(Hội thảo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com /blog)
Tham vọng của Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành cái “ao nhà” của mình đã gây ra những căng thẳng giữa họ với 5 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Cái gọi là Đường chữ U do họ đưa ra nhằm để Trung Quốc chiếm tới 80% tổng diện tích Biển Đông, đang bị tất cả những người có lương tri trên thế giới phản đối kịch liệt.
Hàng nghìn đảo đá, bãi cạn ở gần các nước ASEAN và ở rất xa đại lục Trung Quốc, xưa nay chưa hề có người Trung Quốc sinh sống, chưa hề có sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc cũng bị họ ngang nhiên coi là lãnh thổ của mình. Đường chữ U lấn vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nhiều nước khác và hoàn toàn không có căn cứ lịch sử cũng như căn cứ pháp lý — điều hết sức vô lý ấy ai cũng thấy, kể cả những người Trung Quốc có lương tri. Bài viết dưới đây nói lên một phần sự thật mà chính quyền Trung Quốc luôn giấu giếm: các học giả có lý trí ở nước họ cũng công khai thừa nhận Đường chữ U không có căn cứ pháp lý. Để tôn trọng sự thật, tôn trọng tác giả bài viết và bạn đọc, chúng tôi xin dịch nguyên văn bài này. Các ghi chú trong ngoặc vuông [ ] là của người dịch.
Ngày 14/6/2012, chủ nhân Blog này [tức Lý Lệnh Hoa] được mời tham gia cuộc hội thảo về vấn đề Nam Hải [Việt Nam gọi là Biển Đông] do Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc 天则经济研究所 [1] và báo điện tử Sina.com/blog chủ trì tổ chức. Những người tham gia đều đã thảo luận vấn đề này một cách nghiêm túc và có lý trí. Qua chỉnh lý, nay công bố nội dung hội thảo như sau.
Tên Hội thảo: Tranh chấp Biển Đông: chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế.
Đơn vị chủ trì: Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com /blog.
Thời gian: Chiều ngày 14/6/2012, từ 13h30 đến 17h50.
Địa điểm: Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc
Người chủ trì: Dương Tuấn Phong, giảng viên Đại học Công an Trung Quốc.
Khách mời phát biểu chính:
1- Lý Lệnh Hoa [李令华Li Ling-hua] [2], học giả chuyên nghiên cứu vấn đề vạch ranh giới biển quốc tế, cán bộ đã nghỉ hưu của Trung tâm Thông tin biển Trung Quốc.
2- Thời Ân Hoằng, Giáo sư Đại học Nhân dân Trung Quốc, Tham sự Quốc vụ viện [3].
Khách mời bình luận:
1- Thịnh Hồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thiên Tắc, GS Đại học Sơn Đông; 2- Thượng Hội Bằng GS Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh ; 3- Cát Hải Đình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xúc tiến hữu nghị quốc tế Trung Quốc, nghiên cứu viên ; 4- Hà Quang Hộ, GS Viện Triết học ĐH Nhân dân Trung Quốc ; 5- Vương Diệm, nghiên cứu viên Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Tổng Biên tập tạp chí « Đọc sách » ; 6- Hứa Chương Nhuận, GS Học viện Pháp luật ĐH Thanh Hoa ; 7- Trương Thiên Phàm, GS thỉnh giảng của hai Học viện Pháp luật, Học viện Quản lý chính phủ ĐH Bắc Kinh ; 8- Trương Thử Quang, Chủ tịch Hội đồng Học thuật Viện NCKT Thiên Tắc, GS Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
Lý Lệnh Hoa : Với tư cách là học giả đã nghiên cứu nhiều năm vấn đề vạch ranh giới biển quốc tế, hôm nay tôi rất vui mừng được cùng mọi người bàn bạc vấn đề Nam Hải. Tôi có mang tới đây để mọi người xem một số thành quả nghiên cứu mới nhất của giới học thuật về vấn đề Nam Hải, gồm các sách và tạp chí như « Nghiên cứu vấn đề Luật biển quốc tế », « Nghiên cứu luật cơ bản biển Trung Quốc », « Một số trường hợp thực hiện luật quốc tế của Trung Quốc », « Tập bài nghiên cứu quốc sách biển », « Địa-chính trị và tranh chấp ở Nam Hải », « Chuyên luận vấn đề Nam Hải » ; khi nói về vấn đề Nam Hải, tôi rất chú ý quan điểm của các tác giả những nghiên cứu đó.
