Trong khuôn khổ hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Sứ quán Hoa kỳ trong lĩnh vực văn học, từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 6, đoàn nhà văn của Trung tâm viết văn Quốc tế thuộc trường ĐH Iowa sẽ sang thăm và làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam.
Trung tâm viết văn Quốc tế thuộc trường ĐH Iowa là nơi mà hàng năm các nhà văn thế giới gặp nhau trong thời gian 3 tháng để sáng tác và trao đổi những kinh nghiệm viết văn. Trong những năm qua, nhiều nhà văn Việt nam đã tham dự chương trình này như các nhà văn, nhà thơ : Hữu Việt, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Châu Giang, Phan Triều Hải, Phan Hồn Nhiên ….
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, đoàn nhà văn Hoa Kỳ sẽ làm việc với Lãnh đạo Hội Nhà văn để bàn về việc hợp tác trong thời gian tới, tập trung vào việc dịch thuật và gửi các nhà văn Việt Nam tham dự chương trình viết văn quốc tế. Đồng thời, các nhà văn Hoa Kỳ sẽ có các buổi thuyết trình và trao đổi với các nhà văn Việt Nam về những vấn đề như : Những vấn đề của thơ ca đương đại Mỹ, phê bình văn học Mỹ, lịch sử và trí tưởng tượng của nhà văn và vấn đề bản quyền.
Các buổi thuyết trình và tọa đàm sẽ được tổ chức tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 – Nguyễn Đình Chiểu và Viện Văn học, số 20 – Lý Thái Tổ, Hà Nội.
Ngoài ra, ngày 4 tháng 5 tại ĐH Văn hóa Hà Nội, đoàn nhà văn Mỹ sẽ tọa đàm với các giảng viên và sinh viên Khoa Viết văn - Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội về những vấn đề dạy và viết văn.
Ban tổ chức xin kính mời các nhà văn tới dự các buổi thuyết trình và trao đổi với các nhà văn Hoa Kỳ.
Chương trình hoạt động của đoàn nhà văn Hoa Kỳ
Ngày 5 tháng 6 :
Buổi sáng : 8h30 : làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam.
9h30 : Tọa đàm về những vấn đề của thơ ca đương đại Mỹ
Buổi chiều : 14h00 : các nhà văn Mỹ đọc tác phẩm
Ngày 6 tháng 6 :
Sáng : 9h00 : Các nhà văn Mỹ thuyết trình chủ đề : Lịch sử và Trí tưởng tượng
Chiều : Tọa đàm với các nhà văn Việt Nam về dịch văn học và bản quyền.
Ngày 7 tháng 6 :
Sáng : 9h00, tọa đàm về những vấn đề của phê bình trong văn học đương đại Mỹ. Buổi tọa đàm này sẽ diễn ra tại Viện Văn học, 20 – Lý Thái Tổ, Hà Nội
Tiểu sử sơ lược các nhà văn thuộc Trung tâm viết văn quốc tế,
ĐH Iowa, Hoa Kỳ
Jon Davis là tác giả của 3 cuốn sách bỏ túi và 3 tuyển tập thơ, Preliminary Report (Nhà xuất bản Copper Canyon, 2010), Scrimmage of Appetite (Nhà xuất bản Đại học Akron, 1995) - tác phẩm từng nhận giải thưởng cao quý Lannan Literary Award về thơ, và Dangerous Amusements (Nhà xuất bản Ontario Review, 1987) – tác phẩm đọat giải G.E. cho các nhà văn trẻ và giải Peter I.B. Lavan Younger Poets Prize của Viện Hàn lâm Thi ca Mỹ. Ông cũng từng nhận 2 học bổng Nghệ thuật Quốc gia, Học bổng Nghiên cứu sinh Lannan, và học bổng Nghiên cứu sinh tại Trung tâm Mỹ Thuật ở Provincetown. Hiện ông đang là Chủ tịch của Cục Sáng tác Văn học thuộc Viện Nghệ thuật Thổ dân Da đỏ, nơi ông cũng tham gia công tác giảng dạy từ năm 1990. Thi thoảng ông biểu diễn như nhà thơ vô gia cư Chuck Calabreze.
Jane Mead là tác giả của 3 tuyển tập thơ, The Usable Field (Alice James, 2008) House of Poured-Out Waters (Illinois, 2001) và The Lord and the General Din of the World (Sarabande, 1996). Các bài thơ của bà xuất hiện thường xuyên trên các ấn phẩm văn học và các hợp tuyển thơ ca ở Hoa Kỳ. Từng nhận nhiều học bổng nghiên cứu sinh Guggenheim Fellowship, một hỏng bổng toàn phần của tổ chức Lannan Foundation, và giải thưởng Whiting Writer’s Award, và tham gia trong chương trình Nhà thơ Thường trú (Poet-in-Residence) trong nhiều năm tại Đại học Wake Forest thuộc tiểu bang North Carolina. Hiện bà đang giảng dạy trong chương trình Low Residency MFA tại Đại học Drew, và quản lý vườn nho của ông mình tại Thung lũng Napa, tiểu bang California. Bà còn là đồng sở hữu của Nhà sách Prairie Lights ở thành phố Iowa, tiểu bang Iowa.
