Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nên có một con đường Phạm Tiến Duật!

Nguyễn Văn Thọ
Thứ bẩy ngày 9 tháng 6 năm 2012 7:45 AM

Từ nước Đức xa xôi, tôi đọc báo Văn Nghệ Công An có bài “Sự gắn bó máu thịt giữa nhà văn với đất nước“ của tác gỉa Hồng Thái, nhân dịp cố thi sĩ Phạm Tiến Duật được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi rất xúc động. Ngồi trong đêm tôi nhớ tới khuôn mặt trầm tư của Phạm Tiến Duật ở buổi ban đầu gặp anh. Tôi không cầm lòng đặt bút kể một mầu chuyện nhỏ giữa chúng tôi âu cũng góp thêm nét về con Người Thơ này với vài suy nghĩ của cá nhân.
Tôi gặp Phạm Tiến Duật lần đầu tiên tại nhà riêng, trên gian nhà tuyềnh toàng ở khu tập thể của vợ chồng anh vào đầu năm 1985. Cuộc gặp này, được thiết kế qua bạn chiến hào là anh  của Nguyễn Mạnh, người mà năm nào P.T. Duật  yêu thương, cảm động làm thơ tặng "Cậu em ở  xí nghiệp nhạc cụ Hà Nội, hay mang mùn cưa về cho anh Duật nấu bếp“ thời bao cấp...Nay Nguyễn Mạnh sống ở Muenchen...
Kỉ niệm này chôn sâu trong tôi, bởi vì đấy là lúc tôi lần đầu tiên tập viết truyện ngắn, mang tới anh bản thảo đầu tay "Rồi chúng con trở lại quê  hương" mà trước đó thực ra tôi không cần anh bảo lãnh, vì bản thảo ấy đã được thi sĩ Đỗ Bạch Mai đọc, do chị ở ban bạn đọc, sau đó đưa ngay cho Bế Kiến Quốc thẩm và kế đó là Trưởng ban văn xuôi Ngô Ngọc Bội duyệt, các anh đã đưa vào kế hoạch in...Tôi nghe lời bạn chiến hào, đưa bản thảo tới, để nghe ý kiến của  một nhà thơ, một người tôi rất yêu, từng đọc thơ anh suốt từ 1969...ngân nga dọc đường chinh chiến, sưởi ấm tôi và bè bạn trong rừng.
Nhưng bữa đó, vừa bước vào tôi đã thấy một vị khách của anh Duật ngồi sẵn và thấy sắc mặt anh Duật không vui. Hoá ra đó là một người làm thơ  tới  đang nhờ anh việc gì đó...Tôi không rõ họ có vấn đề gì với nhau, mà sau khi anh ta bước ra về, anh Duật vẫn giữ vẻ không vui, lạnh lùng đón bản thảo truyện ngắn của tôi từ tay người bạn của hai người.
Anh Duật lật lật mấy trang viết tay chi chít, ngước đôi mắt to, hơi có tí men, quan sát rất nhanh khuôn mặt có vẻ chả lương thiện hiền lành gì của tôi, khuôn mặt tự tôi biết, phong trần 11 năm chiến cuộc, 1 năm thất nghiệp làm đủ việc để tồn tại... Xong, Duật buông thõng một câu:
-Cậu muốn trở thành nhà văn hả? Muốn làm văn trước phải học đạo làm người đã ...
Hãy thứ lỗi cho tôi, nếu giờ đây anh Duật có đội mồ đứng dậy, chắc anh không trách. Tôi cảm giác như có roi quất vào mặt, tôi đã đứng phắt lên. Nhanh như chớp, tôi gịật phắt bản thảo trở lại. Tôi đứng dậy nói một thôi, không còn nể gì, cả anh bạn nối khổ ở chiến hào đã tận tình đưa tôi đến diện  kiến thi sĩ - Người thơ Phạm Tiến Duật mà tôi bao nhiêu năm nương tựa ở trong rừng:
-Thưa anh. Em thật hoàn toàn thất vọng. Em tới đây nhờ anh đọc  truyện ngắn đầu tay này, bởi vì em không một ngày học văn, nợ đời mà viết, nhân vì thấy bây giờ vẫn nhìn chiến tranh như toàn nói dối. Em đã nộp bản thảo này và anh Ngô Ngọc Bội đã bảo anh Quốc biên tập, để in số sau. Em tin bạn em, Tỉnh là lính cùng đơn vị, cũng là chỗ thân với anh. Chúng em muốn nhờ anh đọc, mà chỉ cho em sự non bấy nếu có ở câu chuyện này, khi cấu thành một tác phẩm văn học. Chứ em không có ý định nhờ anh dùng uy tín và tựa vào quyền lực của anh để in. Việc dạy em về văn là cần, rất cần, em mong, song dạy làm Người thì thưa không cần. Em đã có, trước là cha mẹ tức cậu mợ em, sau là những người lính và cả những bài thơ trong đó có thơ anh. Bây giờ em đã là Người, không cần anh phải nói câu nói đó. Xin lỗi anh, em không cần anh đọc bản thảo này nữa, bởi vì anh chưa hiểu hết lẽ sống của chính những người đã được anh ca ngợi...