Tôi có cảm giác là từ hơn một năm nay, đặc biệt từ tháng 4 năm nay trở đi, khi Trung Quốc xung đột với Philippinnes, vấn đề Nam Hải trở nên rất nóng. Tôi cảm thấy trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia, từ xưa tới nay [chúng ta] đều khẳng định đảo Hoàng Nham [黄岩岛 quốc tế gọi là bãi cạn Scarborough] là lãnh thổ của Trung Quốc. Nhưng diện tích đảo Hoàng Nham quá nhỏ, hơn nữa lại không có người ở, khi thủy triều dâng cao chỉ còn là một tảng đá. Năm 1947, khi vẽ “Đường 11 đoạn ” 十一段线, Vụ trưởng Vụ Khu vực và mấy người trong Bộ Nội chính chính phủ Dân Quốc [của Tổng thống Tưởng Giới Thạch] vẽ đảo này vào [bên trong đường 11 đoạn]. Khi nghiên cứu xác định điểm gốc [cơ điểm] để [phục vụ công tác] dẫn đường trên biển, đã bàn bạc về vấn đề đảo Hoàng Nham này động chạm tới việc không thể lấy nó làm điểm gốc. Vì diện tích nó quá nhỏ lại cách xa đại lục [Trung Quốc], hơn nữa còn có một vấn đề phức tạp là đảo Hoàng Nham nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, có thể lấy nó làm điểm gốc để chủ trương [coi nó là] vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta được không ? — vấn đề này rất đáng được bàn thảo. Bởi vậy [khi] Bộ Ngoại giao và phía quân đội [Trung Quốc] có lúc rất cứng rắn trên vấn đề này, tôi cảm thấy [làm như thế] là xem xét vấn đề chưa chu toàn. Tôi đã viết rất nhiều thư gửi cho các cán bộ liên quan của Bộ Ngoại giao [Trung Quốc] nhưng cũng không có thư trả lời. Vì đảo Hoàng Nham là một bãi đá 岩礁, căn cứ mục 3 Điều 121 của «Công ước [Liên Hợp Quốc về Luật Biển]», nó chỉ có thể có vùng nước xung quanh 12 hải lý mà thôi. Nó ở cách bờ biển Phillippines 124 hải lý, vẽ một vòng khuyên thì vị trí sở tại đảo này vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phillippines ; tàu cá đi vào đấy tất nhiên là đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Phillippines rồi. Bởi vậy xảy ra tranh chấp trên vấn đề này là điều tất nhiên.
Hiện nay nhiều học giả trong nước [Trung Quốc] vẫn khẳng định «Đường 9 đoạn» [九段线Việt Nam gọi là Đường chữ U, hay Đường Lưỡi bò, tức đường biên giới biển Đông theo yêu sách của Trung Quốc, được họ vẽ trên bản đồ bằng một đường có 9 đoạn đứt khúc]; nhưng từ xưa đến nay đường biên giới trên bộ hay trên biển của toàn thế giới chưa bao giờ có một đường nào là đường đứt đoạn [chữ Hán là 虚线 «hư tuyến», tức đường nét đứt, đường chấm chấm, không liền nét] cả. Đường 9 đoạn do tiền nhân của chúng ta vạch ra không có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý. Tháng trước, khi giảng bài cho các nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu biển và biên giới Trung Quốc thuộc trường Đại học Vũ Hán, tôi có nói rằng căn cứ pháp luật đích thực phải là “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển” năm 1982 [United Nations Convention on the Law of the Sea; 1982年《联合国海洋法公约]. Hơn nữa nước ta [Trung Quốc] là quốc gia đã ký và phê chuẩn “Công ước” này. Đường 9 đoạn chiếm tới hơn 80% diện tích vùng nước Nam Hải.
Đường cơ bản [cơ tuyến] của quần đảo Tây Sa [西沙, Việt Nam gọi là Hoàng Sa] cấu tạo bởi 28 điểm gốc, được các chuyên gia Cục Hải dương và một số đơn vị khác [của Trung Quốc] cùng nhau vẽ nên trước năm 1995. Nó gồm có nhiều bãi đá nhỏ 小岩礁, với diện tích vùng nước rộng tới khoảng hơn 12.000 dặm biển vuông. Sau khi công bố đã bị các chính phủ Việt Nam và Philippinnes phản đối và phê bình. Việc xác định 28 điểm gốc này vốn đã có rất nhiều chỗ không chuẩn xác, cũng không đạt yêu cầu về chỉ tiêu kỹ thuật. Hiện nay [Trung Quốc] vẫn cứ muốn làm kiểu hoạch định mập mờ như thế ở quần đảo Nam Sa [南沙 Việt Nam gọi là Trường Sa].