Amy Quan Barry sinh ra tại Sài Gòn và lớn lên tại một bờ biển phía bắc của thành phố Boston. Quan Barry là Giáo sư Anh ngữ tại Đại học Wisconsin-Madison, nơi gần đây bà nhận thêm trọng trách giám đốc của Chương trình MFA về Sáng tác Văn học. Là tác giả của 3 cuốn sách do Nhà xuất bản Đại học Pittsburgh (Asylum, Controvertibles, and Water Puppets), các tác phẩm của bà cũng thường được giới thiệu trong nhiều tạp chí như Georgia Review, Kenyon Review, Ms., và New Yorker. Bà từng nhận học bổng NEA Fellowship, Pushcart Prize, và Wallace Stegner Fellowship tại Đại học Stanford. Tác phẩm đầu tay của bà, vở kịch The Mytilenian Debate từng lọt vào vòng chung kết năm 2011 trong cả Hội thảo Quốc gia Eugene O’Neill và Tuần lễ Kịch bản của Trung tâm Phát triển Lark Play. Hiện tại bà đang viết một cuốn tiểu thuyết.
Eleni Sikelianos là tác giả của sáu tập thơ, gần đây nhất là tập Body Clock (Đồng hồ sinh học) và The California Poem (Thơ California), cũng là tác giả của cuốn hồi ký thơ, The Book of Jon (Cuốn sách của Jon). Bản dịch tác phẩm Exchanges on Light (Đối thoại về ánh sáng) của Jacques Roubaud do cô thực hiện được xuất bản năm 2009. Cô đã nhận được nhiều giải thưởng từ NEA (Hiệp hội Giáo dục Quốc gia), Fulbright Fellowships (Hội Fullbright), The National Poetry Series (Chương trình Tuyển chọn Thơ Quốc gia), New York Foundation for the Arts (Hiệp hội Nghệ thuật New York), Princeton University’s Stegner Fellowship (Hội Stegner của Đại học Princeton), và the Gertrude Stein Awards for Innovative American Writing (Giải thưởng Gertrude Stein dành cho các tác phẩm sáng tạo của người Mỹ) và các tổ chức khác. Cô còn cộng tác với các nhạc sỹ, nghệ họa hình và các nhà làm phim. Tác phẩm của cô đã được dịch ra hơn chục thứ tiếng. Hiện tại, Sikelianos đang dạy học tại Chương trình Viết văn Mùa hè Naropa cũng như Chương trình Viết sáng tạo tại Đại học Denver, cũng chương trình mà cô làm người dẫn dắt.
Christopher Merrill là tác giả của bốn tập thơ : Brilliant Water (Nước Trong), Workbook (Cuốn vở), Fevers & Tides (Cơn sốt và thủy triều), và Watch Fire (Cháy!), với những tập thơ này, ông đã nhận được Giải thưởng Nhà thơ trẻ I. B. Lavan của Viện Thi nhân Mỹ; bản dịch các tác phẩm thơ của tác giả Ales Debeljak Anxious Moments (Giây phút Lo âu) và The City and the Child (Thành phố và Trẻ thơ); và nhiều cuốn sách được ông biên tập như: The Forgotten Language: Contemporary Poets and Nature (Ngôn ngữ bị lãng quên: Nhà thơ đương thời và thiên nhiên) và From the Faraway Nearby: Georgia O’Keeffe as Icon (Từ tận kế bên: biểu tượng Georgia O’Keeffe); và năm cuốn sách đời thực, The Tree of the Doves: Ceremony, Expedition, War, Things of the Hidden God: Journey to the Holy Mountain (Cây Bồ câu: Lễ nghi, Tuần hành, Chiến tranh, Những việc của vị Chúa bí ẩn), The Grass of Another Country: A Journey Through the World of Soccer (Sân cỏ của nước khác: Một cuộc hành trình xuyên qua thế giới bóng đá), The Old Bridge: The Third Balkan War and the Age of the Refugee (Cây cầu cũ: Cuộc chiến tranh Balkan lần thứ ba và thời đại của người tị nạn), và Only the Nails Remain: Scenes from the Balkan Wars (Chỉ còn lại những chiếc đinh: Quang cảnh từ các cuộc chiến tranh Balkan). Tác phẩm của ông đã được dịch sang 25 thứ tiếng. Ông đã nhận được danh hiệu Giáo sư danh dự William H. Jenks về Văn học Đương đại tại Đại học Holly Cross, và hiện đang chỉ đạo Chương trình Viết văn thơ Quốc tế tại Đại học Iowa.
Ngoài ra, cùng đi với đoàn nhà văn còn có bà Kelly Bedeian, Điều phối Chương trình viết văn quốc tế Iowa.