Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà thơ Hoàng Cát đã gặp được người Cựu chiến binh tử tế

Thư ký Thời Đại
Thứ ba ngày 15 tháng 1 năm 2013 8:29 PM
Sau khi đọc loạt bài nói về anh Thương binh & Nhà thơ Hoàng Cát trên Trannhuong.com; thấy cảnh đời bất công, Đại tá, Tiến sĩ Lê Hoa nguyên Thư ký Đại tướng Văn Tiến Dũng rất xúc động, bức xúc và đã tìm đến gặp Cựu chiến binh Hoàng Cát thăm hỏi tặng quà và nói với Thương binh Hoàng Cát tôi sẽ làm Kiến nghị gửi Các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này và sẽ hỏi đến cùng cho ra lẽ phải.
Đại tá, Tiến sĩ Lê Hoa sinh năm 1931 bảo vệ  Luận án Tiến sĩ khoa học quân sự năm 1978( thời kỳ này việc học hành và chấm thi còn rất nghiêm túc). Mặc dù đã ngoài 80 tuổi nhưng trông đại tá vẫn lanh lợi, tiếng nói vẫn sang sảng, chiều nào  đại tá cũng đến Câu lạc bộ Ba Đình đánh bóng bàn và bơi lội. Tôi thực sự kính trọng Đại tá  Lê Hoa – anh bộ đội cụ Hồ mẫu mực và rất trách nhiệm với anh em bạn  bè đồng đội. Đại tá làm đơn kiến nghị hỏi cho anh Hoàng Cát gửi tới gần chục cơ quan và các Vị lãnh đạo, không muốn chuyển theo đường bưu điện sợ lâu và thất lạc, mặc dù mấy ngày vừa rồi giá rét như thế nhưng sáng sớm đã đi xe máy đến các Cơ quan để gửi trực tiếp đơn và xin lại biên nhận; một vài cơ quan anh còn xin trực tiếp gặp các Thủ trưởng đề trình bày thêm, anh rất mong các Vị lãnh đạo cũng như các Quý cơ quan sớm xem xét giải quyết mọi chế độ thương tật cho anh Hoàng Cát từ 1980 đến nay vì hoàn cảnh của anh Hoàng Cát cũng rất thương tâm.  Thương binh Hoàng Cát mới phải đi phẫu thuật ổ bụng sau khi ra viện được mươi ngày lại phải vào Viện chạy xạ vì anh Hoàng Cát mắc thêm bệnh ung thư hạch cổ nên số phận của  thương binh Hoàng Cát rất mong manh.
 Đồng cảm với những đau thương mất mát của anh Hoàng Cát; kính nhờ anh Trần Nhương chuyển tải kiến nghị của Đại tá Tiến sĩ Lê Hoa lên trang nhà để anh em bạn bè, những đồng đội năm xưa còn lại  của Nhà thơ Hoàng Cát biết  và cũng rất mong sự cưu mang về vật chất của bạn bè để anh Hoàng Cát chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo trong lúc khó khăn này.
Trân trọng cảm ơn !
Hà Nội ngày 10/01/2013
Thư ký Thời Đại.
......................................................................................
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC
                 Hà Nội ngày 05 tháng 01  năm 2013

Kính gửi: -   UB Pháp luật của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
- UB về các vấn đề Xã hội của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
- Ông Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam;
 - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh xã hội;
- Ông Chủ tịch Hội cựu Chiến Binh Việt Nam;
- Ông chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam;
- Bà Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố hà Nội;
- Ô Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Kính thưa Các Quý cơ quan và các Quý vị
Tôi tên là Lê Hoa  sinh năm 1931, Tiến sĩ,  Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam, đã nghỉ hưu hiện thường trú tại số nhà 6 Ngách 5 – 34 A Trần Phú;Phường Điện Biên, Quận ba Đình, Hà Nội.
Tôi xin phản ảnh và kiến nghị với các Quý cơ quan và các Quý vị một việc như sau:
Cách đây hơn 30 năm khi tôi còn trong quân ngũ tôi đã nghe về nhà thơ Hoàng Cát và được biết anh cũng là một chiến binh  chiến đấu ở  chiến trường Khu 5  và bị thương mất một chân.