Tất cả sững sờ, tôi run bắn, cả bàn tay cầm bản thảo cũng run rảy.
Chỉ xíu nữa tôi đã giáng cho Duật một cú đấm, nếu tôi không lập tức tự biết là lỗi ở mình; tôi đã tới chân thành, như có “ba bát da sành, có rá cơm nguội," mà không bày ra cửa số tròn .(1) Tôi tới đúng khi anh đang tức giận ai chăng?...  Song khi đó tôi vẫn giận anh vô cùng. Bởi ở cả cuộc binh lửa, chưa một ai dám nói, xúc phạm như thế với tôi. Kể cả các vị tướng hay cán bộ tiểu, trung, sư đoàn.
Nói xong, tôi gật đầu "Em  chào anh" và, quay  phắt ngay ra cửa: "Tỉnh, về thôi mày!" Nguyễn Tỉnh, bạn thân của tôi rất hiền, ngơ ngác, vì không ngờ tình huống xấu như vậy...
Nhưng lập tức anh Duật tỉnh phắt. Anh đứng lên chặn tôi.
Nhẹ nhàng dìu tôi xuống ghế. Em ngồi đây...uống nước đã. Để đây anh xem. Nói xong anh Duật cầm, gỡ lấy bản thảo truyện ngắn từ tay tôi...
Tôi ngồi xuống với bạn Tỉnh của tôi và chỉ muốn oà khóc.
Khi ấy Tỉnh  lại cười cười  nói: "Anh Duật ạ, thằng bạn em nó nóng lắm, xin anh hiểu."
Duật im lặng, tráng chén, ấm pha  trà mới.
Mười lăm phút sau, đó là các câu hỏi, với câu trả lời nhát gừng, lạnh tanh của tôi: Tôi đã viết từ năm nào, lí do tôi viết lại hôm nay, tôi là con cái nhà ai....!
Câu chuyện tẻ, nhạt hoét.
Duật ngồi trầm tư mấy phút. Tôi cáo anh xin về.
Tôi đi về, mang theo nỗi buồn, suốt đêm trằn trọc. Tôi không biết rằng, ngay đêm ấy anh Duật đã đọc, biên tập rất cẩn thận và viết tay các dòng nhận xét rất chân thật, sòng phẳng, nhưng đầy tình ưu ái “một người đồng đội cũ, người em bắt đầu bước vào con đường đầy khó khăn và chông gai“ Mãi về sau thân rồi anh mới nói lại. Sau mấy dòng nhận xét xéo trên trang giấy anh kí rất trân trọng. Ghi rõ Phạm Tiến Duật.
Mãi tới ba hôm sau, Bế Kiến Quốc mới gọi điện và cho tôi xem bản thẩm định ấy rồi nói: "May quá, tôi không cắt ông nhé...Ông may mắn lắm đấy, gặp Mai rồi lại gặp bậc thầy biên tập thơ và văn xuôi ở báo này"
Tôi ngồi ở phòng ban văn xuôi Tuần Báo Văn Nghệ , đọc rất kĩ lại bản thảo mà anh Duật chữa từng dấu phẩy, từng lỗi chính tả, cả câu tôi tả năm 1972  tôi quàn xác bạn tôi trong rừng, “những thanh lồ ô chẻ đôi, úp ken sát nhau thay áo quan, tôi gói anh trong cái tấm nilon bom bi xiên thủng mấy lỗ“ ra sao. Và, tôi khóc.
