Hiện ở Café Lục Bát Quán (40/6 Võ Thị Sáu- Hà Nội) đang lưu giữ và trưng bày hàng trăm bút tích của các Văn nghệ sĩ và Trí thức nổi tiếng Việt Nam. Nhiều hiện vật trong số đó là bản gốc, độc bản, rất quý hiếm: Thư riêng của Nhạc sĩ Văn Cao - Tác giả Quốc ca Việt Nam gửi cho Bộ trưởng Văn hóa; một bài thơ chép tay của Nhà thơ Quang Dũng (tác giả của “Tây Tiến” lừng danh) viết từ năm 1955; một lá thư viết tay của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước; thư riêng của Nữ tướng Nguyễn Thị Định năm 1970; thư riêng của NSND Đặng Thái Sơn...
Không phải ngẫu nhiên mà nhóm phóng viên Du Thêu - Mạnh Tiến của Đài Truyền hình Hà Nội đã thực hiện phóng sự “Bộ sưu tập thủ bút cũ của Lục Bát Quán”, phát sóng trong chương trình “Nhịp điệu ngày mới” trên kênh HTV1, được nhiều khán giả người cao tuổi quan tâm.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng, NSƯT Thúy Đạt và NS Hoàng Tùng bên bức tường Chân dung và Bút tích của các Văn nghệ sĩ và Trí thức Việt Nam ở Lục Bát Quán
Mỗi thủ bút là một… chân dung tự họa độc đáo
Từ xưa đã có câu “Nét chữ, nết người” (chỉ cần xem chữ viết cũng có thể đoán ra hình dáng và tính nết con người vậy). Người ta cho rằng bậc quân vương thường viết như “rồng bay phượng múa”; người quân tử thì chữ dứt khoát, khoáng đạt, rõ ràng; còn kẻ tiểu nhân thì chữ viết cũng nhỏ nhen và tủn mủn. Tương tự như thế, những người lịch lãm, chữ viết ắt phải thanh tao, sang trọng và ngược lại...
Nghe nói, trên thế giới đã hình thành cả một “trường phái” bói toán liên quan đến bút tích: bói chữ! Giai thoại kể rằng văn hào Pháp Bandắc từng rất mê bói chữ. Ông cũng nổi tiếng trong chuyện chỉ cần xem chữ viết mà có thể đọc ra “tiền vận, hậu vận” của người khác. Một lần, có bà cụ già mang đến cho ông một cuốn vở học trò, chữ viết như “gà bới” và nhờ Bandắc xem hộ. Nhà văn đoán có thể đó là cuốn vở của con cháu bà cụ, nên ông đã “phán” đại ý rằng: “Xin cụ đừng buồn, tôi phải nói thật là đứa trẻ này lớn lên sẽ chẳng làm nên trò trống gì!”. Tới lúc đó, cụ già mới điềm tĩnh cười và bảo: “Ôi, thưa văn hào Bandắc. Ngài không nhận ra cuốn vở và chữ viết của mình hồi nhỏ ư? Tôi chính là cô giáo cũ của ngài đây mà!”.
Riêng ở Việt Nam, hình như ngày xưa người ta viết chữ đẹp hơn bây giờ. Không chỉ với chữ Hán, chữ Nôm mà ngay cả chữ Quốc ngữ hiện đại, ông bà ta thường luyện chữ cho con trẻ, xin chữ của người già và luôn trân trọng những người “hay chữ”.
Chữ viết ngày càng xấu đi! - Đó là một điều đáng báo động cho các thế hệ học trò ngày nay. Các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng điều này, khi mà ngành Giáo dục nước nhà đã không ít lần “cải cách mẫu chữ”, nơi nào cũng hô hào học sinh tham gia phong trào “vở sạch chữ đẹp”; thậm chí còn thay giáo khoa, thay cả phương pháp tập viết chính tả... nhưng kết quả thì chẳng chuyển biến là bao.
Một bạn văn đang làm nghề giáo cho tôi hay: Hiện ở Hà Nội đang rộ lên phong trào mở “lò” luyện... chữ đẹp (gần giống như luyện thi đại học). Mỗi học sinh muốn vào “lò”, phải nộp khoản tiền vài chục ngàn đồng mỗi ngày. Đảm bảo sau mười lăm ngày ngày, chữ đẹp như mẫu vẽ! Còn nếu thày cô giáo trẻ nào muốn mua tập tài liệu hướng dẫn luyện chữ đẹp, tự mở lò luyện chữ kiếm thêm, thì phải trả một khoảng tiền không nhỏ, vài triệu đồng!
Bút tích bản thảo ngày càng hiếm đi !