Tài nguyên Nam Hải rất phong phú, nước ta [Trung Quốc] có tranh chấp với 5 quốc gia như Việt Nam, Philippinnes [và Malaysia, Brunei, Indonesia] về chủ quyền trên biển. Chúng ta nên chủ trương giải quyết tranh chấp bằng phương pháp đàm phán hoà bình theo tinh thần của « Công ước », không thể sử dụng vũ lực giải quyết. Căn cứ xu thế phát triển của Luật biển quốc tế hiện nay và kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia, các nước ven bờ Nam Hải trước hết nên hoạch định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và biên giới thềm lục địa大陆架. Sau khi xác định rõ biên giới, [các nước] sẽ cùng nhau khai thác [tài nguyên biển].
Xin nêu một thí dụ : không thể xỏ giày trước rồi mới đi tất, cũng tức là nói không thể không làm rõ phạm vị chủ quyền trên biển mà đã cùng khai thác, bởi lẽ như vậy hoàn toàn có khả năng gây ra vấn đề phân phối thu nhập không công bằng. Sau này dựa vào điều 74 và điều 83 nói về vùng đặc quyền kinh tế và hoạch định biên giới thềm lục địa trong « Công ước », cần vạch lại biên giới biển Nam Hải. [Lúc đó] Phillippines chiếm bao nhiêu, Brunei chiếm bao nhiêu, Việt Nam chiếm bao nhiêu, Indonesia chiếm bao nhiêu… khẳng định sẽ không thể hoạch định theo chủ trương hiện nay của các quốc gia này.
Các quốc gia đương sự phải thống nhất về lý luận vạch biên giới biển và về phương pháp kỹ thuật, lấy cơ sở là các nguyên tắc quốc tế thông dụng hiện nay về cấu hình và độ dài bờ biển cũng như nguyên tắc tỷ lệ, thông qua đàm phán hoà bình, hữu nghị song phương hoặc đa phương để giải quyết vấn đề biên giới cuối cùng của Nam Hải.
Thịnh Hồng : Đường màu lam có phải là đường vẽ [vùng đặc quyền kinh tế] 200 hải lý của các nước không?
Lý Lệnh Hoa : Đúng vậy. Đường màu lam trên bản đồ là vùng đặc quyền kinh tế vẽ theo Luật Biển. Đảo Hoàng Nham ở đây. Theo mục 3, Điều 121 của « Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển », Trung Quốc chúng ta chỉ có thể có vùng biển lãnh hải 12 hải lý. Thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippinnes ở đây. cho nên dù tàu cá hay tàu chiến của chúng ta khi đến Hoàng Nham đều tất nhiên đi vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của người ta. “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển” đã là công ước thì bất cứ quốc gia nào cũng phải chịu sự ràng buộc của công ước đó. Tất cả đều phải xử lý theo tinh thần của Công ước.
Thịnh Hồng : Căn cứ của Đường 9 đoạn mà chúng ta vạch ra là gì?
Lý Lệnh Hoa : Chẳng có căn cứ gì! [Nó chỉ] là tuyên bố đơn phương năm 1947 [của Chính phủ Dân Quốc].
Thịnh Hồng : Không được các nước khác thừa nhận ư?
Lý Lệnh Hoa : Có thừa nhận, nhưng đấy chỉ là chuyện trong lịch sử. Hiện nay, đặc biệt là những năm gần đây, các nước xung quanh Nam Hải đều không để ý tới [điều đó] nữa. Thời đại đang tiến lên, khi hoạch định ranh giới biển chúng ta cần phải tiến hành theo tinh thần « Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển» và quy tắc quốc tế, chứ không thể nói căn cứ theo cái gọi là nhân tố lịch sử, nước giàu hay nghèo, người đông hay ít, tình trạng địa chất địa mạo đáy biển … những yếu tố đó đều không phải là căn cứ để hoạch định biên giới. Tôi cho rằng nếu căn cứ vào Luật Biển mà làm thì nhân dân các nước ven bờ Nam Hải và nhân dân Trung Quốc đều có vùng biển 200 hải lý rộng rãi, việc phát triển nghề cá và khai thác tài nguyên đáy biển đều có đủ không gian. Sau này khi kinh tế các nước láng giềng phát triển thì chúng ta cũng được hưởng lợi. Để đứng trên góc độ toàn nhân loại mà xem xét vấn đề thì chúng ta cần có quan điểm toàn cục, cần tiến lên cùng thời đại.