Truyện ngắn đầu tay ấy mang dấu ấn của ba người ân tình suốt cả đời văn của tôi sau này, tới khi hôm nay tôi có thể tự hào nói, tôi là một cây bút truyện ngắn khá vững vàng là khởi từ nguồn ấy, để mãi mãi tới từng bước anh và nhiều bè bạn trước tôi dìu dắt, cổ võ, mà Phạm Tiến Duật luôn luôn mắng yêu, thúc giục tôi cầm bút, mỗi khi gặp nhau trong  gần 10 năm tôi xa bỏ văn chương…Em phải viết… đừng bỏ em ạ! Tôi cũng là người biết rõ  mọi đau khổ của Duật trong sinh hoạt, trong tình ái, trong  nhiều hệ luỵ, cái mà người nghệ sĩ đích thực, lớn lao bao nhiêu,nổi tiếng bao nhiêu, sau trước  vẫn là một con người,  con người ta bị cuốn vào cơn lốc của những hoàn cảnh bất khả năng tự vệ, thì sao không thể bao  bọc, thương cảm , muốn chia sẻ không trách cứ bới lông tìm vết.
Phạm Tiến Duật là Một con đường. Một đại lộ lớn ở Thi ca cách mạng những năm chống Mỹ...Như trời định, những năm tháng ác liệt gian nan ấy, ngoài chiến trường, cụ thể là tuyến đường vận chuyển Hồ Chí Minh có anh, trong miền quê đồng bằng Bắc Bộ ở hậu phương có thi sĩ nhí, thần đồng Trần Đăng Khoa; họ như cặp bài trùng của nhân dân, dân tộc gieo những vần thơ làm thành khối kết gắn liên hoàn, tạo nên sức mạnh tinh thần lớn lao cho cả hậu phương và tiền tuyến, kểt thành một sức mạnh thống nhất, to lớn mà làm nên chiến thắng cuối cùng của toàn dân tộc.
Chính thơ anh chứ không ai khác, ở nơi đầu sóng ngọn gió, nơi bom đạn ác liệt rình dập từng giây, từng phút, dễ dàng cướp đi mạng sống của người lính, thơ Phạm Tiến Duật khi bừng cháy như ngọn đuốc, khi lại êm chảy như dòng nước mát, an ủi mọi tâm hồn người lính, hun đúc thêm ý chí, lòng dũng cảm, tình đồng đội...giúp tụi tôi sống và đấu để tới ngày thống nhất đất nước, trung thành với quyền lợi của nhân dân, của dân tộc, đất nước Việt Nam yêu dấu...
Phạm Tiến Duật xứng đáng được tưởng thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh, cũng như sự vinh danh những người đã cùng anh trên các nẻo đường Trường Sơn năm ấy, trong đó có cả chúng tôi, những người lính Trường Sơn năm xưa.
Với cá nhân tôi, từ các bài thơ đọc ở tạp chí Văn nghệ quân đội của anh, tới buổi sơ ngộ đầu tiên nói trên, cho tận tới khi thương khóc anh khi anh vào cõi thiên thu, Phạm Tiến Duật mãi mãi là người anh, một con người đầy thương cảm, rất trân trọng bởi sâu nặng. Nay ở Đức nghe tin anh được giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh  của Nhà nước và nhân dân trao tặng, tôi vô cùng mừng, âm thầm xúc động và nhớ lại bao nhiêu...Dầu muộn màng, dẫu chả mang lại điều cần thực ở danh vọng và miếng cơm manh áo cho một con người đã lìa xa cõi đời ngổn ngang cõi trầm luân, tôi vẫn vui vì Danh dự là điều đáng quý nhất của Một  con người phương Đông đã cống hiến tài năng và sức lực cho cách mạng, cho lứa em trên văn đàn như chúng tôi. Danh dự thật cần gìn giữ và tôn trọng...
Phạm thi sĩ đã được thêm một lần vinh danh sau Huân chương Lao động hạng Ba ngày anh mất. Tôi cứ tự hỏi ở thành phố nào đó từng gắn bó với Trường Sơn, sao chưa có một đường phố mang tên anh? Quảng Bình, Vinh hay Hà Nội, nơi anh ra đi ra chiến trương từ trường Đại học Sư phạm? Phạm Tiến Duật, nên có một con đường!
Nước Đức tháng 5 -21012
 
Chú thích: Một quẻ ở Kinh dịch bàn, nói về phép ứng xử ở đạo trên  dưới.