Tháng 12 năm 2012 nhân một buổi tình cờ tôi gặp một người bạn kể cho tôi nghe về nỗi oan trái đối với anh Hoàng Cát; Với tình cảm của người lính với nhau tôi đã đến thăm anh Hoàng Cát(anh Hoàng Cát sinh năm 1942 tại Nghệ An hiện tại là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội & Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; anh đã được Hội Nhà văn Việt nam xuất bản nhiều tập Thơ và Truyện ngắn) anh cùng là Hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam) tại nhà riêng Ngõ 103 Phố Nguyễn An Ninh; Quận Hoàng Mai, Hà Nội(trước kia thuộc Quận Hai Bà Trưng) và được anh kể về cuộc đời oan trái mà anh gặp phải: Anh nhập ngũ  01 tháng 5 năm 1965 và lên đường vào Nam chiến đấu; năm 1969 khi chiến đấu ở mặt trận Quảng Đà anh đã bị thương mất 01 chân, sau một năm chuyển dịch qua các binh trạm dọc đường Trường Sơn mới ra được miền Bắc để điều dưỡng và lắp chân giả. Năm 1972 anh được Hội Nhà văn Việt Năm triệu tập  đi học lớp “Bồi sáng tác của Hội Nhà văn ở Quảng Bá, Hà Nội đến tháng 12/1972 do máy bay Mỹ ném bom đánh phá ác liệt Hà Nội nên lớp học đã phải đi sơ tán. Sau khóa học những anh em thuộc Hội Nhà văn cử đi thì trở lại Hội Nhà văn, còn anh lại trở về Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo Hà Nội  nơi trước kia anh đã từng làm cán bộ kỹ thuật. Tháng 01/1974 truyện ngắn “Cây táo ông Lành” viết cho Thiếu nhi được đăng trên báo Thiếu Niên thì anh bắt đầu bị cơ quan cho nghỉ mất sức nên cuộc sống gia đình anh lâm vào cảnh túng thiếu, anh đã phải bán nước chè ở Vỉa hè trong ngõ nhưng chính quyền cũng không cho hành nghề nên anh đã phải làm chiếc xe đẩy đi bán rong  ở các phố khác nhưng cũng có nhiều ngày không bán được hào nào. Tuy chỉ có một chân, anh đã xoay  xỏa đủ nghề để kiếm sống nuôi thân và nuôi đứa con gái đang tuổi học trò. Anh bị thương mất 01 chân ở chiến trường từ 1969, sau khi được điều chuyển ra miền bắc anh đã được cấp thẻ Thương binh và được hưởng trợ cấp 8% bậc lương đang hưởng(tại thời điểm đó 8% bậc lương là vô cùng nhỏ) nhưng từ năm 1980 anh anh  bị cắt toàn bộ chế độ trợ cấp thương tật cho tới tận ngày nay với một lý do đơn gản “đã về mất sức” đến năm 1997 khi khám xét để cấp lại thẻ mới người ta còn “gợi ý này nọ” nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, không đáp ứng được  nên anh chỉ được xác nhận thương tật loại IV(loại thấp nhất). Một điều vô lý là tuy có thẻ thương binh nhưng anh không được nhận phụ cấp thương binh vì đã nghỉ mất sức(giải thích của Phòng Lao động thương binh xã hội Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Và câu chuyện “Cây táo ông Lành”đã đưa anh vào vòng lao lý, sau này có sự nhìn nhận lại  thì chẳng qua do nhận thức của một thời ấu trĩ chứ nội dung câu chuyện chẳng có gì độc hại và ghê gớm như những người lãnh đạo giới Văn nghệ hồi ấy nhận định.
Là một quân nhân tôi thấy cách đối sử với một người thương binh như vậy là trái với đạo lý uống nước nhớ nguồn, trái với chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công.
Từ thực tế sự việc trên tôi kính đề nghị các Quý cơ quan; các Qúy vị:
1/ Chỉ đạo các Cơ quan chức năng kiểm tra xem xét để giải quyết quyền lợi chính đáng cho anh thương binh Hoàng Cát đã có công chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc theo đúng cấp hạng thương tật;
2/ Phải truy trả tiền trợ cấp thương tật cho anh Hoàng Cát và anmh Hoàng Cát phải được truy lĩnh từ  năm 1980 đến nay.
Kính mong được sự quan tâm của các Quý Cơ quan và các Quý vị đố với các Thương binh đã chiến đấu hy sinh vì nền độc lập tự do của ngày hôm nay.
Trân trọng cảm ơn!
Đại tá, TS. Lê Hoa