Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vài ý kiến về câu tục ngữ "Học thày chẳng tày học bạn"

Nguyễn Huy Thông
Thứ năm ngày 7 tháng 6 năm 2012 9:18 PM

(Trao đổi với tác giả Lê Huy Thực)

Trên Tạp chí Nhà văn số 12-2011, trong bài “Nhân bàn về cách hiểu sai câu tục ngữ “Học thầy chẳng tày học bạn”, tác giả Lê Huy Thực (LHT) cho rằng giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân (NL), “người nghiên cứu, trước tác vào hàng tầm cỡ của nước ta nhưng lại tỏ ra hiểu không đúng câu tục ngữ rất quen thuộc và nổi tiếng này”. Tác giả phê phán giáo sư đã gán nghĩa không đúng cho câu tục ngữ đó, cụ thể là: Học thầy chẳng được bằng học bạn. Tiếp đó, LHT còn chụp mũ cho giáo sư là: “Giải thích và đi đến cách hiểu câu tục ngữ đã dẫn như thế là sai, tỏ ra vô tình hoặc có ý thức hạ thấp vai trò, công sức quan trọng của người thầy, ngược lại, khẳng định, đánh giá quá cao đến cực đoan tác dụng của sự học hỏi từ bạn bè”.
Vẫn cái mạch phê phán đó, tác giả chê trách cách hiểu “không chính xác”, “lập luận khiên cưỡng” của Hoàng Thái Sơn (HTS), trên Tạp chí Nhật Lệ  số 160, 7-2008 về câu triết luận này, tương tự như cách hiểu của giáo sư Nguyễn Lân. Theo Thái Sơn chữ “tày” ở  đây được dùng với nghĩa là “bằng”.
Tiếp đó, LHT vội vàng kết luận: “Có những cách hiểu sai lầm đến mức đáng tiếc trong giới nghiên cứu, giảng dạy về câu tục ngữ nói trên, chung quy chỉ là vì chưa thấy hết ý nghĩa một chữ “tày” trong vốn từ của dân tộc ta”.
Cơ sở lập luận của LHT là ông chỉ căn cứ vào nghĩa “có thể sánh được”- một trong mấy nghĩa của từ “tày”, nêu trong cuốn “Đại từ điển tiếng Việt”, do GS, TS Nguyễn Như Ý (NNY) chủ biên, NXB Văn hóa-thông tin, 1-1999 để hiểu câu tục ngữ nói trên là: Học thầy chẳng (không) có thể sánh với học bạn.
Có thể nói thẳng là LHT trích dẫn chưa chính xác định nghĩa chữ “tày” nói trên. Trong cuốn “Đại từ điển tiếng Việt” đó, ở trang 1499, NNY đã nêu 2 nghĩa của từ “tày” là:
1- Không nhọn
2- Bằng, có thể sánh được (Dòng này viết liền, chứ không tách rời thành nghĩa 2, nghĩa 3 riêng biệt như LHT dẫn-NHT nhấn mạnh)
Ở nghĩa thứ nhất, NNY nêu ví dụ: gậy tày. Ở nghĩa thứ 2, NNY nêu ví dụ câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” rồi tiếp ngay đến câu ca dao “Ước gì sông rộng tày gang/Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”. NVY không viết cụ thể ví dụ nào minh họa cho nghĩa nào như LHT gán ghép. Vậy mà trong bài viết của mình, LHT đã cố ý cắt rời dòng thứ 2 về nghĩa của từ “tày” ra làm 2 nghĩa riêng là “Bằng” (gán ghép câu ca dao “Ước gì sông rộng tày gang/Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi” để làm ví dụ cho ý nghĩa này) và “Có thể so sánh được” (gán ghép câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” để làm ví dụ cho ý nghĩa đó).
Rõ ràng là LHT đã trích dẫn không đúng, không trung thực với nguyên văn của NVY, nhằm phục vụ cho ý đồ chủ quan của ông, cốt để khẳng định câu tục ngữ nêu trên có nghĩa là:Học thầy chẳng (không) có thể so sánh với học bạn.
Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải tìm ra cho được nghĩa đích thực của câu tục ngữ quen thuộc đó, ai hiểu đúng, ai hiểu sai? Trái với ý kiến của LHT tập trung phê phán GS, NGND Nguyễn Lân và tác giả Hoàng Thái Sơn hiểu sai (ngầm ý của LHT là chỉ có ông mới hiểu đúng), chúng tôi cho rằng chính LHT mới là người hiểu sai, còn NL, HTS và đông đảo quần chúng nhân dân là những người hiểu chính xác ý nghĩa của câu tục ngữ ấy.
Từ lâu rồi, người Việt Nam ta vẫn hiểu từ “tày” trong câu tục ngữ trên có nghĩa là “bằng”. GS, NGND Nguyễn Lân hiểu từ “tày” nghĩa là “được bằng” và tác giả Hoàng Thái Sơn hiểu là “bằng”, ngay cả trong cuốn Đại từ điển tiếng Việt, từ “tày” cũng có nghĩa là “bằng”. Như vậy là cả 2 tác giả đã hiểu đúng nghĩa của từ “tày” giống như cách hiểu từ bao đời nay của nhân dân ta là “Học thầy chẳng bằng học bạn”. Nói như thế không có nghĩa là ông cha ta đánh giá thấp vai trò to lớn của người thầy trong sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Bằng chứng là bên cạnh câu tục ngữ đó, còn có các câu thành ngữ như: “Không thày đố mày làm nên”, “nhất tự vi sư” (dạy một chữ cũng gọi là thầy), “bán tự vi sư” (dạy nửa chữ cũng gọi là thầy). Truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” đó ngày nay vẫn đang được toàn dân ta kế thừa và phát huy. Câu tục ngữ nói trên nhằm mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng không thể thiếu được của việc học bạn. Thực tế là học thầy và học bạn là 2 phương thức học tập khác nhau, bổ sung cho nhau, đã đem lại những hiệu quả thiết thực, to lớn nên luôn được nhân dân ta quan tâm. LHT đã hiểu sai ý nghĩa của việc học bạn nêu trong câu tục ngữ ấy.
Cuối cùng, chúng tôi muốn nói tới thái độ phê bình của LHT. Ngay từ đầu bài viết, mặc dù chưa có chứng cứ, cơ sở lập luận gì chắc chắn, nhưng ông đã vội vàng phê phán nặng nề cách hiểu của 2 tác giả khác với cách hiểu của ông về câu tục ngữ nói trên. Chúng tôi nghĩ rằng ngay cả những bậc thông thái và những nhà văn hóa lớn cũng có thể mắc những nhầm sai cần được trao đổi góp ý. Đó là việc bình thường trong đời sống văn hóa, văn nghệ của xã hội. Nhưng điều đáng nói là thái độ phê bình, văn hóa phê bình phải như thế nào để thuyết phục được người bị phê bình và công chúng độc giả. Cần phải có thái độ xây dựng, chân tình, khiêm tốn và phục thiện, nhằm tìm ra chân lý, sự thật. LHT đã không làm được điều đó đối với hai tác giả mà ông chỉ trích, nhất là đối với học giả Nguyễn Lân (1906-2003) “vừa là nhà giáo mẫu mực vừa là nhà khoa học uyên thâm” (Nguyễn Thị Bình)(1), đã khiến “tôi luôn luôn kính phục sự uyên bác của ông” (GS Vũ Khiêu)(2).
Trong bài viết, LHT còn trịch thượng phê phán ý kiến của GS Trần Quốc Vượng về vấn đề già trẻ học tập lẫn nhau là “mang tính chủ quan”, “đề xuất riêng của ông xem ra có phần chưa ổn, thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu, do vậy không thuyết phục được người đọc về mặt khoa học”. Vì khuôn khổ có  hạn của bài viết, nên chúng tôi chưa trao đổi với LHT về ý kiến này.
Chúng tôi mong tác giả LHT sẽ rút ra được những kinh nghiệm cho mình về sự khiêm tốn, cẩn trọng trên con đường nghiên cứu và học tập.
Hà Nội, 25-4-2012
N.H.T

___________________
(1) “Vinh quang nghề thầy” (Hồi ký), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004, trang 45.
(2) GS Vũ Khiêu: Lời giới thiệu cuốn “Từ điển từ và nghĩa Việt Nam” của GS Nguyễn Lân, NXB TP Hồ Chí Minh, 2000, trang 9