Nghề nghiệp của nhà văn thường gắn liền với cây bút và trang giấy. Mỗi người có một thói quen khác nhau, nhưng đều chung một điểm là phải viết, phải sử dụng nghệ thuật điều khiển, sắp xếp các con chữ sao cho có ý nghĩa hay nhất! Đó chính là các tác phẩm - đứa con tinh thần của họ.
Các nhà văn bậc tiền bối như Tản Đà, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan... chữ viết đều rất đẹp. Chữ của nhà thơ Hồ DZếnh viết bản thảo mà đều và đẹp ngỡ như kiểu chữ viết trên giấy khen. Ngược lại, một số nhà văn, nhà thơ khác viết chữ xấu và rất khó xem. Cố nhà thơ Xuân Quỳnh là một ví dụ như thế.
Nhà văn Nguyễn Phan Hách kể: Khoảng năm 1972, khi ông và Xuân Quỳnh đang làm biên tập biên của tuần báo Văn nghệ, một hôm họp cơ quan, họa sĩ Sĩ Ngọc vô tình phàn nàn về việc chữ viết của một số cán bộ, phóng viên là nhà văn mà quá xấu, ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Không ngờ, bị “chạm nọc” nên Xuân Quỳnh nổi cáu và phản ứng quyết liệt: “Chú nói thế là không đúng! Nếu là nhà văn, nhà thơ thì chất lượng tác phẩm của họ hay hoặc dở mới quyết định việc tòa soạn in bài hay không, chứ chữ viết đẹp hay xấu thì quan trọng gì!”.
Nói vậy, kể cũng phải! Nhưng một nhà văn có tài mà chữ viết cũng đẹp thì vẫn hay hơn là viết chữ xấu. Rất tiếc, hiện nay với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, nhiều nhà văn, đặc biệt là các nhà văn trẻ đã không còn bản thảo viết tay. Máy chữ và vi tính đã thay thế cho nét bút của họ. Những người có điều kiện trang bị tốt, thì khi đi công tác cũng mang theo chiếc máy vi tính xách tay. Viết xong bản thảo trên máy, họ chỉ cần “cóp” ra đĩa mềm, hoặc vào “bút nhớ” mang đến người biên tập. Thậm chí, chỉ cần một động tác nhấn chuột vi tính, là cả một tác phẩm dày hàng trăm trang giấy đã được chuyển qua email đến nơi cần gửi, chỉ sau vài giây...
Bởi thế, ngay với các tác giả đương đại - những người mà tác phẩm của họ hiện đang tràn ngập trên văn đàn, thì việc sưu tầm một trang bản thảo viết tay tác phẩm của họ cũng rất khó khăn. Thậm chí với một số người đó là điều... không thể!
Một cách tôn vinh cống hiến của tác giả
Các nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ “tiền bối” sau khi qua đời không chỉ để lại những tác phẩm của mình, mà còn để lại bản thảo bằng bút tích của chính họ. Với độ lùi của thời gian, những trang bản thảo viết tay đó càng trở nên vô giá...
Từ nhiều năm qua, nhờ nghiên cứu tư liệu và may mắn được tiếp xúc trực tiếp với nhiều văn nghệ sĩ, tôi đã trân trọng lưu giữ được một số bút tích quý hiếm: Bản nháp bài thơ “Thề non nước” nổi tiếng của nhà thơ Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu; bản thảo tuyệt bút “Tràng giang” của Huy Cận viết từ năm 1939; bản chép tay bài thơ bất hủ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên; bản chép tay bài “Tiếng thu” của chính tác giả Lưu Trọng Lư...
Hẳn nhiều bạn đọc cũng như tôi đều rất thú vị khi được biết nét bút của các bậc tài danh: từ Hoàng Ngọc Phách, Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... đến Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Hoàng Cầm... được viết như thế nào?
Năm 2005, khi cho xuất bản cuốn sách chân dung văn nghệ sĩ mang tên “Đa tài và Đa tình”; với sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nhà văn, nhà thơ, các anh chị và bạn bè đồng nghiệp; tôi đã trân trọng giới thiệu một số bút tích kèm ảnh chân dung của một số văn nghệ sĩ nổi tiếng, mà nhiều người trong số họ đã thuộc về thế giới của “Những người muôn năm cũ”.
Hiện công việc sưu tầm bút tích của các Văn nghệ sĩ và Trí thức nổi tiếng Việt Nam vẫn đang được thực hiện. Quý vị nào có hiện vật như thế, muốn được trưng bày và lưu giữ thật ý nghĩa, cho nhiều người cùng thưởng thức; xin hãy gửi về: Café Lục Bát Quán – 40/6 Võ Thị Sáu – Hà Nội; Điện thoại: 0913 210 520. Chúng tôi vô cùng biết ơn.
Nhà thơ ĐẶNG VƯƠNG HƯNG