gia có đại sứ ở Vatican. Vatican là trụ cột tinh thần của các tín đồ Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới.
      Điều mà ta khó hình dung ra, Vatican là một nước nhỏ, bộ máy hành chính của Vatican chỉ có 700 người mà rất kiện toàn, có quân đội bảo vệ (do Thụy Sĩ tổ chức), có hệ thống bưu chính viễn thông và ngân hàng riêng. Tem và tiền do Vatican phát hành có thể lưu hành và sử dụng tại Italia. Các ngành kinh tế như dịch vụ và sản xuất hàng hóa lại phụ thuộc vào Italia. Vatican không có các ngành công nghiệp, nông nghiệp cũng như không có tài nguyên khoáng sản, khách sạn, nhà hàng, nhà hát, quán bar, tiệm cắt tóc hay trường học. Khí đốt, điện, nước và các mặt hàng tiêu dùng đều do Italia cung cấp.
      Hằng năm lượng khách du lịch tới Vatican lên tới vài triệu người ấy là chưa kể  lượng tín đồ đến hành hương, làm cho du lịch nơi đây phát triển mà thành phố Rome Italia được hưởng lợi.
      Và một câu hỏi đặt ra trong tôi rất đỗi ngạc nhiên, là một nhà nước Vatican với bộ máy hành chính có 700 nhân sự lại có thể điều hành Giáo hội Thiên Chúa trên toàn thế giới chặt chẽ và bền vững trên 2.000 năm nay mặc dù sóng gió kỳ thị ở mỗi quốc gia đối với Giáo hội nhiều khi không phẳng lặng và ấm êm?
      Nếu như 1.700 năm trước Giáo hội Thiên Chúa được coi là bảo thủ nhất trần đời về giáo lý, thì sau khi Giáo hoàng Paul VI lên trị vì, đã có cách tân trong truyền giáo, bước đầu gắn đạo với đời hơn. Cho tới khi Giáo hoàng Paul VI qua đời, Giáo hoàng John Paul II kế vị, thì sự cách tân chuyển sang một tầm cao mới mà đáng quan tâm nhất là trong lề luật hôn phối, cho phép các cặp đôi không cùng tôn giáo được lấy nhau với một lời khuyên “cố gắng thuyết phục vợ hoặc chồng cùng theo Thiên Chúa giáo” là tốt nhất. Cho phép dùng bao cao su để thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Cho phép chịu Mình thánh Chúa chỉ cần nhịn ăn trước nửa giờ …mà trước đây là những điều cấm kỵ nghiêm ngặt. Và trong văn khố ở Tòa thánh Vatican có một văn thư, đã đề cập tới “Thuyết tiến hóa của nhân loại” của Charles Darwin xem như một sự xác nhận. Giáo hoàng John Paul II là Giáo hoàng đầu tiên không phải là người Ý. Ngài đã dùng đức tin, tình thương yêu, lòng quả cảm và uy tín vĩ đại của Ngài để cách tân lề luật Hội thánh. Ngài quan tâm tới đời sống người dân ở các nước nghèo trên toàn thế giới mà không phân biệt tôn giáo cùng thể chế chính trị. So với các đấng tiền nhiệm, Ngài là vị Giáo hoàng đi thăm các quốc gia khắp các châu lục nhiều nhất, bị ám sát hụt nhiều nhất, gắn kết được mối thông hiểu lẫn nhau giữa các tôn giáo và dân tộc có uy tín nhất. Ngày 1 – 5 – 2011, Giáo hoàng John Paul II được Tuyên phong Chân phước (Á thánh) sau 6 năm Ngài qua đời. Chuẩn bị cho việc Ngài sẽ được phong Thánh.
      Đến lúc này thì tôi đã hiểu Frank Moiselle khi anh nói “Hiểu rồi hiểu rồi” là từ câu nói này của anh:
      - Nếu Giáo hội Vatican không cách tân, sẽ mất giáo hữu. Sẽ lạc hậu với thời đại nửa thế kỷ. Bởi thế giới ngày nay là thế giới của dân trí và là một thế giới phẳng.
      Có lẽ là thế. Chính vì thế mà Tòa thánh Vatican thâm nghiêm đã “mở cửa” cho thiên hạ tới chiêm ngưỡng mà thành kính. Để thiên hạ tự hướng thiện mà không cần vận tới giới răn cũng như tín điều.