Các đảo đá 岛礁 ở quần đảo Nam Sa không thể duy trì cuộc sống lâu dài của nhân loại. Căn cứ theo «Công ước» nói chung, một đảo đá nhỏ chỉ có lãnh hải 12 hải lý, thậm chí nhỏ hơn, chứ không phải là vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý như có người của chúng ta chủ trương. Cách nói của chính phủ ta « Quần đảo Nam Sa và vùng biển phụ cận » quá mập mờ; ngay chuyện phụ cận bao nhiêu hải lý đều không thể nói rõ được. Cách nói ấy không phải là ngôn ngữ pháp lý. Chúng ta cần tôn trọng các điều văn của « Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển »; chỉ có những cách nói về 12, 24, 200 và 350 hải lý. Do các đảo Nam Sa có diện tích nhỏ, cách xa đại lục [Trung Quốc], không đủ điều kiện sống còn cho loài người, nên nước ta không thể xác định các điểm cơ sở lãnh hải ở quần đảo Nam Sa. Bởi vậy chúng ta không thể có được vùng nước đặc quyền kinh tế rộng lớn ở phía Nam của Nam Hải.
Vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta [Trung Quốc] và của Việt Nam có chồng lấn nhau trên diện tích rất rộng, thể hiện bằng màu vàng nhạt trên bản đồ. Thế nhưng khi hoạch định ranh giới ở Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam tỏ ra tương đối có lý trí, họ đã từ bỏ đường [ranh giới] lịch sử vốn do nước Pháp và chính phủ triều đình nhà Thanh hoạch định. Việc hoạch định ranh giới Vịnh Bắc Bộ được hoàn tất khi Chủ tịch Giang Trạch Dân còn lãnh đạo Trung Quốc, tới nay đã trải qua hơn chục năm.
Chính phủ ta xưa nay chưa bao giờ chính thức tuyên bố về Đường 9 đoạn ; thế nhưng không ít sách giáo khoa và báo chí nước ta lại coi Đường 9 đoạn là biên giới biển của Trung Quốc, bởi thế đã dẫn đến việc dân chúng [Trung Quốc] coi Nam Hải thành vùng biển của Trung Quốc xưa nay sở hữu. Có một số cơ quan truyền thông [Trung Quốc] trong khi chưa làm rõ vấn đề này, thế mà động một chút đã nói phải đưa tàu chiến đi đánh. Tôi cho rằng cần phải sớm xác định rõ địa vị pháp lý của Đường 9 đoạn. Không làm rõ ràng thì tương lai rất dễ xảy chuyện này nọ. Căn cứ mục 3 điều 121 « Công ước » : « Những đảo đá nhỏ không thể duy trì loài người cư trú hoặc đời sống kinh tế của bản thân thì không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa ». Quần đảo Nam Sa quá ư phân tán, các đảo đá nhỏ rải rác chi chít như bàn cờ, hơn nữa loài người căn bản chẳng thể dựa vào các đảo đá ấy để sống được. Căn cứ theo « Công ước » , không thể hoạch định được vùng đặc quyền kinh tế cho quần đảo Nam Sa. Quần đảo Tây sa cũng vậy. Sau này xác định địa vị pháp lý của các đảo Thủy Hưng, Thái Bình như thế nào thì cũng phải căn cứ theo « Công ước » ; chúng ta ắt phải xử lý nghiêm túc vấn đề này.
Thịnh Hồng : Quan điểm của ông là các đảo ấy là của chúng ta, nhưng không thể lấy đó làm căn cứ để chủ trương vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ; có phải như vậy không ?
Lý Lệnh Hoa : Đúng thế, chính là cái lý lẽ ấy.
Trương Thử Quang : Chúng ta chủ trương đảo này [đảo Hoàng Nham] là của chúng ta ; Phillippines cũng cho rằng là của họ, lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ. Chủ trương của chúng ta dựa trên căn cứ nào ?
Lý Lệnh Hoa : Căn cứ vào tư liệu lịch sử, từ xưa tới nay đều là lãnh thổ của Trung Quốc.
Trương Thử Quang : Bởi lẽ cho dù là chính phủ nhà Thanh hoặc chính phủ Dân Quốc đều không thực tế kiểm soát vùng này ; chỉ có điều chúng ta đơn phương tuyên bố vùng này là thuộc về chúng ta. Nếu đảo Hoàng Nham đã nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phillippines thì tại sao ông lại cảm thấy chúng ta có thể lấy đảo này làm « Phi địa » (飞地 lãnh thổ hải ngoại không tiếp giáp với bản đồ chủ thể của một quốc gia) [4] của chúng ta.
