Trang chủ » Tin văn và...

Bùi Quý Thực với trường ca “Âm vang những dấu chân”

Hoài Khánh
Thứ ba ngày 29 tháng 5 năm 2012 6:14 AM

Sau 2 năm lặng lẽ miệt mài sáng tác, nhà thơ Bùi Quý Thực được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho ra mắt bạn đọc trường ca “Âm vang những dấu chân”. Bằng góc nhìn sắc sảo và giàu cảm xúc, tác giả đã thể hiện sinh động một câu chuyện dài xâu chuỗi những thăng trầm lịch sử qua các cuộc kháng chiến cho đến thời kì đổi mới và hội nhập hiện nay.
Đọc trường ca “Âm vang những dấu chân” của Bùi Quý Thực, sẽ dễ dàng nhận thấy tác giả thể hiện cách cảm, cách nghĩ qua những dòng thơ chân thực như những diễn biến của lịch sử và sự đổi thay của thời đại mới. Bùi Quý Thực có thế mạnh về thơ lục bát hoặc thơ ngũ ngôn. Anh khéo đan xen những đoạn thơ cách luật để tạo nên sự chuyển đổi nhịp nhàng của những cung bậc cảm xúc và chuyển tải được những tâm sự thầm kín, sâu thẳm của mình. “Âm vang những dấu chân” không chỉ là tiêu đề của trường ca mà tự thân mỗi câu thơ cũng để lại dư âm trong lòng người đọc với những cảm xúc tươi đẹp và trong sáng. “Ngôi sao ước vọng con nhìn/Mọc trên bầu trời biến động/...Đất nước bài ca phía trước/Tưng bừng như trống ngày thắng trận/Âm hưởng hồn cốt cha anh/Ánh sáng dịu ngọt hồn con/Cha cúi xuống nhặt lá vàng rơi rụng/Của cuộc đời cứ ngỡ chiêm bao”. Lần theo từ chương 1 “Hoài niệm đen” cho đến chương 9 “Đồng vọng 3”, sẽ thấy tác giả không để lộ cấu trúc tâm trạng để dựng lên một chuỗi những câu chuyện trữ tình, mà chủ yếu làm nổi bật yếu tố tự sự với mạch cảm xúc cá nhân mạnh mẽ. “Thiên tai đói nghèo đồng trắng mắt sâu/Ranh giới quặn thắt tham vọng ngoại xâm/Nhìn bóng đêm lăn tăn vỡ/Áp chế một ngàn năm Hán ngữ...” (Hoài niệm đen). Dường như khi viết trường ca này, Bùi Quý Thực cứ điềm tĩnh lấy chính cảm xúc đang trào dâng trong tâm thức để lập nên ý tưởng và khát khao bày tỏ một cách chân thành, Vì thế tác phẩm có mọt không khí sôi nổi, một nhịp điệu khẩn trương, một sự hào hứng đầy mãnh liệt: “Ông bà cuộc đời nghĩa cử/Ân tình chảy ngược trôi xuôi/Mênh mông con sóng chiều bến nước/Rặng tre già ngả lòng rộng mở/Cánh đồng trước mặt no ấm chắt chiu..” (Đồng vọng 1). Chương "Vỡ giọng" hiện lên hình tượng Tổ quốc trong kháng chiến thật vĩ đại, với những hình ảnh hào hùng, khắc ghi bao kỉ niệm cao đẹp.
Suốt 9 chương với ngót 1000 câu thơ của trường ca “Âm vang những dấu chân”, một hành trình dài trong thế giới nội tâm của tác giả được biểu hiện rõ nét. Những “Ám ảnh hậu chiến”, “Cắn xé mặc cảm” là những vấn đề nhân sinh không chỉ ám ảnh Bùi Quý Thực mà còn là ám ảnh người đọc trước những hậu quả cả về thể xác lẫn tâm hồn do chiến tranh để lại “Máu xương sống dưới ngọn cờ/Buổi chiều tím tái mẹ chờ héo hon/Tinh thần day dứt nước non/Ánh trăng khuyết nửa nụ hôn đầu đời/Chiến tranh không phải cuộc chơi/Tỉnh ra vỡ lẽ tình rơi ngọt ngào/Vay ngu ngơ trả tầm phào/Tìm tư thế để đứng vào ấm êm”... (Ám ảnh hậu chiến).
Trường ca là loại thể thơ không dễ viết. Nó đòi hỏi sức sáng tạo vượt bậc và sự trải nghiệm mạnh mẽ, sự lao động nghệ thuật công phu của mỗi đời thơ. Không phải nhà thơ nào cũng dám đặt vủ viết trường ca. Đến với loại thể này là một đòi hỏi và thách thức lớn của Bùi Quý Thực. Bên cạnh vốn trải nghiệm, tri thức và nhân văn; người viết trường ca cần phải có năng lực sáng tạo hình thức trong ngôn ngữ thật sung mãn và phải luôn luôn nuôi được cảm hứng, cảm xúc. Vẫn biết trường ca “Âm vang những dấu chân” là một sự dấn thân có phần quá sức, một thể nghiệm mới trên con đường nghệ thuật của Bùi Quý Thực, song chắc chắn anh đã có sự chuẩn bị khá kĩ càng cho hành trang sáng tạo, Có lẽ từ tình yêu, cảm xúc chân thật và tiềm ẩn bao năm nay, Bùi Quý Thực mới dám đến với thể loại trường ca. Phần lớn những câu thơ ở đây là thơ tự do, được viết ra khá tự nhiên, có chỗ còn mọc mạc, nhưng lại tạo rõ nét riêng cho thơ anh: Chất lượng mở mắt / Cõi phật từ bi / Đi về quanh quẩn / Tâm hồn thiên di / Nhấn chìm than thở / Mắc kẹt đồng tiền / Lòng tham quá cỡ / Nước mắt hậu trường  (Mở vỉa). Phần đầu chương "Đồng vọng 2", anh cũng có nhiều câu thơ lục bát đằm sâu suy tưởng. Chương "Không thể tự nhiên" đề cập tới những điều trăn trở hôm nay với mạch thơ chân thành, dứt khoát, có khi hơi duy lí: "Ta với em cũng tự nhiên thôi mà / Áp lực cuộc sống chèn ép cá thể / Làm chết dòng sông dệu dã bầu khí quyển / Vùi vấn đề bằng bạo hành môi đen ham hố / Đay nghiến thể xác những xâm hại tự nhiên / Triết học quay cuồng định hướng / Khắt khe điều tiết quy chế làm giàu".
Bùi Quý Thực ham say thơ từ khi còn là sinh viên. Trong số hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng bây giờ, anh thuộc số những tác giả sáng tác khỏe và công bố tác phẩm đều đặn. Từ tập thơ đầu tay “Ngõ xuân” (2003), cứ 2 năm anh lại có 1 tập thơ được xuất bản, như “Tiếng đàn mưa” (2005), “Chân trời cỏ may” (2007), “Sóng phù du” (2009) rồi đến trường ca “Âm vang những dấu chân” (2011).. Viết trường ca nhằm giãi bày nội tâm, Bùi Quý Thực lấy chính mình làm chủ thể phản ánh, để từ đó cho những rung cảm của tâm hồn tác động vào thế giới mà không đâu xa, đó là miền vô thức của mình. Anh lại thêm một lần ngoạn mục khẳng định nét độc đáo của thơ mình trông sự phát triển đa dạng và vạm vỡ của thơ Hải Phòng hiện nay.
HOÀI KHÁNH