Lý Lệnh Hoa: Cũng không phải là tất cả các đảo trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đều thuộc về quốc gia ven biển [ở gần đó]. Thí dụ quần đảo St. Pierre và Miquelon gần Canada thì thuộc Pháp. Hiện nay Tòa án quốc tế có quyền tài phán đối với chủ quyền lãnh thổ các đảo ; trong thực tế các quốc gia cũng có đàm phán với nhau về chủ quyền đảo. Về vấn đề « Phi địa » đảo Hoàng Nham, nước ta [Trung Quốc] không chỉ có vấn đề với Phillippines mà cũng có vấn đề với Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, bởi lẽ các đảo ấy đều là những đảo đá nhỏ mà. Nhận thức đúng đắn và giải quyết ổn thỏa vấn đề này như thế nào — điều đó còn cần các chuyên gia nhiều chuyên ngành của chúng ta cùng bàn bạc.
Hà Quang Hộ : Còn có vấn đề thực tế kiểm soát nữa, thí dụ quần đảo Malvinas trên thực tế do Anh Quốc kiểm soát, [cần] tôn trọng sự kiểm soát thực tế.
Trương Thử Quang: Vừa rồi [ông] nói Đường 9 đoạn là do nước ta vạch ra năm 1947. Có căn cứ nào để vạch ra cái đó?
Lý Lệnh Hoa : Đường 9 đoạn không có căn cứ pháp lý. Có nhà luật học nước ta, kể cả các đồng nghiệp ở Đài Loan cùng có nhận thức như vậy. Hồi đó, các quốc gia ven bờ có nước còn chưa độc lập nữa cơ. Đây chỉ là Trung Quốc đơn phương tuyên bố mà thôi.
Tôi xin tổng kết một chút: Tôi cho rằng vấn đề chủ yếu nhất trong nội hàm của « Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển » là tái phân định và bố cục lại vùng biển, sao cho mỗi quốc gia ven biển đều có thể có thềm lục địa và vùng biển kinh tế 200 hải lý (hoặc vùng nước tương đối rộng), tạo thuận tiện cho các nước khai thác, sử dụng và quản lý biển, để cho toàn nhân loại đều đi lên con đường cùng nhau giàu có. Điều đó nên là căn cứ cơ bản để chúng ta và các nước xung quanh dựa vào mà giải quyết các tranh chấp ở Nam Hải. Khi đã là quốc gia ký kết « Công ước » thì chúng ta cần phải xử lý mọi việc theo tinh thần “Công ước”, bày tỏ cho thiên hạ biết sự thành tín của mình./.
Nguyên Hải dịch nguyên văn từ
1) Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc (Tian ze; Unirule Institute of Economics. Website:
http://www.unirule.org.cn) là một Think-tank dân lập do một số học giả Trung Quốc lập ra, thường xuyên phát biểu các quan điểm khách quan có lý trí không rập theo quan điểm chính thống, đề xuất các kiến nghị có tính chất xây dựng về kinh tế-chính trị-xã hội, có ảnh hưởng lớn trong giới nghiên cứu lý luận ở Trung Quốc.
2) Lý Lệnh Hoa. Sinh 1946. Thời gian 1964-1970 học tại Khoa Hải dương Học viện Hải dương Sơn Đông. 1970-2006 công tác tại Trung tâm Thông tin Hải dương quốc gia (Thiên tân). Nay đã nghỉ hưu.
3) Phòng Tham sự thuộc Quốc vụ viện (QVV) Trung Quốc là một cơ quan trực thuộc QVV, có tính chất mặt trận thống nhất, tính vinh dự lại có tính cố vấn. Tham sự nhà nước là cán bộ cơ quan nhà nước, do Thủ tướng QVV bổ nhiệm ; không rõ cấp bậc hành chính, nghe nói thấp dưới Bộ trưởng.
4) «Phi địa», 飞地, tiếng Anh Exclave : phần lãnh thổ của một quốc gia (hoặc vùng lãnh thổ), nhưng lại hoàn toàn cách ly với bản địa của quốc gia (vùng) đó, bị bao bọc bởi lãnh thổ của các quốc gia (hoặc vùng) khác. Thí dụ vùng Kaliningrad ở phía Đông biển Baltic, diện tích 15100 km2, là lãnh thổ của Liên bang Nga nhưng lại cách bản địa Liên bang Nga 600 km. Kaliningrad bị bao bọc bởi hai nước Ba Lan, Lithuania và biển Baltic. Khi Liên Xô chưa tan rã, Kaliningrad không phải là exclave, vì nó gắn liền với nước CHXHCN Lithuania thuộc Liên Xô.